Giọng điệu triết lý, suy tư

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật dị biệt trong sáng tác của nguyễn nhật ánh (Trang 70 - 73)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.2. Giọng điệu triết lý, suy tư

Hẳn nhiên trong cuộc sống, bên cạnh niềm vui vẫn sẽ có nỗi buồn, bên cạnh vô tư vẫn sẽ có những trăn trở. Bên cạnh những nhân vật trẻ con vui vẻ hồn nhiên, thì cũng có những nhân vật người lớn với những phút giây tĩnh, lắng đọng, trưởng thành và chững chạc. Xen giữa những lời kể mang đậm cái nhìn trẻ thơ là những suy nghĩ, nhắn nhủ của tác giả với trẻ con, và với cả những người đã từng là trẻ con.

Giọng điệu triết lí, suy tư trong văn học thường xuất hiện ở những tác giả, những nhà văn có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống luôn muốn khái quát quy luật cuộc đời và văn chương qua những chiêm nghiệm. Nguyễn Nhật Ánh là một trường hợp đặc biệt. Ông là một nhà văn thuộc thế hệ trưởng thành sau năm 1975 chuyên viết về thiếu nhi, nhưng văn phong của ông mang đậm những cung bậc cảm xúc. Viết cho thiếu nhi, những trang văn của ông không chỉ dừng lại ở sự tinh nghịch, dí dỏm, ở đó còn là những khoảng lặng toát ra từ những giọng điều triết lí, hồn nhiên của nhân vật, đặc biệt là những nhân vật dị biệt. Lồng vào những câu chuyện vui nhộn, sẽ là những câu văn mang đậm chất triết lí. Có khi nhà văn để cho nhân vật tự nói lên những suy nghĩ, xét đoán bằng chính những trải nghiệm của họ. Đặc biệt đối với những nhân vật dị biệt, ngoài những lúc vui tươi để quên đi những khó khăn của cuộc sống, hầu hết những nhân vật này đều mang giọng điệu triết lý, suy tư, thể hiện những trăn trở đối với cuộc đời. Cũng nhờ việc cho nhân vật nói lên những trải nghiệm sau mỗi lần vấp ngã của mình, những trang văn của Nguyễn Nhật Ánh lại càng đem lại tính chân thực cao.

Hồng Hà vốn tinh nghịch, hay chọc ghẹo bạn bè, nhưng đôi khi cũng có những câu nói triết lí khiến Khoa phải gật gù. Khi nghe Khoa tâm sự chuyện của mình với Minh Hoa, Hồng Hà nói: “Biết… biết đâu con nhỏ Minh Hoa kia yêu mày. Nó… nó phao tin bậy bạ để mày bỏ nhỏ Quyên và chuyển

hướng tình cảm sang nó” [23;134]. Nhờ câu nói đầy triết lý của Hồng Hà mà Khoa đã lấy lại tinh thần, bớt ủ rủ, và “Chiếc chồi non mơ mộng trong hồn tôi đã xanh tươi trở lại. Tôi thấy cuộc đời toàn một màu hồng” [23;134 – 135].

Nhân vật Quỳnh, khi nghe mẹ nói có Nga đến chơi, anh “sung sướng đến lịm người”, anh suy tư:

“Từ lâu nay, Quỳnh hay nghĩ tới Nga. Thực ra Quỳnh chẳng biết đó có phải là tình yêu hay không nhưng Quỳnh thường bắt gặp mình ngồi bên cửa sổ hẳng giờ và những lúc như vậy, Quỳnh chẳng nghĩ đến điều gì khác ngoài cô bạn gái cùng bàn. Anh thấy Nga nói cười, đi đứng y như Nga đang ở trước mặt anh, và những hình ảnh thân thuộc đó bao giờ cũng khiến lòng anh ấm áp và anh thường không ngăn được mình mỉm cười vu vơ…” [4,191].

Rồi khi bị Nga giận vì vô tình đọc được “tài liệu mật” anh “giận mình sơ ý”. “Nhưng Quỳnh chẳng giận mình lâu. Anh nghĩ là số anh … xui. Chứ có trời mà biết Nga đến nhà anh vào đúng lúc đó. Rồng đến nhà tôm một lần là đã quá cỡ rồi, ai ngờ rồng lại cao hứng đến lần thứ hai…” [4;4195].

