0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (126 trang)

Nghệ thuật xây dựng câu thơ theo kết cấu đối lập

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) CẢM THỨC THỜI GIAN TRONG THƠ NÔM NGUYỄN BỈNH KHIÊM (Trang 110 -126 )

5. Cấu trúc luận văn

3.2.3. Nghệ thuật xây dựng câu thơ theo kết cấu đối lập

Nguyên tắc cố định của một bài thơ thể thất ngôn bát cú luật Đường là ý nghĩa hai câu ba và bốn ở liên hai và hai câu năm và sáu ở liên ba thường phải đối nhau. Phép đối vừa tạo sự hô ứng giữa hai câu thơ, hô ứng giữa thanh điệu, hô ứng giữa từ, hô ứng về nghĩa để tạo thành một chỉnh thể độc lập. Phép đối trong một liên thơ thường làm cho hình ảnh trong thơ nổi bật, gây ấn tượng mạnh, tạo nên tiết tấu nhịp nhàng, cân đối. Về phương diện ngữ nghĩa, câu thơ thứ nhất trong liên thơ thường ở dạng chưa hoàn thiện, lơ lửng, nhờ đến câu thơ thứ hai bổ sung, xác nhận và khẳng định cho ý tưởng chứa trong câu thứ nhất. Tuân thủ nguyên tắc sáng tác thi ca trung đại, Nguyễn Bỉnh Khiêm thường sử dụng kết cấu đối xứng ở liên thơ thứ hai và thứ ba trong bài thơ. Các kết cấu này thường thể hiện cảm khái suy tư của nhà thơ trước sự đối lập các các sự vật hiện tượng trong cuộc sống.

Trong thơ Nôm, Nguyễn Bỉnh Khiêm xây dựng câu thơ, ý thơ theo nghệ thuật đối. Những kiến trúc đối xứng tạo các ngữ cố định quen thuộc rất sinh động, nhằm miêu tả một khung cảnh thiên nhiên bao la, trong sáng, hài hoà hay một nếp sinh hoạt đời thường nơi làng quê dân dã: “Khuya nằm/ sớm thức” (3), “Vun thông/ tưới cúc”- Chở lửa, hâm trà” (4), “Cày mây/ cuốc nguyệt” (17), “Bàn cờ/ cuộc rượu”- Bó củi/ cần câu” (29), “non xanh/ nước biếc” (37) (84) (116), “cày ăn/ đào

uống” (50), “No lòng/ ấm cật” – “Gối vác/ nằm sương” (61), “Trăng thanh/ gió mát” (84), “Sao dời/ vật đổi” (99), “Thước bay/ cá nhảy”- “Thỏ dãi/ ô vần” (114), “Đêm thanh/ nguyệt bạc” (116), “Thuyền phong nguyệt/ gánh yên hà” (117), “Mây quyến khách/ nguyệt vô tình” (140),… Tuy nhiên, Thơ Nôm Nguyễn Bỉnh khiêm được xem là “Bức tranh thế sự” mang tư duy lý tính, cho nên ngoài những từ ngữ hình ảnh đặt trong kết cấu đối xứng nhằm miêu tả một khung cảnh thiên nhiên bao la, trong sáng, hài hoà hay một nếp sinh hoạt đời thường, nhà thơ vận dụng rất nhiều hình thức kết cấu câu thơ đối lập để suy nghiệm, lý giải những nguyên nhân – kết quả, sự vận động chuyển hóa của các quy luật tất yếu trong tự nhiên và xã hội.

Trong thơ Nôm, kết cấu sóng đôi được Nguyễn Bỉnh Khiêm vận dụng khá nhiều, đều phải tuân theo luật Đường thi. Tuy nhiên, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn có cách thể hiện sáng tạo của mình ngay trong quy định chặt chẽ của phép đối lập. Nhà thơ luận giải về ứng xử của con người trong xã hội qua hai câu thơ đối lập về thời thế để nói đến bản chất ứng xử con người của cái được thờithất thế giữa thế thái nhân tình rất thú vị:

Được thời, thân thích chen chân đến, Thất thế, hương lư ngoảnh mặt đi.

