Nghệ thuật tổ chức hình ảnh đối lập

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cảm thức thời gian trong thơ nôm nguyễn bỉnh khiêm (Trang 103 - 108)

5. Cấu trúc luận văn

3.2.1. Nghệ thuật tổ chức hình ảnh đối lập

Thiên chức của nhà thơ là tìm kiếm và đưa cái đẹp cuộc sống vào tác phẩm của mình. Mỗi tác phẩm văn học là kết quả của một quá trình suy nghĩ, những trăn trở chọn lọc và xử lý của người nghệ sĩ. Bản thân tác phẩm là một cấu trúc sinh động có sự phối hợp của nhiều yếu tố nghệ thuật tạo thành một chỉnh thể chặt chẽ. Cùng với sự cộng hưởng của yếu tố văn hoá, lịch sử, hình tượng trong tác phẩm luôn mở ra nhiều tầng nghĩa với những liên tưởng khác nhau. Người nghệ sĩ dụng công xây dựng hình ảnh, từ ngữ, kết cấu câu thơ để tăng cường giá trị biểu đạt và chiều sâu ý nghĩa cho tác phẩm. Sáng tạo tổ chức hình ảnh thẩm mỹ trong câu thơ, bài thơ là yêu cầu của sáng tác thi ca. Yêu cầu này đã được đặt ra từ lâu trong lịch sử nghệ thuật nhân loại, trong mỗi nền văn học. Với tư cách là một nhà nho trung đại am hiểu đặc trưng thẩm mỹ, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có những chủ động cần thiết trong hoạt động sáng tạo của mình. Kết quả, trong sáng tác thơ Nôm của ông xuất hiện nhiều hình ảnh mang ý nghĩa đối lập được đặt trong các hình thức đối lập mang tư duy lý tính thể hiện các nội dung về triết lý nhân sinh thế sự in đậm cá tính của nhà thơ.

Ở thế kỷ XV, Nguyễn Trãi đã khai phá và thành công đưa vào thơ Nôm những hình ảnh bình dân bình dị: cây cỏ, vật mọn bè rau muống, niềng niễng, đòng

đong… của đời sống người bình thường nơi thôn dã. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã kế thừa và mở rộng phạm vi. Bên cạnh những từ ngữ hình ảnh dân dã bình dị gắn với đời sống thường nhật, thơ Nôm của Trạng Trình đề cập đến không ít những vấn đề về đạo lý, bàn về “thói đời” và quy luật biến chuyển của cuộc thế. Để đạt được chủ ý này, ông đã chú trọng nhiều đến hai biện pháp: cách diễn đạt “trung tính” và thủ pháp “đối lập”. Có thể xem thủ pháp “đối lập” mang tư duy triết lý được nhà thơ lựa chọn chiếm ưu thế trong thi tập. Hỗ trợ cho cách diễn đạt “trung tính’ là thủ pháp đối lập của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thực ra “đối” là một thủ pháp quen thuộc và quan trọng của thể thơ Đường luật. Song, cách sử dụng kết cấu đối, đặc biệt thủ pháp đối lập hình ảnh của Nguyễn Bỉnh Khiêm bước đầu đã thể hiện một phong cách cá nhân rõ nét. Ngoài các cách đối ngẫu thông thường - ý và lời, từ ngữ và âm điệu, hình ảnh – chủ yếu chỉ ý nghĩa hình thức nghệ thuật, cách đối của Nguyễn Bỉnh Khiêm còn được khai thác đến lĩnh vực tư tưởng, triết học.

Phần lớn, trong 161 bài thơ Nôm, Nguyễn Bỉnh Khiêm sử dụng nghệ thuật xây dựng hình ảnh trong kết cấu đối lập rất độc đáo để nhà thơ trình bày, lý giải hoặc những suy nghiệm về thế sự. Kết cấu đối lập hình ảnh trong thơ Nôm Nguyễn bỉnh Khiêm chứa đựng những tư tưởng khái quát qua lăng kính cá nhân nhà thơ được đúc rút từ cuộc sống mang ý nghĩa triết lý sâu sắc về con người, về quy luật cuộc đời. Nguyễn Huệ Chi nhận xét: “Tuyết Giang phu tử đã viết với tư cách một ngòi bút thế sự… Ông đã trốn mình đi và nhờ đó đã dễ dàng nhập thân vào người khác”. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã mở ra một hướng mới cho sự nghiệp thơ ca về tư duy thế sự. Đó là một bước khởi đầu đầy hứa hẹn để vài thế kỉ sau sẽ nở rộ những nhà thơ hiện thực tâm lý xuất sắc. Thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm mang hai dòng cảm hứng rất rõ, cảm hứng nhàn và cảm hứng thế sự. Theo Nguyễn Phạm Hùng nhận định: “Tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm là tác phẩm mang luận đề đạo đức. Xung đột trong thơ ông là xung đột giữa các cặp phạm trù đạo đức đối lập, được khái quát hóa thành sự đối lập giữa tốt – xấu, chính – tà, thiện – ác” [61; 365]. Hình thức đối lập ấy đã đạt đến độ “những xung đột nghệ thuật và tư tưởng thẩm mĩ” [61; 364]. Xung đột nghệ thuật trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm được thể hiện qua việc tác

