Việt Nam là một quốc gia có bờ biển dài 3200 km với khu hệ động thực vật biển rất phong phú trong đó có tảo biển. Nếu chỉ tính riêng các loài tảo lớn hiện có, con số đã lên tới gần 1000 loài trong đó 639 loài đã được xác định gồm 269 loài (Hong và cs, 2007). Tuy nhiên, số loài vi tảo biển hiện chưa có con số thống kê cụ thể. Những nghiên cứu sử dụng vi tảo biển đã được mở rộng trong rất nhiều lĩnh vực như khai thác các chất có hoạt tính sinh học, sử dụng làm thực phẩm cho người, NTTS, xử lý nước thải, sản xuất nhiên liệu sinh học…
Labyrinthula là chi vi tảo biển dị dưỡng đầu tiên được phân lập và nuôi cấy
thành công ở Việt Nam. Từ những mẫu lá cây phân lập ở vùng biển Đồ Sơn- Hải Phòng và Hải Hậu- Nam Định, Hoàng Lan Anh và cộng sự đã phân lập thành công 13 chủng Labyrinthula spp. Các chủng này chỉ chứa -6 DPA (axít
docosapentaenoic) và DHA với hàm lượng cao nhất đạt 0,14 g/l ở chủng ND21 (Hoàng Lan Anh và cs, 2005).
Nguyễn Đình Hưng và cộng sự (2007) đã đưa ra quy trình tối ưu để phân lập và sàng lọc nhanh các chủng Labyrinthula spp. trong điều kiện phòng thí nghiệm từ 276 mẫu lá cây thu thập từ các vùng biển thuộc 5 tỉnh phía Bắc, Việt Nam (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa). Dựa trên sinh trưởng, hàm lượng lipit, DHA và -6 DPA, tác giả đã sàng lọc được 10 chủng tiềm năng để có thể tiến hành các nghiên cứu sâu hơn, trong đó 2 chủng ND50 và HP43 được chọn để thử nghiệm nuôi cấy trên môi trường lỏng để thu được sinh khối (Nguyễn Đình Hưng và cs, 2007)
Việc tối ưu hoá điều kiện nuôi cấy trên môi trường rắn các chủng
Labyrinthula spp. phân lập từ Việt Nam có tốc độ sinh trưởng, hàm lượng lipit tổng
số và hàm lượng DHA và -6 DPA cao cũng đã được Hoàng Minh Hiền và cộng sự công bố (2006). Ngoài ra, hai enzyme elongase và desaturase tham gia vào phản ứng kéo dài chuỗi và khử bão hòa trong con đường tổng hợp axít béo đã được tách dòng và biểu hiện trong tế bào nấm men S. cerevisiae INVSc 1 (Đặng Diễm Hồng & Hoàng Minh Hiền, 2007; Hoàng Minh Hiền & Đặng Diễm Hồng, 2008 a, b).
Tuy nhiên, các nghiên cứu thu được đã cho thấy việc nuôi trồng
Labyrinthula trên môi trường lỏng để thu sinh khối gặp rất nhiều khó khăn bởi mật
độ tế bào thấp, loại vi khuẩn được sử dụng trong quá trình phân lập và nuôi cấy trên môi trường rắn (Psychrobacteria phenylpyruvicus) có vai trò như là các chất kích thích sinh trưởng của tảo lại trở thành yếu tố cản trở khi nuôi Labyrinthula trên môi trường lỏng. Do vậy, việc thu lượng lớn sinh khối cho thử nghiệm trên quy mô lớn hầu như không thể khắc phục được.
Schizochytrium cũng là một chi vi tảo biển dị dưỡng nằm cùng phân lớp
Labyrinthulea với chi Labyrinthula. Những nghiên cứu sâu rộng về chi vi tảo này trên thế giới đã cho thấy chúng là những cơ thể có khả năng tổng hợp một lượng lớn lipit và các PUFA omega-3 đặc biệt là DHA, có thể nuôi trồng trên quy mô lớn để thu sinh khối. Ở Việt Nam, Trần Thế Mưu và Vũ Văn Sáng (2013) đã sử dụng sinh
khối tảo Schizochytrium sp. khô làm thức ăn nuôi vỗ tu hài mẹ (Lutraria
philippinarum) cho thấy tỷ lệ thành thục của tu hài mẹ khi ăn tảo này cao hơn đáng
kể (92,86 ± 1,50%) so với khi dùng hỗn hợp các chi tảo tươi truyền thống vẫn được sử dụng là Chlorella, Isochrysis, Chaetoceros (74,06 ± 2,50%), trong khi đó các thông số về sức sinh sản tuyệt đối, tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ phát triển thành ấu trùng Trochophore không có sai khác đáng kể. Kết quả thí nghiệm ương ấu trùng tu hài trong bể composite 2 m3 sử dụng hỗn hợp tảo dị dưỡng Schizochytrium sp. kết hợp với tảo khô Spirulina sp. làm thức ăn cho ấu trùng từ 4 đến 21 ngày tuổi cho tỷ lệ sống tương đương với lô thí nghiệm sử dụng hỗn hợp tảo tươi (Isochrysis galbana,
Chroomonas salina) lần lượt là 21,6 ± 5,6% và 20,4 ± 3,5% (P>0,05). Đây là những
kết quả bước đầu có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh mà các nguồn thức ăn cho các đối tượng thủy hải sản có giá trị ở Việt Nam hầu hết được nhập ngoại.
Phòng Công nghệ tảo, Viện Công nghệ sinh học bước đầu cũng đã chuyển hóa thành công diesel sinh học với 11/16 chỉ tiêu đáp ứng được tiêu chuẩn Việt Nam về diesel sinh học B100 từ sinh khối một số chủng Schizochytrium (Đinh Thị Thu Hằng, 2011; Hong và cs, 2013).
Mặc dù những nghiên cứu về chi Schizochytrium ở Việt Nam rất hạn chế nhưng có thể thấy tiềm năng ứng dụng của loại vi tảo này là rất lớn. Vì lẽ đó, trong luận án này chúng tôi tập trung vào việc phân lập, sàng lọc để tìm ra các chủng
Schizochytrium spp. tiềm năng phân lập từ Việt Nam có chứa hàm lượng lipit và các
omega-3 PUFA và thử nghiệm ứng dụng sinh khối một chủng tiềm năng nhất trong nuôi trồng thủy sản và thực phẩm chức năng.