Khắc họa nhân vật dị biệt qua nội tâm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật dị biệt trong sáng tác của nguyễn nhật ánh (Trang 50 - 60)

6. Cấu trúc luận văn

2.2. Khắc họa nhân vật dị biệt qua nội tâm

Khái niệm nội tâm nhằm chỉ toàn bộ những biểu hiện thuộc về cuộc sống bên trong tâm hồn của nhân vật. Đó là những tâm trạng, những suy nghĩ, những thái độ, những phản ứng tâm lí của nhân vật trước những tình huống, cảnh ngộ mà họ gặp phải trong cuộc đời. Trong văn học, việc khắc họa nhân vật qua nội tâm ngày càng có vai trò quan trọng. L. Tonxtoi từng nói: “Mục đích chính của nghệ thuật… là nói lên những sự thật về tâm hồn con người, nói lên những điều bí ẩn không thể diễn tả bằng ngôn ngữ thông thường được”. Để làm được điều này, nhà văn phải là người am hiểu sâu sắc cuộc sống và con người, là người có thể nắm bắt được những biểu hiện dù là nhỏ

nhất bên trong của nhân vật. Và để nội tâm được thể hiện rõ nhất, nhà văn thường gắn liền nó sau mỗi hành động.

Thế giới nội tâm con người chính là công cụ, là phương tiện để thể hiện tính cách, do đó, thể hiện thế giới nội tâm nhân vật được đánh giá cao trong văn học nghệ thuật hiện đại. Thế giới nội tâm con người vô cùng phong phú và chuyển biến phức tạp, cũng vì lẽ đó, việc thể hiện thế giới nội tâm và những sắc thái thường xuyên biến chuyển của thế giới đó là một trong những thước đo quan trọng đánh giá tài năng của nhà văn trong lĩnh vực sáng tạo.

L. Tonxtoi đánh giá rất cao khả năng biểu hiện tâm hồn con người của văn học. Với ông, văn học là công cụ sắc bén giúp chúng ta hiểu được đời sống nội tâm cực kì đa dạng và phức tạp của con người. Và khi bắt gặp những nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh, đặc biệt là những nhân vật dị biệt, ta mới hiểu được tại sao nhà văn lại được yêu thích nhất trong những năm trở lại đây.

Theo Nguyễn Nhật Ánh: “Yếu tố quyết định của một nhà văn viết cho trẻ em nằm ở chỗ tác giả có thể chạm vào tâm hồn của trẻ em hay không”. Thiết nghĩ, khi chạm được vào tâm hồn trẻ em cũng là khi nhà văn đã chạm vào được tâm hồn của người lớn. Ông rất tài tình trong việc nắm bắt được tâm lí và diễn tả chiều sâu của tâm trạng nhân vật, dù đó là loài vật, là trẻ em, là người lớn, hay thậm chí, là những nhân vật người - bất - bình - thường. Đối với các nhân vật của mình, bên cạnh việc miêu tả vẻ bề ngoài, ông còn chú trọng vào việc miêu tả thế giới nội tâm của họ.

Thế giới nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh vô cùng phong phú và đa dạng, đặc biệt là hệ thống những nhân vật dị biệt. Nhân vật dị biệt được thể hiện hoặc về mặt hình thức, hoặc về mặt tâm lí tính cách, hoặc cũng có thể họ dị biệt cả hình dáng lẫn tâm lí tính cách, và ở đó, có thể có cả thế giới những người điên. Tuy nhiên, song song với việc khắc họa nhân vật ở

hình hài dị biệt, Nguyễn Nhật Ánh cũng đồng thời hướng ngòi bút của mình vào việc khai thác đời sống tâm lí đầy rối ren, bấn loạn của những con người mang trong mình những dị biệt tự thân ở bên trong với sự căng thẳng, bất lực của cảm xúc, của tâm lí và nỗi niềm thân phận.

