Triết luận trước nhân sinh biến cải

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cảm thức thời gian trong thơ nôm nguyễn bỉnh khiêm (Trang 83 - 90)

5. Cấu trúc luận văn

2.2.3. Triết luận trước nhân sinh biến cải

Cũng như các nhà thơ trung đại khác, Nguyễn Bỉnh Khiêm rất ý thức về thời gian sinh mệnh của con người. Thời gian của một đời người cũng chảy trôi theo tháng năm: có trẻ, có già “Một phen xuân tới, một phen già”, có sớm, có muộn, có khỏe, có yếu. Song, đứng trước thời gian thoăn thoắt như bóng câu qua cửa với bao biến cải đổi thay, Nguyễn Bỉnh Khiêm không hề chán nản, bi quan, thảng thốt, dằn vặt như một số nhà thơ trung đại khác mà ông luôn có một cái nhìn bình thản, an nhiên trước tuổi tác. Ông bình thản đón “cái già sồng sộc nó thì đến ngay”, “Già” với ông là “thanh nhàn”; Còn “trẻ” là bất tài, là “khách xuân xanh” đua chen giữa chốn quan trường đầy hiểm họa không thể có được cái “tiên du”, tự do, tự tại như lúc về già. Rõ ràng, trong nhận thức của Nguyễn Bỉnh Khiêm về thời gian sinh mệnh luôn gắn liền với không gian hiện hữu và thời gian hiện tại. Trong thơ Nôm, ông ít nói về thời gian đã qua trong sự luyến tiếc nhớ nhung.

Tuyết Giang phu tử thấm nhuần tư tưởng của Lão Trang, ông quan niệm thời gian đời người như một giấc mộng, cuộc đời phù du như bóng câu thấp thoáng, thoăn thoắt như thoi đưa, như chớp mắt... Cảm nhận được thời gian sinh mệnh cá thể ngắn ngủi, qua mau như vậy các nhà thơ thường bi quan, chán nản trước thời gian hữu hạn, ngắn ngủi trước thời gian vĩnh cửu, bất biến của tự nhiên - vũ trụ. Họ cảm thấy bất lực, bất tài chưa làm được gì khi tuổi đời nhanh chóng phai. Thời gian đời người với Nguyễn Bỉnh Khiêm là một sự nhận thức rất sâu sắc của một con người đã hiểu đến căn nguyên cội rễ của lẽ biến dịch, của thuyết âm dương ngũ hành, của dịch học và tư tưởng “sống thuận theo tự nhiên” của Lão Trang. Cho nên, trong những vần thơ Nôm, Nguyễn Bỉnh Khiêm không mang sự khắc khoải nặng nề về thời gian, không trăn trở hoài niệm về quá vãng như Nguyễn Trãi, cũng không trách cứ não lòng về sự bất lực của mình trước thời gian như Nguyễn Khuyến sau này. Là chứng nhân và chứng nghiệm bao cuộc đổi thay biến loạn giữa các vương triều Lê, Mạc, Nguyễn Bỉnh Khiêm bình tâm, tự tại để nhận chân và điềm tĩnh tìm mọi lẽ ứng xử thích hợp cho từng thời điểm. Vì thế, thơ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải là sự ám ảnh của thời gian trôi chảy, sự sợ hãi tuổi già chóng

qua, mà ngược lại tuổi tác là khoảng thời gian, không gian để Bạch Vân cư sĩ được sống là mình, đối diện với chính mình, được thỏa cái thú “tiêu sái” của riêng mình trước mọi thế cuộc. Đó là khoảng thời gian lắng sâu để con người chiêm nghiệm Nguyễn Bỉnh Khiêm suy xét về sự thế, về những gì làm được và chưa làm được.

Nguyễn Bỉnh Khiêm lánh xa thế cuộc, lui về nhàn dật dưỡng tuổi già nhưng ông không hề xuất thế, bi quan mà thẳm sâu trong nhận thức của ông là luôn hướng tới một khát vọng:

Dẫu có ai han, thì sẽ nhủ,

Thái bình thiên tử, thái bình dân. (Thơ Nôm - Bài 86)

Đó là tấc lòng “ưu thời mẫn thế” của một chí nguyện luôn mong ước được “hành đạo”, nhập thế giúp đời; Là nhân cách cao đẹp, vị thế vời vợi hiếm có của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là thế.

