Nghệ thuật dùng điển và thi liệu Hán học trong thơ Nôm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cảm thức thời gian trong thơ nôm nguyễn bỉnh khiêm (Trang 90 - 96)

5. Cấu trúc luận văn

3.1.1. Nghệ thuật dùng điển và thi liệu Hán học trong thơ Nôm

Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học, là hình thức biểu hiện của văn học. Bàn về thi pháp của văn học trung đại nói chung, thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm nói riêng, khó có thể bỏ qua phương diện ngôn ngữ. Trong quan niệm của người xưa, tài năng thi ca đi liền với nghệ thuật sử dụng ngôn từ. Ngôn ngữ trong tác phẩm văn học bao giờ cũng là kết quả lao động nghệ thuật của nhà văn dưới ánh sáng của một quan niệm thẩm mỹ nhất định. Theo đó, qua việc khảo sát về hệ thống ngôn ngữ thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm, chúng ta có thêm căn cứ để nhận diện cách biểu hiện cảm thức thời gian của nhà thơ.

Trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật, nhà thơ xưa rất coi trọng tính hàm súc của ngôn ngữ. Phẩm chất này được đề cao vì nó giúp tiết kiệm ngôn từ, ít lời mà nhiều ý và tạo được độ dư ba cho tác phẩm. Yêu cầu về tính hàm súc đã dẫn đến việc nhà thơ xưa tích cực sử dụng điển cố, thi liệu Hán học trong sáng tác. Như đã biết, sử dụng điển cố, thi liệu Hán học là một hiện tượng nghệ thuật có tính đặc thù của văn học trung đại Việt Nam. Do ảnh hưởng của triết học và mỹ học phương Đông, chủ yếu là của Trung Hoa, việc dùng điển trong sáng tác văn học được xem là một biện pháp tu từ - “mỹ từ” có tác dụng làm cho ngôn ngữ tác phẩm đạt đến sự cô đọng, hàm súc, ý tại ngôn ngoại. Mặt khác, điển còn là một dạng thức độc đáo có ý nghĩa tăng cường sắc thái biểu cảm cũng như giá trị thẩm mỹ cho tác phẩm. Việc sử dụng điển cố một cách phổ biến trong thơ văn trung đại xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Trước hết, trong sáng tác, nhà văn trung đại luôn chịu sự chi phối một cách sâu sắc nguyên tắc nghệ thuật ước lệ, tượng trưng. Thứ nữa, đó là thái độ tôn sùng cổ nhân, suy tôn kinh điển mang tính quy phạm. Cuối cùng, tính uyên bác

trong sáng tạo và tiếp nhận văn học cũng là nguyên nhân khiến nhà văn, nhà thơ trung đại chú ý đặc biệt đến hệ thống điển. Nguyên tắc lặp lại của Điển đã khẳng định và xác lập những mẫu mực về tư tưởng, phong cách và khuôn mẫu về cái đẹp trong văn học. Việc sử dụng điển cố đã trở thành nhiệm vụ của người sáng tác và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật. Là nhà thơ trung đại ở thế kỷ XVI, lẽ dĩ nhiên trong sáng tác nghệ thuật, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng không ngoại lệ.

Khảo sát hệ thống Điển được sử dụng trong thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho thấy nhà thơ dùng nhiều điển với nhiều mục đích thể hiện các nội dung, ý nghĩa khác nhau nhằm bộc lộ suy nghĩ, tình cảm của mình. Điều này cho thấy, sáng tác thơ bằng chữ quốc ngữ là một sáng tạo vượt thoát, song, ông cũng không thoát ly truyền thống tập cổ, coi cái hàm súc, trang nhã là những phẩm chất thẩm mỹ của văn chương. Mặt khác, ông muốn qua đó tạo thêm vốn từ ngữ diễn đạt, thể hiện sự uyên bác sâu sắc của mình. Trong tập thơ Nôm, điển cố được Nguyễn Bỉnh Khiêm sử dụng khá thường xuyên. Vì thế, hệ thống điển cố trong thơ ông phong phú, đa dạng, bao gồm nhiều nhóm, loại khác nhau. Cụ thể, có những điển được thi nhân rút từ nguồn kinh điển, sách vở Nho giáo (Tứ thư, Ngũ kinh, Sử, Truyện...); lại có những điển được ông khai thác từ nguồn Phật giáo. Bên cạnh đó, ông còn sử dụng rất nhiều cả những tục ngữ, thành ngữ dân gian mang ý nghĩa có tính phổ quát.

