5. Cấu trúc luận văn
1.3.2. Bạch Vân quốc ngữ thi tập
Nguyễn Bỉnh Khiêm học rộng, biết nhiều có hoài bão “nâng đỡ vận nước lúc ngả nghiêng”, có chí lớn “kéo lại giang sơn”; Tiếc thay, cả cuộc đời trải qua 95 năm lại đặt trong suốt một thế kỷ liên tục thay ngôi đổi chúa loạn lạc binh đao. Nguyễn Bỉnh Khiêm là chứng nhân cũng là người chứng nghiệm bao cuộc thế biển dâu này. Là người có uy vọng lớn, đỗ Trạng nguyên, làm quan trải thăng từ Thị lang đến Thượng thư rồi Thái phó Trình tuyền hầu, được triều đình nể vì…, thực tế ông cũng chỉ ở chốn quan trường tám năm. Nhận ra cảnh: “Ở thế nhiều khi thấy khóc cười”, ông thác bệnh xin về trí sĩ, ẩn cư, dạy học, bầu bạn với thiên nhiên... Con đường hoạn lộ của Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải chịu nhiều trắc trở chua chát, bị dèm pha nghi kị đến mức phải “Tự thán” về họa - phúc như nhà Nho Nguyễn Trãi trước đó một thế kỷ: “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật/ Anh hùng di hận kỷ thiên niên”. Trạng Trình họ Nguyễn vẫn có thể hanh thông chốn quan trường với lý tưởng cao đẹp “trí quân trạch dân” trong việc phò vua giúp đời, giúp nước. Nhưng không, thực tiễn 95 năm ông trải qua không như mong đợi. Triều đình nhà Mạc đã có lúc phũ phàng với bao niềm hy vọng của ông. Bước vào chốn quan trường ở độ tuổi gần 45 hẳn ông đã nghiệm suy bao lẽ đời “chín chắn”. Dâng sớ xin chém 18 lộng thần không được chấp nhận, lại phải chứng kiến bao kẻ loạn quyền cậy thế…, Nguyễn Bỉnh Khiêm thác bệnh xin về trí sĩ tại quê nhà. Chưa trọn tám năm đặt mình trong
sự cân nhắc, đắn đo lựa chọn “ở - về”, cho thấy trong ông luôn có sự suy xét, phản tỉnh giữa các thái cực đối lập: dại – khôn, đúng - sai, nên - không, về - ở, thăng – giáng,... “Bạch vân am” hay “Trung tân quán”… nơi quê nhà được xem là “cõi tiên du” để ông tìm về đời sống nhàn cư thích thảng. Có thể thấy, Bạch Vân quốc ngữ thi
ra đời trong những ngày tháng nhà thơ ẩn cư mang tâm thế nhàn du “tự tại”:
Già đã khỏi áng công danh Tự tại nào âu lụy đến mình (…) … Am quán ngày nhàn rỗi mọi việc
Dầu ta tự tại, mặc dầu ta.
