7. Kết cấu của luận văn
1.2.2. Các bộ phận, thành phần thuộc khu vực công
Các đơn vị sự nghiệp công lập không chỉ đông đảo về số lượng, mà còn đa dạng về loại hình, lĩnh vực hoạt động. Do vậy, việc phân loại đơn vị sự nghiệp công lập rất phức tạp tùy theo tiêu chí phân loại.
Theo tiêu chí mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, trước đây, Nghị định số 10/2002/NĐ-CP quy định hai loại đơn vị sự nghiệp công lập có thu gồm: đơn vị tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên và đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên.
Tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy biên chế và tài chính đối với sự nghiệp công lập, xác định ba loại đơn vị sự nghiệp công lập là đơn vị có nguồn thu sự nghiệp tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên; đơn vị có thu sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên, phần còn lại được ngân sách nhà nước cấp; đơn vị có nguồn thu sự nghiệp thấp, đơn vị sự nghiệp không có nguồn thu, kinh phí hoạt động thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ do NSNN bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động.
20
Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đã chia đơn vị sự nghiệp công lập thành bốn loại: đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; đơn vị được nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
Luật Viên chức năm 2010 quy định hai loại đơn vị sự nghiệp công lập gồm: đơn vị được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự và đơn vị chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự.
Xét dưới góc độ vị trí pháp lý, đơn vị sự nghiệp công lập có thể chia thành năm loại sau: đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; đơn vị thuộc Tổng cục, Cục; đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; đơn vị thuộc cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Ngoài ra, có thể xem xét, nghiên cứu khu vực công trên quan điểm được hợp thành bởi khu vực Chính phủ và khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Khu vực Chính phủ bao gồm các đơn vị Chính phủ và các thể chế phi lợi nhuận, phi thị trường được kiểm soát và tài trợ bởi Chính phủ. Những đơn vị chính bao gồm tất cả các đơn vị trong hệ thống bộ máy Nhà nước từ trung ương đến địa phương thực hiện các chức năng của Chính phủ như là hoạt động cơ bản. Chịu trách nhiệm cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho cộng đồng dân cư trên cơ sở phi thị trường; thực hiện các khoản thanh toán chuyển giao để tái phân phối thu nhập và của cải, đồng thời tài trợ cho các hoạt động của mình một cách trực tiếp và gián tiếp. Khu vực này gồm Chính phủ trung ương, chính quyền địa phương và các quỹ bảo hiểm xã hội. Các doanh nghiệp Nhà nước: “Doanh nghiệp công là các đơn vị thể chế đủ tiêu chuẩn doanh nghiệp được chính quyền sở hữu và kiểm soát”, có hai loại chính là công ty công tài chính và công ty công phi tài chính.