(Thơ Nôm - Bài 53)

Trong các câu thơ đối nhau, mỗi câu thơ được cắt thành hai vế, có quan hệ nhân quả, vế này là nguyên nhân hoặc kết quả của vế kia. Chính nhờ kết cấu kiểu sóng đôi này mà tập thơ Nôm trở nên hàm súc, giàu tính triết lý và sức khái quát cao. Biểu đạt lối sống “tri túc, tri chỉ”, “liệt kê” cách sống đạm bạc, giản dị với những thú vui thanh nhã bằng những hình ảnh, từ ngữ sóng đôi: ta – ngươi, ta - ai… Nguyễn Bỉnh Khiêm lấy thơ để nói chí, dùng văn chương để truyền thụ đạo lí là lý do để nhà thơ chọn lựa cách kết cấu đối lập nhằm đưa ra luận giải những vấn đề tự nhiên xã hội. Với Nguyễn Bỉnh Khiêm, thơ nói chí, thơ đạo lí trở hành một lối thơ triết học, thơ ông nhiều bài rất hàm súc, cô đọng. Đọc thơ ông chúng ta bắt gặp những suy luận triết học, những nguyên lí tư tưởng, có hiện tượng, bản chất có nguyên nhân, kết quả:

Vị nọ có bùi không có ngọt

Thức kia chầy thắm lại chầy phai

(Thơ Nôm - Bài 42) Của vương nhện, nhân vì vắng

Thớt quyến ruồi, ấy bởi tanh.

(Thơ Nôm - Bài 26)

Để tăng tính thuyết phục, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm có những câu mang tính giả thuyết, nghi vấn nhưng phần nhiều là những câu thơ mang tính khẳng định mạnh mẽ, như các định lí, các châm ngôn: Tranh khôn ắt có bề lo lắng (Bài 72). Nhà thơ cũng đặt ra những vấn đề đối lập có/ không để nêu bản chất của từng sự vật:

Thớt có tanh tao ruồi đậu đến, Ang không mật mỡ kiến bò đi.

(Thơ Nôm - Bài 58)

Thơ Trạng Trình tác động mạnh tới lí trí, tới nhận thức người đọc bằng phương pháp đối lập. Thơ Triết lí nhưng không khô khan. Tác giả thường diễn đạt những vấn đề của tư tưởng, của luận lí logic bằng những hình tượng nghệ thuật, cụ thể, sinh động. Có khi nhà thơ luận giải vấn đề thời cuộc thắng/ thua, được/ mất rất thú vị qua các hình ảnh đối lập đặt trong kết cấu câu thơ đối nhau làm nổi bật bản chất của sự vật, của thói đời lật lọng mà biết bao cảnh “đổi ngôi” thật nghịch cảnh và trớ trêu diễn ra trong thế cuộc:

Có thuở được thời mèo đuổi chuột, Đến khi thất thế kiến tha bò.

(Thơ Nôm - Bài 81)

Những câu thơ đậm màu triết lí của ông dễ thuộc, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người là bởi nhà thơ đã có nghệ thuật sử dụng những hình ảnh gần gũi quen thuộc trong đời sống lại đặt trong thế đối lập để ví von, so sánh phù hợp với tư duy đăng đối của người Việt xưa nay:

Thế gian biến cải vũng nên đồi, Mặn nhạt chua cay lẫn ngọt bùi. Còn tiền còn bạc còn đệ tử, Hết cơm hết rượu hết ông tôi. (Thơ Nôm - Bài 71)

Lưỡi thế gẫm xem mềm tựa lạt,

Miệng người toan lại sắc như chông... (Thơ Nôm - bài 127) Già, ai ủ: thông làm củi;

Trẻ, người yêu: trúc mọc măng (Thơ Nôm, Bài 16)

Cách đặt sự vật hiện tượng trong thế sóng đôi hay đối lập là một dụng ý của tác giả. Những câu thơ có kết cấu sóng đôi có nghĩa tương đồng hoặc đối lập của Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ gợi lên vấn đề nhân tình thế thái của thời đại ông đang sống mà nó còn có ý nghĩa với mọi thời đại hôm qua, hôm nay và mai sau về biển dâu cuộc thế.

