0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (126 trang)

Nghiệm suy từ thế thái nhân tình

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) CẢM THỨC THỜI GIAN TRONG THƠ NÔM NGUYỄN BỈNH KHIÊM (Trang 79 -83 )

5. Cấu trúc luận văn

2.2.2. Nghiệm suy từ thế thái nhân tình

Không có gì ám ảnh con người hơn thời gian. Đơn giản vì sự sống và cái chết gắn bó với thời gian. Ước mơ trường sinh, khả năng luân hồi, thiên đường và địa ngục, linh hồn bất tử... được sử dụng như những cách thức để vượt qua nỗi sợ hãi trước thời gian. Thế nên, yếu tố thời gian đã được cân, đo, đong, đếm và suy ngẫm riêng của từng nhà thơ. Nguyễn Du từng khắc khoải: Sen tàn, cúc lại nở hoa – Sầu dài, ngày ngắn, đông đà sang xuân; Tản Đà băn khoăn: “Đời người thử ngẫm

mà hay – Trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê”... Và bậc triết nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng không ngoại lệ, với ông dòng chảy thời gian cũng được cảm nhận trong chuỗi nghiệm suy ngẫm ngợi từ thế cuộc.

Thời gian tâm tưởng đầy hoài niệm là khoảng thời gian gắn liền với tâm trạng, suy nghĩ của con người. Lần theo ngôn ngữ, hình ảnh biểu đạt trong thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm, phần nào ta nhận diện nỗi niềm tâm sự của tiền nhân ở từng thời điểm khác nhau trong cuộc đời nhà thơ trong một thời đại đầy biến cố. Khi treo mũ từ quan trở về quê cũ, Nguyễn Bỉnh Khiêm thực hiện tiếp chí nguyện lập quán xây chùa, mở trường dạy học, dựng am Bạch Vân, lấy đạo hiệu là Bạch Vân cư sĩ. Và đó cũng là tên của tập thơ chữ Hán Bạch Vân am thi tập, tập thơ Nôm Bạch Vân quốc ngữ thi. Bạch Vân - Mây trắng! Vầng mây trắng ấy sau khi đã trôi nổi khắp hoạn lộ kinh kỳ, rồi neo lại nơi bến gốc quê hương Trung Tân. Đến lúc này, cái vốn kinh lịch trải đời, suy nghiệm mọi lẽ đời mới đủ độ kết tinh trong những vần thơ thế sự và triết lý thế sự của ông. Bằng cái nhìn quan sát trực tiếp giữa cuộc thế đầy rẫy sự lẫn lộn giữa các mặt đối lập: được – thua, sang – hèn; người khinh – kẻ trọng; kẻ dại – người khôn…, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã luận rất tài tình về thời thế:

Làm người có dại mới nên khôn, Chớ dại ngây si chớ quá khôn. Khôn được ích mình đừng rẻ dại, Dại thì giữ phận chớ tranh khôn. Khôn mà hiểm độc là khôn dại, Dại đến như vầy ấy dại khôn. Chớ cậy rằng khôn khinh kẻ dại, Gặp thời, dại cũng hoá nên khôn.

(Thơ Nôm - Bài 94)

Xem ra, phải sau một thế kỷ và đẩy “thế sự” thành vấn đề trung tâm trực diện hơn Nguyễn Trãi, chính Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đặt đạo đức xã hội thành vấn đề đạo lý và triết lý về đạo đức. Dường như trước những biến thiên dữ dội của thời cuộc, ông thấy các giá trị đạo đức truyền thống bị đảo lộn, thấy con người trở nên vị

kỷ hơn, vụ lợi hơn. Ông phê phán thế thái nhân tình, đạo lý suy vi: Đời này nhân nghĩa tựa vàng mười. Chính ông đã nhận ra thời đại vật chất nặng nề: Có của thì hơn hết mọi lời. Cuối cùng ông thốt lên bằng câu thơ đã “cân nhắc” kỹ:

Người, của lấy cân ta thử nhắc, Mới hay rằng của nặng hơn người.

(Thơ Nôm - Bài 74)

Cái nhìn của ông có phần cách biệt với thường nhân, đứng trên tầm cao của một nhà tư tưởng, một triết nhân mà soi rọi, phê phán con người hám lợi giàu sang, khinh miệt đồng tiền. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nghe mùi của đồng tiền: Nghe thôi thinh thỉnh lại đồng tiền. Và ông thẳng thắn chỉ ra sức mạnh của đồng tiền trong thời đại đã trực tiếp chi phối mọi ứng xử của con người:

Cơm áo bỗng xui người hoá quỉ Oản xôi dễ khiến bụt nên ma.

