5. Cấu trúc luận văn
2.1.1. Thời gian vũ trụ tuần hoàn
Thời gian được cảm nhận không chỉ bằng các đại lượng vật lý thông thường như giây, phút, ngày tháng năm… mà còn bằng chính cảm xúc mang rất rõ yếu tố chủ quan của mỗi người. Có thể thấy, thời gian hạnh ngộ thoáng chốc trôi qua, phút giây đợi chờ dài như thế kỷ… đó là thời gian phụ thuộc vào yếu tố tâm lý. Con người thông qua cách cảm nhận về thời gian để trình bày quan niệm sự hiểu biết, đánh giá của mình về cuộc đời, về cái đã qua, đang đến và cái sắp đến…
Vũ trụ có nghĩa là không gian – thời gian tồn tại trong thế giới tự nhiên. Thời gian vũ trụ được hiểu là thời gian trong mối quan hệ thống nhất biện chứng với không gian, với tư cách là chiều thứ tư của không gian. Đó là lý do vì sao người xưa thường dùng không gian để thể hiện thời gian và ngược lại. Thời gian vốn là hình thức tồn tại của thế giới vật chất với ba chiều quá khứ, hiện tại và tương lai. Con người trước dòng chảy trôi qua của thời gian luôn ý thức được giới hạn của kiếp người ngắn ngủi trong cái dằng dặc của dòng chảy thời gian vô tận, thời gian tạo hóa. Thời gian là những thời khắc tuyến tính đi qua giây, phút, giờ, ngày, đêm, tháng, năm, mùa… Các mùa trong năm xuân, hạ, thu, đông biểu hiện cho dòng thời gian trôi chảy. Xuân tàn, hạ đến, thu qua, đông lại…cứ thế luân phiên trôi chảy. Vòng tuần hoàn này luôn có tác động gây xúc động cho con người hơn bất cứ hiện tượng nào khác. Thời gian đến với con người lặng lẽ rồi trôi chảy theo tuần tự của quy luật. Dù phải chấp nhận sự tuần hoàn của vũ trụ với quy luật “sinh, lão, bệnh, tử”, con người luôn ý thức và níu giữ lại cái phần tươi trẻ, tốt đẹp và những khoảnh khắc thanh xuân tươi đẹp nhất. Chính ý muốn ấy đã khiến con người luôn phải chạy đua với thời gian, hối hả trong dòng chảy vô thủy vô chung mà níu kéo, đau khổ, lo sợ… trước sự trôi chảy của thời gian.
Nguyễn Bỉnh Khiêm tin rằng sự chuyển dời biến hóa là tuần hoàn theo một quy luật khách quan. Quy luật này được nhà thơ diễn đạt trong thơ Nôm bằng các cụm từ: đạo trời, máy nhiệm, cơ tạo háo, tuần hoàn đắp đổi, hằng lề đắp đổi… Bằng con mắt của nhà hiền triết, Nguyễn Bỉnh Khiêm nhìn thấy sự chuyển dịch bên ngoài của sự vật theo một quy luật, một lập trình có sẵn. Ông đã cố gắng đi sâu giải thích bản chất sự biến dịch, đó chính là sự mâu thuẫn ẩn chứa trong mỗi sự vật, mỗi hiện tượng trong vũ trụ nhân sinh.
Như Nguyễn Trãi trước đó một thế kỷ, Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn giàu có những cảm xúc trong tâm hồn, mẫn cảm trước cuộc sống và có sự rung động sâu sắc trước thiên nhiên tươi đẹp. Chính thế giới ẩn dật thơ mộng, thanh khiết ấy đã thanh lọc những xúc cảm cùng những tri nhận của nhà thơ về dòng chảy thời gian tuần hoàn, bất biến.
