7. Kết cấu luận văn
1.2.2. Sự cần thiết phải quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động
Nhà nước là chủ thể lớn nhất có vai trò quản lý kinh tế xã hội nhằm đảm bảo cho xã hội tồn tại, hoạt động và phát triển bền vững. Sự cần thiết của QLNN về XKLĐ xuất phát từ những lý do sau:
* Xu thế hội nhập kinh tế quốc tế tác động đến hoạt động XKLĐ
Kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu và khu vực. Mỗi một biến động tích cực hoặc tiêu cực của kinh tế khu vực và thế giới đều có những tác động nhiều mặt đến kinh tế Việt Nam.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước có chủ trương chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tranh thủ mọi thời cơ phát triển trên nguyên tắc giữ vững độc lập tự chủ và định hướng XHCN. Đây là sự đổi mới về tư duy và nhận thức của Đảng và Nhà nước ta trước tình hình biến đổi của thế giới, với
phương châm hành động trong hoạt động đối ngoại: Việt Nam sẵn sàng là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế.
Việt Nam đã gia nhập khối ASEAN, tham gia AFTA và APEC, bình thường hoá và lập quan hệ ngoại giao với Mỹ, ký kết được Hiệp định thương mại Việt – Mỹ, đặc biệt sự kiện gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), hàng loạt các Hiệp định, Nghị định như thoả thuận hợp tác trong lĩnh vực lao động với các nước, mở đường cho hoạt động XKLĐ phát triển, với những nội dung:
- Có cơ quan đại diện ngoại giao tại nhiều quốc gia và lãnh thổ, nên có nhiều cơ hội tìm hiểu khả năng XKLĐ. Trong quá trình hội nhập, nhiều cơ hội việc làm ở nước ngoài sẽ mở ra đối với NLĐ Việt Nam.
- Khi Việt Nam tham gia vào quá trình phân công lao động quốc tế, thì thị trường không còn bó hẹp trong biên giới quốc gia. NLĐ có cơ hội học hỏi nhiều hơn, tiếp cận với những môi trường làm việc mới và sẽ có thu nhập cao hơn.
- Các doanh nghiệp XKLĐ của Việt Nam có thể khai thác và tìm hiểu thông tin về nhau cầu lao động của các nước qua nhiều kênh thông tin như tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội nghị quốc tế…để thăm dò và khai thác những cơ hội XKLĐ.
- Có được sự quan tâm sâu sắc của các Tổ chức quốc tế về các vấn đề mang tính toàn cầu hoá như xoá đói giảm nghèo, phòng chống dịch bệnh, thiên tai…
* Sự phát triển thị trường lao động trên thế giới
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết thị trường lao động thế giới đã tăng gấp bốn lần so với năm 1980 và theo dự kiến đến năm 2050, thị trường này sẽ
tăng gấp đôi so với hiện nay. Theo IMF, sự phát triển của TTLĐ quốc tế được thể hiện trên ba kênh: Xuất nhập khẩu các sản phẩm tinh chế, sản xuất theo hướng phi tập trung của các doanh nghiệp và hoạt động XKLĐ. Xu hướng quốc tế hoá TTLĐ đang làm cho nhiều nước được hưởng lợi. Các nước đông dân và các nước đang phát triển giải quyết được vấn đề việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân. Đặc biệt, đối với Việt Nam là nước kinh tế đang phát triển, có số dân đông, tỉ lệ người trẻ chiếm phần lớn,…Tuy nhiên, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng tỉ lệ sinh giảm nhanh chóng, trong khi thế hệ dân số trẻ hiện nay đã tham gia vào thị trường lao động trong giai đoạn 2011 - 2020, lực lượng lao động tiềm năng sẽ giảm đi đáng kể. Điều này cũng cần lưu ý khi chúng ta xây dựng một chiến lược phát triển XKLĐ, thay vì tăng nhanh về số lượng lao động xuất khẩu mà cần nâng cao chất lượng lao động có tay nghề, trình độ cao và lao động trong lĩnh vực dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của các nước tiếp nhận lao động.
* Hiệu quả kinh tế - xã hội trong hoạt động xuất khẩu lao động
Trong điều kiện kinh tế thị trường, sức lao động được coi là hàng hoá – đó là loại hàng hoá đặc biệt, thì hoạt động XKLĐ được thực hiện chủ yếu trên cơ sở quan hệ cung cầu sức lao động. Nó chịu sự tác động, sự điều tiết của các quy luật kinh tế thị trường. Bên “cầu lao động” phải tính toán kỹ hiệu quả kinh tế của việc sử dụng lao động. Vì vậy, “cầu lao động” xác định chặt chẽ số lượng, chủng loại lao động hợp lý với chất lượng lao động cao. Do vậy, muốn cho hàng hoá đặc biệt của mình chiếm được ưu thế trên TTLĐ thì bên cung lao động phải có sự chuẩn bị và đầu tư để loại hàng hoá đặc biệt này được thị trường chấp nhận, phải đáp ứng về số lượng và chất lượng cao. Chất lượng lao động càng cao, càng đem lại hiệu quả kinh tế lớn và càng được thị trường ngoài nước chấp nhận.
Hiện nay, lao động Việt Nam đã có mặt ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng thực tế tập trung chủ yếu tại bốn thị trường chính là Malaysia, Đài loan, Hàn Quốc và Nhật Bản [36].
* Cơ chế, chính sách chưa phù hợp với cơ chế mới
Trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế, Việt Nam phải thực hiện đầy đủ các cam kết với các nước và các tổ chức quốc tế, phải chấp nhận cạnh tranh trên một sân chơi không khoan nhượng, cạnh tranh rất gay gắt. Trong khi thể chế kinh tế chưa hình thành đồng bộ; nhiều cơ chế, chính sách, luật lệ chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thúc ép trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế buộc chúng ta phải tập trung hoàn thiện một số lĩnh vực như:
- Hình thành đồng bộ các yếu tố của thị trường nhất là thị trường sức lao động, thị trường tài chính và thị trường công nghệ…
- Thực hiện các cam kết của Việt Nam trong các mối liên kết kinh tế quốc tế, đặc biệt là trong WTO, không chỉ là nhiệm vụ mà còn có vai trò vô cùng quan trọng trong đề tài Việt Nam có thể cải cách kinh tế trong nước, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động và lợi ích của người tiêu dùng.
Đối với hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài chúng ta thừa nhận rằng cơ chế, chính sách pháp luật của nhà nước ta còn thiếu các chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm các vi phạm của doanh nghiệp và NLĐ, đặc biệt đối với lao động cư trú bất hợp pháp ở ngoài nước, vi phạm pháp luật ở nước sở tại. Trong lĩnh vực QLNN, chúng ta chưa đầu tư và chưa tổ chức nghiên cứu thị trường lao động ngoài nước, khả năng dự báo tình hình thị trường trong nước và ngoài nước vẫn còn kém, nên trước sự biến động của thị trường lao động chúng ta vẫn còn lúng túng trong cách giải quyết và thường gặp bất lợi. Vì thế QLNN trong XKLĐ là hết sức cần thiết.