5. Cấu trúc luận văn
1.1.2. Diễn tiến biểu hiện cảm thức thời gian trong sáng tác thơ trung đại
Thời gian có những ý nghĩa, chức năng nhất định trong việc thực hiện vai trò nghệ thuật của mình. Thời gian nghệ thuật thống nhất nhưng không đồng nhất với thời gian vật lí. Bản thân thời gian vật lí tồn tại khách quan, nghĩa là sự tồn tại của nó không phụ thuộc vào ý thức của con người. Thời gian vật lí chỉ trở thành thời gian nghệ thuật khi được tác giả cảm nhận về nó và qua đó thể hiện cách cảm, cách nghĩ của nhà văn về thế giới, trình bày quan niệm nhân sinh, thể hiện thái độ sống trước cuộc đời... Thời gian thể hiện trong thế giới nghệ thuật mang tính chủ quan ở cách cảm nhận, miêu tả của tác giả. Ở đây, tác giả toàn quyền sử dụng, tái hiện thời gian theo nhu cầu và mục đích của riêng mình mà không gặp cản trở nào. Thời gian nghệ thuật là một hiện tượng ước lệ trong thế giới nghệ thuật; một phạm trù trừu tượng trong thế giới nghệ thuật, có thể nhận biết qua sự vận động, biến đổi của chuỗi các hiện tượng, sự kiện diễn ra qua “bộ lọc” lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ.
Nghiên cứu thế giới nghệ thuật trong văn học trung đại, Trần Đình Sử dẫn giải, thời gian trong văn học trung đại được nhìn nhận dưới hai khía cạnh cơ bản. Thời gian luôn gắn liền với cảm hứng lịch sử. Nhà nghiên cứu nhận định, thời gian thể hiện trong sáng tác thơ ca trung đại thường là những biểu hiện nghĩ suy về thời cuộc, về dân tộc, những triết lý về lẽ thịnh suy của thời đại. Tác giả chỉ ra, thời gian biểu hiện dưới hai bình diện đối lập: thời gian vũ trụ trôi chảy vĩnh hằng và thời gian đời người ngắn ngủi chóng vánh. Thời trung đại, thì tương lai là
phạm trù ít được quan tâm. Thời gian thường hóa vào không gian. Thời gian hướng con người chú ý về quá khứ vì nó trôi nhanh, bốn mùa đến rồi đi vẫn là bốn mùa ấy. Một mặt trăng trên trời có thể chiếu muôn nơi và mọi thời điểm cả quá khứ, cả tương lai, thống nhất mọi sự trong một thời gian bất biến, vũ trụ. Ví như trong thơ Thiền, thời gian là một loại “vô thời gian”, bất biến thường trụ vì nó không sinh, không diệt. Thời gian được hiểu như dòng chảy trôi xuôi, bất biến, không tự sinh và không tự mất.