Nói tới lịch sử là nói tới sự thay thế của các triều đại, là sự hưng thịnh hay suy vong thành bại của những người xuất chúng. Cũng theo quan niệm của người trung đại thì mọi sự hưng vong thành bại đều thuộc mệnh trời, thế nên thời gian lịch sử gắn với thời gian vũ trụ một cách huyền bí. Mà vũ trụ tuần hoàn cũng kéo theo sự tuần hoàn của lịch sử. Khi phản ánh thời gian lịch sử, thơ ca trung đại thường có xu hướng bất tử hóa khoảng thời gian mà cha ông ta đã đạt được những chiến công hiển hách trong cuộc sống chống giặc ngoại xâm vĩ đại. Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng không ngoại lệ, văn chương của thi nhân với những áng thơ thời gian gắn liền với các triều đại lịch sử đã đi qua, cùng với những chiến công vang danh hiển hách một thời.
Lịch sử không bất biến, đó cũng chính là dòng chảy thời gian với nhiều biến đổi. Thời gian không chỉ đọng lại ở những chiến công vang dội, thời gian còn được cảm nhận của con người qua những nỗi niềm ưu tư trước sự suy vi của thời đại. Đó là nỗi thương tiếc cho quá khứ vàng son những thời khắc thiêng liêng vang dội của chiến công, là nỗi trăn trở đau đáu của những còn người tri thức muốn được cống hiến mà bất lực trước sự suy thoái của lịch sử... Cũng như nhiều nhà hiền triết duy vật Á Đông xưa, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng cho rằng, trong thế giới mọi sự vật hiện tượng đều luôn luôn lưu động, biến đổi trôi chảy trong dòng thời gian tuần hoàn
“Sinh, tiêu, chung, phục thủy” (Cảm hứng). Nghĩa là, vạn vật được sinh ra, diệt đi hết rồi lại bắt đầu. Nhiều lần, ông nhắc đến vòng tuần hoàn của dòng chảy thời gian trong thơ. Trong Trung Tân quán ngụ hứng, (Bài 11), ông quan sát dòng chảy thời gian trong hình ảnh “hàn mai” rất thú vị:
Sinh sinh dục thức thiên cơ diệu, Nhận thử hàn mai nghiệm nhất dương.
(Dịch nghĩa: Muốn biết cơ trời thần diệu, sự sống cứ sinh ra mãi, Hãy xem mai nở tháng rét, sẽ thấy một dương khí lại sinh ra) Đặt trong tiến trình lịch sử, cho đến thời Nguyễn Bỉnh Khiêm, chưa thấy ai trình bày lý thuyết biến hóa của Kinh dịch một cách hào hứng và nhuần nhuyễn như ông. Cho nên, những điều ông cảm nhận về thời gian vũ trụ tuần hoàn bất biến không còn là những nhận thức khô khan rút ra từ Kinh dịch mà đã được nhập hẳn vào ông, được nghiệm sinh như những chân lý bắt nguồn từ thực tiễn:
Bát quái tượng suy thiên vãng phục, Sổ thanh quyên nghiệm thế hưng suy
(Trung Tân quán ngụ hứng, Bài 10)
(Dịch nghĩa: Suy từ của tám quẻ, biết sự vãng phục của trời,
Nghiệm qua vài tiếng đỗ quyên, hiểu lẽ hưng suy ở đời)
Biến đổi tuần hoàn là biến đổi theo vòng tròn. Đó là hình thức vận động chung nhất của vũ trụ mà triết học phương Đông đã nhận thức và đúc kết. Mặt trời qua thì mặt trăng đến; mặt trăng đi thì mặt trời tới. Mặt trời, mặt trăng đẩy nhau mà ngày tháng sinh ra. Rét qua thì nóng tới; nóng đi thì rét về... Nóng lạnh đẩy nhau mà năm sinh ra. Thấm nhuần cách nhìn vũ trụ trong dòng chảy thời gian vãng phục tuần hoàn của Kinh Dịch, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tìm thấy niềm vui, niềm hy vọng vào một xã hội mà ông từng tỏ ý bi quan. Thế giới quan, nhân sinh quan của ông phản ánh khá rõ những màu sắc buồn vui xen lẫn trong dòng chảy cuộc đời. Trong thơ Nôm, ông thể hiện những nguyên lý về sự phát triển, chuyển hóa tuần hoàn của vũ trụ được ý thức đầy đủ và ở đó biểu hiện tinh thần lạc quan chiếm lĩnh trọn vẹn:
Chín mươi thì kể xuân đà muộn, Xuân ấy qua thì xuân khác còn.
