Nghệ thuật tổ chức diễn trình vận động cốt truyện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật dị biệt trong sáng tác của nguyễn nhật ánh (Trang 73 - 76)

6. Cấu trúc luận văn

3.2.1. Nghệ thuật tổ chức diễn trình vận động cốt truyện

Các bước diễn biến của cốt truyện cũng giống như quá trình vận động của một xung đột, có mở đầu, có thắt nút, sau đó phát triển và vươn tới cao điểm, để cuối cùng, đi tới giải quyết cụ thể và kết thúc.

Cách tổ chức, triển khai các sự kiện của Nguyễn Nhật Ánh luôn gây được sự ngạc nhiên, hấp dẫn bạn đọc một cách tự nhiên. Ở phần mở đầu, trong những sáng tác của mình, nhà văn thường xuyên để cho nhân vật chính xuất hiện đầu tiên, giới thiệu sơ lược về lai lịch cá nhân (tên tuổi, nghề nghiệp, hoàn cảnh sống, các mối quan hệ gia đình và xã hội…) của nhân vật

chính ở ngay đầu truyện, hoặc bối cảnh chính mà câu chuyện sắp diễn ra. Khảo sát qua những sáng tác có xuất hiện nhân vật dị biệt, ta có thể thấy rõ điều này.

Trong Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng, tác giả cho nhân vật “tôi” lần lượt giới thiệu về tên tuổi, nguồn gốc, tính cách của từng chú chó trong nhà qua từng chương. Đó là “Suku thiên thần… ai nhìn cũng thích. Có “đôi mắt tròn, to, đen lay láy, ngây thơ ngơ ngác, mỗi khi nhìn ai là khiến người ta phải động lòng...”, “Suku có đôi tai dài. Lông nó màu trắng, óng ánh và xoăn từng cụm, phủ dày từ chỏm đầu đến tận các ngón chân…”. Thế nhưng “rất nhiều người bị vẻ đáng yêu của nó đánh lừa”. Nó ăn hiếp con Pig cả tháng trời, khiến Pig sợ đến cụp tai… Sau con Suku là Haili và Êmê. Haili là con chó có hàm răng khỏe mạnh và sắc bén, thích giễu võ giương oai. Êmê lại là đứa cứng đầu, liều lĩnh, sẵn sàng thách thức quyền lực cứ như thể nó thuộc một giống loài khác. Pig thì lại là chú chó hiền lành, thậm chí rụt rè. Nó sợ hãi tất cả những con chó khác. Cuối cùng, tác giả mới cho nhân vật tôi – Batô – con chó kể chuyện xuất hiện.

Trong Thằng quỷ nhỏ, tác giả cũng vẫn để nhân vật “tôi” lần lượt giới thiệu từng nhân vật. Khi “thằng quỷ nhỏ” xuất hiện, tất cả đều hiện lên qua cái nhìn của Nga.

Còn trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, tác giả đã bỏ qua phần giới thiệu họ tên, tuổi tác, gia đình, hay tính cách nhân vật “tôi” mà qua lời kể của nhân vật, tác giả để người đọc tự mình khám phá những nét tính cách ấy qua các chương truyện. Đồng thời, qua từng chương, các nhân vật mới lần lượt xuất hiện. Mỗi nhân vật là một câu chuyện khác nhau về cuộc đời mình. Những nhân vật dị biệt cũng từ đó hiện ra. Trong đó, có chú Đàn với cánh tay bị cụt đến tận khuỷu nhưng bơi giỏi, thổi acmonica hay, và đặc biệt có tài kể chuyện ma. Ông Năm Ve với sáu ngón tay trên một bàn tay, hiền lành và hết lòng thương con…

Nguyễn Nhật Ánh lần lượt dẫn dắt bạn đọc đi vào từng chương truyện, mỗi nhân vật xuất hiện thường đi kèm với những sự kiện có liên quan, tạo nên một sợi dây xuyên suốt từ đầu đến cuối truyện xoay quanh những nhân vật đó. Các sự kiện có tính thử thách nhân vật được nhà văn tạo ra một cách tự nhiên từ chính hoàn cảnh, sự tò mò của nhân vật, nhờ đó dẫn đến hàng loạt các sự kiện khác nối tiếp về sau.

