5. Cấu trúc luận văn
3.2.2. Nghệ thuật sử dụng từ ngữ mang nghĩa đối lập
Trong nghệ thuật thi ca trung đại, phép đối là một hình thức không thể thiếu. Phép đối là một trong những cách thức hiệu quả mà thơ Đường luật vận dụng để phản ánh quan hệ tương đồng và tương phản giữa các chi tiết trong cảnh. Nó giúp cho mối quan hệ giữa các hình ảnh trong thơ nổi bật và chính sự tương tác giữa chúng sẽ tạo nên một giá trị mới bao quát hơn, sâu sắc hơn bản thân ý nghĩa của mỗi hình ảnh khi chúng chưa được đặt vào quan hệ. Hạn chế của phép đối là gây khó khăn cho nhà thơ cả trong thao tác lựa chọn lẫn thao tác kết hợp, làm cho ngôn ngữ bị dồn vào chỗ khô cứng, mất đi tính cụ thể, sự rực rỡ tươi vui của sự vật. Nhưng phép đối xứng hay đối lập lại tạo ra một ưu thế của cấu trúc vững chắc. Nơi đó, các mặt đối lập, nhất âm, nhất dương làm thành một hạt nhân nguyên tử, tự cân bằng và trao đổi năng lượng cho nhau. Trong cấu trúc ấy có sự chuyển hoá giữa hư và thực, tàn tạ và phát triển, quá khứ và tương lai. Theo Nguyễn Sĩ Đại: “Đối ngẫu cũng có nghĩa là sắp xếp hai mặt hoặc hai sự vật trái nghĩa hoặc cận nghĩa bên cạnh nhau – bắt buộc người viết phải lựa chọn ra mặt tiêu biểu của sự vật, sự vật tiêu biểu của thế giới khách quan, do đó, hiện thực cũng được phản ánh một cách sâu sắc hơn, bản chất hơn” [27, tr.154]. Trên nền tảng những giá trị đạo đức, chân lý của cái đẹp được thể hiện bao đời nay của, người Việt Nam đã thấm nhuần tư tưởng coi trọng sự đăng đối, hài hoà, mực thước. Từ đó, trong tư duy của người Việt cũng thường biểu hiện các sự vật, hiện tượng theo kết cấu đối. Ví như, những câu tục ngữ, thành ngữ trong dân gian, hình thức đăng đối đã được thể hiện một cách tự nhiên: Khôn nhà/ dại chợ; Tai vách/ mạch rừng; Ăn sóng/ nói gió; Cha nào/ con nấy; Nước chảy/ đá mòn; Ănchắc/ mặc bền, Trong ấm/ ngoài êm...
Xét trên phương diện tổ chức sắp xếp ngôn từ nghệ thuật, hệ thống từ vựng thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm thiên về khái niệm triết lý và đặc biệt phản ánh rõ tính chất đăng đối, chuyển hoá giữa các trạng thái, ý tưởng được nhà thơ đặt trong kết cấu đối lập khá rõ. Nguyễn Bỉnh Khiêm lựa chọn, thể hiện hệ thống ngôn từ phần lớn theo cấu trúc đối lập, khiến cho ngay cả những từ ngữ có vẻ thông dụng
thường ngày như: ta - người, khôn - dại, khen - chê, đầy - vơi, hơn - thiệt... cũng trở nên lấp lánh sắc màu triết lý.
Khảo sát 161 bài thơ Nôm, cho thấy, nhà thơ sử dụng các từ ngữ chỉ các trạng thái tình huống trong cuộc sống luôn được đặt trong thế đối lập nhau như:
thăng - giáng, ngày - đêm, nóng - lạnh, đại - tiểu, duỗi - khuất, mãn - tổn, vũng - doi, nhọn - tùi, rộng - hẹp, dài - vắn, tới - lui, thắm - phai, đầy - vơi, xuôi - ngược, thịnh - suy, hơn - thiệt, lành - dữ, khen - chê, danh - lụy, khôn - dại, được - mất, vinh - nhục, ở - về,... thể hiện một tầm tư duy nặng màu triết luận của Trạng Trình họ Nguyễn. Khi nhận xét về sự đối lập giữa sức nặng của tình nghĩa và của cải vật chất: người >< của; của >< người, nhà thơ “kết luận” thật chua chát:
Người, của lấy cân ta nhắc thử Mới hay rằng của nặng hơn người.
(Thơ Nôm - Bài 74)
Nguyễn Bỉnh Khiêm trước hết vẫn là nhà Nho đạo mạo, khuôn phép. Con người khuôn phép ấy trong thơ Nôm lại tỏ ra rất thoải mái, thêm chút tự do và có lúc có thể nói là ngang tàng. Cách sử dụng từ ngữ đặt trong thế đối lập trong câu thơ, ý thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm cho thấy thơ Nôm của ông có phong thái rất rõ. Các từ ngữ “kia >< nọ”; “đấy >< đây”; hơn >< kém”; “vô sự >< có sự”… hoặc đại từ: “ta >< người”; … đặt trong thế đối lập, nhà thơ đã rất nghệ thuật khi diễn tả các phép “đối nhân xử thế” trớ trêu của “Thế thái nhân tình gớm chết thay” về sự
đầy>< vơi, lạt >< nồng, hay>< dở:
Lạt nồng trong chiếc túi vơi đầy. … Đã có đồng tiền dở cũng hay.
Cũng cách thức đối lập đại từ “người – ta”, nhà thơ khẳng định bản tính ung dung tự tại của mình:
Mựa chê người ngắn cậy ta dài, Dầu kém dầu hơn ai mặc ai.
Được thua sau mới ăn năn lại, Vô sự chăng hơn có sự ru.
(Thơ Nôm – Bài 81)
Nghệ thuật xây dựng từ ngữ đối lập trên cùng một câu thơ, ý thơ không chỉ là những luận giải giàu tính triết lý mà nhà thơ đã chuyển hoá thành nghệ thuật có phong cách. Sự lặp lại kết cấu đối lập mang tính hệ thống đã trở thành tâm thức của nhà thơ ám ảnh hầu hết các trang thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông suy nghiệm, đúc kết ở tầm mức khái quát cũng như nhập cuộc đời sống và cất lên tiếng nói tràn đầy sắc thái tư duy triết lý về thế sự. Thông qua nhiều từ ngữ, hình ảnh đặt trong kết cấu đối lập cho thấy phần nào cảnh ngộ thật gần gũi, quen thuộc của nhà thơ trong từng thời đoạn.