6. Cấu trúc của luận văn
2.1.2. Trữ tình về quê hương, đất nước
Quê hương là dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn con người, nhất là đối với người nghệ sĩ. Quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn, là máu thịt của mỗi người. Con người có thể đi nhiều nơi, sống nhiều chỗ, gắn bó với nhiều vùng đất khác nhau nhưng trong đáy sâu tâm hồn mỗi con người vẫn luôn chất chứa niềm thương tha thiết đối với nơi mình được cất tiếng khóc đầu đời.
Chẳng thế mà những câu ca dao gieo vào trong kí ức của con người nhiều nỗi niềm nhất luôn là những dòng viết về quê hương thân yêu:“Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương/ Nhớ ai dãi nắng dầm sương/ Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao”.
Nguyễn Duy yêu mỗi tên đất tên làng, nơi nhà thơ được vỗ về từ thuở trong nôi với câu hò điệu ru của bà của mẹ. Nguyễn Duy chưa bao giờ quên khúc dân ca ngọt ngào của quê hương:
Nghìn năm trên dải đất này cũ sao được cánh cò bay la đà cũ sao được sắc mây xa
cũ sao được khúc dân ca quê mình
(Khúc dân ca)
Như một tuyên ngôn, nhà thơ khẳng định: Dù nghìn năm trôi qua trên mảnh đất này thì những vẻ đẹp của làng quê không bao giờ "cũ" được. Với nhà thơ, “quê nhà ở phía ngôi sao”, nơi lấp lánh kỉ niệm về những người mà ông thương yêu nhất, về tuổi thơ êm đẹp đã qua đi những vẫn còn lại bao dư vị.
Tuổi thơ Nguyễn Duy trôi qua gắn với những gì thân thuộc nhất ở quê hương:
bát ngát cánh đồng
cỏ và lúa và hoa hoang cỏ dại
vỏ ốc trắng những luống cày phơi ải bờ ruộng bùn lấm tấm dấu chân cua
( Tuổi thơ )
Mảnh đất nhà thơ được sinh ra là nơi nhà thơ được sống trọn với tuổi thơ mình. Vẻ đẹp của quê hương trong tâm trí nhà thơ cũng bình dị như những con người “chân lấm tay bùn” nơi đây với cánh đồng lúa bát ngát, vỏ óc trắng, những cánh đồng phơi ải đang chờ mùa gieo hạt… Nhà thơ không thể quên
nơi nhen nhóm ngọn lửa hạnh phúc của mỗi gia đình – đó là xó bếp. Nơi ấy đã cho nhà thơ bao kỉ niệm đơn sơ mà sâu sắc: Nơi ấy/ ta nướng khoai lùi sắn/ xoa xít hít hà thơm mì cháy họng/ lấm tấm đầy đầu bụi bồ hóng/ lép bép lửa
tàu cau/ râu tôm nấu với ruột bầu khen ngon (Xó bếp).
Ngược dòng kí ức của nhà thơ ta được về với một vùng quê xưa với nét văn hóa lâu đời: “chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng/ mùi huệ trắng quyện khói
trầm thơm lắm/ điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng...” (Đò Lèn). Đất nước ta
là một đất nước đã có hàng nghìn năm lịch sử với nền văn hóa mang bản sắc riêng. Mùi huệ, hương trầm, điệu hát văn… là những hình ảnh quen thuộc đối với nhà thơ, làm nên nét đẹp cho mảnh đất Thanh Hóa. Chính nét đẹp đó làm nên cốt cách, hình hài và bản sắc của dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Duy không sao quên nổi những kí ức đẹp đẽ về tuổi thơ mình bên gia đình thân thương, dù cuộc sống chẳng hề đủ đầy:
mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao ngân hà chảy ngược lên cao
quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm bờ ao đom đóm chập chờn
(Tuổi thơ)
Giữa cái nóng nực của ngày hè còn gì thích thú bằng việc được trải chiếu trước sân ngắm nhìn vũ trụ bao la. Đêm tối càng trở nên lung linh khi được tô điểm bởi những ngọn đèn đom đóm ngoài bờ xa. Nhà thơ tiếc nuối thời xa vắng ấy: Tuổi thơ tôi cứ ngỡ mất đi rồi/ năm tháng trôi qua không bao giờ chảy lại/ cái năm tháng mong manh và vững chãi/ con dấu đất đai tươi rói mãi đây này (Tuổi thơ).
