Dấu ấn ý thức nữ tính trong văn học hiện đại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ý thức nữ tính trong truyện ngắn võ thị hảo (Trang 25 - 27)

6. Cấu trúc luận văn

1.2.2. Dấu ấn ý thức nữ tính trong văn học hiện đại

Đầu thế kỷ XX, bên cạnh những cây bút nam giới đã khá quen thuộc trên văn đàn Việt Nam thời bấy giờ như Phan Khôi, Trần Trọng Kim, Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu, Nguyễn Phan Long,… thì những cây bút nữ như Manh Manh nữ sĩ, Vân Hương nữ sĩ, Nguyễn Thị Hồng Đăng, Lê Thị Huỳnh Lan, Đạm Phương nữ sĩ, Phan Thị Bạch Vân,… đã có những trao đổi, tranh luận trên văn đàn, đưa ra những cách nhìn nhận, những quan điểm về vấn đề nữ quyền. Đến khi Tố Tâm

xuất hiện, Hoàng Ngọc Phách đã thực sự thể hiện những cung bậc của tình yêu đôi lứa, là khi người phụ nữ mạnh dạn thể hiện tình cảm của mình, sống hết mình vì tình yêu.

Đến giai đoạn văn học 1930 - 1945, người phụ nữ ngày càng ý thức sâu sắc hơn vị thế và vai trò của mình trong xã hội mới. Những nhà văn của nhóm Tự lực văn đoàn là những người nói nhiều hơn về người phụ nữ trong quá trình tự giải phóng thông qua các hình ảnh “gái mới”. Ngay từ khi ra đời, Tự lực văn đoàn đã đề ra tôn chỉ: “lúc nào cũng trẻ, yêu đời”. Chống lại lễ giáo phong kiến hà khắc và đề cao hạnh phúc cá nhân luôn là mục đích mà Tự lực văn đoàn hướng đến. Và để đạt được mục đích sáng tác của mình, Tự lực văn đoàn đã xây dựng hình ảnh những cô “gái mới” không chỉ đẹp về ngoại hình mà luôn mang trong mình mong muốn được sống thực là mình trong tình yêu

và được hạnh phúc. Những cô “gái mới” trong Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt, Lạnh lùng, Đôi bạn, Gia đình, Thoát ly, Thừa tự,thể hiện rất rõ điều đó. Tác phẩm của Tự lực văn đoàn chĩa mũi nhọn đả kích lễ giáo phong kiến và nếp sống của đại gia đình phong kiến một cách trực diện. Thông qua những xung đột trong tác phẩm, các nhà văn của Tự lực văn đoàn hô hào giải phóng phụ nữ khỏi cảnh mẹ chồng nàng dâu, mẹ ghẻ con chồng và cảnh thủ tiết của những người đàn bà trẻ góa bụa.

Đến thời kì cả nước bước vào hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ từ năm 1945 đến năm 1975, dưới ánh sáng của lí tưởng anh hùng cách mạng, hình tượng người phụ nữ trong văn học lại mang một diện mạo mới, bừng sáng trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Trong nhiều tác phẩm, người phụ nữ được hình dung như những anh hùng tiêu biểu cho vẻ đẹp của thời đại như chị Út Tịch (Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi), chị Sứ (Hòn đất của Anh Đức), Nguyệt (Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu), Trần Thị Lý (Người con gái Việt Nam của Tố Hữu),…Tuy nhiên, do yêu cầu của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, đời sống tinh thần của nữ giới mới được khai thác nhiều ở khía cạnh xã hội mà chưa chú ý nhiều đến đặc trưng về giới. Hình tượng nhân vật được xây dựng trong văn học hầu hết là những hình tượng con người phi giới tính. Trong suốt cả giai đoạn văn học này, chúng tôi nhận thấy hiện tượng thơ Xuân Quỳnh là một hiện tượng hy hữu. Đọc thơ Xuân Quỳnh, người ta có thể cảm nhận được một khát vọng tình yêu mang hơi hướng phái tính khá rõ nét với những Sóng, Thuyền và biển, Mùa hoa doi,…Trong Thiên tính nữ trong thi giới Xuân Quỳnh, PGS.TS Hồ Thế Hà nhận định: “Những triết lý, chiêm nghiệm trong cuộc đời và trong tình yêu đã nâng tầm tư tưởng, tính nhân bản của thơ chị lên chiều cao của tư duy sáng tạo. Bản tính thiên bẩm tài hoa cùng với vốn sống và tâm hồn luôn rộng mở trước bao giông bão cuộc đời và chính

mình đã đem đến cho thi giới Xuân Quỳnh sức quyến rũ và sức sống kì diệu” [5, tr.85].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ý thức nữ tính trong truyện ngắn võ thị hảo (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)