giả xây dựng những cặp hình ảnh thơ có tính đối lập. Những cặp đối lập đó có thể được diễn giải thông qua những hiện tượng cụ thể, cảm tính trong tri giác thế giới, hoặc thông qua những vấn đề có tính trừu tượng trong lý thuyết Nho giáo hoặc những triết thuyết duy tâm siêu hình khác. Điều này được tác giả xây dựng thành những cặp hình ảnh đối lập ở nhiều cấp độ khác nhau.

Viết về phạm trù đạo đức, tốt – xấu, nhân nghĩa - đen bạc của “thói đời” đầy rẫy sự “ghê thay”, Nguyễn Bỉnh Khiêm thường sử dụng các hình ảnh đặt trong sự đối lập để diễn tả “bức tranh xám xịt” về lẽ nhân sinh của thời đại. Những hình ảnh đối lập trong các câu thơ: người hàng thịt >< người hàng cá; đứa bán bò >< đứa bán trâu; bé vú >< cả vú; ít râu >< nhiều râu; (12); trước đến tay không >< sau vào gánh nặng; mừng hơ hải >< thết tả tơi; nào thốt hỏi >< lại vui cười (74); Miệng nói sau lưng >< lưỡi đưa trước mặt; dao nứa >< kim chì; tiền ròng bạc chảy >< nhà khó tay không; tưng bừng đến >< lỉnh kỉnh đi (102); thớt có tanh tao>< ang không mật mỡ; ruồi đậu đến >< kiến bỏ đi (53); Ta dại >< người khôn; nơi vắng vẻ >< chốn lao xao (73); còn bạc, còn tiền, còn đệ tử >< hết cơm hết rượu hết ông tôi; thân thích chen chân đến >< hương lư ngoảnh mặt đi ; mùi thế gian >< đường danh lợi (75)… được nhà thơ sử dụng có khi chỉ mang ý nghĩa là những nhận xét chung chung, hoặc những kết luận chung về một sự việc, cách ứng xử trong nhân tình thế thái. Trong cuộc tranh giành quyết liệt “đây chẳng chịu >< đấy chẳng thua” ấy, bao nhiêu biến đổi đã xảy ra: “vũng nọ >< doi kia”, cảnh “được thời >< thất thế”… diễn ra của một thời đại đầy thối nát trong việc cư xử bội nghĩa, tráo trở, lật lọng, chỉ có tranh giành đua chen quyền lợi ích kỷ, tình cảm tinh thần đã không còn… được Nguyễn Bỉnh Khiêm ghi lại dưới các hình ảnh đối lập làm bật lên tính chất của vấn đề tạo thành một nét đặc sắc trong thơ Nôm cảm hứng thế sự với tư duy lý tính.

Những hình ảnh đặt trong thế đối lập thể hiện nhận xét, kết luận đánh giá của nhà thơ về thế cuộc. Dù chỉ mang ý nghĩa là những nhận xét chung chung, hoặc những kết luận chung về một sự việc, cách ứng xử trong nhân tình thế thái, nhà thơ chưa chỉ rõ bản chất sự việc cần thay đổi nhưng những hình ảnh được sử dụng nghệ

thuật đối lập nhau “chan chát” giữa hai thái cực tốt – xấu, dở - hay,… trong thơ Nôm, cho thấy nhà thơ đã rất đặc sắc khi tổ chức các hình ảnh trong thế đối lập nhằm phản ánh một hiện thực xã hội đương thời trong hai phạm trù đạo đức tốt – xấu đối lập. Qua những sự việc cụ thể nguồn gốc của những nhận xét, kết luận ấy, thái độ của tác giả trước xã hội phong kiến hư nát đã bộc lộ rõ.