Như đã biết, thơ ca trung đại buổi đầu là sáng tác của các nhà sư, về sau là các nhà Nho. Người xưa phụ thuộc vào thiên nhiên, bởi thiên nhiên là quy chuẩn của cái đẹp, nên họ dễ dàng đồng nhất hóa thế giới thiên nhiên với thế giới con người. Họ giải thích các hiện tượng mà họ thấy được bằng quy luật vận động của thế giới tự nhiên. Ví như, sự xuất hiện của sao chổi được xem là tín hiệu về xã hội loạn lạc hay nhật, nguyệt thực xuất hiện là dấu hiệu của vua chúa băng hà,... Thơ ca trung đại có xu hướng bất tử hóa thời gian lịch sử gắn với những chiến công hiển hách trong công cuộc chống ngoại xâm vĩ đại. Thời gian lịch sử trong thơ thời Trần phần lớn được thể hiện theo kiểu thời gian không gian hóa, tính bất biến của lịch sử hóa thân vào dấu tích, đền đài lịch sử. Trong thơ, các dấu tích lịch sử được cảm nhận cũng như tồn tại trong hiện tại trong không gian. Phạm Ngũ Lão từng nhắc đến chí nam nhi trước tiền nhân Khổng Minh: “Công danh nam tử còn vương nợ/ Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu” (Thuật hoài). Đó là cách bày tỏ chí khí bằng việc đặt mình vào thời điểm như là người cùng thời để bày tỏ. Cùng với cách diễn đạt theo thời gian lịch sử, Đặng Dung từng nhắc đến “đồ điếu” tích Hàn Tín câu cá và Phàn Khoái làm thịt chó: “Thời lai đồ điếu thành công dị/ Vận khứ anh hùng ẩm hận đa” (Cảm hoài). Nói chuyện về người xưa mà không hề thấy chuyện của xa xưa, chỉ thấy tâm trạng, nỗi niềm của người anh hùng lỡ vận đương cuộc. Cũng với cách nhìn thời gian chiếu ứng với lịch sử, nhà vua Trần Minh Tông đứng trước dòng sông Bạch Đằng hiển hiện trong ánh chiều màu đỏ ối, thời khắc hiện tại đã ngưng đọng trong thời khắc lịch sử chiến trận với dòng sông đỏ màu máu của một thời chiến trận: “Nước dòng sông chiếu bóng mặt trời đỏ ối/ Tưởng máu người
chết trận chưa khô” (Bạch Đằng giang). Lịch sử hiện ra trong cảm thức của đấng minh quân như một niềm tự hào về chiến công hiển hách hay một bài học lịch sử đắc giá trường tồn trước dòng chảy cuộc đời. Trong niềm vui dạt dào cùng với niềm kiêu hãnh tự hào về non sông đất nước, về lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, vị tướng tài ba Trần Quang Khải hân hoan hào sảng trên đường Phò vua về Kinh:
Chương Dương cướp giáo giặc, Hàm Tử bắt quân thù.
Thái bình nên gắng sức, Non nước ấy nghìn thu.
(Tụng giá hoàn kinh sư - Bản dịch của Trần Trọng Kim) “Vạn cổ thử giang san”! Non nước ấy nghìn thu thực sự là cảm khái hân hoan tự hào trước giang san thái bình của một vị tướng tài. Vạn cổ - “Nghìn thu” là thời gian vĩnh hằng bất biến, nó được gắn liền với không gian hóa gắn với những chiến công hiển hách, với tên tuổi những trận đánh oanh liệt Chương Dương, Hàm Tử của lịch sử cha ông, biểu trưng cho tinh thần dân tộc sâu sắc, mạnh mẽ, một giá trị vững bền luôn được huy động bởi hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của dân tộc.
Thời gian không chỉ đọng lại ở những thời điểm vang danh chiến công oanh liệt, thời gian còn cảm nhận qua những ưu tư trước sự suy vi của thời cuộc. Đó là thời gian hoài niệm, suy tư trước sự biến thiên của thời cuộc mang nỗi niềm tiếc nhớ về một quá khứ vàng son, trăn trở đau đáu của những con người trí thức muốn được cống hiến, muốn được trọn dâng cuộc đời cho xã tắc nhưng bất lực chỉ biết nhìn lịch sử xoay vần biến đổi đành chịu bất lực trước sự suy thoái của lịch sử. Mặc dù thơ trung đại chủ yếu đề cập đến những vấn đề lớn lao của thời đại, nhưng bản chất thơ ca là sự bộc lộ thế giới nội tâm, nội cảm. Đứng trước không gian, thời gian vô tận, đối diện với thế giới khách quan, con người trung đại nhận ra sự nhỏ bé, hữu hạn trong cái bao la trường cửu của thời gian vũ trụ. Chu Văn An cảm hứng trước vẻ đẹp thanh nhã trong một thời khắc tĩnh tại ở núi Chí Linh đã nhận ra sự ngưng đọng của thời gian:
Núi xanh muôn lớp họa bình che Ác xề soi lên rạng nửa khe.