Như vậy, kết cấu câu thơ theo hình thức đối lập trong thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những biện pháp, thủ pháp nghệ thuật để thi nhân chuyển tải bức “thông điệp” tinh thần. Trước Nguyễn Trãi và những thế kỷ sau, các thi nhân vẫn sử dụng phép đối như một thủ pháp đặc trưng, nhưng là người đã khai thác được triệt để tác dụng của thủ pháp nghệ thuật này để biểu đạt tư tưởng, tình cảm của mình thì Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tạo nên một nét rất riêng, rất đặc sắc.

Nguyễn Bỉnh Khiêm là một tác gia tiêu biểu của văn học trung đại Việt Nam cho nên những sáng tạo nghệ thuật của ông ít nhiều vẫn chưa thoát khỏi sự lệ thuộc vào những qui định ngặt nghèo có tính khuôn mẫu của thi pháp văn học trung đại. Song, với nghệ thuật lựa chọn từ ngữ, hình ảnh, kết cấu câu thơ trong thủ pháp đối lập, nhà thơ đã tạo ra những liên tưởng rất gần gũi, cụ thể để khái quát thành một triết lí sâu xa ám chỉ thói đời đen bạc điển hình của xã hội phong kiến Việt Nam thế

kỉ XVI, mà cũng là những vấn đề nghiêng về ứng xử của “thói đời” có tính muôn thuở của nhân tình thế thái.

Thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm tưởng chừng mang cảm giác nặng nề bởi những triết lí sâu xa đậm tư duy lý tính. Thực tế, với nghệ thuật xây dựng ngôn từ, hình ảnh, câu thơ trong thủ pháp kết cấu đối lập, nhà thơ đã tạo nên những bài thơ để đời qua bao thế hệ. Cứ nhắc dến “Thói đời” người ta lại nhắc nhở đến lẽ “dại/ khôn” để sống… Ẩn tàng trong những mệnh đề triết lí khô khan ấy là vô vàn cái hay, cái đặc sắc, cái thấu đáo về lẽ sống trước nhân tình thế thái, cụ thể hơn là những bài học nhân sinh. Chất triết lí ấy được dẫn giải từ những điều giản dị trong cuộc sống hàng ngày, vừa được đúc rút từ sự chiêm nghiệm của bản thân một nhà Nho uyên bác (Trạng Trình) trong dòng chảy thế cuộc thế kỷ XVI đã làm nên một kiểu tư duy đặc sắc của Nguyễn Bỉnh Khiêm về nhân sinh thế sự. Trong thơ Nôm, ông không chỉ phản ánh, mô tả hiện thực mà ông còn thể hiện thái độ, đánh giá, nhận xét là sự đúc kết kinh nghiệm, bình phẩm về thế sự rất thú vị. Thời đại Nguyễn Bỉnh Khiêm sống mới chỉ “bắt đầu” xuất hiện những yếu tố tư bản kèm theo đó là các quan hệ trao đổi hàng hóa nhưng sự xuống cấp của đạo lí làm cho những yếu tố ấy nhanh chóng xâm nhập vào đời sống con người khiến họ biến hình, đổi dạng một cách nhanh chóng lố bịch đến nghiệt ngã. Bạch Vân quốc ngữ thi của Nguyễn Bỉnh Khiêm phản ánh khái quát hiện thực thế thái nhân tình rất sinh động qua thủ pháp nghệ thuật xây dựng tổ chức ngôn từ, hình ảnh, câu thơ trong hình thức kết cấu đối lập khá độc đáo.