(Thơ Nôm – Bài 14)
Lựa chọn lánh đục về trong bảo toàn danh tiết và chí khí của nhà Nho Nguyễn Bỉnh Khiêm là sự lựa chọn hầu hết của những nhà Nho khí tiết. Tuy nhiên, trạng thái về làm dật dân ở mỗi nhà Nho trong từng thời đại không giống nhau. Trước tình thế “Càng một ngày càng ngặt đến xương” Nguyễn Trãi từng chua chát dặn lòng: “Ta còn lãng thãng làm chi nữa” (QÂTT), nhưng ngay sau đó ông lại đắng cay thú nhận thẳm sâu cõi lòng mình: “Lãng thãng chưa lìa lưới trần” (QÂTT); Đến cuối thế kỷ XIX, nhà Nho Nguyễn Khuyến từng có thái độ dứt khoát với chốn quan trường: “Đề vào mấy chữ trên bia/ Rằng quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu”, nhưng thăm thẳm nỗi niềm vẫn đau đáu trăn trở trước thời cuộc: “Năm canh máu chảy đêm hè vắng/ Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ” (Cuốc kêu cảm hứng). Học thuyết Nho Giáo dạy người quân tử biết “trí quân trạch dân”, đồng thời cũng trao họ thuyết trung dung trên con đường hành tàng xuất xử để “minh triết bảo thân”. Từng xuất thân nơi Cửa Khổng Sân Trình, nhà Nho Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng không ngoại lệ. Trong bối cảnh xã hội thời đại có nhiều biến động về trật tự xã hội, tư tưởng, đạo đức lối sống…, hơn ai hết, nhà Nho thấm nhuần và ứng biến linh hoạt lẽ xuất xử hành tàng. Ông quyết định chọn cuộc sống ẩn cư trong tâm thế thanh thản, thư thái và tự tại:
Đèo núi vỗ tay cười khúc khích Rặng thông vắt cẳng hát nghêu ngao Đòi nơi phong nguyệt vui thay đấy, Dầu phận công hầu bận được nao.
(Thơ Nôm – Bài 143)
Nhà thơ từng hỏi: “Cao khiết thùy vi thiên hạ sĩ” (Cao khiết ai là kẻ sĩ trong thiên hạ). Hỏi mà cũng chính là để nhà Nho khẳng định: Dầu ta tự tại, mặc dầu ta!
Sự khẳng định đầy dứt khoát “ta tự tại, mặc dầu ta”.
Có nhiều lý do để nhà Nho tìm về ẩn cư vui vầy với đời sống thanh sạch. Có khi nhà Nho chán đời hoặc tư tưởng phóng khoáng là hai yếu tố chính kết hợp với nhau để thúc giục cầu nhàn. Đối với nhà Nho Nguyễn Bỉnh Khiêm, yếu tố thứ hai có thể xem như là quan trọng hơn. Ngày trước, khi ra làm quan, ông đã có tư tưởng thoát tục, ông học rộng biết nhiều, thông quán kim cổ, giỏi khoa lý số, biết việc thiên cơ, lại thêm chứng kiến bao trò dâu bể, bao cuộc binh đao, thì dù không lăn lộn với cuộc đời, cũng có thể hiểu thế tục còn hiện hữu bao điều nhỏ nhen tầm thường, không đáng để ông nhọc trí. Nói như vậy, không phải quyết đoán rằng Nguyễn Bỉnh Khiêm đã không có những kinh nghiệm, những suy tư chua chát về cuộc đời. Những bài thơ Vịnh nhân tình thế thái, Sớ xin chém 18 kẻ lộng thần, những vần thơ đậm tính triết lý về thế thái nhân tình khái quát thành “thói đời”… đủ chứng tỏ ông không ngoảnh mặt với cuộc đời. Nhân cách một bậc cao sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm được nhà nghiên cứu Băng Thanh nhận định: “Có thể thấy một nét mới của ẩn sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm là dù tàng dù ẩn nhưng ông không ngoảnh đi. Trái lại, ông chăm chú nhìn vào đời, sẵn sàng làm những gì đời cần đến (…). Ông hành ít mà tàng nhiều, xuất ít mà xử nhiều chỉ bởi lẽ ông không gặp thời, không thi thố được tài kinh bang tế thế” [61; 146]. Điều này cho thấy, Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn có thái độ sống rất linh hoạt, ứng xử với cuộc sống hài hòa, tỏ rõ nhân cách trọn vẹn của một “cao sĩ trong thiên hạ”. Đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm, những sự thất bại ở đời chỉ là nguyên nhân phụ để có lý do đưa ông đến với nhàn tản nhanh chóng hơn. Nguyên nhân sâu rộng hơn đưa ông rời chốn quan trường chính là cái xu hướng về
nhàn thích thảng mà có lẽ nhà Nho Trạng Trình đã nuôi dưỡng từ lâu trong tâm tưởng. Điều này cho thấy, trong thơ Nôm, thể hiện cảm hứng thời gian về “cõi nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm là dòng chảy thời gian nhàn du toại chí của “khách tiên”:
Thanh nhàn ấy ắt là tiên khách, Được thú ta đà có thú ta.
