2.1.2.1. Đặc điểm địa chất
Đắk Nông là một phần mảng thạch quyển Đông Dương kiến tạo trong giai đoạn Proterozoi muộn-Mezozoi. Từ cuối Mioxel sang đầu Neogen thuộc kỷ Đệ tứ của Kainozoi (cách đây khoảng 25 triệu năm) do tác động của các chuyển động kiến tạo, bề mặt cổ được nâng cao tạo thành các khối cao nguyên ở Tây Nguyên, trong đó có khối cao nguyên Đắk Nông. Mặt khác, địa khối cổ bị phá vỡ, tạo nên những địa hào lớn và sau đó được lấp đầy bởi trầm tích thuộc Thống Neogen ở đầu kỷ Đệ tứ.
Từ giữa kỷ Đệ tứ các chuyển động kiến tạo xảy ra mạnh làm nứt nẻ Trái Đất khá sâu, khiến cho núi lửa hoạt động mạnh, phun ra các lớp phủ bazan dày từ 100-30 0m. Các dung nham đã lấp đầy các chỗ trũng của bề mặt địa hình cũ tạo nên bề mặt cao nguyên Đắk Nông như ngày nay.
b. Đặc điểm đá mẹ, mẫu chất
Tham gia vào cấu trúc địa chất lãnh thổ tỉnh Đắk Nông có mặt khá đa dạng các thành tạo trầm tích, trầm tích biến chất và phun trào có tuổi từ Proterozoi đến Kanozoi. Cấu tạo địa chất tỉnh Đắk Nông bao gồm các nhóm đá như sau:
- Nhóm đá macma acid và biến chất: phân bố huyện Cư Jút và phần ít phía Bắc huyện Đắk Mil, thuộc vỉa phía Tây nam của hệ tầng Ea Súp (J2es), chủ yếu là macma xâm nhập (granite), biến chất cổ (gơnai) và xen lẫn với ít trầm tích lục địa (cát bột kết).
- Nhóm đá macma bazơ: bao gồm chủ yếu các thành tạo phun trào bazalt tuổi Neogen-Pleitocen (N2-QI), thuộc hệ tầng đèo Bảo Lộc (J3đbl), tập trung chủ yếu ở các huyện Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Nông và Đắk R’lấp. Thành phần thạch học gồm andesit, andesitodacit, dacit, có nơi xen các lớp cuội kết tuf, cát kết tuf, và ít lớp mỏng silic.
- Nhóm đá trầm tích: chủ yếu trầm tích lục nguyên, bao gồm các loại đá chủ yếu là phiến sét và đá cát, phân bố chủ yếu các vùng núi cao và trung
bình các huyện Krông Nô, Đắk Nông và một ít phía Nam huyện Đắk R’lấp. - Nhóm trầm tích bở rời: bao gồm chủ yếu sản phẩm bồi tích từ sông giáp ranh với tỉnh Đắk Lăk và các sản phẩm dốc tụ hình thành do quá trình bào mòn xâm thực, tích đọng lại ven các suối nhỏ, chân đồi, thung lũng.
Như vậy, tính chất lý hóa học của đất, sự phân bố các loại đất và các tính chất khác của đất gắn liền với tính chất và sự phân bố của các đá mẹ, mẫu chất. Mỗi loại mẫu chất có thành phần, cấu trúc khác nhau sẽ quyết định sự khác nhau về thành phần cấu trúc của phẫu diện đất.
2.1.2.2. Đặc điểm địa hình, địa mạo
Tỉnh Đắk Nông nằm trọn trên khối cao nguyên cổ Đắk Nông - Đắk Mil, độ cao so với mặt nước biển từ 160 m (ở phía Bắc) và gần 1.980 m (phía Tây Nam). Địa hình cao dần từ Bắc xuống Nam, Đông Bắc - Tây Nam, có thể chia thành 3 dạng chính:
- Địa hình cao nguyên: phân bố trên cao nguyên bazan khu vực trung tâm và Tây Nam. Độ cao khoảng 600 m đến gần 1.980 m, thuộc địa bàn các huyện Đắk Mil, Đắk Song, Thị xã Gia Nghĩa, huyện Tuy Đức và Đắk R’lấp. Đỉnh cao nguyên ít dốc, sườn cao nguyên rất dốc, chia cắt mạnh. Thảm thực vật chủ yếu là rừng trung bình, cây trồng, thảm cỏ, cây bụi.
- Địa hình gò đồi: phân bố ở khu vực phía Bắc. Độ cao 160- 600 m thuộc địa bàn huyện Cư Jút và Krông Nô. Đá mẹ chủ đạo là đá bazan, có ít đá mẹ biến chất và đá sét. Đá sét và biến chất phân bố ở chân và sườn dốc, phía trên là lớp phủ đá bazan.
- Địa hình thung lũng được bồi tụ: phân bố ven các suối nhỏ, hẹp. Quá trình hình thành đất chủ đạo là quá trình bồi tụ, mẫu chất phù sa, dốc tụ.
Nhìn chung, đất đai và địa hình thuộc địa bàn tỉnh Đắk Nông có sự liên quan chặt chẽ: Nhóm đất đỏ vàng (F) chủ yếu phân bố ở địa hình cao nguyên bazan, hướng sử dụng trồng các loại cây công nghiệp lâu năm như cà phê, cao
su, tiêu, cây ăn trái và hoa màu, nơi độ dốc lớn khoanh nuôi bảo vệ rừng. Nhóm đất phù sa (P), đất xám (X), đất đen (R) và đất thung lũng ở dạng địa hình bằng thấp sử dụng trồng cây lương thực, đậu đỗ và cây công nghiệp hàng năm, nơi độ dốc cao, tầng mỏng trồng hoặc khoanh nuôi bảo vệ rừng.