Nghệ thuật tạo tình huống kịch tính

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật dị biệt trong sáng tác của nguyễn nhật ánh (Trang 76 - 79)

6. Cấu trúc luận văn

3.2.2. Nghệ thuật tạo tình huống kịch tính

Tình huống truyện là cái hoàn cảnh riêng được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt trong truyện khiến tại đó, cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất và ý đồ tư

tưởng của tác giả cũng được bộc lộ sắc nét nhất; những sự kiện đó có ý nghĩa thử thách đối với số phận, đối với những đặc điểm bản chất của tính cách, mà ở đó, tính cách buộc phải hành động, phải phơi bày diễn biến tâm lí của nó, phải bộc lộ tư tưởng tình cảm của nó với những tính cách khác.

Trong những sáng tác của mình, Nguyễn Nhật Ánh thường dùng nhiều cách khác nhau để dẫn dắt câu chuyện, và để tạo ra những sự kiện, tình huống bất ngờ, những thử thách để nhân vật bộc lộ tính cách của mình, tác giả sử dụng kết hợp các tình huống nhận thức, tâm lí, hành động… Nhờ đó, nhân vật khi xuất hiện đạt hiệu quả tối đa trong việc gây bất ngờ cho câu chuyện.

Ở cốt truyện tâm lí như Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng, những sự kiện tạo tình huống kịch tính rất ít, chủ yếu là những tình huống nhỏ để nhân vật tự bộc lộ tính cách của mình. Đó là khi con Pig bị con Suku bắt nạt, “Suku tấn công con Pig vô tường khiến nó muốn bẹp ruột, xong lại đè nó xuống nền nhà bằng thân hình như hòn đá tảng của mình khiến con bé cảm thấy đầu óc quay cuồng đến quên cả cách hít thở” [22;114], để rồi sau lần đó, con Pig trở thành một con chó nhút nhát, và sự nhút nhát đó khiến nó có những hành vi ngớ ngẩn. Hay trong Mười lăm ngọn nến, những bí mật của cô bé Hoa với Tần sẽ không ai biết nếu không gặp phải sự tò mò của nhóm bạn. Thế nhưng sau đó, khi đã hiểu ra mọi chuyện, thì mối quan hệ của Hoa với Tần trở nên tốt đẹp hơn. Không chỉ vậy, Hoa có thêm những người bạn mới tốt bụng, Tần có thêm những người bạn đáng yêu.

Trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, nếu không có sự cố bất ngờ ở rạp xiếc, bé Nhi đã không bị ngớ ngẩn, cha con ông Tám Tàng cũng không phải khổ sở lẩn trốn mọi người, một mình sống cô đơn, tách biệt ở đồi Cỏ Úa. Và nếu Nhi không tò mò đi khỏi ranh giới quả đồi, cũng sẽ không ai phát hiện ra sự có mặt của hai cha con ở nơi ấy, để học trêu chọc, buông những lời khó

nghe. Thế nhưng nhờ vậy, Nhi gặp được những người bạn chân tình, hai cha con có thể trở về với cuộc sống bình thường như những con người bình thường khác.

Các nhân vật, khi được đặt trong bối cảnh không gian và thời gian khác nhau, trong những tình huống khác nhau thì tính cách của họ cũng có những sự thay đổi nhất định. Nếu như ở nhà, Quỳnh là một người con ngoan, hiếu thảo, biết phụ giúp mẹ trong lúc khó khăn, luôn yêu thương, giúp đỡ những đứa trẻ nghèo trong xóm, luôn được chúng yêu thương; thì khi mở rộng không gian ra đến trường học, Quỳnh lại là một người ít nói, tự ti, luôn bị bạn bè trêu chọc. Những lúc như thế, anh chỉ im lặng chịu trận mà không hề có bất kì một phản ứng nào. Không những thế, khi tiếp xúc với Nga, anh lại trở thành một con người hoàn toàn khác. Biết yêu thương, biết quan tâm, và biết mở lòng mình hơn.

Mặt khác, khi nhân vật được đặt trong bối cảnh thời gian khác nhau cũng được bộc lộ những nét tính cách hoàn toàn khác nhau. Chú Đàn ban đầu hiện lên là một kẻ si tình, không dám đối diện với sự thật. Nhưng sau đó, lại trở thành một người vô cùng quyết đoán khi đã cùng chị Vinh bỏ trốn để thoát khỏi sự gò ép của thầy Nhãn…

Sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh có rất nhiều những tình huống hay, và sau những tình huống ấy, khi nhân vật tự mình giải quyết, bản thân nhật vật không chỉ bộc lộ ra nhiều phẩm chất, tính cách mà còn khiến người đọc nhận ra được những bài học có ý nghĩa vô cùng sâu sắc từ việc giải quyết các tình huống ấy. Đối với những nhân vật dị biệt, khi giải quyết những tình huống truyện đặt ra, họ tự nhận ra những giá trị của cuộc sống về tình cảm gia đình, về tình cảm bạn bè, tình cảm với những người có cuộc sống khó khăn. Qua đó, bạn đọc sẽ thấy được cách cư xử đầy tính nhân văn mà tác giả đưa ra,

đồng thời, cũng thấy được tâm lòng nhân đạo sâu sắc của nhà văn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật dị biệt trong sáng tác của nguyễn nhật ánh (Trang 76 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)