2.2.1. Con người với nỗi cô đơn, mặc cảm

Có ai đó đã từng nói rằng: “Cô đơn, cái này đáng sợ hơn cả đói rét và ốm đau”. Quả thật không sai! Không chỉ khắc họa những nhân vật dị biệt về ngoại hình, Nguyễn Nhật Ánh còn tái hiện cả những con người mang trong họ những dị biệt bên trong, như là sự căng thẳng, bấn loạn của cảm xúc, của tâm lí và nỗi niềm thân phận, với nỗi cô đơn và mặc cảm. Những nhân vật trong sáng tác của ông không chỉ cô đơn trong gia đình, trong những mối quan hệ bạn bè, trong tình yêu, mà sự cô đơn, mặc cảm còn được đẩy lên đến đỉnh điểm, khi họ trở thành những con người cô đơn trong chính bản thân mình. Đó là Quỳnh trong Thằng quỷ nhỏ, cô độc một mình nơi góc lớp. Mặc dù ngồi cùng bàn với Hạnh - cô lớp trưởng luôn đúng mực, luôn bênh vực Quỳnh, luôn đứng ra trấn áp những kẻ bày trò tai quái với Quỳnh, thì giữa họ vẫn có một khoảng cách không thể nào đo được: “Quỳnh với Hạnh ngồi chung một bàn… bàn có hai người, nhưng mỗi người ngồi tít một đầu, chừa khoảng trống ở giữa” [4;18]. Cái khoảng trống ấy tuy nhỏ, nhưng lại là một khoảng không rộng lớn, ngăn cách Quỳnh với thế giới bên ngoài. Quỳnh như thuộc về một thế giới khác, lạc lõng, và lạc loài. Với những người bạn trong lớp, Quỳnh chỉ thực sự tồn tại khi phải sửa bàn ghế, khi bị làm trò vui, còn bình thường, khi những cuộc tiêu khiển chấm dứt, những người bạn kia lại vội vàng lảng đi chỗ khác, và xem anh như chưa hề tồn tại. Sự xa lánh, lạnh nhạt của những người xung quanh, Quỳnh luôn thấy và cảm nhận rất rõ, nhưng lâu dần, Quỳnh quen và xem đó như điều hiển nhiên. Cho đến khi Nga xuất hiện, khiến Quỳnh bất ngờ và lúng túng. Vẻ bề ngoài khiến Quỳnh mặc cảm, mất tự

nhiên, nó khiến Quỳnh trở thành con người nhút nhát và lầm lì. Quỳnh không đủ dũng cảm để nhìn thẳng, để nói chuyện với Nga, mà chỉ dám lén nhìn rồi vội vã chạy đi. Khi Nga hỏi chuyện Quỳnh càng lúng túng, “anh cứ ngồi đực mặt ra, mũi đỏ ửng”. Anh cúi xuống, dường như muốn che đi những khiếm khuyết của mình. Khi bị bạn bè trêu chọc, khoảng cách giữa Quỳnh và Nga càng trở nên lớn hơn, cả hai đều không dám nói chuyện với nhau. “Lâu, rất lâu, Quỳnh chẳng trò chuyện với Nga. Và dường như anh cũng chẳng trò chuyện với ai. Tới lớp Quỳnh lủi thủi đi vào chỗ ngồi, và suốt cả buổi học, anh ngồi trầm tư trên ghế. Hệt như một pho tượng”. Dù vậy, Quỳnh vẫn dành cho Nga một tình cảm đặc biệt, một tình yêu mãnh liệt nhưng lặng lẽ. Quỳnh luôn tự nhủ sẽ giữ mãi nó trong lòng, và gửi gắm tình yêu, nỗi nhớ của mình vào những dòng thơ, những trang nhật kí. Khi vô tình bị Nga phát hiện, và cự tuyệt tình cảm ấy bằng cách im lặng, Quỳnh cảm thấy “lẻ loi hơn Robinson gấp ngàn lần”. Sự bất thường ở nhân hình của Quỳnh khiến anh luôn cảm thấy mình là kẻ lạc loài trong mắt đồng loại. Trước những lời trêu chọc độc ác của đám bạn, anh luôn tự nhủ mình: “phải bình tĩnh, phải bình tĩnh, đây chỉ là trò đùa chơi của Luận, chứ nó chẳng có ác ý gì đâu! Mặc dù tự động viên mình như vậy, nhưng những lời châm chích của Luận khiến lòng Quỳnh nhói đau. Nếu ngồi một mình, có lẽ Quỳnh đã để những giọt nước mắt buồn tủi lăn dài trên má…”

Những nhân vật này, họ chìm đắm trong suy tư nhiều hơn là sống trong ánh sáng của ý thức. Hơn ai hết, họ tự ý thức về thân phận mình như một “động vật cấp thấp”. Họ cảm thấy mình là nạn nhân của nhiều đối lực bên ngoài và bên trong hơn là làm chủ bản thân mình. Đôi khi, họ phản ứng một cách bốc đồng, bộc phát và lộn xộn hơn là sáng tạo và xây dựng, khẳng định mình. Trong mọi tình huống, khi va chạm với thế giới bên ngoài, họ luôn cảm thấy mình bị thua thiệt, bất hạnh và cô đơn. Họ không biết rõ mình là ai, và có

