PHÁT TRIỂN CÂY DƯỢC LIỆU TẠI VÙNG ĐỆM KHU BẢO TỒN SAO LA

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tài nguyên dược liệu và lựa chọn các loài có tiềm năng phát triển sinh kế tại khu bảo tồn sao la tỉnh thừa thiên huế (Trang 74 - 80)

3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN

4.2. PHÁT TRIỂN CÂY DƯỢC LIỆU TẠI VÙNG ĐỆM KHU BẢO TỒN SAO LA

Trong vùng đệm KBT Sao la việc trồng cây dược liệu hầu hết chỉ mang tính tự phát ở quy mô nhỏ với mục đích phục vụ chữa bệnh thông thường trong gia đình và cộng đồng. Các loài cây trồng là các cây thuốc Nam thường gặp và đa tác dụng như: Gừng, Nghệ, Nghệ đen, Sả, Ngải cứu, Tía tô, Kinh giới, …; Loài cây trồng vì mục đích thương mại có Quế nhưng cũng rất phân tán trong vườn hộ gia đình và trên nương rẫy theo mô hình nông lâm kết hợp.

Qua điều tra trong cộng đồng cho thấy gần đây đã xuất hiện mô hình trồng được liệu đầu tiên do tổ chức phi chính phủ tài trợ và doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư thực hiện trên địa bàn 2 xã A Roàng và Hương Nguyên. Dưới đây là một số thông tin chính của các mô hình này.

+ Tên Dự án: “Phát triển vùng nguyên liệu gắn với sinh kế cộng đồng miền núi”. + Tổ chức tài trợ: Dự án Trường Sơn Xanh được thực hiện bởi ECDIT thông qua nguồn kinh phí của USAID;

+ Đơn vị tổ chức thực hiện Dự án: Công ty Liên Minh Xanh + Thời gian triển khai thực hiện mô hình: 2018

+ Địa điểm thực hiện mô hình: thôn Mù Nú Tà Rá (Hương Nguyên) và thôn Krông Aho (A Roàng).

+ Hình thức tổ chức quản lý:

 Bởi cộng đồng: Cộng đồng thôn Mù Nú Tà Rá (1 ha) và cộng đồng thôn Krông Aho (1 ha);

 Bởi HGĐ: Hồ Văn Xiêng (0,5 ha) và Hồ Văn Vế (0,5 ha) thuộc thôn Mù Nú Tà Rá

+ Loài cây trồng: Thiên niên kiện (Homalomena occulta) + Phương thức trồng: trồng dưới tán rừng tự nhiên. + Quy mô các mô hình: 3 ha/4 mô hình.

+ Nguồn giống: vật liệu giống (rễ củ) lấy từ rừng tự nhiên đem nhân giống và ươm trong vườn ươm xây dựng trong cộng đồng;

+ Mật độ trồng: 04 cây /1m2 + Năm trồng: 2019.

+ Dự kiến hiệu quả kinh tế: sau 03 năm trồng mỗi gốc thu hoạch 0,3 kg củ, như vậy sau 03 năm trồng sẽ đạt 12 tấn/ha, với giá trị thị trường hiện nay đang được thu mua 4.000đ/kg tươi, như vậy mỗi hecta trồng Thiên niên kiện sau 03 trồng và

chăm sóc sẽ thu được 48.000.000đ từ sản phẩm của mô hình trồng Thiên niên kiện dưới tán rừng, chưa tính nguồn thu từ sản xuất các cây ngắn ngày, rừng trồng thì việc trồng cây Thiên niên kiện sẽ góp phần vào việc cải thiện sinh kế cho người dân vùng đệm KBT.