Trong phần vận động, các sự kiện có tính thử thách nhân vật được nhà văn tạo ra liên tục và tự nhiên từ chính hoàn cảnh của họ. Từ đó làm tiền đề cho hàng loạt các sự kiện khác tiếp nối. Trong Phòng trọ ba người, Mẫn là một nhân vật sống nội tâm, tự ti với khuyết điểm của mình. Nhờ Thu Thảo, anh đã trở nên tự tin hơn. Với sự tò mò, nghịch ngợm của hai người bạn cùng phòng là Chuyên và Nhiệm, với sự tinh nghịch của Thu Thảo, Mẫn dần đi qua những bước ngoặc trong cuộc đời. Và một trong những bước ngoặc lớn, là anh đã dám “mở lòng với phụ nữ”.

Hay trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, diễn biến truyện là những câu chuyện của các nhân vật xuất hiện trong phần giới thiệu. Đó là những trò nghịch ngợm của Thiều, là chuyện thằng Tường thương con Cóc Tía như một người bạn, là câu chuyện gia đình nhà con Mận, chuyện lũ quết qua ngôi làng nghèo… cùng với đó là việc chú Đàn và chị Vinh cùng nhau bỏ trốn. Diễn biến truyện diễn ra nhẹ nhàng. Bằng sự khéo léo, tác giả dùng những mẩu chuyện nhỏ để đi sâu tìm hiểu nhân vật, thêm vào đó những nút thắt để sự việc được đi đến cao trào, rồi sau đó, để nhân vật tự mở những nút thắt ấy. Như câu chuyện giữa chú Đàn và chị Vinh, những tưởng hai người sẽ đầu hàng trước số phận, trước sự ngắn cản của thầy Nhãn. Nhưng sau cái đêm lũ quét qua làng, chị Vinh đã nhờ thằng Dưa dựng nên câu chuyện chị bị lũ cuốn trôi. Để rồi cuối cùng, nút thắt câu chuyện được mở một cách nhẹ nhàng khi thầy Nhãn nói: “Chị biết tụi nó ở đâu, chị kêu về giùm, tôi cảm ơn chị ngàn

lần! Nói là tôi sẵn sàng tác thành cho hai đứa nó…” [16;250].

Kết thúc truyện, Nguyễn Nhật Ánh luôn gây bất ngờ đối với người đọc, khép lại trang văn một cách bất ngờ, đột ngột, gợi cho người đọc nhiều cảm xúc về những chuyện đã qua.

Kết thúc Phòng trọ ba người, người đọc cứ day dứt mãi về hình ảnh “Mẫn ngước mặt lên và rùng mình khi bắt gặp ánh mắt của Thu Thảo. Cô vẫn đứng đó, nhỏ nhoi, bất động, lưng tựa vào cửa sổ và nhìn anh bằng ánh mắt thăm thẳm. Anh ngạc nhiên và bàng hoàng khi nhìn thấy trên đôi má cô những giọt lệ đang lặng lẽ rơi. Chúng trong suốt và lấp lánh như những viên bi dưới ánh mặt trời” [26;236]. Không biết liệu rằng Mẫn có đủ dũng cảm để đối diện với Thu Thảo hay không? Liệu rằng tình cảm có đủ lớn để hai người tiếp tục mối quan hệ đó hay không? Cũng như trong Thằng quỷ nhỏ, không biết sau cuộc chia li đó, liệu rằng Nga có đủ yêu thương để tìm gặp Quỳnh, hay Quỳnh có đủ dũng cảm để tìm gặp Nga hay không, khi cả hai đều day dứt về nhau như thế… Kết thúc thường mở, tạo cho người đọc sự suy ngẫm, và khiến họ luôn có cảm giác rằng những cuộc hành trình, cả tình yêu, tình bạn sẽ không bao giờ chấm dứt. Dù trang sách gấp lại, nhưng trí tượng tượng trong lòng độc giả sẽ luôn mở ra. Vì bất cứ ai cũng có quyền được dự đoán, mơ ước về một tương lai của các nhân vật, nếu họ yêu mến nhân vật, họ cũng sẽ để cho nhân vật có một kết thúc đẹp như tác giả đã từng làm.

Cách tạo diễn biễn cốt truyện hấp dẫn, kết thúc bất ngờ, gợi mở luôn khiến trang văn của Nguyễn Nhật Ánh đầy sức hấp dẫn, khiến người đọc không thể rời mắt cho đến dòng cuối cùng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật dị biệt trong sáng tác của nguyễn nhật ánh (Trang 73 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)