Với tư cách là một thành phần ngôn ngữ, điển cố và thi liệu có thể biểu đạt nhiều nội dung khác nhau liên quan đến hiện thực và trạng thái đời sống tinh thần, thái độ cũng như tình cảm của con người trong thời đại. Dựa vào ý nghĩa biểu trưng của hệ thống từ ngữ điển cố, thi liệu Hán học được sử dụng trong thơ Nôm nhằm biểu thị thái độ, ứng xử của nhà thơ trước các dòng chảy thời gian, chúng tôi phân chia như sau: Điển đề cập đến những nhân vật có cốt cách điển hình cho phẩm chất, thái độ sống, tiêu biểu cho một thời đại hoàng kim; Điển đề cập đến vấn đề nhân sinh thế cuộc; Điển về chí hướng nho sĩ…

Đặc tính của Điển là gợi mở và kích thích sự liên tưởng. Nó chỉ gói gọn trong một vài từ mà có thể biểu đạt nhiều nội dung, mở ra những liên tưởng rộng lớn. Từ ngữ cô đọng của Điển cố có thể khắc hoạ hình tượng cụ thể, sinh động phản

ánh mọi sinh hoạt văn hoá, biểu đạt tư tưởng, tình cảm của tác giả và góp phần làm cho câu thơ tránh được sự khô khan, trần trụi. Phát huy tác dụng của Điển cố, nhà thơ đã sử dụng rất sáng tạo, đưa vào câu thơ, ý thơ nhằm biểu đạt mọi nội dung, cảm xúc của thi nhân.Nhà nhoNguyễn Bỉnh Khiêm từng tin rằng, đã đến lúc có thể trổ tài kinh bang tế thế, giúp triều đình xây dựng một xã hội thái bình, thịnh trị. Đó là xã hội lý tưởng theo mô hình “vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn”. Tiếc thay, đó chỉ là ước mơ, vì hiện thực đã và đang diễn ra theo một chiều hướng khác. Suy ngẫm từ chuyện xưa, đặt vào trong thế cuộc hiện thời, Nguyễn Bỉnh Khiêm sớm nhận ra những sự thế đen bạc của tình đời mà ông khái quát thành “thói đời” rất ý nghĩa. Nguyễn Bỉnh Khiêm thường sử dụng điển Nghiêu, Thuấn để bộc lộ ước mơ về một thuở thái bình thịnh trị.

Làm chứng nhân cho một thời đại đầy biến cố, lại ước mơ về một cuộc sống “chúa thánh tôi hiền” với thuở Nghiêu Thuấn, không thỏa chí nguyện,Nguyễn Bỉnh Khiêm tìm về cuộc sống ẩn cư. Trong suốt thời gian ẩn cư, ông hài lòng với cuộc sống mình chọn lựa. Trong thơ Nôm, hệ thống điển biểu hiện cuộc sống ẩn dậtđược nhà thơ sử dụngxuất hiện khá nhiều nhằm thể hiện cuộc sống ẩn dật thanh khiết cao nhã. Thể hiện cuộc sống ẩn dật, lánh đục tìm trong, ông dùng rất nhiều Điiển cố, thi liệu Hán học về những nhà Nho ẩn dật, với những địa danh gắn với những huyền thoại về người ẩn sĩ, như: Lã Vọng, Nghiêm Tử Lăng, Phú Xuân, Vị Thanh, Cửa Khổng, làng Nhan, Hà Phần, Hồ học, vạc Hán… Mượn Điển những bậc hiền Nho xưa từ bỏ chốn quan trường tìm vui đổi lấy thú vui đầy nhã hứng, nhà Nho Nguyễn Bỉnh Khiêm lẽ dĩ nhiên gửi vào đó cảm xúc thái độ của mình trước thời cuộc:

Gấm ấy ai phò vạc Hán, Đồng giang rủ một cần câu.

(Thơ Nôm - Bài 28)

Kham hạ, Nghiêm Quang từ tước Hán, Tam công khứng đổi một cần câu.

Đó là những bậc “hiền xưa” từng khát vọng làm chim bằng biển bắc, nhưng sẵn sàng từ bỏ mọi bổng lộc, vinh hoa phú quý, tìm về chốn non xưa với những thú vui thanh nhã. Khi nhà thơ nhớ: “Non Phú Xuân cao, nước Vị Thanh”, là nhà thơ muốn nhắc ngay đến “vị thế” hiện tại của mình. Câu chuyện của “Lữ Vọng câu Bàn Thạch” hay “Nghiêm Tử Lăng náu Phú Xuân” là những hiền tài Trung Hoa biết chọn lựa ẩn tàng đúng đắn. Từ chối tước lộc nhà Hán về sống ẩn dật ở núi “Phú Xuân”; hay sông “Vị Thanh” mà hàng ngày Lã Vọng câu cá chờ thời 80 năm là những suy ngẫm thời cuộc của chính nhà thơ:

Kìa kìa Lữ Vọng câu Bàn Thạch, Nọ nọ, Nghiêm Quang náu Phú xuân.