Bụi rậm đường sâu người vắng vẻ Trong mây chim khách gọi le te
Trong cảnh sắc thời gian người ngừng trôi. (Cảm hứng núi Chí Linh)
Thời gian hiện hữu trong thơ ca ngoài mang nghĩa diễn tiến của dòng chảy còn là hình ảnh thể hiện cái hữu hạn của đời người trong cuộc sống. Người nghệ sĩ mượn hình ảnh thời gian trong nhiều chiều kích khác nhau để diễn tả tính chất tồn tại của cá nhân, cá thể của kiếp người. Thi nhân không quên khẳng định sự tồn tại con người trước thời cuộc, trước vòng xoáy của thế sự. Bản chất của thơ ca là “khởi phát từ tình”. Người nghệ sĩ vốn rất mẫn cảm với cuộc đời. Đối diện với thế giới khách quan, người xưa thường thấy mình thật nhỏ bé giữa không gian rộng lớn, bao la. Khi Nguyễn Trãi ngẫm suy: “Kim cổ vô cùng và anh hùng hữu hạn” là tiền nhân đã nhận ra sự tồn tại hữu hạn của đời người trước vô hạn của vũ trụ để khẳng định tính chất tồn tại của cá nhân, cá thể con người trước vũ trụ.
Kéo dài gần mười thế kỷ, văn học trung đại Việt Nam tồn tại trong tính quy phạm chặt chẽ. Song, sáng tác nghệ thuật là tiếng lòng của người nghệ sĩ vốn mang yếu tính cá nhân nên trong những khuôn phép chuẩn phạm của nghệ thuật vẫn bật lên những sáng tạo cá nhân nhất định. Thời trung đại, phần lớn các nhà Nho cũng là những người nghệ sĩ luôn biết cân bằng tĩnh tại đời sống tinh thần. Lúc ở triều quan thì dấn thân nhập cuộc với cả tấc lòng, khi “sóng gió” thất thường lại tìm về “hạc rừng vượn núi” an nhiên với thái độ chấp nhận và bình thản. Tức là người nghệ sĩ nhà Nho đã tìm về thời gian sinh hoạt đời thường với những thú vui nhàn tản. Người nghệ sĩ khi đã đạt đến trạng thái tự do tuyệt đối của tâm hồn, quên hết nỗi ám ảnh của cái chóng vánh kiếp người, sống an nhiên tự tại với những thú vui thanh nhã. Nguyễn Trãi đến với: “đêm hớp nguyệt”, “ngày xem hoa”, “đêm xem bóng nguyệt”, “ngày nhàn mở sách” “ngày xuân chấm câu”…; Triết nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm lại tìm về: “Khúc văn thơ đọc đời
Nghiêu Thuấn/ Khúc thái bình nhờ chúa Vũ Thang” (Bài 90 – BVQNTT), “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao” (Bài 32 – BVQNTT)…; Nguyễn Khuyến sau những đau đáu với thời cuộc “Năm canh máu chảy đêm hè vắng/ Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ” cũng tự tìm về “vườn Bùi chốn cũ” với tam khúc thu ca: Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm… Đó chính là thời gian sinh hoạt đời thường, gắn với bao thế sự diễn ra đi vào trong tâm trạng xúc cảm của mỗi nhà Nho nghệ sĩ khi muốn làm một dật dân, đặt mình ngoài thế cuộc.