Nguyễn Bỉnh Khiêm là sản phẩm văn hoá điển hình của thế kỷ XVI. Sống gần trọn một thế kỷ có nhiều biến động nên phải lựa chọn một phương thức ứng xử văn hoá khả dĩ có thể đáp ứng được nhu cầu đời sống tinh thần vốn muôn phần phức tạp. Trên nhiều phương diện, ông trở thành thước đo thực trạng đời sống tinh thần dân tộc ở một chặng đường lịch sử, cây đại thụ văn hoá toả bóng xuống cả thế kỷ. Một mình ông buộc phải đóng nhiều vai diễn. Đồng thời với vốn kiến thức uyên bác, Nguyễn Bỉnh Khiêm lại có cái nhìn nhân ái, dân dã, hoà đồng với thiên nhiên, cỏ cây hoa lá, làng thôn, trăng trong gió mát. Điều này góp phần giải hoà dòng thơ

duy lý, khơi mở nguồn cảm hứng nghệ sĩ thanh cao của ông. Mặc dù mang trong mình đầy những lẽ bất cập do hoàn cảnh thời đại qui định song Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn hiện diện như một nhân cách lịch sử chói sáng, một cây đại thụ văn hoá chính bởi sự kết tinh vốn kiến thức sâu rộng trên cơ sở một tấm lòng chính trực, gắn bó sâu sắc với cội nguồn văn hoá dân tộc. Ông là hiện thân của mĩ học phong kiến cả trên phương diện nhân văn lẫn mặt hạn chế của nó. Ông lớn lao ở những đóng góp tích cực và cũng vĩ đại giống như không ít danh nhân khác ở chính cái phần lý tưởng mang màu sắc không tưởng, ở chính cả những nỗi bất lực, đau đời và thương cảm cõi đời. Ông nói tiếng nói cao sang, cao đạo nhưng trung thực, chân thành như chính tiếng nói của lương tâm thời đại: Lão lai vị ngải tiên ưu chí (Tấm lòng lo trước thiên hạ đến già chưa nguôi). Trên nhiều phương diện, không ai nói được như ông, càng không thể thay thế được tiếng nói kiểu như ông, vì thế mà ông trở thành vĩ đại, toả sáng, thành danh nhân văn hoá lớn của dân tộc.

Tiểu kết Chương 3


Phương thức nghệ thuật là vấn đề hình thức của tác phẩm văn học. Đó là kết hợp, kết quả của sự lựa chọn thẩm mỹ của nhà thơ nhằm đạt được hiệu quả nghệ thuật biểu hiện nội dung, tư tưởng tác phẩm. Luận văn xem xét phương thức nghệ thuật thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm ở cả ba phương diện: hình ảnh, ngôn ngữ và kết cấu thơ qua việc biểu đạt các kiểu thời gian trong thi tập.

Qua hệ thống thi ngôn, thi ảnh với nghệ thuật kết hợp tổ chức khéo léo cách dụng điển và các kiểu câu thơ theo dạng kết cấu đối lập mang tư duy lý tính, nhà thơ đã thể hiện quan điểm, cảm xúc về con người, về nhân sinh thế sự, về các kiểu thời gian rất độc đáo. Từ những vần thơ Nôm mang đậm tư duy lý tính ở thế kỷ XVI, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã phát họa lại từng con đường biển dâu thế cuộc với những chặng đường đời thi nhân đi qua. Từ đó, hiện lên khá rõ – một cuộc đời Bạch Vân trong những cảnh tình với nhiều thuận nghịch... Lần theo các dạng cảm thức thời gian biểu đạt trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, bức chân dung hoàn thiện về cuộc đời Bạch Vân hiện lên khá rõ với tất cả các chặng đường đầy chiêm nghiệm của triết nhân Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

KẾT LUẬN

Đã có nhiều công trình nghiên cứu về thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, khảo sát thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm theo nhiều phương diện khác nhau. Ở luận văn này, chúng tôi chọn hướng tiếp cận thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm từ góc độ thi pháp học, xem xét thế giới nghệ thuật nói chung, cụ thể là cảm thức thời gian trong BVQNTT của “cây đại thụ văn học thế kỷ XVI” Trạng Trình, Tuyết Giang phu tử.