(Thơ Nôm, Bài 29)
Khi trình bày nguyên lý vãng phục, tuần hoàn của dòng chảy thời gian, Nguyễn Bỉnh Khiêm thường chú ý đến những hiện tượng mâu thuẫn, đối lập giữa các sự vật, hiện tượng. Từ đó, ông khái quát thành những thuộc tính phổ biến của các sự vật: trước - sau, âm - dương, ròng - cường, bĩ - thái, ấm - lạnh, khô khan - dào dạt, đầy - vơi...
Sen mùa trước đổi mùa sau mọc Triều cửa này ròng, cửa khác cường. Âm đã lại dương đành máy nhiệm Bĩ thôi thì thái ấy cơ thường.
(Thơ Nôm, Bài 98)
Theo Trạng Trình họ Nguyễn, vạn vật sở dĩ lưu động trong dòng chảy thời gian là do có sự thúc đẩy bên trong, sự phủ định thay thế nhau từ bên trong của những cái đối lập, những mặt tương phản ngay trong cùng một sự vật:
Hoa càng khoe nở hoa nên rữa, Nước chứa cho đầy nước ắt vơi.
(Thơ Nôm, Bài 48)
Trong Bạch Vân quốc ngữ thi tập, Nguyễn Bỉnh Khiêm viết nhiều về dòng chảy thời gian qua những cảm nhận khác nhau. Khi nói về thời gian vũ trụ tuần hoàn bất biến (không sinh, không diệt), ông thường diễn đạt dưới các hình thức từ ngữ chỉ thời gian như: lúc, khi, thuở, sáng, đêm, ngày tháng, mùa, xuân, hạ, thu, đông… Khảo sát toàn bộ tập thơ Bạch Vân quốc ngữ thi tập, kết quả cụ thể như sau: tác giả dùng một cách phổ biến những từ chỉ thời gian như: lúc, khi, thuở, sáng, đêm, ngày tháng, xuân, hạ, thu, đông,... (chiếm 65 lần/161 bài thơ). Số lần dùng những từ ngữ biểu thị thời gian vũ trụ trong thơ Nôm chiếm khoảng 40,3%. So với những vần thơ chữ Hán nặng chất uyên bác, điển nhã, thời gian vũ trụ tuần hoàn biểu thị trong thơ Nôm được thể hiện với giọng điệu mực thước, bình đạm trong tư
duy triết lý nghiệm suy của một triết gia uyên thâm, nặng lòng ưu ái trước thế cuộc vần xoay của gần trọn một thế kỷ.
Trước đó, Nguyễn Trãi từng cảm thụ bức tranh thiên nhiên Bạch Đằng giang bằng con mắt của một vị tướng từng xông pha chiến trận:
Ngạc đoạn, kình khoa, sơn khúc khúc Qua trầm tích chiết ngạn tằng tằng
(Bạch Đằng hải khẩu)
(Như) cá sấu bị chặt, cá kình bị mổ, núi chia thành từng khúc (Như) mũi qua chìm, cây kích gãy, bên bờ lớp lớp chồng) Nguyễn Trãi có cách khám phá riêng trong cảm nhận của dòng chảy thời gian lịch sử vĩnh hằng. Dòng sông lịch sử được tái hiện ở hai chiều suy tưởng quá khứ và hiện thực. Sức hấp dẫn của Bạch Đằng giang là ở không gian rộng lớn, bát ngát với những nét dữ dội của sóng, của gió... qua sự liên tưởng như trận chiến năm xưa “Núi thì ngổn ngang như cá kình bị mổ, cá sấu bị chặt; còn bờ thì lớp lớp như đống qua chìm, kích gãy”. Sự so sánh đặc điểm thiên nhiên sông nước với giáo gươm như trên, rõ ràng xuất phát từ vốn kinh nghiệm, nhưng ở đó, hẳn còn là dụng ý của người làm thơ về thời gian vũ trụ gắn liền với lịch sử những chiến công hiển hách trong niềm tự hào vô biên về đất nước.