những nhu cầu cơ bản nào… Nỗi cô đơn, buồn tủi của họ để lại trong lòng độc giả về một cuộc đời chỉ toàn nước mắt. Nỗi cô đơn của họ cứ ngày càng dồn nén, chất chồng, như một khối khổng lồ trải dài trên từng trang viết. Như Ba con Mận trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cũng mang nỗi cô đơn, buồn khổ trên căn gác nhỏ khi ông mang một căn bệnh lạ. Người ta đồn ông bị mắc bệnh phong, khiến ông phải bỏ nghề cắt tóc và tự nhốt mình trên gác để chữa bệnh. Ông phải làm như thế, vì nếu lộ ra, tiệm tạp hóa của vợ ông sẻ phải đóng cửa, “cả nhà sẽ đi ăn xin”. Những nghi ngờ vô lí, những định kiến của người ngoài đã như một vách ngăn lớn, ngăn không cho ông giao tiếp với họ. Vì vợ con, vì sợ cảm giác bị người đời xa lánh, ông sẵn sàng tách mình biệt lập trên căn gác. Sẽ không có gì đau khổ hơn, khi phải sống cô lập trong chính ngôi nhà của mình. Và khi nỗi cô đơn bị đẩy lên đến tận cùng, ông tự tay đốt nhà, tạo hiện trường giả để giải thoát cho vợ con, và cho cả chính mình…

Nhà văn không chỉ dùng những khiếm khuyết về nhân hình của nhân vật để làm đòn bẩy, từ đó nâng họ lên thành những nhân vật mang tầm vóc, nhân cách đáng khâm phục, bên cạnh đó, còn tập trung khai thác đời sống tâm lí đầy khắc khoải, bấn loạn trong nỗi cô đơn và mặc cảm của những con người mang hình hài dị biệt. Những nhân vật này, vì dị biệt trong ngoại hình, nên hơn ai hết, họ tự ý thức về thân phận của mình với những nỗi cô đơn và mặc cảm. Cuộc sống của họ đầy rẫy sự bất an, họ thu mình lại trong một vũ trụ riêng đầy ắp mặc cảm, trống vắng. Mỗi nhân vật là một thực thể cô đơn, xa lạ với thế giới xung quanh, và xa lạ ngay cả với chính bản thân mình. Nhân vật Mẫn trong Phòng trọ ba người có tật ở chân từ nhỏ, luôn cảm thấy “mặc cảm về sự không toàn vẹn của mình”. “Mẫn thường ngồi dưới một gốc cây trong sân trường nhìn bạn bè chạy nhảy, hò hét với nỗi thèm muốn và ghen tị lặng lẽ” [26;32]. Trong sâu thẳm trái tim Mẫn là một nỗi mặc cảm, làm cho

Mẫn cảm thấy xa lạ, cô đơn giữa bạn bè, mặc dù anh đã cố gắng quên nó đi bằng cách vùi đầu vào sách vở. Khi đã trở thành sinh viên đại học, Mẫn càng thấy mặc cảm hơn bởi phải gặp gỡ nhiều người hơn, trong đó có những bạn gái. Những bước chân khập khiễng của anh khiến anh trở nên ngượng ngập, “Mẫn càng ngày càng sống co rút như thể con ốc thu mình trong lớp vỏ. Sự cô đơn trở thành bạn đồng hành thân thiết của anh” [26;32]. Khi đối diện với phụ nữ, Mẫn tự nhiên mất đi sự thư thái, tự tin. Anh trở nên khép kín, cô độc”. Anh tự tạo cho mình một định kiến, rằng “Tôi không thể yêu ai bởi vì sẽ không có cô gái nào yêu tôi”. Anh “không làm sao dứt bỏ được ý nghĩ rằng những sinh vật xinh xắn này không phải để dành cho anh. Họ ở trong một thế giới khác, có Chuyên, có Nhiệm, nhưng không có anh”. Khi hai người bạn cùng phòng là Chuyên và Nhiệm có người yêu, anh vui với niềm vui của họ, nhưng đồng thời, luôn cảm thấy trong lòng mình trống trải, hụt hẫng, chạnh lòng khi nghĩ đến hoàn cảnh của mình. Chính nỗi mặc cảm về bản thân đã khiến anh ngày càng khép kín và cô lập. Điều đó cũng vô tình ngăn cản anh đến với những trải nghiệm đẹp của tình yêu.

Với những khiếm khuyết trên thân thể, những nhân vật mang số phận bất hạnh trong sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh sống cuộc sống đầy những lo lắng, bất an, họ thu mình lại trong một thế giới riêng đầy những trống vắng, mặc cảm. Mỗi nhân vật hiện lên là một cá thể cô đơn, hoàn toàn xa lạ với thế giới xung quanh và cô đơn ngay cả với chính bản thân mình. Nỗi cô đơn của họ theo từng trang văn cứ như dày thêm, chồng chất hơn, thấm đẫm trên từng trang viết. Những mặc cảm đó như một bức tường lớn ngăn cản họ tiếp xúc với những trải nghiệm trong cuộc sống. Họ nhỏ bé, đơn độc, mỏng manh, yếu đuối, và bất lực trước cuộc đời.

