6. Cấu trúc luận văn
1.3.1. Khái niệm nhân vật dị biệt
Trong thời kì đổi mới và hội nhập, văn học Việt Nam phát triển rất phong phú và đa dạng trong mảng khai thác đề tài, chủ đề, bao quát được bức tranh hiện thực sinh động của đời sống con người. So với giai đoạn trước, nhà văn thời kì này không chỉ khám phá, nhìn nhận nhân vật trên một phương diện, mà bên cạnh đó, khám phá họ như những số phận được tác động từ nhiều hướng, nhiều chiều. Từ đó, thế giới nhân vật cũng trở nên đa dạng và phong phú hơn. Nhân vật không chỉ có những con người bình thường, mà còn có những con người bất thường cả về ngoại hình lẫn tâm lí. Vì vậy, nhân vật trong văn học thời kì này rất đa dạng, trong đó có những nhân vật mang đặc điểm bất bình thường về nhân hình, nhân tính, nguồn gốc xuất thân… Đó là
nhân vật dị biệt, một kiểu nhân vật đặc trưng, khẳng định một xu hướng sáng tác của văn học Việt Nam trong thời kì này.
Trong từ điển không có định nghĩa riêng nào cho từ “dị biệt”, đây là từ ghép dựa trên cơ sở hợp nhất nét nghĩa của hai từ “dị” và “biệt”. Theo Từ điển tiếng Việt, “dị” là “khác người một cách đáng chê cười”. “Biệt” là “rời, lìa một người hoặc nơi nào đó có quan hệ gắn bó, thân thiết để bắt đầu sống xa nhau”. Có thể hiểu “dị biệt” là cái kì lạ, khác thường, lập dị về diện mạo bên ngoài, về hạnh động hay cử chỉ, gây nên sự ngạc nhiên cho người khác. Cách hiểu này, khái niệm “dị biệt” có nghĩa tương đồng với “dị tướng”, “dị dạng”, “dị hình”, “dị thường”. Cũng có thể hiểu, “dị biệt” là sự xa lạ, cô đơn, lạc lõng, biệt lập. Và cũng có thể hiểu, “dị biệt” là sự khác lạ về ngôn ngữ, hành động, và đặc biệt là tâm lí.
Khái niệm “dị biệt” còn liên quan đến thuật ngữ “grotesque” (cái lố bịch, cái kệch cỡm, cái nghịch dị, cái thô kệch). Theo Từ điển thuật ngữ văn học, cái nghịch dị là “một kiểu tổ chức hình tượng nghệ thuật (hình tượng, phong cách, thể loại) dựa vào huyễn tưởng, tiếng cười, sự phóng đại, lối kết hợp và tương phản một cách kì quặc cái huyễn hoặc với cái thực, cái đẹp với cái xấu, cái bi với cái hài, cái giống như thực với cái biếm họa”. Để xây dựng cái nghịch dị, tác giả thường dùng những thủ pháp cường điệu, phóng đại, tương phản… để tạo ra những hình tượng biến dạng, méo mó, dị thường, qua đó thể hiện được quan điểm, tư tưởng của nhà văn. Có nghĩa là, “grotesque” và “dị biệt” có những điểm tương đồng với nhau, “grotesque” là một phương tiện biểu hiện cái dị biệt. Tuy nhiên, nếu “grotesque” thường đặt cái xấu xí, dị dạng, kệch cỡm bên cạnh cái cao cả để làm nổi bật cái đẹp, cái cao cả, thì “dị biệt” thể hiện cái xấu xí, dị thường, cái chưa hoàn thiện tồn tại ở cả bên trong lẫn bên ngoài con người, là phương tiện để nhà văn khám phá con người ở tất cả mọi mặt, trên mọi phương diện, với tất cả chiều sâu của nó.
Nhân vật dị biệt thường được thể hiện ở các cấp độ, hoặc về mặt hình thức, hoặc về mặt tâm lý, tính cách, và cũng có thể dị biệt cả hình dáng lẫn tâm lý tính cách, trong đó không thể không kể đến thế giới những người điên. Kiểu nhân vật này thường phản ánh cái nhìn của nhà văn trước cuộc đời. Họ được chú ý khai thác bởi những yếu tố bất thường, bởi vùng tối tâm lý và cả những rối loạn về mặt nhân cách. Qua đó, phản ánh về một thế giới trong sự đảo lộn các giá trị, nơi xã hội mất đi sự chuẩn mực khiến con người trở nên nghịch dị, bất thường.
Bên cạnh đó, hệ thống nhân vật dị biệt còn tượng trưng cho cảm quan hỗn độn, khi con người cảm thấy mình lạc lõng, bất định trong cuộc sống. Nó phản ánh sự hoang mang, mất phương hướng của con người trước ý nghĩa sinh tồn của bản thân.
Và hơn hết, nhân vật dị biệt đồng thời phản ánh quan niệm sáng tác của nhà văn – bình đẳng hóa mọi sự vật hiện tượng, luôn có cái nhìn đa chiều về hiện thực cuộc sống, chấp nhận những điều bình thường và cả những thứ bất bình thường. Đây là sự khác biệt lớn giữa văn học truyền thống và văn học hiện đại.