5. Cấu trúc luận văn
3.1.2. Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ giản dị chất phác
Bên cạnh tiếng thơ cao quý ngợi ca cuộc sống thanh khiết nhàn du của người ẩn sĩ được trích dẫn Kinh sách uyên thâm, kiến văn hàn lâm đòi hỏi vốn tri thức ở trình độ cao, ngôn từ mỹ lệ, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã “vượt chuẩn” chủ động vận dụng nhuần nhuyễn hệ thống từ vựng của tầng lớp bình dân, nếp cảm nếp nghĩ bình dân vào trong sáng tạo nghệ thuật của mình. Nhiều câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao được biến cải, tái cấu trúc trong một hình thức sinh động, mới mẻ. Nhà thơ sử dụng nhiều cách thức thay đổi khác nhau, có chỗ chỉ lấy ý mà không lấy từ, có chỗ lấy cả ý cả từ, có chỗ lấy trọn cả ý và thêm vài từ cho thành câu thơ, có khi dựa vào chính triết lý dân gian rồi chuyển hoá, sáng tạo, nâng cấp thành hình tượng thơ ca phù hợp với nội dung toàn bài: “Giàu ba bữa khó hai niêu” (Thơ Nôm - Bài 3); “Cờ đến tay ai, ai mới phất” (Thơ Nôm - Bài 69), “Lưỡi thế gẫm xem mềm tựa lạt/ Miệng người toan lại sắc như chông” (Thơ Nôm - Bài 127)… Nguyễn Bỉnh Khiêm đã kết hợp hài hoà giữa tư duy bác học và bình dân, đặt trong cảm hứng mạnh mẽ, tạo nên một phong cách thơ triết lý thế sự độc đáo, khó trộn lẫn.
Sáng tác thơ Nôm Đường luật được mở lối từ Nguyễn Trãi, đến Hồng Đức Quốc âm thi và đến Nguyễn Bỉnh Khiêm được tiếp tục với xu hướng phá cách hướng về đời sống thế sự với mọi nét vốn có trong đời sống. Vốn từ bình dân trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng được sử dụng phong phú hơn so với thơ Nôm Nguyễn Trãi. Khảo sát thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm, so sánh với thơ Nôm Nguyễn Trãi, có thể thấy Nguyễn Bỉnh Khiêm đã bổ sung một số lượng lớn từ ngữ lấy từ đời sống hàng ngày vào kho từ vựng thơ Nôm. Trên cơ sở vốn từ ngữ bình dị trong thơ Nôm Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã phát triển rộng hơn, nhiều hơn. Cụ thể: những từ ngữ bình dân, giản phác về đời sống dân dã được tìm thấy trong BVQNT:
- Động từ: dòm (18), vắt (cẳng) (83, 143), nhá (rau) (89), nếm (ếch) (89),
nguýt (112), gièm (112), bòn của (149)…
- Tính từ: rẻ mạt (52), chua ủng (77), khôn lỏi (77), cũ rích (84), hăng xì
(84), ngây si (94), đắng giốt (101), cóc bùi (101), áy (đất) (104), thinh thỉnh (5), chĩnh chện, lai rai (2), giàu, khó (2), …
- Danh từ, ngữ danh từ: nhện (26), ruồi (26, 43, 53, 57, 65, 115), kiến (43, 53,57, 65, 75, 115), bò (75), bò cái, bò đàn (106), mật mỡ (53), mồi cá
(62), dê chó (124), cóc khô, rùa mốc (134), ang (53, 57), bé vú, cả vú
(112), cá tôm, củi đuốc (35), tiền, bạc (5), thịt, cơm, rượu (4)… - Từ chỉ định: này, nọ (5) kia, kia kia (95), nọ nọ, ấy,đó…
- Đại từ nhân xưng: ta, đặt trong thế đối lập người – người; ta - ngươi; ta – thánh; ngươi - tớ; tớ - ngươi; người - ta; người - kẻ; đây – đấy... (39/161) Hệ thống từ ngữ nôm na, giản phác được nhà thơ Nho Nguyễn Bỉnh Khiêm sử dụng với tần suất lớn trong BVQNT để phản ánh phần nào hiện thực đương thời cho thấy nhà Nho Trạng Trình đã tiếp thu từ thơ Nôm Nguyễn Trãi và “nhuận sắc” đậm đà hơn so với Nguyễn Trãi. Điều này cũng chứng tỏ, cái nhìn sâu sắc của nhà Nho Nguyễn Bỉnh Khiêm đã hướng về đời sống thế sự với sự phân tích tỉnh táo về thế cuộc “nhân tình thế thái” với thế lực đồng tiền đã chen vào đời sống thị thành. Những đại từ phiếm chỉ này, nọ (5) kia, kia kia (95), nọ nọ, ấy, đó…gắn với một số từ chỉ loại người, đứa, kẻ, bé… đậm chất bình dân, mang nặng lời ăn tiếng nói dân dã xuất hiện trong thơ (mảnh đất vốn được xem là cao nhã của thi ca trung đại) được Nguyễn Bỉnh Khiêm chủ động chọn lựa đưa vào thơ, cho thấy, nhà thơ đã “vượt chuẩn” để bày tỏ “sòng phẳng” thái độ của mình trước thực tiễn cuộc sống. Ngôn từ trong thơ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm dung dị, mộc mạc như lời nói thông thường, một kiểu nói bình dân, thô ráp nhưng gân guốc, sắc sảo khi nhà thơ đúc kết chân lý, quy luật của cuộc đời:
Người hàng thịt nguýt người hàng cá, Đứa bán bò gièm đứa bán trâu. Bé vú thở than người cả vú, Ít râu ánh ỏi kẻ nhiều râu.