Điển tích “Lữ Vọng câu Bàn Thạch” tức Khương Tử Nha vốn là người tài giỏi nhưng vì vua Trụ baọ ngược nên quyết định ở ẩn chờ thời. Ngoài bảy mươi tuổi vẫn ngồi câu cá ở Bàn Thạch bên bờ sông Vị Thủy. Có lần Chu Văn Vương đi gặp ông đã mừng rỡ mời ông về làm quân sư. Khi Chu Văn Vương mất, Lữ Vọng đã giúp Chu Vũ Vương diệt vua Trụ nhà Thương, lập ra cơ nghiệp nhà Chu. Việc Lữ Vọng ở ẩn chời thời dã trở thành một kiểu sống mẫu mực của nhà nho không hợp thời, kiểu sống đó trở thành một biểu tượng tốt đẹp mà các nhà nho sau này đề cao. Rõ ràng, Nguyễn Bỉnh Khiêm dùng Điển trên để bày tỏ những suy nghiệm của mình về thế cuộc, từ đó, ông nhận chân lại sự lựa chọn cách phù hợp sống cho mình giữa thời đại ông đang sống.

Trong thơ Nôm, Nguyễn Bình Khiêm thường mượn Điển về những ẩn sĩ chán ghét việc đời, xa lánh danh lợi, tìm vui thú với tháng ngày nhàn cư. Những hoạt động, sinh hoạt thường ngày như rèn đạo nho, đọc sách, làm thơ, ngâm thơ, uống rượu, ngắm trăng, ngao du sơn thủy để tĩnh tâm và giữ lòng thanh sạch không biến dời của các ẩn sĩ như: Nhan Tử, Sào Phủ, Lâm Bô, Hứa Do... cũng được Nguyễn Bỉnh Khiêm sử dụng ngầm so sánh: Danh Sào Phủ há danh không (Bài 68).

Sử dụng Điển cố, thi liệu Hán học, trước tiên, Nguyễn Bỉnh Khiêm nhằm tạo cho bài thơ trở nên súc tích, cô đọng, đậm chất uyên nhã của thể loại Đường thi, nhưng cũng không ngoài mục đích qua Điển, tấc lòng thi nhân được bộc bạch. Nhà

thơ đã ca ngợi Vua Thuấn, Nghiêu, Chu Vũ Vương và Thang Thành Vương là ca ngợi một thời đại thái bình thịnh trị:

Khúc văn thơ đọc thời Nghiêu, Thuấn, Khúc thái bình nhờ chúa Vũ, Thang.

(Thơ Nôm -Bài 90)

Dụng Điển trong sáng tác của Nguyễn Bỉnh Khiêm là một thủ pháp nghệ thuật, nhà thơ vận dụng ở những mức độ dễ hiểu nhất. Nguyễn Bỉnh Khiêm thường dùng các Điển tích quen thuộc với nhiều người, chỉ cần nhắc đến là có thể hiểu ngay. Ví dụ các điển về các triều đại: Nghiêu Thuấn, Đường Ngu,... là nhắc đến một xã hội mơ ước “quốc thái dân an” thái bình an lạc. Trong thơ Nôm, Nguyễn Bỉnh Khiêm sử dụng các điển tích gợi về xã hội là Năm đế, Vũ Thang, Nghiêu Thuấn là muốn gửi gắm lí tưởng về một chế độ xã hội có vua sáng, tôi hiền. Tương truyền, Đó là một xã hội thái bình, nhân dân no ấm. Người hiền tài được vua nhường ngôi. Những người trong số đó còn từ chối cả tước lộc vua ban như Hứa Do, Sào Phủ… Các thế hệ nhà Nho cả Trung Quốc và Việt Nam đều coi đó là chế độ phong kiến mẫu mực và họ luôn mơ ước đó chính là “ngày Nghiêu tháng Thuấn”. Nhắc đến xã hội này, Trạng Trình thường dành những từ ngữ tốt đẹp: “Năm đế hiền nhường đức hãy cao” (Bài 69). Theo truyền thuyết Trung Hoa, năm Đế được coi là minh quân là

Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế, Đường Nghiêu, Ngu Thuấn. Những Đế này thực hiện chế độ truyền ngôi cho hiền tài, vì thế xã hội ổn định. Những người hiền tài biết lo cho trăm họ nên nhân dân no ấm, xã hội thái bình. Nhưng đến đời Hạ và sau đó là Thương, Chu và mãi về sau chế độ truyền hiền đã bị xóa bỏ, thay vào đó là việc cha truyền con nối khi ngôi báu thuộc về dòng họ nào thì dòng họ đó, cụ thể là người ngồi trên chiếc ngai vàng coi đó là vật sở hữu riêng của gia đình, dòng họ mình, họ trở nên độc đoán, chuyên quyền, coi mình có nghĩa vụ “thế thiên hành đạo”. Nhiều kẻ bất nhân thất đức vẫn nghiễm nhiên ngồi trên ngôi cao do chế độ cha truyền. Những dòng họ khác thì luôn dùng mưu mô hoặc là hưởng công danh phú quý, hoặc là lật đổ ngai vàng… Đó chính là nguồn gốc gây nên mọi tai họa cho đất nước, cho nhân dân. Sự lặp lại Điển Nghiêu Thuấn nhiều lần trong thơ Nôm

hoàn toàn không phải là sự vô tình của tác giả. Nói đến “ngày Nghiêu tháng Thuấn” là nói đến những điều tốt đẹp: “No lòng ấm cật đời Nghiêu Thuấn” (Bài 58). Đó là niềm mơ ước thường trực của nhà Nho Nguyễn Bỉnh Khiêm về một thuở thái bình an lạc của “ngày Nghiêu tháng Thuấn”.

Coi thường công danh, phú quý, luận về thói tục “chốn lao xao” và những ứng xử cần thiết của người quân tử, Nguyễn Bỉnh Khiêm mượn thi liệu cổ để trình bày cách suy luận về thế cuộc dại – khôn và chọn cho mình cách sống rất độc đáo. Nhà thơ trình bày sự lựa chọn “ta dại” của mình so với “người khôn”: Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ đối lập với “chốn lao xao” của “người khôn”. “Chốn lao xao” là chốn “ghê thay” mà Nguyễn Trãi từng nhắc đến: “Cửa quyền nhiều hiểm hóc, Đường lợi cực quanh co” (QÂTT). Nguyễn Bỉnh Khiêm kết bài thơ bằng hai câu kết được sử dụng thi liệu Hán học “cội cây” và “giấc chiêm bao”:

Rượu đến cội cây ta sẽ uống Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

(Ngôn chí)

“Cội cây” là gốc cây hòe, lấy tích trong truyện đời Đường, kể chuyện Thuần Vu Phần vốn là một viên tướng tài, tính tình phóng khoáng, do xúc phạm thống soái, bị quở mắng, bèn từ chức, thích uống rượu làm vui. Một hôm rượu say, ngủ quên bên gốc Hòe, mơ thấy được làm phò mã vua nước Hòe, giàu sang phú quý vinh hiển tột cùng, tỉnh dậy, thì ra làm làm quan ở nước Kiến, ở tổ Kiến bên gốc cây Hòe. Mượn thi liệu Hán học “cội cây”, “giấc chiêm bao”, Nguyễn Bỉnh Khiêm bộc lộ cảm nhận của mình về thế cuộc. Nhà thơ xem “chốn lao xao” phú quý vinh hoa kia chỉ là giấc chiêm bao, không đích thực. Coi thường phú quý, lợi danh, ông khẳng định sự lựa chọn: Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

Từ ý riêng, tên riêng, sự việc riêng có trong Điển, người đọc liên tưởng đến cuộc đời, tính cách con người có ảnh hưởng đến tư tưởng nhà thơ. Sử dụng Điển là các nhân vật, các triều đại được coi là chuẩn mực ở Trung Hoa để thể hiện cảm quan nghệ thuật về sự suy nghiệm thời thế và ước mơ về thời cuộc… là nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ hàm súc của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Mỗi Điển được đưa vào thơ rất linh hoạt

là kết quả của một sự dụng công rõ rệt. Trước một khối lượng tư liệu đồ sộ từ nhiều nguồn ngữ liệu khác nhau, nhà thơ đã khéo léo vận dụng uyển chuyển câu thơ, ý thơ thanh nhã, điển phạm, thể hiện sự uyên bác, tính hàm súc của thơ. Mượn Điển là để bộc lộ tư tưởng, tình cảm và những ngẫm suy của nhà thơ trước thời thế.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cảm thức thời gian trong thơ nôm nguyễn bỉnh khiêm (Trang 90 - 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)