Tài nguyên đất, vấn đề trọng tâm được đặt ra để nghiên cứu là suy thoái đất (thoái hóa đất và hoang mạc hóa), những nguy cơ thực trạng và đang xảy ra trên quy mô rộng với tốc độ nhanh. Tốc độ và quy mô thoái hóa đất dẫn đến hoang mạc hóa ngày nay đang ở mức báo động. Chính vì vậy, vấn đề này đã được Nhà nước và các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Sau đây là một số công trình nghiên cứu có liên quan đến tài nguyên đất ở tỉnh Đắk Nông.
Những năm 1980, Nguyễn Đình Kỳ: nghiên cứu tổng hợp đất bazan thoái hóa vùng Tây Nguyên trên quan điểm địa lí tổng hợp đã nhận định: đất Tây Nguyên đã bị thoái hóa do sự xói mòn của tự nhiên và khai thác không hợp lý của con người.
“Nghiên cứu một số giải pháp khoa học và công nghệ nhằm phát triển nông nghiệp bền vững trên đất dốc tại Đắk Nông” do Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ thực hiện (2012). Đề tài nghiên cứu đã xác định hệ thống canh tác phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững đất dốc ở địa phương.
Công trình “Nghiên cứu xây dựng bản đồ thoái hóa đất tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông phục vụ sử dụng bền vững tài nguyên đất” của tác giả Lưu Thế Anh (2012). Kết quả đã xây dựng bản đồ thoái hóa đất tiềm năng tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông tỷ lệ 1/100.000. Đề tài xây dựng bản đồ chung cho cả 2 tỉnh đây cũng là một bất tiện cho việc sử dung riêng từng tỉnh và công trình cũng là 1 trong những kết quả nghiên cứu của Chương trình Tây Nguyên 3 [55].
“Thay đổi sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp ở tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2000-2012”. Việc tăng giảm đất sản xuất nông nghiệp và đất lâm nghiệp có mối tương quan chặt chẽ với nhau, các huyên có diện tích đất nông nghiệp tăng thì diện tích đất lâm nghiệp lại giảm. Đề tài cũng tìm ra những nguyên nhân và đề xuất một số các biện pháp thiết thực sử dụng đất phù hợp cho địa phương. Tuy nhiên, đề tài chưa đề cập nhiều về vấn đề thoái hóa đất.
Công trình nghiên cứu “Ứng dụng công nghệ GIS trong việc đánh giá thoái hóa đất tiềm năng, đề xuất giải pháp giảm thiểu, phục vụ quy hoạch phát triển bền vững khu vực Đắk Nông” (2012), đề tài đã xây dựng được mô hình tích hợp trong GIS các thông số đầu vào phục vụ cho việc thành lập bản đồ thoái hóa đất tiềm năng (hay bản đồ dự báo nguy cơ thoái hóa đất), tuy nhiên đề tài chưa làm rõ một số vấn đề các tác động của các yếu tố do các hoạt động kinh tế xã hội dẫn đến thoái hóa đất như: vấn đề sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các hoạt động khai thác khoáng sản, quá trình đô thị hóa và hoạt động của các ngành công nghiệp,…
Đối với UBND tỉnh Đắk Nông, nhằm phục vụ công tác quản lí và sử dụng tài nguyên đất một cách hợp lí đã có Kế hoạch số 202a/QĐ-UBND ngày 19/04/2017 của UBND tỉnh Đắk Nông về việc điều tra, đánh giá tài nguyên đất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Kết quả dự án điều tra đã thành lập Bản đồ thoái hóa đất thời kỳ đầu của tỉnh Đắk Nông, tỷ lệ 1: 100 000 và kèm theo Hướng dẫn quy trình kỹ thuật giảm thiểu thoái hóa đất theo loại hình và loại đất thoái hóa.
Qua các nghiên cứu trên là toàn bộ các công trình đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học cho đề tài nghiên cứu một cách thiết thực. Trên cơ sở tổng quan tình hình nghiên cứu như trên, đề tài “Đánh giá suy thoái tài nguyên đất tỉnh Đắk Nông” đã xác định phương pháp luận, tiếp cận phân tích đánh giá
suy thoái tài nguyên đất nhằm định hướng phục vụ đề xuất giải pháp sử dụng đất bền vững tỉnh Đắk Nông.