(Thơ Nôm - Bài 112)
Các từ ngữ xưng hô, từ chỉ nơi chốn đậm chất khẩu ngữ xuất hiện khá phong phú trong thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng góp phần tạo nên một giọng thơ hồn hậu, chắc khỏe, sảng khoái, một cách nói mộc mạc nhưng không kém phần thi vị:
Cá tôm tối chác bên kia bến Củi đuốc ngày mua mé nọ đèo”
(Thơ Nôm - Bài 35) Đây cậy, đây khôn đây chẳng chịu Đấy rằng, đấy phải, đấy không thua”
(Thơ Nôm - Bài 72) Một am phong nguyệt, tớ vui tớ
Hai chữ công danh, ngươi mặc ngươi. (Thơ Nôm - Bài 144)
Dấu ấn của thành ngữ, tục ngữ trong sáng tác thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm khá đậm nét một phần do nhu cầu thể hiện những suy tưởng, trải nghiệm giàu chất triết lý, thế sự, mặt khác lại chịu ảnh hưởng từ phong cách diễn đạt dung dị trong xu hướng bình dân hoá ngôn từ thơ ca của Trạng Trình. Tục ngữ vốn đã là tinh hoa của tư duy dân gian được trình bày trong cấu trúc ngôn từ suy lý sắc gọn, đúc kết kinh nghiệm, quy luật đời sống trong khi thành ngữ lại là cách nói giản dị, sinh động, giàu hình ảnh, giàu sức liên tưởng, định hình qua hoạt động giao tiếp ngôn ngữ trong môi trường bình dân. Tục ngữ, thành ngữ là hai thành tố rất phù hợp khi Nguyễn Bỉnh Khiêm cần vận dụng để trình bày những vấn đề triết học mang tính trừu tượng, những suy tư sâu sắc về nhân tình thế thái,... trong dạng thức ngôn từ đăng đối nhưng vẫn gần gũi, dễ hiểu với đại chúng.
Có thể tìm thấy dấu ấn của thành ngữ, tục ngữ khá rõ trong thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm. Những thành ngữ dân gian “Gần mực thì đen gần đèn thì sáng”; “Cáo mượn oai hùm”; “Vuốt mặt nể mũi”; “bứt dây động rừng”… được nhà thơ “nhuận sắc” lại một cách uyển chuyển, linh hoạt, sáng tạo, cứ như những lời nói dân dã, thuận miệng thành thơ, không cần tu sức, bóng bẩy:
Gần son thì đỏ, mực thì đen Sáng biết nhờ ơn thửa bóng đèn”
(Thơ Nôm - Bài 70) Cáo mượn oai hùm mà nhát chúng Ruồi nương đuôi ký luống khoe người.
(Thơ Nôm - Bài 98) Trời còn đấy, đất còn đấy
Bể cạn non dời, cạn lại sâu.
(Thơ Nôm - Bài 103) Nhà dột bởi đâu? Nhà dột nóc
Nếu nhà dột nóc thế chon von.