Mỗi chúng ta, ai cũng có một quê hương để nhớ, để yêu và để để quay trở về. Dù đi đâu xa thì hình ảnh quê hương vẫn luôn còn mãi trong dáng đi, câu nói, điệu cười. “Dường như ở mỗi bài thơ là một phát hiện thêm về vẻ đẹp
của người nông dân, làng quê [8, tr.83]. Phải có một tình yêu quê hương trọn vẹn và chân thành thì nhà thơ mới viết được những câu thơ như thế này:
“Giọt sương muối co ro đầu nhảnh mạ/ nhức nhối bàn chân phì phọp thở trong bùn” (Lời ấm áp nói từ trong gió lạnh). Trong những câu thơ trên, Nguyễn Duy đã chú ý đến những chi tiết vô cùng nhỏ nhặt: “giọt sương muối co ro đầu nhảnh mạ”, hình ảnh“lụt trắng đồng”...Nhưng chính nhờ những chi tiết ấy, cảnh lũ lụt hiện lên thật cụ thể. Đặc biệt ông thường nghiêng về miêu tả cảm giác, truyền đến người đọc trọn vẹn cảm giác “co ro” thu mình lại vì lạnh của từng nhảnh mạ, cái “nhức nhối” của bàn chân trần khi ngập trong bùn lầy giữa thời tiết lạnh giá. Đó là cảm giác của người đã từng run bởi lạnh, từng giật thót mình khi chạm chân vào bùn lạnh. Đọc những câu thơ ta cảm nhận được nỗi đau và sự khắc khoải của một người con xa quê khi hướng về quê mẹ.
Khi viết về làng quê, thơ ông khai thác hình ảnh đời thường vào thơ để làm nổi bật những vẻ đẹp đơn sơ:“Tôi lớn lên trên bờ bãi sông Hồng/ trong màu mỡ phù sa máu loãng/ giặc giã từ con châu chấu, con cào cào/ mương máng, đê điều ngổn ngang chiến hào/ trang sử đất ngoằn ngoèo trận mạc”
(Đánh thức tiềm lực).Trong thơ ông, nông thôn hiện ra chân thật mà nên thơ nhưng cũng trần trụi bởi thiếu thốn:“Hôm nay tôi gặp muối trên đồng/ từ vị mặn còn lặn trong ruộng cát/ từ bàn tay sần chai xới đầm chang gạt/ từ gương mặt đỏ nhừ như cua luộc/ từ vạt áo ra đồng màu nâu non về thôn màu
cát bạc/ từ dáng người đi tất bật giữa trưa hè” (Muối trắng).
Nguyễn Duy khác biệt với những nhà thơ đương đại suốt đời đi tìm cái đẹp sau vỏ bọc hình thức uyên thâm cần có tri thức để giải mã hết những kí hiệu hình thức thì Nguyễn Duy suốt đời vẫn thầm lặng phát hiện những vẻ đẹp giản dị giữa cuộc đời. Những câu thơ say mê ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên
gió nâng tiếng hát chói chang/ long lanh lưỡi hái liếm ngang chân trời”
(Tiếng hát mùa gặt) hay: Mùa xuân trôi giữa dòng người/ mỗi màu áo một khoảng trời lướt qua/ tương tư hoa gạo quê nhà/ tự nhiên áo đỏ làm ta giật
mình (Hoa gạo).