Đề tài tìm hiểu Cảm thức thời gian trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đòi hỏi người nghiên cứu phải đồng thời giải quyết nhiều vấn đề khác nhau, cả về cuộc đời lẫn các giá trị biểu trưng trong thơ của người nghệ sĩ để nhận diện các kiểu thời gian biểu hiện trong thơ. Theo đó, sau khi tiến hành khảo sát những bài thơ trong

BVQNTT của Nguyễn Bỉnh Khiêm với các biểu hiện hoặc gián tiếp, hoặc trực tiếp yếu tố thời gian, chúng tôi có thể rút ra một số kết luận:

1.Thơ Nôm với cảm hứng thế sự của Nguyễn Bỉnh Khiêm là tiếng lòng, là suy ngẫm, là nhận thức của ông về nhân tình thế thái được khái quát thành những quy luật in đậm tư duy lý tính mang tính triết học. Với Nguyễn Bỉnh Khiêm, bằng sự trải nghiệm của cuộc đời, bằng học vấn của một trí thức uyên bác và là người tinh thông lí học, dịch học, “thượng thông thiên văn, hạ tri địa lí, trung tri nhân sự”, ông chiêm nghiệm và lặng lẽ suy ngẫm lẽ biến thiên của cuộc đời, tìm hiểu ngọn ngành những mâu thuẫn trong cái tương sinh tương khắc của vũ trụ. Vì thế, trong thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm, các dòng chảy thời gian đều gắn với những “ứng xử” của thi nhân khá rõ. Trong những phút giây nhàn hạ, nhà thơ luôn thể hiện một phong thái ưu du thích thảng. “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã bao hàm một ý nghĩa triết học. Bởi lẽ, nhàn là giữ cho mình có một trạng thái tâm linh cân đối, tĩnh tâm trong mọi tình huống mặc cho xã hội có rối loạn. Nhàn không chỉ mang lại cho Tuyết Giang phu tử trạng thái tự do, ung dung thoát mọi tục lụy trần gian còn là phương tiện để thi nhân tỏ rõ thái độ trước cuộc sống: Chán ghét danh lợi, yêu thiên nhiên, muốn được hòa mình trong thiên nhiên. Như vậy, nhàn có nội dung đối lập với công danh phú quý, với dục vọng thấp hèn; là không để vật chất, tham vọng làm

vẩn đục, không dính vào việc đua chen, không tham dự vào những hành động thấp hèn, tội lỗi của thói đời đen bạc. Nói cách khác, thơ thế sự Nguyễn Bỉnh Khiêm viết về “những điều trông thấy” từ hiện thực đi sâu vào bản chất để phát hiện ra quy luật của sự vật, của xã hội bằng những suy lí với những biểu hiện phong phú. Tư duy thế sự trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm một mặt làm cho sáng tác của ông gần “triết” và xa “thơ” hơn so với Nguyễn Trãi, mặt khác đã đưa thơ Trạng Trình tiếp cận cuộc sống vừa cụ thể sinh động, vừa có tầm khái quát xã hội rộng lớn.

Trong suốt một thế kỷ đầy biến loạn, làm chứng nhân với nhiều chứng nghiệm phong phú trong cuộc đời Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đem đến thơ Nôm của ông những vần thơ thật sự giàu sắc thái triết lý (gắn với uy danh nhà tiên tri, nhà Lý học và những yếu tố của khoa học dự báo), vừa có phong cách hàn lâm vừa có phần gần với đời thường, tạo lập một tiếng thơ triết lý thế sự dựa trên căn bản kinh nghiệm cuộc sống đời thường.

Bên cạnh nhiều tác gia văn học lớn ở thế kỷ XVI như Nguyễn Dữ, Nguyễn Hàng, Hà Nhậm Đại, Phùng Khắc Khoan, Hoàng Sĩ Khải..., Nguyễn Bỉnh Khiêm nổi lên như một hiện tượng văn hoá tiêu biểu, một “cây đại thụ” văn hoá dân tộc thế

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) CẢM THỨC THỜI GIAN TRONG THƠ NÔM NGUYỄN BỈNH KHIÊM (Trang 110 -126 )

×