Văn học nói chung, thơ ca nói riêng dù ở thời kỳ nào, trung đại hay hiện đại cũng đều tồn tại bản ngã, tồn tại con người cá nhân, cá thể. Chỉ có điều, tùy vào quan điểm, tư tưởng của từng thời đại lịch sử có những quy phạm nhất định. Ở xã hội hiện đại tự do, cởi mở hơn về những quy phạm sáng tác, người nghệ sĩ có một thế giới nghệ thuật thông thoáng để tự do sáng tạo, cái tôi trữ tình có thể “vùng vẫy”những cung bậc cảm xúc của mình. Xã hội phong kiến thời trung đại có những đặc trưng quy định nghiêm ngặt, chuẩn mực, lề lối kinh điển trong sáng tác nghệ thuật khiến người nghệ sĩ dù muốn “bung tỏa” không phải là dễ. Do đó, trên cái nền yêu cầu chung, họ phải tuân chuẩn theo những khuôn định bắt buộc. Song, nghệ thuật lại luôn gắn với yêu cầu sáng tạo. Điều đáng quý là mặc dù chịu sự chi phối của các đặc tính quy phạm, chuẩn mực, tâm hồn nghệ sĩ các thế kỷ thời trung đại vẫn có những “phi chuẩn” phá cách; biết yêu, say, rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống và con người; biết sống bằng những cảm xúc riêng tư từ trong thẳm sâu con tim mình. Ngoài những lúc hướng về “khuôn vàng thước ngọc”, người nghệ sĩ vẫn tự tìm cho mình một con đường sáng tạo, lưu lại dấu ấn để cái tôi cá nhân, cá thể lên tiếng. Tuân chuẩn theo hệ thống thi pháp trung đại, người nghệ sĩ thời trung đại vẫn không ngừng sáng tạo theo tiếng gọi của cảm xúc bản ngã để khắc họa “cái tôi” trong dòng chảy thời gian qua những tìm tòi, thể nghiệm sáng tạo cá nhân. Vì thế, sự phá cách, vượt chuẩn trong sáng tạo nghệ thuật cũng là lẽ đương nhiên trong sáng tác thơ ca thời trung đại.
Nếu lấy những quy tắc, điển phạm trong mỹ học phong kiến làm tâm thì có thể xem có hai dòng văn học “hướng tâm” và “ly tâm” cùng tồn tại trong mười thế
kỷ trung đại Việt Nam. “Dòng văn học hướng tâm” hướng về con người cộng đồng, con người quân quốc… mang lí tưởng “trí quân trạch dân”, mang khát vọng xây dựng một xã hội Nghiêu Thuấn và “Dòng văn học ly tâm” gắn với hình ảnh con người cá nhân có dịp bứt phá, quẫy đạp bằng một cái tôi mạnh mẽ, phóng khoáng. Lịch sử văn học Việt Nam đã chứng minh khi “Dòng văn học ly tâm” phát triển mạnh mẽ về sau (từ thế kỷ 16 trở về sau) thì tiếng nói nghệ thuật đích thực nở rộ với sự xuất hiện những tác gia văn học lớn mang đậm ý thức cá nhân gắn cái tôi khá rõ. Những kiệt tác thơ ca để đời của những nhà Nho uyên bác như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến… phần lớn được sáng tạo trong những giây phút ly tâm của tâm hồn họ. Những trạng huống bức xúc, những cảnh ngộ dễ khơi gợi niềm trắc ẩn trong tâm hồn nghệ sĩ… sẽ là lúc bột khởi những rung động nghệ thuật đích thực, từ đó khởi động bao suy cảm cá nhân.