Khác với Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm cảm nhận thời gian vũ trụ không bằng cái nhìn của vị tướng nơi trận mạc. Ông nhìn thời gian tuần hoàn trong sự nghiệm suy lẽ hưng vong, thịnh biến của các triều đại đã qua. Trong vòng một thế kỷ, là chứng nhân cho mọi biến suy thời cuộc của các vương triều, trước cuộc thế đầy biến động hưng vong, thịnh suy của các triều đại Lê sơ, đầu Mạc, Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm luôn đặt dòng cảm hứng thế sự trong suy nghiệm về thời cuộc để so sánh, để quan sát, tranh biện và bình tâm chọn lựa phương cách sống cho mình. Nhà thơ chua chát nhìn cảnh tượng thế cuộc “biến cải” khôn lường của “nhân tình thế thái” đen bạc:
Thế gian biến cải vũng nên đồi, Mặn nhạt chua cay lẫn ngọt bùi Còn tiền còn bạc, còn đệ tử Hết cơm, hết rượu hết ông tôi...
Có lúc, nhà thơ nhìn thế cuộc “biến cải” hôm nay lại liên tưởng đến một thuở lịch sử thái bình an lạc của “đời Ngu, thuở Chu”:
Thái hoà vũ trụ bất Ngu, Chu, Hỗ chiến giao tranh tiếu lưỡng thù.
(Ngụ ý)
(Dịch nghĩa: Cảnh tượng vũ trụ chẳng được thái hoà như đời Ngu, đời Chu, Đáng cười thay cho hai kẻ thù đánh lẫn nhau)
Để rồi, ông luôn nhắc về một thời đại hoàng kim của “ngày Nghiêu tháng Thuấn”:
Hà nhật tái phùng Nghiêu Thuấn thế, Thái bình thiên tử thái bình dân.
(Dịch nghĩa: Ngày nào lại gặp được đời Nghiêu Thuấn, Vua đời thái bình, dân đời thái bình)
(Ất Sửu tân xuân hý tác)
Nguyễn Bỉnh Khiêm hiểu được phần nào cuộc huynh đệ tương tàn là sự sát phạt giữa các thế lực Lê - Mạc - Trịnh - Nguyễn, ở đó nhân dân không được lợi gì, đất nước không được lợi gì. Thế cuộc nhiễu nhương biến cải khôn lường đã đặt Nguyễn Bỉnh Khiêm trong sự cân nhắc lựa chọn con đường ứng xử. 44 tuổi ông ra làm quan, thái độ hợp tác với nhà Mạc ở tuổi khá muộn là bởi ông vừa chấp nhận thế cuộc tuần hoàn suy thịnh, hưng vong của lịch sử (dẫu sao, thời đầu nhà Mạc cũng là sự hưng thịnh thay thế cho sự suy vong đến mục ruỗng của những ông “vua quỷ”, “vua lợn” thời Lê sơ cuối thế kỷ XV); Đồng thời, ông cũng vừa phải chịu sự qui định chung về sự vận động của thời thế và dòng chảy lịch sử. Tuy nhiên, trong dòng chảy chung ấy, ông lại có phần đứng cách biệt, “siêu việt” lên trên các phe phái. Ông đủ tầm nhìn để nhận ra quyền lợi chung thiết yếu của dân tộc, những ước
vọng của nhân dân về cuộc sống no đủ, thanh bình. Ông không chỉ đã chứng kiến mà còn nghiệm sinh, suy tư một cách sâu sắc về thời thế, thậm chí bày tỏ sự thất vọng đến mức chán đời loạn lạc, chán việc nhìn các thế lực tranh chấp lẫn nhau, chán nhìn đời ô trọc, chán cả những cuộc vui vầy hưởng lạc vốn là cỗi mầm của nạn đao binh: Chán nhìn cái đời ô trọc chen vinh hoa hão huyền (Ngụ hứng - Bài 5).