Suốt hành trình rong ruổi qua mọi miền đất trên Tổ quốc, Nguyễn Duy đã hái được cho mình nhiều “hoa thơm trái ngọt”. Đi đến đâu, Nguyễn Duy cũng tìm được cho mình nguồn cảm hứng sáng tác mới. Nguyễn Quang Sáng đã yêu mến ví “Nguyễn Duy như một con ngựa sung sức, nếu không được buông vó trên đường dài thì ở trong tàu lúc nào cũng nghe cái gõ lộp cộp của nó, nó đòi đi.” [46, tr.88]. Đến những vùng đất khác nhau, Nguyễn Duy đã tìm ra nét đặc trưng của mỗi vùng miền, mảnh đất nào níu giữ chân người. Đến Hà Nội, Nguyễn Duy xúc cảm trước thiên nhiên, con người, trước cái biến đổi của mảnh đất thủ đô ngàn năm văn hiến: “Hồ Gươm xanh màu xanh cổ tích/ con rùa vàng gửi bóng ở trên mây/ cây si mọc chúc cành xuống nước/
Thê Húc cong cong một nét lông mày ( Một góc chiều Hà Nội). Nhưng khi
đến Huế, nhà thơ bị hớp hồn trước sự huyền bí của xứ Huế hữu tình: Mây xưa lởm khởm thiên đường/ cõi mê xưa loạng quạng chuông luân hồi/ Bóng xưa xiêm áo về trời/ hình hài xưa mộc meo thời vàng son/ Dấu xưa đâu mất đâu
còn/ mắt xưa mưa móc mài mòn con ngươi (Giấc Huế). Và cũng không biết
từ đâu và từ bao giờ mỗi lần nhắc đến phong cảnh xứ Huế, con người lại cảm nhận vu vơ được nỗi buồn nhẹ nhàng, bâng quơ – có lẽ đây là vị riêng của xứ sở này. Nhà thơ may mắn lưu giữ vẻ như thực như mơ của sông nước Cửu Long : Lau già râu tóc bạc phơ/ khói sương biêng biếc mấy bờ sông xa/ chiều
xanh như nỗi nhớ nhà/ mây bàng bạc sóng bao la bốn bề (Xuồng đầy).
Bởi yêu quê hương biết mấy nên trong và sau những chuyến đi xa quê hương đất nước, Nguyễn Duy khao khát được trở về nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình. Nơi xứ người khiến ông chạnh lòng nhớ về quê hương. Nhà thơ
tâm sự: “Tôi là người đi nhiều, đã qua hàng chục quốc gia, qua biết bao nhiêu những thành phố sầm uất, những thủ đô hoa lệ, nhưng rồi lại thấy đi đâu cũng không bằng trở về nhà mình, được sống giữa tâm hồn dân tộc mình...” [30, tr.155). Ta lắng nghe thấy tiếng lòng tha thiết của những con người xa xứ luôn hướng về quê hương đất nước của mình:
Rơm rạ ơi ta trở về đây
gió sùng sục mùi bùn nằng nặng ngấu mộc mạc tím cành hoa bìm bờ dậu vắt vẻo cành tre sáo sậu gọi tên mình
(Về đồng)
Càng đi xa Nguyễn Duy càng hiểu hơn, càng thiết tha gắn bó hơn với quê hương đất nước mình:
“Dù ở đâu cũng tổ quốc trong lòng Cột biên giới đóng từ thương đến nhớ”
( Nhìn từ xa...Tổ quốc )
Đọc thơ viết về quê hương của Nguyễn Duy, vừa tự hào vừa thấy xa xót, vừa bâng khuâng lại vừa thấy se lòng. Mỗi dòng chữ, câu thơ dường như được viết lên từ gan ruột, gói trọn tâm tư tình cảm của một trái tim yêu tha thiết quê hương đất nước:
Con dấu chìm chạm trổ tận trong xương thời thơ ấu không thể nào đánh đổi trọn kiếp người ta chập chờn nguồn cội có một miền quê trong đi đứng nói cười
(Tuổi thơ)
Thơ Nguyễn Duy luôn gần gũi với bạn đọc bởi sự chân thành, mộc mạc trong cảm xúc. Cả đời cầm bút, nhà thơ luôn thành thực với chính mình, “vẫn sáng tác với bản sắc của mình, không biến dạng, không pha tạp do hoàn cảnh
sống” (Nguyễn Quang Sáng) [46, tr.87]. Không quá lời nếu nói, trong tất cả các bài thơ Nguyễn Duy đã viết, những bài đọng lại nhất, thấm thía nhất đều là những bài viết về quê hương, một quê hương còn đầy cơ cực trong mỗi ngày thường đang qua, đang tới. Nguyễn Duy là người sớm hướng đến mảnh hồn quê vất vả nhọc nhằn đã có lúc bị khuất lấp đi trong hiện thực nóng bỏng của chiến trường. Cảm hứng sáng tạo của nhà thơ bắt nguồn từ một tình yêu sâu nặng, một bản lĩnh vững vàng, một tài năng thực sự.