nh 4.3 Mô hình trồng cây Thiên niên kiện của người dân

4.3.CHỌN LOÀI CÂY DƯỢC LIỆU ĐỂ PHÁT TRIỂN GÂY TRỒNG TẠI VÙNG ĐỆM KHU BẢO TỒN

4.3.1.Danh sách các loài cây dược liệu có tiềm năng phát triển

a.Tiêu chi lựa chọn nhóm loài tiềm năng

+ Cơ sở lựa chọn loài cây trồng nhằm sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông lâm nghiệp có những đặc thù riêng, sản phẩm là kết quả của một quá trình sống tạo ra. Vì vậy, lựa chọn các loài cây trồng có đặc tính phù hợp với mục đích kinh tế và thích

nghi với điều kiện khí hậu, đất đai của mỗi vùng là yếu tố tiên quyết để sản xuất thành công. Trong những năm gần đây, khi có chính sách giao đất giao rừng, được sự hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan khuyến nông - lâm, sự hỗ trợ của một số chương trình, dự án. Việc phát triển các loài cây trồng cho lâm sản ngoài gỗ nói chung và trồng một số loài cây dược liệu nói riêng nhằm mục đích che phủ đất “lấy ngắn nuôi dài” trong giai đoạn rừng chưa khép tán hoặc trồng các loài cây chịu bóng dưới tán rừng là phương thức “lấy rừng nuôi rừng” hợp lý và hiệu quả. Các loài cây trồng được lựa chọn khá phong phú và có định hướng hơn trước nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu. Phương thức trồng xen các cây nông nghiệp, cây dược liệu, cây ăn quả, cây đặc sản chịu bóng dưới tán rừng trồng và rừng tự nhiên để tạo cho rừng có cấu trúc nhiều tầng tán và người dân có thu nhập thường xuyên hàng năm từ cây trồng xen trong suốt giai đoạn rừng khép tán là hệ phụ nằm trong hệ canh tác nông lâm kết hợp. “Hệ phụ: Trồng xen các cây nông nghiệp, cây dược liệu, cây ăn quả...chịu bóng dưới tán rừng”.Các loài cây phải được chọn dựa trên cơ sở đặc tính sinh thái, dạng sống, tập tính sống để chúng không bài trừ lẫn nhau. Vì thế, trước khi đưa một loài cây vào trồng ở một vùng sinh thái nhất định cần có sự lựa chọn cẩn thận trên cơ sở các tiêu chí cơ bản sau: Phù hợp với mục đích kinh tế ; Phù hợp với điều kiện khí hậu và đất đai của vùng trồng; Nhanh mang lại hiệu quả kinh tế ; Dễ gây trồng hoặc có kinh nghiệm về kỹ thuật gây trồng

Phải có điều kiện tự nhiên phù hợp: Bất cứ sinh vật nào được sinh ra, tồn tại và phát triển đều thích nghi với một điều kiện sống nhất định. Do vậy, không thể đưa chúng đến trồng ở những nơi có điều kiện tự nhiên không phù hợp.

Điều kiện tự nhiên kể đến ở đây là các yếu tố: Điều kiện khí hậu, thời tiết; Độ cao so với mặt nước biển; Đất đai, địa hình

+ Phải dựa vào hiện trạng rừng hiện tại và diễn biến trong tương lai Trạng thái rừng là môi trường sống trực tiếp của nhiều loài cây, cho nên đó cũng là cơ sở quan trọng để lựa chọn loài cây trồng phù hợp. Mỗi trạng thái rừng có tổ thành loài cây khác nhau, có mật độ và tầng thứ khác nhau, độ tàn che khác nhau, tiểu khí hậu và độ ẩm đất ...cũng rất khác nhau. Khi lựa chọn loài cây những yếu tố cần đặc biệt chú ý là: Mật độ cây, số cây mục đích/ha; Kết cấu tầng tán của các loài cây; Độ tàn che; Phân bố hệ rễ trong đất.

+ Phải hiểu về đặc tính sinh thái của loài cây trồng. Mỗi loài cây đều có đặc tính sinh thái khác nhau, mỗi giai đoạn sinh trưởng phát triển đều có những đặc điểm riêng, có những yêu cầu nhất định về điều kiện sống như chế độ nước, ánh sáng, nhiệt độ và dinh dưỡng trong đất... Vì vậy, để sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế thì trước tiên phải có những hiểu biếtvề các đặc tính sinh thái của loài cây mới có thể tạo ra điều kiện sống thích hợp nhất cho cây sinh trưởng phát triển.