Với Nguyễn Bỉnh Khiêm, có lẽ là sau rất nhiều đắn đo trước thời cuộc biến cải “vũng nên đồi” và sau bao lần chứng kiến thời cuộc kẻ “được thời”, người “thất thế”, ông mới có quyết định chính thức tham dự triều chính khi tuổi đã hơn 40 (phải đến năm Giáp Ngọ (1534), ông mới đỗ đầu kỳ thi Hương, liền năm sau đỗ Trạng nguyên). Vào năm ấy ông đã ngoài bốn mươi tuổi - lứa tuổi đã định hình cả bản lĩnh, nhận thức, tài năng, tính cách, sở trường sở đoản - không còn dễ bị uốn cong, thay đổi. Ở độ tuổi này, sự quan sát của ông cũng trở nên sâu sắc, nhạy cảm, đi sâu hơn vào những mặt bản chất cốt yếu của đời sống để có những đánh giá, lựa chọn đúng đắn. Ông không chỉ đã chứng kiến mà còn nghiệm sinh, suy tư một cách sâu sắc về thời thế, thậm chí có khi ông bày tỏ rõ sự thất vọng của mình trước thế cuộc. Song, không vì thế mà ông nhìn cuộc thế trong bi quan, chán nản. Hiểu rõ bản chất của thời thế, chán ghét cuộc chiến huynh đệ tương tàn, trong thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm vang vọng những khát khao, mở về một thời thịnh trị, an lạc của thuở Đường Ngu, Nghiêu Thuấn...

Với tư cách một nhà văn hoá lớn, một ông trạng thông minh mẫn tiệp, từng được người đời tôn xưng là Tuyết Giang phu tử, Nguyễn Bỉnh Khiêm quả đã nắm

bắt sâu sắc các nguồn tư tưởng triết học thâm hậu như về Kinh Dịch, Phật giáo, Lão - Trang. Chính ông là người đạt tới tầm cao và cũng là hiện thân của dòng thơ triết lý. Ông đã nghiệm sinh sâu sắc trong sự đời, lẽ đời. Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ bộc lộ những xác tín ảo tưởng về đạo lý, thậm chí có thể coi ông như hiện thân, như một điển hình mẫu mực của lý tưởng Nho giáo - mà còn vươn tới khả năng thâu thái mọi nguồn tri thức đương đại, toả sáng hào quang nhân cách con người cá nhân mình qua những trang thơ Nôm vừa gần gũi bình dị vừa đậm chất triết luận nghiệm suy về dòng chảy nhân sinh, về “nhân tình thế thái” mà ông khái quát thành điều ghê gớm: Thế thái nhân tình gớm chết thay!

Khảo sát 161 bài thơ chữ Nôm, cho thấy Nguyễn Bỉnh Khiêm đã phản ánh một cách sâu sắc biết bao những cung bậc, xu thế, trạng thái được đặt trong các cặp phạm trù đối lập nhau: Thăng - giáng, Ngày - đêm, Nóng - lạnh, Đại - tiểu, Duỗi - khuất, Mãn - tổn, Vũng - doi, Nhọn - tùi, Rộng - hẹp, Dài - vắn, Tới - lui, Thắm - phai, Đầy - vơi, Xuôi - ngược, Thịnh - suy, Hơn - thiệt, Lành - dữ, Khen - chê, Danh - lụy, Khôn - dại, Được - mất, Vinh - nhục, Già - trẻ, Ở - về,... Đó không chỉ là những luận giải giàu tính triết lý mà đã chuyển hoá thành phong cách, thành tâm thức ám ảnh hầu hết trên các dòng thơ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông suy nghiệm, đúc kết ở tầm mức khái quát cũng như nhập cuộc đời sống và cất lên tiếng nói tràn đầy sắc thái tư duy triết lý thế sự, thông qua nhiều chi tiết, hình ảnh, cảnh ngộ thật gần gũi, quen thuộc, gợi cảm:

Vinh nhục một cơ hòng đắp đổi, Ắt là từng thấy một hai phen.