Khi Nga từ chối nhận những món quà của Quỳnh, “Quỳnh thừa biết Nga nói dối, nhưng anh chẳng nói gì. Anh hiểu, thế là hết. Những cố gắng cuối cùng của anh chẳng thể đem lại được điều gì sáng sủa. Bây giờ thì không những tình yêu cũng chẳng, mà tình bạn cũng không. Quỳnh chợt nhớ đến những câu thơ mình chép trong cuốn “sổ đoạn trường” và bất giác anh lẩm nhẩm như nói với chính mình:

Vì sao giáp mặt buổi đầu tiên Tôi đã đày thân giữa xứ phiền Không thể vô tình qua trước cửa

Biết rằng gặp gỡ đã vô duyên?” [4;197].

Những mặc cảm về ngoại hình khiến cậu bé Quỳnh trở nên chín chắn và già hơn so với tổi của mình.

Hay nhân vật Mẫn trong Phòng trọ ba người hào hứng triết lí về nghề nghiệp trong tương lai:

“Tao cóc sợ thất nghiệp! Nếu mình có tài năng thực sự thì chẳng sợ thiếu việc làm. Không làm nhà nước thì làm tư nhân. Kỹ sư hóa – thực phẩm như tao hoàn toàn có thể mở một lò bánh mì như nhà mày. Hoặc tao sẽ thành lập một xí nghiệp thực phẩm Cầu Tre thứ hai. Cũng có thể tao sản xuất bia, … rồi tao sản xuất xi – rô, … tao sẽ làm kem, ... tao sẽ làm…”. [26;76]

Để rồi sau đó, khi đối diện với sự thật, anh tự chiêm nghiệm về những gì mình đã làm:

“Trước nay, Mẫn vẫn luôn tự nhủ những cuộc tự hẹn hò ở công viên của mình là một cuộc dạo mát, một thú tiêu khiển lành mạnh, thậm chí là một hoạt động thể dục bổ ích. Đi lại sau bữa ăn cho tiêu cơm, ngồi một mình trong công viên giúp tinh thần tỉnh táo, thư giãn, lại được hít thở không khí trong lành, tất cả những điều đó hoàn toàn đang mơ ước đối với sức khỏe của bất cứ ai. Với lập luận mang màu sắc y học đó, Mẫn luôn tỏ ra yên tâm với những cuộc hẹn hò của mình.

Nhưng hôm nay, những lý lẽ có vẻ chính đáng đó không còn đem lại cho Mẫn cảm giác bình yên như trước đây nữa. Trong một phút giây chán ngán và buồn rầu, anh bỗng nhận ra tất cả vẻ ngụy biện trong sự tự giải thích của mình. Anh cay đắng hiểu rằng cái ý tưởng về thú tiêu khiển lành mạnh của anh chỉ là một sự bào chữa, một sự trấn an không hơn không kém. Anh đã tìm cách phủ lên nỗi cô đơn bất lực của mình một lớp sơn hào nhoáng giả tạo chẳng khác nào người thợ kim hoàn đang tìm cách mạ vàng lên một thứ sắt gỉ bỏ đi.

… anh chợt hiểu ra, kể từ giây phút này, nỗi xót xa chán ngán đã thế chỗ cho sự thích thú trong trò chơi của anh và vì vậy đã đến lúc nó phải chấm dứt” [26; 121 – 122].

Bên cạnh việc thể hiện nhân vật dị biệt qua giọng điệu tinh nghịch và hóm hỉnh, giọng triết lí và chiêm nghiệm, Nguyễn Nhật Ánh đã tạo ra một thế giới tràn đầy màu sắc mà ở đó có niềm tin, tiếng cười, có hài hước, hóm hỉnh, và cũng có cả những suy tư, chiêm nghiệm. Nhờ đó, người đọc có thể thấu hiểu, đồng cảm với nhân vật một cách dễ dàng. Những Quỳnh, hay Mẫn, dù mang những dị biệt về nhân hình, luôn mang trong mình nỗi băn khoăn, trăn trở, mặc cảm, tự ti về số phận. Hơn ai hết, họ là những con người vô cùng bản lĩnh, dám đương đầu với số phận, dám sống, và sống tốt. Họ cũng như bao nhiêu người bình thường khác, cũng yêu, và khao khát được yêu. Thế nhưng cái nhân hình dị biệt ấy như một bức tường thành lớn, ngăn cản họ đến với những điều đẹp đẽ nhất của tình yêu. Nguyễn Nhật Ánh như thấu hiểu họ, và qua họ, ông muốn gửi gắm những bài học giáo dục trong cuộc đời. Bằng ngòi bút của mình, những bài học ấy trở nên nhẹ nhàng nhưng đầy sâu sắc, và dễ đi vào lòng người.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật dị biệt trong sáng tác của nguyễn nhật ánh (Trang 70 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)