+ Phải xác định được nhu cầu của thị trường tiêu thụ. Đồng thời với các yếu tố tự nhiên, môi trường kinh tế, xã hội thì thị trường tiêu thụ và giá cả của sản phẩm mang tính chất quyết định cho định hướng phát triển một loài cây trồng trong vùng.

b.Danh sách các loài cây có tiềm năng:

Từ danh mục loài cây thuốc tại KBT Sao la và phân tích tiêu chí chọn nhóm loài chúng tôi thống nhất chọn một số loài sau để đưa vào danh sách các cây tiềm năng có thể phát triển trồng tại các xã vùng đệm KBT Sao la T.T.Huế gồm các loài sau:

(1). Cây Thiên niên kiện

Cây Thiên niên kiện còn có tên khác là Sơn thục, Môn thục, Thần phục, Ráy hương, Bao kim, Vắt vẻo, Sơn phục

-Tên khoa học: Homalomena occulta (Lour.) Schott, thuộc họ Ráy (Araceae) - Đặc điểm hình thái:

Thiên niên kiện là loài thân thảo, sống lâu năm, thân rễ mập có hình trụ tròn, màu xanh hoặc nâu, đường kính từ 1 – 2 cm, bò trên mặt đất, rễ thẳng hay cong queo, có nhiều đốt, bẻ ra có sơ cứng, có mùi thơm. Lá mọc tập trung ở đầu thân rễ, có thể dài đến 30cm, rộng 18cm, thùy bên 6cm, gốc hình tim sâu, toàn bộ lá nom giống hình tam giác, đầu nhọn, mép nguyên, gân ở gốc có 3 cái ở mỗi bên, tỏa rộng, hướng lên, gân bên mờ ở mặt trên, mỗi bên 7-9 cái, cuống lá dài 27-50cm, gốc cuống phình và xòe ra chiếm 1/3 cuống tính từ dưới lên.

Cụm hoa là một bông mo màu lục nhạt, không bao giờ mở rộng, dài 4-5cm, rộng 10-15mm, mỗi khóm thường có 3-4 bông mo, cuống bông mo dài 5-15cm, bông ngắn hơn mo, chỉ dài 3-4cm, phần mang hoa cái hình bầu dục chỉ dài bằng một nửa phần mang hoa đực, không có bao hoa; hoa đực có 4 nhị rời, chỉ nhị rộng rất ngắn, bao phấn song song, hoa cái có nhị lép hình khối, dài bằng đầu nhụy, bầu hình trứng, điểm những chấm mờ, noãn nhiều.

Quả mọng, thuôn, chứa nhiều hạt có vân. -Đặc điểm sinh thái:

Ở nước ta, Thiên niên kiện thường sinh trưởng ở hầu hết ở các vùng rừng ẩm có độ cao từ 300 – 700m so với mực nước biển từ miền Bắc đến miền Trung. Những cây trưởng thành thường ra hoa, kết quả hàng năm. Mùa hoa kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6; mùa quả chín từ tháng 8 đến tháng 10.

- Thành phần hóa học:

Trong thiên niên kiện có lượng tinh dầu khá lớn (0.8 – 1%). Tinh dầu có màu vàng nhạt hoặc nâu nhạt, mùi thơm dễ chịu. Trong 0.8 – 1% tinh dầu này, người ta tìm

thấy Linalola (40%), este tính theo Linalyl Axetat (2%), Tecpineola, Sabinen, α Tecpinen, Limonene, Axetaldehyd, Andehyd Propionic.

- Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản + Bộ phận sử dụng

Thiên niên kiện thường lấy thân bằng rễ khi già để làm thuốc. Rễ thiên niên kiện lấy về, rửa sạch, chặt thành từng khúc nhỏ (10 – 20cm), + Thu hái: Củ sau khi trồng được 2 - 3 năm tuổi khi kích cỡ củ đã ổn định có thể tiến hành khai thác củ. Cắt ngang phần củ chỉ chừa lại 2 - 3 đốt kể từ đốt ngọn trở lại để giữ cho cây tiếp tục sống và phát triển. Cây thiên niên kiện có thể khai thác vào bất cứ thời điểm nào trong năm.

+Chế biến, bảo quản: phơi nhanh ở nhiệt độ 50 độ C, làm sạch vỏ, bỏ rễ con, phơi hoặc sấy khô. Sau khi phơi khô, bảo quản thiên niên kiện trong túi bóng tránh bị ẩm mốc. Để nguyên liệu nơi khô ráo, tránh ẩm ướt, tránh ánh nắng trực tiếp để giữ được tinh dầu.

(2) Cây Chè dây

Cây chè dây còn có tên khác: bạch liễm, Song nho Quảng Đông -Tên khoa học: Ampelopsis cantoniensis. Họ nho (Vitaceae) - Đặc điểm hình thái:

Cây chè dây thuộc dạng dây leo, có thân và cành cứng hình trụ mảnh, có tua cuốn mọc đối diện với lá chia thành 2 – 3 mảnh.

Lá cây chè dây là lá kép, mọc so le với nhau, có từ 7 – 13 lá chét. Mép lá có răng cưa, nhẵn, mặt trên của lá lúc khô có những vết trắng loang lổ như bị nấm mốc.

Hoa chè dây có màu trắng, thường mọc đối diện với lá. Quả mọng hình trái xoan, khi chín có màu đen, mỗi quả có từ 3 – 4 hạt.

- Đặc điểm sinh thái: Cây sống lâu năm, ưa sáng mọc, mọc leo lên bờ bụi, ven dường đi, trên nương rẫy cũ, lỗ trống trong rừng vùng đồi núi. Mùa hoa thường bắt đầu từ tháng 6 – 7, mùa quả là tháng 9-10. Cây tái sinh hạt và chồi đều tốt.

- Thành phần hoá học:

Đã có nhiều để tài nghiên cứu về cây chè dây trong một vài năm gần đây. Qua nghiên cứu các nhà khoa học việt Nam tìm thấy trong cây có một số hoạt chất có tác dụng giảm lượng axit trong dạ dày, ổn định các dịch chất bên trong dạ dày. Ngoài ra các chất này còn có tác dụng giảm viêm nhiễm.

- Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản +Bộ phận sử dụng: toàn bộ phần thân cây.

+Thu hái: cây chè dây được thu hái vào thời điểm cây chưa ra hoa bằng cách cắt cả phần thân cây và lá. Chè dây có thể thu hoạch quanh năm.

+Chế biến, bảo quản: sau khi thu hái xong đem đi rửa thật sạch để loại bỏ bụi bẩn, sau đó thái nhỏ rồi phơi khô hoặc sấy.

+Bảo quản: để chè dây không bị hư hỏng và nấm mốc nên cất ở nơi khô ráo, tránh để nơi ẩm mốc. Thỉnh thoảng đem ra phơi nắng lại.

(3) Ba kích lông

Ba kích lông có nhiều tên khác: Ba kích quả to, Đại quả Ba kích, Nhàu Nam Bộ. - Tên khoa học: Morinda cochinchinensis DC thuộc họ Cà phê (Rubiaceae). - Đặc điểm hình thái:

Cây nhỡ, thân có lông vàng dày, nằm. Lá có phiến thon, chóp có đuôi, dài 5- 10mm, đen lúc khô, hai mặt có lông vàng, dày ở gân chính, gân phụ 10-12 cặp; cuống dài 4-10mm; lá kèm mỏng, nhọn, có lông. Tán hoa 5-8 mỗi tán mang 30-40 hoa, cuống tán 3,3cm, hoa không cuống, lúc khô đen; đài cao 1,5mm, tràng có ống cao 2,2mm, trắng. Quả hợp, to vào cỡ 2cm, vàng khi chín sau đỏ.