(Thơ Nôm - Bài 36) Thế sự tuần hoàn hay đắp đổi,

Từng xem thua được một hai phen. (Thơ Nôm - Bài 41) Hoa càng khoe nở, hoa nên rữa,

Nước chứa cho đầy, nước ắt vơi.

Ông hiểu rõ mối quan hệ biện chứng các mặt mâu thuẫn của sự vận động với những thăng - giáng, doanh - tổn, thừa - trừ, thịnh - suy, cương - nhu, vãng - phục... Sự am hiểu Lý học, âm dương, khí số, ngũ hành bát quái còn giúp ông soi nhìn muôn vật trong đà biến chuyển, thấy cái “khôn” nhất thời nuôi mầm cái “dại”, thấy cái ngày mai trong hôm nay, thấy cái lụi tàn tất yếu đang tiềm ẩn ở vẻ ngoài chừng như tốt tươi, khai mãn. Điều quan trọng cần thấy là đứng trước thực tại phong phú với hai chiều biện chứng, vừa đối lập vừa hàm chứa cội mầm tạo lập nên nhau, làm điều kiện tồn tại cho nhau, song khi hướng tới lý giải thì Nguyễn Bỉnh Khiêm lại thường lược qui về những định đề tư tưởng quen thuộc như “đạo”, “đạo trời”, “đạo thánh”, “đạo trung”, “đạo cả”, “đạo làm người”:

Đã khuất bao nhiêu thì lại duỗi, Đạo trời lồng lộng chẳng hề sai.

(Thơ Nôm - Bài 2) Vì danh cho phải danh làm lụy, Được đạo thì hay đạo có mùi.

(Thơ Nôm - Bài 18) Từng xem sách cũ một hai pho, Mến đạo thề chăng phụ nghiệp nho.

(Thơ Nôm - Bài 27) Miệng người tựa mật mùi càng ngọt, Đạo thánh bằng tơ mối hãy dài.

(Thơ Nôm - Bài 60) Mựa hề toan lợi, mựa toan công, Lui tới thìn cho phải đạo trung.

(Thơ Nôm - Bài 119) Kho ngọc mời khuyên nhà họp mặt, Quyển vàng giảng giải đạo làm người.

Như thế có nghĩa là niềm tin vào “đạo” đến thời Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có dấu hiệu phai nhạt, con người đã biết tìm cho mình một chỗ đứng, tạo lập một cách nhìn, một cách đánh giá, “phản biện” theo lối riêng. Sâu xa trong nhận thức, Nguyễn Bỉnh Khiêm hiểu rằng cả hai nẻo đường khôn - dại quá mức đều bất lợi, và ông giác ngộ ra con đường “đạo trung”, “đạo trung thường”.

Đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm, việc lựa chọn một thế ứng xử văn hoá như thế nào cho phù hợp với thực tế xã hội lúc bấy giờ là điều không hề đơn giản. Ông buộc phải băn khoăn, lựa chọn một trong hai con đường: nhập thế giữa các phe phái Mạc - Lê - Trịnh hoặc chấp nhận xuất thế lui về ẩn dật. Nhưng dù gặp bất cứ hoàn cảnh nào, trước sau ông vẫn lựa chọn một chỗ đứng đầy tự tin - tin vào chính mình, tin vào con đường mình lựa chọn; chủ động trước mọi biến động, chủ động trong thế ứng xử và thái độ kiên định:

Thanh nhàn ấy ắt là tiên khách Được thú, ta đà có thú ta.

(Thơ Nôm - bài 31)

Trên nhiều phương diện, Nguyễn Bỉnh Khiêm thường có sự phân thân giữa nhiều trạng thái tư tưởng khác nhau, thường khi và rất nhiều khi tạo nên những mâu thuẫn trong chính con người mình. Dù rất “minh triết bảo thân”, dù luôn đặt mọi hoàn cảnh vào nghiệm suy về thế cuộc… để chọn cho mình một lối sống phù hợp, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn không thoát khỏi sự ràng buộc, chi phối của hoàn cảnh đương thời. Ông vừa có đối lập vừa có hợp tác, vừa tiềm tàng nội lực vừa tỏ ra bất lực, vừa ngang nhiên chấp nhận mọi sóng gió cuộc đời vừa như an phận, lánh đời, trốn đời. Trên tất cả, ông hoá giải những phức tạp nội tâm bằng tinh thần tự tại và thái độ gián cách với thế tục, đứng trên thế tục, nắm bắt quy luật cuộc sống để an yên trước cuộc thế. Chứng kiến và nghiệm suy mọi lẽ, ông đã đi đến cùng mọi sự khôn dại - dại khôn để thấu hiểu lẽ đời trong cuộc thế:

