Biểu tượng thể hiện sắc thái nữ tính trong truyện ngắn Võ Thị Hảo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ý thức nữ tính trong truyện ngắn võ thị hảo (Trang 85 - 99)

6. Cấu trúc luận văn

3.3.2. Biểu tượng thể hiện sắc thái nữ tính trong truyện ngắn Võ Thị Hảo

Không thể phủ nhận được vai trò và vị trí của người phụ nữ trong cuộc sống con người cũng như không ai chối cãi được chân lý “một nửa thế giới này là phụ nữ”. Ý thức được điều đó, người phụ nữ vẫn luôn cố gắng vươn lên để thể hiện mình, khẳng định vị thế của mình trong xã hội. Võ Thị Hảo cũng vậy. Là nhà văn nữ, dù có viết về đề tài nào, hình thức hay chất giọng ra sao thì chị vẫn không thể nào đưa vào trang viết của mình những vẻ đẹp tâm hồn và thể xác của chính phái mình. Chị không chỉ hướng ngòi bút đến những nét dịu dàng, đằm thắm trong phong cách, sự nhạy bén, sâu sắc trong tâm hồn, những khát khao cháy bỏng trong tình yêu và hạnh phúc của người phụ nữ, mà hơn thế, những vẻ đẹp về hình thể vốn bị che lấp giờ đây cũng được căng mình, kiêu hãnh. Theo Flaubert, người phụ nữ không viết gì khác ngoài mình, họ “tự ăn mình”. Các nhân vật trong sáng tác của chị là sự hóa thân, khúc xạ hay có khi là sự phóng chiếu tâm hồn của mình để trải nghiệm. Mỗi nhân vật là một số phận khác nhau nhưng tất cả đều bộc lộ cái “tôi” nội cảm của phái nữ. Chị luôn nhạy cảm với nỗi đau, xót xa với những bất hạnh cũng như trân trọng những vẻ đẹp bình dị, vốn có, những khát khao về hạnh phúc, tình yêu của người phụ nữ. Vì thế, tác giả đã thể hiện chân thực thế giới nữ bằng trái tim tinh tế, chân thành của một người cùng giới.

Trước hết, xuất hiện trong các truyện ngắn của Võ Thị Hảo là một số lượng khá lớn các biểu tượng về vẻ đẹp của cơ thể người phụ nữ. Trong đó, biểu tượng bầu vú, ngực, mông, mái tóc… được lặp lại với tầng số cao. Điều đáng chú ý, các nhân vật nữ trong truyện ngắn Võ Thị Hảo thường rất tự hào

về vẻ đẹp trời phú của mình. Họ muốn phơi bày vẻ đẹp ấy trước tấm gương để tự nhìn ngắm chính mình. Nhân vật có lúc muốn tận hưởng giây phút “trần truồng” ấy như một cách để đối diện với chính con người. Nhân vật Thuận trong truyện ngắn Đêm bướm ma vẫn theo thói quen sau khi trút bỏ quần áo, bước lên giường cô lại đứng trước “tấm gương lớn ngang dọc những đường rỉ đặt cuối phòng in mồn một thân thể nàng” để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một người phụ nữ trung niên: “Bộ ngực trĩu nặng với đầu vú màu nâu nhạt, ửng hồng hơi chúc xuống thùy mị dịu ngọt. Đôi vai dìu dịu chảy xuôi tôn cao chiếc cổ có ba nốt ruồi xếp thành chuỗi hạt đỏ luôn chuyển động theo hơi thở, làn da bụng qua ba lần sinh nở vẫn không gợn vết nhăn” [14, tr.9].

Nói đến tính nữ, ta không thể không nhắc đến những biểu tượng gắn với ý nghĩa phồn thực như bầu vú, khuôn ngực, mông, cặp đùi, mái tóc… Bầu vú trong ý nghĩa ban đầu của nó vốn là vẻ đẹp thiên phú của cơ thể người phụ nữ. Nó mang ý nghĩa phồn thực, biểu trưng cho sự sinh sôi nảy nở giống loài. Trong nghệ thuật điêu khắc Hy Lạp cổ đại, ta đã thấy xuất hiện nhiều bức tượng về người phụ nữ với hai bầu vú để trần như thách thức với những bão tố của cuộc đời. Sang thời kì Phục hưng, cũng là xuất hiện những bức phù điêu và tượng mô tả vẻ đẹp của những người phụ nữ với đôi bầu vú chắc, tròn đầy vẻ quyến rũ. Không riêng nhiều ngành nghệ thuật mà ngay trong lĩnh vực tôn giáo, người ta cũng tìm thấy hình ảnh bầu vú theo những lối vẽ, góc độ riêng. Thời gian chảy trôi, biểu tượng ấy dần được con người tôn thờ và mang màu sắc thiêng liêng gắn liền với hình ảnh của khát vọng sinh sôi nảy nở của muôn loài. Quan trọng nhất, bầu vú là hình ảnh đại diện cho vẻ đẹp và sức mạnh tự nhiên của giống cái. Ở Việt Nam, trải qua gần 10 thế kỉ trung đại, con người phải gạt đi cái tôi cá nhân của mình, không dám sống với những ham muốn cơ bản “rất người”. Họ ép mình để sống với những nguyên tắc, đạo lí hà khắc. Bước sang những năm 1945-1954, cái tôi vừa hồi sinh chẳng được bao lâu lại