(Thơ Nôm - Bài 106) Vuốt mặt còn chừa qua mũi nọ
Rút dây lại nể động rừng chăng (Thơ Nôm - Bài 89)
Nguyễn Bỉnh Khiêm còn tìm cách Việt hoá các thành ngữ gốc Hán khi sử dụng trong thơ Nôm, không phải bằng cách dịch máy móc mà bằng một lối “phóng tác” thoải mái dựa trên cơ sở nghĩa gốc của cấu trúc nhưng thay đổi phần lớn các dữ liệu căn cốt trong thành ngữ để gần gũi với người Việt Nam. Chẳng hạn, thành ngữ “thương hải tang điền” với lớp nghĩa đúc kết quy luật biến đổi đáng sợ của cuộc đời dựa trên hai hình ảnh cốt lõi: Biển xanh hoá thành ruộng dâu. Qua nghệ thuật vận dụng, các dữ liệu Hán đã được Nguyễn Bỉnh Khiêm Việt hoá hoàn toàn thành biến cải vũng - đồi của người Việt:
Vũng nọ ghê khi làm bãi cát Doi kia có thuở lút hòn Thai.
(Thơ Nôm - Bài 2)
Với thành ngữ “Sinh ký tử quy”, ông chỉ giữ lại nửa đầu, dịch nghĩa rồi gắn với chữ “nhân sinh” cho rõ ý để viết thành câu thơ giản dị, linh hoạt nhưng không kém phần uyên nhã:
Làm người chen chúc nhọc đua hơi, Chẳng khác nhân sinh ở gửi chơi.
(Thơ Nôm - Bài 48)
Trong dòng chảy cuộc thế ấy, nhà thơ đã không quên vẽ lại “bức tranh tự sự về thế thái nhân tình” rất chân thực bằng hệ thống từ ngữ bình đạm giản phác của dòng tư duy lý tính. Trong thơ Nôm, bên cạnh vốn từ ngữ cô đọng, hàm súc mang sắc thái triết lí, Nguyễn Bỉnh Khiêm còn vận dụng linh hoạt hệ thống từ ngữ bình đạm giản phác gần gũi với lời ăn tiếng nói dân dã thường nhật… Sử dụng ngôn ngữ chủ động kết hợp vừa tao nhã thanh lịch vừa uyển chuyển linh hoạt như “một nét chạm khắc mộc mạc của một người nghệ sỹ chắc tay, không ham tu sức, bay bướm”, ông nhàn Nguyễn Bỉnh Khiêm vẽ lại bức tranh “tự tại” với khung cảnh đầy chất trữ tình lãng mạn:
Mai bạc lạnh quen nhiều tháng tuyết, Cúc vàng thơm đổi mấy phen hoa.
(Thơ Nôm - Bài 14)
Từ ngữ trong thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm “giản dị mà linh hoạt”, “không cần gọt dũa” mà vẫn “có ý vị”. Đọc thơ ông khó quên được những câu thơ giản dị mà thắt cả nỗi niềm trước thế cuộc:
Có ai biết được lòng tri kỷ,
Vòi vọi non cao, nguyệt một vừng.
Trong “Đạo đức kinh”, học thuyết Lão Tử xem trọng cái “tự nhiên, như nhiên”, xưng tán những thứ đá quý không đục đẽo. Tư tưởng của Lão Tử là không nên tô điểm thiên nhiên bởi vì nghệ thuật hoàn mỹ nhất thì không để lộ một chút
gắng sức nào của nghệ sĩ. Sự dụng công đẽo gọt nhào nặn là can thiệp tự nhiên, phá hỏng sự hồn thuần của tạo vật. Nguyễn Bỉnh Khiêm thấm nhuần lý thuyết về thuộc tính "phác" của Đạo. Hẳn thế mà phần lớn thiên nhiên đi vào thơ ông nhẹ nhàng thanh đạm qua hệ thống ngôn từ bình đạm giản phác. Nhà thơ không có dụng ý trau chuốt ngôn từ để tô điểm thêm vẻ mỹ lệ cho thiên nhiên, nhà thơ dẫn ra với tất cả những nét bình dân bình dị vốn có. Ở mảng thơ cảm hứng nhàn du trong những tháng ngày ẩn cư nơi thôn dã, ngôn ngữ miêu tả được nhà thơ lựa chọn sử dụng đi vào thơ rất tự nhiên, mộc mạc và gần gũi. Những cảnh vật của thôn quê đã ăn sâu vào tâm thức thi nhân được thể hiện trong cảm hứng hài lòng thỏa mãn truy thú hưởng nhàn của nhà thơ dù dân dã vẫn đậm đà phong cách một triết nhân:
Song nhật hãy còn hai rặng quýt Thất gia chẳng hết một căn lều.