- Đặc điểm sinh thái: Cây sống lâu năm, chịu bóng, thường sống dưới tán rừng. - Thành phần hóa học:

Trong rễ ba kích chủ yếu có chất anthraglucozit, rất ít tinh dầu, nhựa và axít hữu cơ. Rễ tươi có vitamin C

- Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

+Bộ phận dùng: Tất cả các bộ phận của cây ba kích, bao gồm hoa, lá, quả và rễ đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, thông dụng nhất vẫn là rễ.

+Thu hái: Thông thường, rễ cây ba kích có thể được thu hái. Thời điểm thu hái để củ cho chất lượng tốt thường là vào tháng 10 – 11. Cách thu hái khá đơn giản, dùng cuốc đào rộng quanh gốc cây

+Chế biến: Củ ba kích sau khi thu hoạch đem rửa sạch và phơi khô. Tiếp đó, dùng dao loại bỏ phần lõi và giữ lại phần thịt. Dùng phần thịt này ngâm rượu, nấu cao hoặc kết hợp với một số dược liệu khác làm thuốc chữa bệnh

+Bảo quản: Ba kích sau khi phơi khô đem đóng gói hoặc cho vào lọ thủy tinh, bảo quản ở nơi khô ráo, tránh ánh nắng mặt trời.

(4). Cây Trọng lâu nhiều lá

Cây Trọng lâu nhiều lá còn có nhiều tên khác là bảy lá một hoa, thất diệp nhất chi hoa, độc cước liên, thiết đăng đài, chi hoa đầu, tảo hưu, thảo hà xa

- Tên khoa học:Paris polyphylla Smith, HọTrọng lâu(Trilliaceae)

- Đặc điểm sinh thái:

Cây bảy lá một hoa là một loại cỏ nhỏ, có dạng rất đặc biệt, sống lâu năm, thân rễ ngắn, dài chừng 5-15cm, đường kính 2,5-2,5 cm rất nhiều đốt, khó bẻ, vết bẻ trông như có bột, màu vàng trắng hay xám trắng. Từ thân rễ nổi lên mặt đất một thân mọc thẳng đứng cao tới 1 mét, phía gốc có một số lá thoái hóa thành vẩy, bao lấy thân cây. Giữa thân có một tầng lá mọc vòng gồm 3 đến 10 lá, nhưng thường là 7 lá, cuống lá dài 2,5-3cm, phiến lá hình mác rộng, dài 15-21cm, rộng 4-8cm, đầu phiến lá nhọn, mép nguyên, hai mặt nhẵn, mặt dưới màu xanh nhạt, đôi khi có màu tím nhạt. Hoa mọc đơn độc ở đỉnh cảnh, cuống hoa dài 15-30cm. Lá đài gồm 5 đến 10, thường là 7, màu xanh lá cây, dài 3-7cm, rời từng cái một, trông như lá, không rụng. Số cánh tràng bằng số lá đài, hình sợi rủ xuống, màu vàng nâu, chiều dài bằng hay ngắn hơn chiều dài của lá đài. Nhụy màu tím đỏ, bầu thường gồm 3 ngăn. Quả mọng màu tím đen. Mùa hoa vào các tháng 3,4,5 (vùng Sapa), mùa quả vào các tháng 10-11.

- Thành phần hóa học:

Trong Trọng lâu nhiều lá, người ta đã nghiên cứu thấy có chất glucozit, tính chất saponin gọi là paridin C16H28O7 và paristaphin C38H64O18 cũng là một glucozit (theo Lý Thừa Cố, 1960, Trung Quốc dược dụng thực vật đồ giám, Bắc Kinh).

- Bộ phận dùng, thu hái, chế biến bảo quản

Người ta thường dùng thân, rễ có thể thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất vào thu đông, đào về rửa sạch, phơi khô.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tài nguyên dược liệu và lựa chọn các loài có tiềm năng phát triển sinh kế tại khu bảo tồn sao la tỉnh thừa thiên huế (Trang 74 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(145 trang)