Không phải ngẫu nhiên mà thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm xuất hiện đậm đặc các cặp phạm trù đối lập như cặp hình ảnh. Trong phạm vi khảo sát 161 bài thơ Nôm có 26/161 bài hình ảnh đối lập xuất hiện trong kết cấu đối lập được thực hiện trên cấp độ câu thơ hoặc một ngữ đoạn trong câu thơ cũng được chú ý sử dụng phổ biến trong thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm, bởi nhà thơ triết học này đặc biệt quan tâm đến những cặp phạm trù đối lập phản ánh quy luật vận động của thế giới và đời sống như: kẻ giàu – người khó; được thời – thất thế; đứa giàu – đứa nghèo; ta dại – người khôn,… những yếu tố này khi được đưa vào kết cấu đối cũng mang dáng dấp của những câu thành ngữ, tục ngữ cô đọng, hàm súc, nhằm đúc kết chân lý, quy luật của lịch sử và nhân sinh: “Giàu cơm thịt/ khó cơm rau” (4), “Già càng khoẻ/ khó càng bền” (97), “Được chăng háo/ mất chăng âu” (28), “Chê người vắn/ cậy ta dài” (39), “Dầu được/ dầu thua” (40), “Giàu người họp/ khó người tan” (46), “Người hơn/ ta thiệt”- “Đấy thẳng/ đây chùng” (59), “Dầu trí/ dầu ngu” (61), “Giàu thì tìm đến/ khó tìm lui” (71), “Người ba đấng/ của ba loài” (79), “Chẳng khôn/ chẳng dại” (92), “Có dại/ có khôn” (94), “Chớ cho đục/ chớ cho trong” (104), “Giàu chê khó/ khó chê giàu” (111), “Khó chẳng âu/ giàu chẳng muốn” (119), “Phú quý lòng/ phú quý danh” (141), “Người gồng gánh/ kẻ lầm than” (142),…

Diễn tả thời gian sinh mệnh luôn tồn tại gắn liền với không gian hiện hữu của đời người qua những hình ảnh tuổi xanh, đầu bạc, xuân đến, đông qua…, Nguyễn Bỉnh Khiêm thường dùng những cặp hình ảnh đối lập: trẻ - già; khách xuân xanh – kẻ bạc đầu, tóc tơ – xuân muộn;...(22 lần/161 bài thơ).

Sử dụng thủ pháp đối truyền thống trong sáng tác thơ, tất cả những hình ảnh được đặt trong kết cấu đối lập mang ý nghĩa thể hiện các lớp nội dung đối lập trên các phạm trù được miêu tả. Hình thức này được nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa

vào bài thơ một cách linh hoạt, uyển chuyển, bình dị tạo cho thơ đạo lí của ông gây được ấn tượng mạnh cho người đọc qua các thời đại. Cho đến ngày nay và cả mai sau, những hình ảnh tương phản nhau, đối lập nhau diễn tả những ứng xử “chua chát” về lòng dạ đổi thay, tráo trở của con người trước sức mạnh vật chất trong thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm khi nói về thế thái nhân tình vẫn còn có ý nghĩa “thế và thời” mãi mãi:

Cơm áo bỗng xui người hóa quỷ, Oản xôi dễ khiến bụt lên ma.

(Thơ Nôm - Bài 3)

Sáng tạo tổ chức hình ảnh thẩm mỹ trong câu thơ, bài thơ là yêu cầu của sáng tác thi ca. Yêu cầu này đã được đặt ra từ lâu trong lịch sử nghệ thuật nhân loại, trong mỗi nền văn học. Với tư cách là một nhà nho trung đại am hiểu đặc trưng thẩm mỹ, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có những chủ động cần thiết trong hoạt động sáng tạo của mình. Kết quả, trong sáng tác thơ Nôm của ông xuất hiện nhiều hình ảnh mang ý nghĩa đối lập được đặt trong các hình thức đối lập mang tư duy lý tính thể hiện các nội dung về triết lý nhân sinh thế sự in đậm cá tính của nhà thơ.

Hình ảnh thơ cụ thể, sinh động được Nguyễn Bỉnh Khiêm lấy từ cuộc sống hiện thực thông qua sự chọn lọc, sắp xếp đưa vào thơ để cụ thể hoá ý tưởng của mình. Hình ảnh bắt nguồn từ thực tiễn cuộc sống, nhà thơ dựa vào trực giác mô phỏng, tái hiện đưa vào thơ và sắp xếp tổ chức các hình ảnh dưới hình thức đối lập mang đến những nội dung đậm tính triết lý. Những hình ảnh này thường khô khan, ít gắn cảm xúc, nhà thơ thường dùng để tả, để “dựng khung”, “dựng cảnh” cho bài thơ. Hiện thực đời sống là mảnh đất tốt nhất để Nguyễn Bỉnh Khiêm có thể xây dựng những hình tượng mới mẻ và lý giải những vấn đề cuộc sống mang tính trừu tượng. Tất cả cảnh vật hiện diện quanh ông đều là những “nguyên liệu” thực tiễn qua bàn tay sắp xếp tổ chức, nhà thơ đặt trong thế đối lập của những câu thơ mang lại những nội dung đậm tính thế sự.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cảm thức thời gian trong thơ nôm nguyễn bỉnh khiêm (Trang 103 - 108)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)