Trong tập thơ Nôm, Nguyễn Bỉnh Khiêm dành nhiều về chủ đề Nhàn. Ông ca ngợi thú vui nhàn tản trong niềm vui thích thảng ưu du, bình đạm, nhẹ nhàng mà thanh thoát: Sớm uống chè thung; Hôm kề hiên nguyệt; Ngâm câu quốc ngữ; Chuốc chén quỳnh xuân; Trăng thanh gió mát là tương thức; Nước biếc non xanh ấy cố tri…Ông vui vầy bầu bạn với thiên nhiên trong phong thái tao nhã, ông không tỏ thái độ bận bịu, “xoắn xuýt”, “Bén áo xâm khăn” cùng thiên nhiên như Nguyễn Trãi thể hiện trong QÂTT. Tất cả cái thi vị trong thời gian xuất thế của dật dân Nguyễn Bỉnh Khiêm là một sự bình đạm thích thảng tự tại của riêng ông khó lẫn với những nhà Nho trung đại khác khi tìm về nhàn.
Bên cạnh dòng cảm hứng “nhàn” vui với thời gian “an bần lạc đạo” chảy tràn trong Bạch Vân quốc ngữ thi tập, ở một khía cạnh khác, với tư duy lý tính đặt trong sự cảm suy, trải nghiệm từ thế cuộc, Nguyễn Bỉnh Khiêm còn đề cập đến một vấn đề mang tính thế sự. Có thể thấy, qua hơn 161 bài thơ Nôm, bức tranh tự sự về thế thái nhân tình được thể hiện khá rõ. Đặng Thanh Lê nghiên cứu về Cảm hứng thế sự trong thơ Nôm đã nhận định: “Kết hợp giữa cảm nhận về cuộc sống bản thân và cuộc sống của tầng lớp với phong cách sâu sắc của con mắt triết gia, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã phát hiện ra bức tranh xã hội chân thực với các cặp phạm trù đối lập: giàu sang – nghèo hèn” [61; 573]. Đặt mình giữa cuộc thế có nhiều biến động để quan sát, suy ngẫm, bên cạnh cái thanh âm trong trẻo của “nước biếc non xanh, Nguyễn Bỉnh Khiêm phát hiện ra “tiếng reo khả ố của một thế lực mới bắt đầu được nhận diện” (Đặng Thanh Lê), đó là mùi “thinh thỉnh” của đồng tiền. Ông không ngần ngại, e dè khi nói về sức mạnh và bản chất của kim tiền:
Đạo nọ, nghĩa này trăm tiếng bướm Nghe thôi thinh thỉnh lại đồng tiền.
(Thơ Nôm – Bài 5)
Như vậy, bản chất thực sự của đồng tiền đã được nhà thơ điểm chỉ rõ ràng qua nhiều bài thơ Nôm (Vịnh thế thái nhân tình): Lạt nồng trong chiếc túi vơi đầy; Đã có đồng tiền dở cũng hay; Vàng ròng bạc chảy tưng bừng đến; Khôn khéo chẳng qua thằng có của... Gần 300 năm sau, nhà Nho ngất ngưởng Nguyễn Công Trứ cũng có những câu thơ mang âm thanh “xóc xách”, “xỏng xảnh” đáng sợ qua sự lên ngôi của đồng tiền:
Tiếng xỏng xảnh cả trong trời đất, Thần cũng thông huống nữa là ai.
(Vịnh tiền)
Bạch Vân quốc ngữ thi tập là tập thơ Nôm biểu hiện dòng cảm hứng nhàn và cảm hứng thế sự với tư duy nặng về lý tính mang những tâm trạng, thái độ và những ứng xử của nhà Nho Nguyễn Bỉnh Khiêm về thời cuộc. Xem xét giá trị nội dung và các hình thức nghệ thuật của tập thơ, phần nào giúp ta nhận chân những cảm xúc của nhà thơ qua từng chặng đường đời mà ông đã đi qua.
