Thể thơ tự do vươn tới hiện đại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hình tượng cái tôi trữ tình trong thơ nguyễn duy (Trang 79 - 82)

6. Cấu trúc của luận văn

3.1.3. Thể thơ tự do vươn tới hiện đại

Thơ tự do là loại thơ không có quy định bắt buộc về số câu, số chữ trong câu, về vần, bằng trắc và nhịp điệu. Tất cả các yếu tố hình thức này đều có thể thay đổi tùy thuộc tình cảm, cảm xúc của nhà thơ - chủ thể trữ tình. Thơ tự do ra đời để đáp ứng nhu cầu diễn đạt tình cảm không giới hạn của con người hiện đại, giải phóng cảm xúc khỏi sự ràng buộc chặt chẽ bởi các quy tắc về hình thức, nghĩa là đề cao yếu tố cảm xúc, yếu tố trữ tình. Thơ tự do thường để cảm xúc chi phối mạch thơ, nhịp thơ. Cho nên nhịp thơ và số lượng chữ trong câu biến hóa rất linh hoạt, vần không cố định. Đối với thơ tự do, số tiếng trong dòng không quy định trước. Mỗi dòng có thế là một tiếng, hai tiếng, ba tiếng hay bảy, tám, chín, mười tiếng, thậm chí còn nhiều tiếng hơn nữa.

Thơ tự do của Nguyễn Duy luôn hướng tới sự mới mẻ, hiện đại. Đặc biệt với cách viết độc đáo và sáng tạo, thể thơ tự do tỏ ra khá phù hợp trong cách

biểu đạt cảm xúc của mình, đặc biệt là khi nhà thơ bộc lộ cái tôi trữ tình triết lí. Không gò bó trong bất cứ một khuôn khổ nào, một cách phối trí cố định nào. Các câu thơ dài ngắn không đều, tùy theo hình ảnh trong câu thơ và cách cảm nhận của tác giả. Mỗi dòng thơ như lời tâm tình, rải đều trên trang giấy nhưng lại đề cập đến những vấn đề cốt lõi của nhân sinh, của kiếp người đó là sự nhỏ bé của con người trước vũ trụ bao la rộng lớn:

giọt nước mắt và nụ cười hai mươi sáu năm xa cách dành dụm lại

giọt nước mắt cũng đã già như tuổi riêng nụ cười là vẫn trẻ trung"

(Giọt nước mắt và nụ cười)

Bên cạnh đó, nhà thơ chú ý đến việc kết hợp từ ngữ khá mới lạ. Khi triết lí về niềm hạnh phúc và khổ đau, ông viết:

sâu nặng lắm từng phút giây sấp ngửa

không tan nát qua thác và qua lửa

(Dòng sông Mẹ)

Hay trong bài “Nợ nhuận bút” , nhà thơ sử dụng một loạt từ láy láo

nháo, lăng xăng, tí toách, nhì nhằng:

Trời xúi kẻ làm thơ đi làm báo

cũng trâu bò cũng láo nháo cũng lăng xăng

cũng tí toách những tấm hình đen trắng

xoay trở nồi cơm nhuận bút nhì nhằng

Đặc biệt ở thể thơ tự do, người ta còn thấy ông đã sử dụng khá linh hoạt cách viết thơ vắt dòng tạo một hiệu quả nghệ thuật nhất định. Có những câu vốn phải nằm trên cùng một dòng đã được tác giả ngắt ra, tạo thành một dấu nhấn, tác động vào giọng điệu câu thơ. Từ đó vấn đề triết lí trở nên sâu sắc hơn, đi sâu vào lòng người hơn. Chẳng hạn khi suy nghiệm về chiến tranh, ông viết:

Hai mươi mốt năm dài máu chảy

hai mươi mốt năm dài thương đau

đủ cho qua đi một thời con trai đủ cho qua đi một thời con gái

(Tìm thân nhân)

Cách xây dựng câu thơ tự do của Nguyễn Duy còn có một điều hết sức đặc biệt. Đó là ở nhiều câu thơ cuối dòng triết lí thường xuất hiện những dấu ba chấm tạo cho ta cảm giác có cái gì đó dang dở, không trọn vẹn, gợi cho người đọc nhiều suy nghiệm về những vấn đề của cuộc sống. Chẳng hạn khi triết lí về sự hữu hạn và vô hạn, Nguyễn Duy viết

Vương triều mất đi nhân dân còn lại

còn lại anh hùng và còn lại nhà thơ...

(Trong đất)

Suy nghiệm về nhân dân, về chiến tranh trong bài Đá ơi ông viết:

Đá ơi

xin tạc lại đây lời cầu chúc hòa bình Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh phe nào thắng thì nhân dân đều bại...

Đặc biệt ở thể tự do, nhờ đặc điểm linh hoạt phóng khoáng trong cách thể hiện nên việc tổ chức sắp xếp các câu thơ tùy thuộc vào cung bậc cảm xúc của nhà thơ ở mỗi bài cũng như dụng ý nghệ thuật của tác giả. Vì vậy mà trong nhiều bài thơ ta thấy Nguyễn Duy đã sử dụng nhiều kiểu kiến trúc câu thơ khác nhau. Ví như khi thể hiện triết lí vô hạn và hữu hạn của con người, trong bài Đèo cả có những câu thơ :

Xa từ xa

Xưa từ xưa

dấu người đi khai phá giữa trời

(Đèo cả)

Trong thể thơ tự do, nhà thơ đã xây dựng một kiểu kiến trúc câu thơ khá độc đáo gây ấn tượng mạnh cho người đọc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hình tượng cái tôi trữ tình trong thơ nguyễn duy (Trang 79 - 82)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)