Gió cuốn rèm thay chổi quét, Trăng kề cửa kẻo đèn treo.
(Thơ Nôm - Bài 73 ) Vô tâm nước có gương soi bạc Đắc thú kho đầy gió mái thanh.
(Thơ Nôm - Bài 91)
Ngôn từ miêu tả được tác giả sử dụng rất mộc mạc, gần gũi, mang phong vị của đời sống thường nhật của một dật dân thích thảng. Vì lẽ đó mà cảnh trí thôn quê trong thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện lên rất tươi tắn, cụ thể. Ngay cả bóng trúc, ánh trăng xuất hiện trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng rất đỗi gần gũi, giản dị:
Hoa nở luống hay tin gió Đầm thanh còn thấy triều trăng.
(Thơ Nôm - Bài 18) Bàn cờ cuộc rượu vầy hoa trúc
Bó củi cần câu chốn nước non.
Gắn bó cuộc đời mình nơi thôn dã, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã miêu tả cảnh sống thanh bần ở làng quê bằng những ngôn từ mang đậm phong vị của đời sống sinh hoạt:
Thèm nỡ phụ canh cua rốc Lạnh đà quen nệm ổ rơm"
(Thơ Nôm - Bài 34) Cá tôm hôm chác bên kia bến
Củi đuốc ngày mua mé nọ đèo.
(Thơ Nôm - Bài 38)
Về phương diện ngôn ngữ thơ Tiếng Việt, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có những đóng góp đáng kể cho nguồn thi liệu thuần Việt. Việc đem vào thơ những ngôn từ giản đơn, chất phát từ cuộc sống dân dã: rèm, chổi, kho, canh cua, ổ rơm, tôm cá, củi đuốc... và bình dị hoá những hình ảnh thơ vốn biểu trưng cho tính trang nhã trong thơ cổ điển như "trăng, trúc" đã phá vỡ những quy phạm mẫu mực của văn học nghệ thuật phong kiến, tạo nên những môtíp nghệ thuật mới hoàn toàn thuần Việt, đậm đà tính dân tộc. Điều đó thể hiện nhu cầu được biểu hiện chân thực của hình tượng nghệ thuật và cái nhìn tự nhiên chân thực của thi nhân khi đứng trước thiên nhiên. Có thể nói, cái đẹp giản dị trong ngôn ngữ thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là một quan điểm nghệ thuật. Đó là tinh thần hướng tới cái đẹp tự nhiên, tôn trọng tính giản phác của sự vật trong cuộc sống.
Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà thơ yêu thiên nhiên và cũng có nhiều hứng thú trước thiên nhiên tạo vật. Trong thơ Nôm, ông nói nhiều về thái độ, cảm xúc của mình trước không gian nhàn tản: hứng vì thơ rượu, thanh nhàn ấy là tiên, nhàn được thú vui, có thú mầu, nhàn vô sự, nhàn được thú quê, dầu tự tại, lòng hằng mến, nhàn tiên vô sự, thú vui trong làng hạnh…Sự lặp lại những từ ngữ bình đạm, giản dị chỉ cảm xúc, hứng thú, thái độ… của nhà thơ trước cuộc sống là yếu tố tạo nên một giọng thơ thanh cao, bản lĩnh Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thi nhân luôn cảm thấy mãn nguyện, tự tại trước thiên nhiên trong sạch không vướng bụi trần và một nhà Nho triết lý gần gũi gắn bó với cuộc sống đậm sắc màu thế sự nhân tình.
Thơ tiếng Việt Bạch Vân quốc ngữ thi đậm đà tiếng nói dân tộc. Quả là một thứ ngôn ngữ thơ ý vị, giàu hình ảnh ấn tượng lối sống của người Việt. Với sự mở đầu của Nguyễn Trãi đi trước, sự kết hợp và “nhuận sắc” thêm của Nguyễn Bỉnh Khiêm, thơ tiếng Việt đã đi được một chặng đường, tạo được những nét đặc sắc phong cách riêng, là một giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển của nền thơ dân tộc. Nhà ngôn ngữ học Đào Thản nhận xét về phong cách thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Với một phong cách riêng, không thể trộn lẫn được, ngôn ngữ thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm đủ sắc sảo và sâu lắng để diễn đạt mọi tư tưởng triết học và đạo lý của mình, đủ rung cảm, tinh tế và uyển chuyển để phân tích lẽ đời, tâm sự và tu dưỡng ý chí” [61; 597].