Ông bị dằn vặt, giằng xé trước thực tại đắng cay, bất lực trước xu thế nhãn tiền giữa hai thái cực ứng xử giàu – nghèo, bần cư và phú thị:

Bần cư trung thị vô nhân vấn Phú tại sơn lâm hữu khách tầm.

Phần nhiều những suy tưởng triết lý đó được ông đúc kết, lược qui về thước đo thế sự, hệ qui chiếu kinh nghiệm thế sự. Nhiều lần ông lên tiếng phê phán, chối bỏ phản ứng lối sống thị thành trên các phương diện thế sự, đạo lý, lối sống:

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,

Người khôn người đến chốn lao xao. (Thơ Nôm - Bài 73) Bạc vàng là của trữ tiêu dùng, Thành thị vốn đua tranh giành giật.

(Thơ Nôm - Bài 79)

Trước dòng chảy nhân tình thế thái bạc đen lẫn lộn, lòng người thay đổi theo sức mạnh đồng tiền, Nguyễn Bỉnh Khiêm có thái độ phê phán, từ đó ông đi sâu khai

thác đề tài đạo lý, răn dạy đạo đức. Một số bài thơ Cương thường tổng quát, Răn đầy tớ thờ chủ, Khuyên nàng dâu thờ cha mẹ chồng... mang ý nghĩa răn dạy huấn thị được rút ra từ những nghiệm suy của nhà thơ trước nhân tình thế thái trước mọi đảo lộn của giá trị đạo đức. Nó có ý nghĩa nhằm nêu cao yêu cầu “tu thân”, tu rèn đạo đức cá nhân, hướng về bảo toàn khí tiết lối “đồ nho” hơn là vươn tới hành động; bảo vệ các quan hệ đạo đức lễ nghĩa Nho giáo hơn là đi tìm lối thoát mới cho cuộc mưu sinh; bảo vệ các tín điều đạo đức xưa cũ hơn là bắt nhịp với thực tế lối sống mới đang nảy sinh; hoặc có phê phán cũng là nhằm để sửa chữa và khẳng định trật tự cũ, không nhằm khám phá, lý giải bản chất các quan hệ xã hội, cũng không nhằm phê phán để đổi thay; đồng thời lại cự tuyệt đời sống thị thành, chối bỏ mọi sự nhập cuộc, thực hiện phê phán đồng tiền, phê phán mọi biểu hiện có tính xu thế của xã hội mà ông lược qui vào cái gọi là “thói đời”; khinh mạn lối sống giàu sang, phú quý, công danh; tự mình rút lui và bằng lòng với giá trị thanh cao …

Nguyễn Bỉnh Khiêm có cách bộc lộ cảm xúc suy ngẫm về thời gian theo chiều hướng có sự gặp gỡ giữa những vần thơ đậm màu sắc triết lí với một tư duy tỉnh táo, sắc sảo. Tính chất triết lí trong thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm là một đặc trưng nổi bật, quán xuyến thể hiện trên nhiều bình diện nội dung: Triết lí hành đạo, triết lí thế sự, triết lí nhàn dật… Mỗi bài thơ của ông thường gắn với những ý tứ về lẽ biến dịch, lẽ tương sinh, tương khắc, một quan niệm nhân sinh…Từ sự hiểu biết về triết lí, kết hợp với những suy tư và sự thể nghiệm triết đó trong đời sống xã hội, ông đã tìm ra một đáp số: người biết sống là người biết tuân theo lẽ tự nhiên, vui đạo đời, biết số mệnh, an nhiên tự tại, lấy “nhàn” làm quan niệm nhân sinh thì yên ổn, thanh thản, có lạc thú. Khi triết lý trực tiếp về công danh, triết lí về lẽ biến dịch của thời cuộc, sự tráo trở của lòng người, về tự do tự tại,… Nguyễn Bỉnh Khiêm thường đặt mình trong tâm thế của một triết nhân thông suốt, thấu đạt mọi lẽ, đặt mình lên trên sự cuộc để có cái nhìn đúng mực, sáng suốt, có vị trí cao hơn cuộc đời, chủ động trước cuộc đời. Đó chính là những phương diện đạo đức nho giáo căn bản ở Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) CẢM THỨC THỜI GIAN TRONG THƠ NÔM NGUYỄN BỈNH KHIÊM (Trang 79 -83 )

×