2.2.2. Con người với niềm ám ảnh, điên loạn

sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh, bên cạnh sự thiếu tự tin về bản thân, họ mang trong mình nỗi cô đơn và mặc cảm, thì trên phương diện nào đó, họ còn mang trong mình nỗi ám ảnh, sợ hãi. Hay thậm chí, những nhân vật dị biệt về tâm lí còn xuất hiện trong hình dạng người điên.

Những nhân vật này, họ mang tâm lí ám ảnh, sợ hãi, điên loạn có thể do những “chấn thương”, “tàn khuyết” về tâm lí, hay đơn giản hơn là “chấn thương” về thể chất. Họ mang hình hài của một con người, nhưng ẩn sâu bên trong, họ không thể thuộc về cộng đồng người trong những mối quan hệ của mình. Nhân vật Nhi trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là một minh chứng hiện hữu nhất. Theo lời ông Tám Tàng - cha của Nhi, Nhi “mắc bệnh ngớ ngẩn”. Trong một lần đi xem xiếc có diễn viên mô tô bay đóng vai công chúa, đức vua, Nhi vì quá phấn khích, quá hào hứng đã nắm lấy tay công chúa lúc đang biểu diễn khiến cả hai cùng rơi xuống, “chiếc mô tô rơi đánh uỳnh như động đất, tay lái va vào đầu con Nhi một cú như trời giáng” [16;339]. “Những ngày sau đó, cô diễn viên xiếc hồi tỉnh lại trong bệnh viện với một chân và dăm xương sườn bị gãy. Riêng con Nhi thì vẫn không có dấu hiệu gì cho thấy nó sẽ mở mắt nhìn đời cùng với tụi tôi lần nữa…” [16;340]. Ông Tám Tàng đặt Nhi trên chiếc xe bò, dời nhà xuống xóm Miễu ngay ngày hôm sau. Ai cũng nghĩ là Nhi đã chết, tới khi ông Tám Tàng cởi bỏ lốt vua để nói một câu “Con gái bác mắc bệnh ngớ ngẩn. Kể từ ngày nó bị té trong rạp xiếc…” người ta mới biết nó vẫn còn sống. Nhưng về sau, những hình ảnh về tai nạn tàn khốc đã hằn sâu trong tâm trí Nhi như một vết sẹo không thể xóa nhòa. Nhi sống trong kí ức về nàng công chúa và đức vua, “sống hạnh phúc trong thế giới riêng của nó”. Vì thương con, không muốn con bị tổn thương do những lời trêu chọc của bạn bè, ông Tám Tàng cất nhà bên đồi Cỏ Úa, dựng câu chuyện về ma cọp để con gái được sống trong một nơi hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. Và đồi Cỏ Úa chính là nơi đã cho Nhi thỏa sức sống với

những kí ức đẹp đẽ đó. Hằng ngày, Nhi mặc đồ công chúa “áo đầm xanh, tay phồng, có tua ren màu hồng. Mái tóc cô ta cũng thắt nơ hồng. Trên cổ có đeo một xâu chuỗi ngọc màu tím”. Trong tiềm thức của Nhi, cuộc sống chỉ tồn tại có đức vua, và đức vua chính là ông Tám Tàng. Hàng ngày, hai cha con xưng hô với nhau như đang ở trong chốn hoàng cung: “Hoàng nhi, đây không phải là lần đầu con không nghe lời ta”. “Tâu phụ vương, con vừa nhìn thấy phò mã”; “Phò mã đẹp trai lắm, thưa phụ vương”...[16;326 – 327]. Ta thấy ở những nhân vật này, tác giả thường đi mô tả những hành động điên loạn, những suy nghĩ điên loạn, mang đầy nỗi ám ảnh của họ. Bên cạnh đó, còn đặt họ trong những hoàn cảnh khắc nghiệt, như Nhi khi rời đồi Cỏ Úa vào trong xóm, lại bị bọn trẻ trong xóm trêu ghẹo một cách độc ác:

- “Con điên, tụi mày ơi!”

- “Bà điên bà khùng, bà đi kiếm chồng, bà khùng bà điên…” [16;362].

để từ đó, mang đến cho người đọc những cảm nhận về sự tồn tại của những con người gần như ở một thế giới hoàn toàn khác trong xã hội.

Qua việc khai thác những ám ảnh, sợ hãi, điên loạn của những nhân vật có ngoại hình bất bình thường, mang tính cách khác người cùng với những trạng thái bất ổn về tinh thần, tác giả phơi bày thế giới nội tâm đầy phong phú, đa diện, phức tạp của họ. Mẫn (Phòng trọ ba người) luôn vui vẻ với bạn bè, anh hào hứng kể về mình, kể về câu chuyện tình yêu do chính anh nghĩ ra.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật dị biệt trong sáng tác của nguyễn nhật ánh (Trang 50 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)