Với niềm mơ ước về xã hội phong kiến Việt Nam thái bình như triều đại Nghiêu Thuấn, Đường Ngu có vua sáng và tôi hiền, tám năm làm quan trong triều là tám năm ông tận tụy với cơ nghiệp nhà Mạc với mục đích mang hoài bão xây dựng một vương triều thịnh trị, một xã hội Nghiêu Thuấn, một đất nước “tôi hiền chúa thánh minh”, “thái bình thiên tử thái bình dân”:
Ngẫm có sơn lâm miễn thị triều, Nào đâu là chẳng đất Đường Nghiêu
(Thơ Nôm, Bài 47)
Trong thơ Nôm, Nguyễn Bỉnh Khiêm nhắc nhiều đến thời gian lịch sử vàng son một thuở: “Thuấn Nghiêu hay Đường Ngu” dùng chỉ xã hội ổn định thái bình thịnh trị dưới sự cai trị của hai vị vua anh minh thời thượng cổ Trung Quốc. Mượn điển Người xưa ‘Thuấn Nghiêu hay Đường Ngu”… để diễn đạt một mệnh đề chỉ thời gian vĩnh hằng gắn với đời sống thái bình an lạc mơ ước của muôn thuở, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đã tuân thủ sáng tác thơ ca trung đại mang tính ước lệ, tượng trưng để bộc bạch nỗi niềm cá nhân trước nhân sinh thế sự.
Bên cạnh dòng thời gian vũ trụ, thời gian lịch sử vĩnh hằng, trong thơ Nôm, ông cũng nói nhiều về thời gian vận động tuần hoàn (ngày, tháng, đêm, chiều tối, các mùa đi qua theo dòng chảy tuyến tính). Khảo sát những từ ngữ chỉ thời gian vận động theo quy luật tuần hoàn trong thơ Nôm, cho thấy Nguyễn Bỉnh Khiêm sử dụng với tần xuất khá cao: ngày (18 lần), xuân (27 lần), đông (3 lần), thu (13 lần), tháng
(7 lần), đêm (10 lần),… Trong tư duy lý tính của nhà thơ, tất cả những từ ngữ hình ảnh đó được sử dụng mục đích diễn tả những cảm nhận đời người trước sự vận động tuần hoàn của dòng chảy thời gian với nhịp điệu trôi chảy trong mọi sinh hoạt đời thường:
Ngày diễn giải, phiến cờ một cuộc Đêm thanh, làm bạn sách hai bên
(Thơ Nôm - Bài 7)
Nguyễn Bình Khiêm là con người chiêm nghiệm, suy xét. Ông luôn đặt mọi sự việc trong sự suy xét lẽ chuyển vần của tự nhiên và xã hội: “Thế sự tuần hoàn hay đắp đổi” (Bài 41), rồi ông vẽ ra bức tranh cuộc thế khá sinh động: “Ở thế làm chi cười lẫn nhau…; Người hàng thịt nguyết người hàng cá; Đứa bán bò gièm đứa bán trâu” (Bài 112)… Từ đó, ông nghe được âm thanh “thinh thỉnh” của đồng tiền, cũng tức là nghe được bản chất huyên náo đang dấy lên ở chốn thị thành ở thế kỷ XVI: “Thành thị vốn đua tranh giành giật” (Thơ Nôm – Bài 69)… Trong thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm có một không gian thế tục đang vận động lưu chuyển trong dòng chảy thời gian thế sự tuần hoàn hay biến cải: Thế sự tuần hoàn hay đắp đổi! Nghiên cứu thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Trí Viễn nhận định: “Bạch Vân quốc ngữ thi được viết trong thời kỳ tác giả đã về trí sĩ” [61; 473]. Làm quan chưa đầy tám năm cho một cuộc đời 95 tuổi thọ. Rõ ràng, Bạch Vân cư sĩ có một quãng thời gian dài về “trí sĩ” để suy nghiệm lẽ đời, nhìn thời gian vũ trụ ngưng đọng trong các thời kỳ lịch sử hoàng kim để ước mơ về một thời đại “chúa thánh tôi hiền” nhìn thời gian tuần hoàn trôi đi trong vòng nhân sinh biến cải với bao nghịch cảnh trớ trêu thời cuộc để quan sát, chiêm nghiệm và lựa chọn phương cách sống cho phù hợp