Tiểu kết chương 1
Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nghệ sĩ lớn, có tư tưởng thẩm mỹ, cảm hứng nghệ thuật và hoạt động sáng tác xuất sắc. Sự hình thành sáng tác nghệ thuật ở Nguyễn Bỉnh Khiêm là kết quả cộng hưởng từ nhiều điều kiện khác nhau.
Về khách quan, ông chịu ảnh hưởng sâu sắc từ truyền thống giáo dục của gia đình và xã hội thời đại. Nguyễn Bỉnh Khiêm theo quy luật chung, cũng chịu chi phối sâu sắc không nhỏ từ biến động của lịch sử thời đại. Đặc biệt, ông đã tiếp thu sâu sắc tư tưởng Lão – Trang và cả Phật giáo, tiếp thu và chịu ảnh hưởng cảm hứng thế sự và tư duy lý tính có từ thế kỷ trước. Những ảnh hưởng sâu sắc từ thời đại cũng như truyền thống gia đình, quê hương, dân tộc…đã hun đúc để tạo nên con người vừa mang phong cách thời đại phóng khoáng, rộng mở, vừa mang tầm vóc cá nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Về chủ quan, Nguyễn Bỉnh Khiêm được sinh ra trong hoàn cảnh lịch sử đầy biến động của suốt thế kỷ XVI. Trong dòng chảy thời gian ấy, ông luôn đặt mình vào sự lựa chọn cách sống chủ động, minh triết và mẫn tiệp phù hợp theo từng chặng đường đời. BVQNTT đã ghi lại những cảm thức thời gian qua từng chặng đường nhà thơ đã đi qua.
BVQNTT là tập thơ đạt nhiều thành tựu suất sắc trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tập thơ dù thể hiện dưới nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau, quan phương chính thống, cao nhã uyên bác hay bình dị Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn thể hiện nhất quán một con người “tiên ưu hậu lạc”, một nhân cách cao đẹp trong hồn thơ Việt. Thể hiện nổi bật trong thi tập là dòng thời gian mang tâm trạng của nhà thơ. Thế giới tâm hồn của nhà thơ được biểu thị trong thế giới nghệ thuật trong thơ qua các kiểu cảm thức thời gian của nhà thơ trong thi tập sẽ được làm rõ ở các nội dung tiếp theo.
Chương 2
CÁC KIỂU CẢM THỨC THỜI GIAN TRONG THƠ NÔM NGUYỄN BỈNH KHIÊM 2.1. Các kiểu thời gian trong thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm
2.1.1. Thời gian vũ trụ tuần hoàn
Thời gian được cảm nhận không chỉ bằng các đại lượng vật lý thông thường như giây, phút, ngày tháng năm… mà còn bằng chính cảm xúc mang rất rõ yếu tố chủ quan của mỗi người. Có thể thấy, thời gian hạnh ngộ thoáng chốc trôi qua, phút giây đợi chờ dài như thế kỷ… đó là thời gian phụ thuộc vào yếu tố tâm lý. Con người thông qua cách cảm nhận về thời gian để trình bày quan niệm sự hiểu biết, đánh giá của mình về cuộc đời, về cái đã qua, đang đến và cái sắp đến…
Vũ trụ có nghĩa là không gian – thời gian tồn tại trong thế giới tự nhiên. Thời gian vũ trụ được hiểu là thời gian trong mối quan hệ thống nhất biện chứng với không gian, với tư cách là chiều thứ tư của không gian. Đó là lý do vì sao người xưa thường dùng không gian để thể hiện thời gian và ngược lại. Thời gian vốn là hình thức tồn tại của thế giới vật chất với ba chiều quá khứ, hiện tại và tương lai. Con người trước dòng chảy trôi qua của thời gian luôn ý thức được giới hạn của