Từ bột lá, thông qua phương pháp ngâm chiết sử dụng dung môi MeOH, lọc loại bột lá chúng tôi đã thu được dịch chiết của lá cây Lá giang trong MeOH. Dịch chiết thu được có màu xanh đậm (Hình 3.2). Bằng phương pháp
chưng cất ở áp suất thấp 114 hPa, nhiệt độ 40oC để loại bỏ dung môi MeOH chúng tôi thu được cao chiết MeOH của lá cây Lá giang (Hình 3.3).
Hình 3.2. Dịch chiết MeOH của lá cây Lá giang
Hình 3.3. Cao chiết MeOH của lá cây Lá giang
Toàn bộ cao MeOH tiếp tục hòa với nước và chiết nhiều lần với Hx, thu được hai phần: Phần tan trong Hx và phần dịch nước. Phần tan trong Hx được cô quay chân không loại dung môi thu được cao Hx. Mục đích chiết với Hx để loại bỏ một phần các chất kém phân cực. Phần dịch nước chiết nhiều lần với dung môi EA, thu được dịch chiết EA. Dịch chiết EA đem cô quay chân
không, loại dung môi ở áp suất 114 hPa, thu được cao chiết EA có màu nâu đậm (Hình 3.4).
Hình 3.4. Cao chiết EA của lá cây Lá giang
Để đánh giá sơ bộ thành phần các chất có trong cao chiết MeOH từ lá cây Lá giang chúng tôi đã sử dụng phương pháp sắc ký bản mỏng với các hệ dung môi khác nhau. Đây là phương pháp thường quy giúp định tính kết quả, bước đầu đánh giá sơ bộ thành phần cao chiết là đơn giản hay phức tạp để có biện pháp xử lý.
Cao MeOH, sử dụng TLC với hệ dung môi DCM : EA = 1,5 : 0,01. Kết quả ở Hình 3.5.
Ở Hình 3.5 các kí hiệu (a) là bản mỏng sau khi chạy sắc ký cho hiện với bước sóng UV 254 nm, (b) bản mỏng được xử lý cho hiện với thuốc hiện Ce(SO4)2 ở hệ dung môi DCM : EA= 1,5 : 0,01. Qua TLC cho thấy các chất gần như hấp thụ ở ánh sáng của vùng UV và đều hiện với thuốc hiện Ce(SO4)2. Nhìn chung, kết quả TLC cho thấy thành phần hóa học trong cao chiết MeOH khá phức tạp, có rất nhiều chất trong đó các chất nằm gần nhau. Phần trên của bản mỏng cho thấy chất có hàm lượng nhiều hơn so với các chất ở vị trí giữa bản mỏng, chứng tỏ có nhiều chất kém phân cực. Hệ dung môi này cũng cho thấy hàm lượng các chất ở chân và gần chân rất nhiều, chứng tỏ hệ chưa giải ly được hết chất và phân tách các chất phân cực chưa được tốt. Do đó, chúng tôi không dùng hệ này để đánh giá thành phần hóa học của cao EA mà thay đổi hệ dung môi Hx : EA = 2 : 0,3 để dùng cho đánh giá thành phần hóa học của các chất trong cao EA. Cao chiết EA được chiết từ cao MeOH sau khi đã loại các chất tan trong Hx. Hình 3.6 là TLC của cao chiết EA.
Hình 3.6. TLC của cao chiết EA hiện màu với Ce(SO4)2
Từ kết quả sắc ký bản mỏng Hình 3.5 và Hình 3.6 cho thấy cao chiết từ Lá giang có thành phần rất phức tạp, có rất nhiều chất. So với cao MeOH thì các chất trong cao EA có phần ít phức tạp hơn. Các chất phía trên bản mỏng của cao EA gần như không còn, chứng tỏ đã loại được một số chất kém phân
cực. Các chất ở giữa bản mỏng cũng có hàm lượng ít. Đặc biệt, chất có hàm lượng lớn ở gần chân đã có sự phân vạch rõ hơn và có khoảng cách xa với các chất hơn. Do đó, chúng tôi có thể phân lập chất ở phần dưới trong TCL do có hàm lượng tương đối lớn và tách biệt với các chất khác trong cao chiết EA bằng phương pháp sắc ký cột, sử dụng hệ dung môi Hx : EA = 2 : 0,3 để làm dung môi rửa giải.