Văn học trung đại ở các thế kỷ về sau, cảm thức trước thời gian đã được người nghệ sĩ chiêm nghiệm, suy tư. Họ ý thức “phận người” trước thực tế; họ cảm suy tuổi tác, sự sống và cái chết trước thời gian; họ nhận ra sự bất lực của con người trước dòng chảy thế cuộc… Từ đó, người nghệ sĩ hướng cảm xúc về ý thức cá nhân với cuộc đời khá mạnh. Những khái niệm: “tiếc xuân”, “thương thân”, “tiếc thân”, tiếc tuổi trẻ chóng tàn... trước dòng thời gian vô tình trôi chảy đã được đề cập nhiều trong nguồn thi hứng của các nhà Nho trung đại. Thời gian mang xúc cảm cá nhân làm nảy sinh các dạng đề thơ: Thương xuân, Tiếc xuân, Tiếc cảnh, Tự tình, Thuật hứng…; Các chủ đề để nhà thơ bộc bạch nuối tiếc như: sinh không gặp thời, nhân sinh như mộng, trần như mộng, mơ giấc Hòe an,... (“Đời mấy tuổi thanh niên”, “đầu bạc tuổi già”, “Quốc thù chưa trả đầu đã bạc”, “Tiếc thiếu niên qua”, “Tiếc xuân”, “Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao” …). Cảm hứng này thể hiện khá rõ trong thơ Trần Nguyên Đán, Đặng Dung, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm,…
Càng về sau, thơ ca trung đại đã đánh dấu bước chuyển mình rực rỡ về ý thức cá nhân trong sáng tác ở các thế kỷ sau, khi mà ý thức cá nhân trong văn học được khẳng định ở bình diện ý thức về sự tồn tại cá thể, cá nhân rất rõ trước không gian, thời gian. Khi xã hội đã có nhiều biến đổi, giá trị vật chất đã được thừa nhận
và hơi “đồng tiền” đã bén mùi trong cuộc sống. Nguyễn Bỉnh Khiêm từng nhận ra sự biến cải thế nhân trước thời gian “biến cải”: “Thế gian biến cải vũng nên đồi” với các sắc màu mùi vị của thế nhân nếm trải: “Mặn nhạt chua cay lẫn ngọt bùi”. Theo đó, các giá trị đạo đức, ứng xử của con người cũng theo sự đổi thay của thời gian mà biến đổi để nâng lên thành một khái quát triết lý “thói đời” về lẽ “còn/ hết”, “khôn/ dại”, “được/ thua”, về giá trị con người và của cải đầy chua chát: “Còn tiền còn bạc còn đệ tử/ Hết cơm hết rượu hết ông tôi”; “…Mới hay rằng của nặng hơn người” (Nguyễn Bỉnh Khiêm). Đến thế kỷ sau, trong dòng suy cảm thời gian là một chuỗi tàn tạ, phôi pha, chóng vánh, đại thi hào Nguyễn Du cảm nhận được sự nhỏ nhoi của con người trước thời gian: “Gió thu xế bóng lòng quá rộng/ Nước chảy mây bay nghiệp bá mờ” (Trông vời nước Sở). Bao trùm trong kiếp nhân sinh “trăm năm trong cõi người” là một cảm thức không gian buồn quạnh, thời gian tàn tạ, phôi pha. Đối với Nguyễn Du các đơn vị đo thời gian như năm, tháng, ngày, trăm năm, nghìn thu… không chỉ là biểu hiện dòng chảy thời gian tuyến tính mà còn mang ý nghĩa sâu sắc là sự đổi thay nhanh chóng, thê lương bao trùm cả không gian tàn tạ trong tâm cảm nhà thơ.
Cảm quan thời gian của thi nhân thể hiện trong sáng tác thi ca đã có nhiều thay đổi, diễn tiến hướng sâu vào những suy cảm cá nhân nghiêng về thân phận kiếp người giữa dòng đời thế cuộc. Khác với Nguyễn Trãi, Nguyễn Du thường đặt thời gian trong sự “hối đầu”, “ngoảnh lại”… trong nỗi niềm tiếc nhớ, nhà Nho Nguyễn Công Trứ thay đổi thái độ cảm nhận trước dòng chảy thời gian, ông coi trọng thời hiện tại và quan niệm tận hưởng những gì đang hiện hữu trong kiếp nhân sinh: “Nhân sinh ba vạn sáu ngàn ngày”. Ông tìm cách làm chủ thời gian, hiểu sự huyễn