kiếp người ngắn ngủi trong cái dằng dặc của dòng chảy thời gian vô tận, thời gian tạo hóa. Thời gian là những thời khắc tuyến tính đi qua giây, phút, giờ, ngày, đêm, tháng, năm, mùa… Các mùa trong năm xuân, hạ, thu, đông biểu hiện cho dòng thời gian trôi chảy. Xuân tàn, hạ đến, thu qua, đông lại…cứ thế luân phiên trôi chảy. Vòng tuần hoàn này luôn có tác động gây xúc động cho con người hơn bất cứ hiện tượng nào khác. Thời gian đến với con người lặng lẽ rồi trôi chảy theo tuần tự của quy luật. Dù phải chấp nhận sự tuần hoàn của vũ trụ với quy luật “sinh, lão, bệnh, tử”, con người luôn ý thức và níu giữ lại cái phần tươi trẻ, tốt đẹp và những khoảnh khắc thanh xuân tươi đẹp nhất. Chính ý muốn ấy đã khiến con người luôn phải chạy đua với thời gian, hối hả trong dòng chảy vô thủy vô chung mà níu kéo, đau khổ, lo sợ… trước sự trôi chảy của thời gian.
Nguyễn Bỉnh Khiêm tin rằng sự chuyển dời biến hóa là tuần hoàn theo một quy luật khách quan. Quy luật này được nhà thơ diễn đạt trong thơ Nôm bằng các cụm từ: đạo trời, máy nhiệm, cơ tạo háo, tuần hoàn đắp đổi, hằng lề đắp đổi… Bằng con mắt của nhà hiền triết, Nguyễn Bỉnh Khiêm nhìn thấy sự chuyển dịch bên ngoài của sự vật theo một quy luật, một lập trình có sẵn. Ông đã cố gắng đi sâu giải thích bản chất sự biến dịch, đó chính là sự mâu thuẫn ẩn chứa trong mỗi sự vật, mỗi hiện tượng trong vũ trụ nhân sinh.
Như Nguyễn Trãi trước đó một thế kỷ, Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn giàu có những cảm xúc trong tâm hồn, mẫn cảm trước cuộc sống và có sự rung động sâu sắc trước thiên nhiên tươi đẹp. Chính thế giới ẩn dật thơ mộng, thanh khiết ấy đã thanh lọc những xúc cảm cùng những tri nhận của nhà thơ về dòng chảy thời gian tuần hoàn, bất biến.
Nói tới lịch sử là nói tới sự thay thế của các triều đại, là sự hưng thịnh hay suy vong thành bại của những người xuất chúng. Cũng theo quan niệm của người trung đại thì mọi sự hưng vong thành bại đều thuộc mệnh trời, thế nên thời gian lịch sử gắn với thời gian vũ trụ một cách huyền bí. Mà vũ trụ tuần hoàn cũng kéo theo sự tuần hoàn của lịch sử. Khi phản ánh thời gian lịch sử, thơ ca trung đại thường có xu hướng bất tử hóa khoảng thời gian mà cha ông ta đã đạt được những chiến công hiển hách trong cuộc sống chống giặc ngoại xâm vĩ đại. Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng không ngoại lệ, văn chương của thi nhân với những áng thơ thời gian gắn liền với các triều đại lịch sử đã đi qua, cùng với những chiến công vang danh hiển hách một thời.
Lịch sử không bất biến, đó cũng chính là dòng chảy thời gian với nhiều biến đổi. Thời gian không chỉ đọng lại ở những chiến công vang dội, thời gian còn được cảm nhận của con người qua những nỗi niềm ưu tư trước sự suy vi của thời đại. Đó là nỗi thương tiếc cho quá khứ vàng son những thời khắc thiêng liêng vang dội của chiến công, là nỗi trăn trở đau đáu của những còn người tri thức muốn được cống hiến mà bất lực trước sự suy thoái của lịch sử... Cũng như nhiều nhà hiền triết duy