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,

Ông thừa biết tận tường mọi điều “khôn – dại”, để rồi tự nhận rằng vị trí “ta dại” với “người khôn” trong thời thế. Luận về Nguyễn Bỉnh Khiêm (qua thơ Nôm),

tác giả Hà Như Chi nhận định: “Nguyễn Bỉnh Khiêm khôn ngoan và từng trải. Một người sinh ra trong buổi hỗn loạn, đã có ý ở ẩn trước khi ra làm quan, đến hơn 40 tuổi mới chen chân vào hoạn lộ, tất cũng đã suy nghĩ nhiều về việc thế người đời, đắn đo về lẽ tới lui và chú trọng về đường cư xử với người” (…). Cái nhàn của cụ không phải là cái nhàn bất đắc chí mà là cái nhàn làm cho người ta toại chí đến cực điểm” [60; 470].

Tiểu kết chương 2

Trải qua gần trọn một thế kỷ chứng nghiệm mọi biến cải đổi thay của thế thái nhân tình, Nguyễn Bỉnh Khiêm đủ bình tâm và kiến thức để luận giải các vấn đề và lựa chọn cuộc sống cho mình. Đối với ông, sau khi đã suy nghiệm nhàn là chủ đích của cuộc đời, sống nhàn mới đáng sống, cụ tìm đến nhàn như một nhà hiền triết tìm đến chân lý. Như vậy, khác với Nguyễn Trãi trước đó một thế kỷ, từng có những quãng thời gian nhập thế và xuất thế mang đầy bi kịch “xuất dùng dằng xử day dứt”, Nguyễn Bỉnh Khiêm nhập thế hay xuất thế đều rất “minh bạch”, rất “sòng phẳng” trong tâm thế hứng khởi tự tin tự tại và thái độ chủ động, dứt khoát.

Cuộc đời Nguyễn Bỉnh Khiêm trưởng thành trong môi trường thuận lợi, tuy nhiên trong dòng chảy lịch sử thời đại, ông đã trải qua những thăng trầm của nhiều biến cố. Nhiều dòng tâm trạng nổi bật được thể hiện trong tập thơ BVQNTT theo dòng chảy thời gian, biểu hiện của cảm xúc thời gian trong thơ Nôm gắn liền với từng chặng đường cuộc đời của nhà thơ. Đó là thời gian vũ trụ tuần hoàn; thời gian xã hội với những sinh hoạt đời thường gắn với những tháng ngày nhàn cư thích thảng và những phút giây lắng đọng để ngẫm ngợi nghiệm suy đậm chất tư duy lý tính.

Từ nhiều nguồn tài liệu nghiên cứu khác nhau về Nguyễn Bỉnh Khiêm, người đọc bao thời đại xưa nay có thể nhận ra niềm ưu tư của tiền nhân trước sự biến thiên của thời cuộc. Từ những vần thơ Nôm được đặt trong tư duy nặng màu lý tính mang kết cấu đối lập, đầy suy cảm, suy nghiệm, nhà thơ biểu hiện các dòng chảy thời gian với chứng nghiệm của chính nhà thơ qua từng thời biến. Đọc thơ

Nôm nhà Nho Nguyễn Bỉnh Khiêm, không khó để giúp chúng ta hiểu đầy đủ hơn về những chặng đường đời thi nhân đã đi qua.

Chương 3

PHƯƠNG THỨC THỂ HIỆN CẢM THỨC THỜI GIAN TRONG THƠ NÔM NGUYỄN BỈNH KHIÊM

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cảm thức thời gian trong thơ nôm nguyễn bỉnh khiêm (Trang 83 - 90)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)