phải tạm gạt đi để làm tròn nhiệm vụ với đất nước. Và giờ đây, sau thời kì đổi mới, khi cuộc sống con người ngày càng hiện đại, những giá trị vật chất và tinh thần được cải biến nên những khát khao tự nhiên mang tính trần tục của con người bắt đầu được đề cập đến mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Biết bao nhà văn đã không ngần ngại dùng ngòi bút của mình để tái hiện những khao khát bản năng của con người trong tình yêu, hôn nhân. Đặc biệt, vấn đề chuyện “phòng kín” cũng được nhà văn đề cập một cách bạo liệt. Trong số đó, phải kể đến truyện ngắn Góa phụ đen, Con dại của đá… Biểu tượng “bầu vú, ngực” được miêu tả một cách sinh động, tràn đầy ý nghĩa.

Khuôn ngực là hình ảnh tượng trưng cho vẻ đẹp của cơ thể nữ, là vẻ đẹp “thiên tính” mà ông trời đã ưu ái ban phát cho người phụ nữ. Vẻ đẹp ấy luôn khiến phái mày râu phải khát khao chiếm hữu. Chính vẻ đẹp ấy của Sải trong truyện ngắn Con dại của đá khiến cho Hùng De phải “nôn nóng bế nàng vào buồng, đặt nàng lên giường và thành kính mở nút áo ngực nàng rồi ngây người ngắm vẻ đẹp của ngực” [9, tr.194]. Một khuôn ngực đẹp là ước mơ của biết bao cô gái, thậm chí có lúc, họ lặng lẽ ngắm nhìn vẻ đẹp ấy của chị, của mẹ hay những người bạn gái của mình rồi xuýt xoa khen ngợi: “Ngực thần Vệ nữ cũng có lẽ chỉ đẹp đến thế là cùng”. Rồi Thảo ước ao “phải chi mình cũng có bộ ngực như thế” [11, tr.95]. Như vậy, biểu tượng “ngực” là món quà vô giá mà tất cả phụ nữ trên thế giới được tự nhiên ban tặng, mỗi người lại sở hữu những bầu ngực có vẻ đẹp riêng không hề trộn lẫn. Không đơn thuần là biểu tượng cho sự sinh sôi nảy nở mà bầu vú còn mang ý nghĩa thanh lọc tẩy rửa tội lỗi, loại trừ cái ác. Hình ảnh người phụ nữ với bầu vú để trần như một bức tượng vĩnh hằng đã được các tác giả tôn sùng đến cực điểm. Nhà văn đã miêu tả rất tinh tế hình ảnh biểu tượng ấy với vẻ đẹp vốn có của một người đàn bà. Bầu vú trước tiên là biểu tượng của khát vọng sống, khát vọng trần tục và ham muốn của con người. Quan trọng hơn, là những người gieo mầm sự

sống, người phụ nữ dù cao sang hay thấp hèn đều giữ vai trò thiêng liêng mà tạo hóa ban tặng. Đó chính là thiên chức làm vợ, làm mẹ. Và vì thế, không gì thay thế được, bầu vú mang trong mình ý nghĩa của sự sống. Người phụ nữ với biểu tượng bầu vú hay khuôn ngực đã trở thành hình tượng trung tâm che chở và nuôi dưỡng muôn loài. Đặc biệt, bộ ngực không chỉ dừng lại ở biểu tượng của tình mẫu tử, sự dịu dàng mà đó còn là chốn ẩn náu bình an của tâm hồn, nơi những người đàn ông, những đứa con thân yêu của họ gục đầu vào mỗi khi vấp ngã.

Tóm lại, qua truyện ngắn của Võ Thị Hảo, ta nhận thức được sâu sắc hơn ý nghĩa nhân văn của biểu tượng ngực, bầu vú trong vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ. Đó là những biểu hiện cho sức sống vĩnh hằng, cho cái đẹp hoàn thiện, là hình ảnh thiêng liêng đáng tôn sùng và trân trọng. Nó thực sự là một món quà vô giá của tạo hóa ban phát cho cuộc đời này. Nhà văn đã tạc nên những bức tranh hoàn mĩ về vẻ đẹp chân phương của người phụ nữ bất kể họ là ai, thuộc độ tuổi hay tầng lớp nào trong xã hội. Tất cả họ đều bình đẳng ở chức vụ thiêng liêng mà tạo hóa ban tặng. Hơn ai hết, họ làm đẹp cho đời, đem lại cuộc sống những hương hoa, khát vọng, những ham muốn trần thế của cuộc đời.

Cùng với biểu tượng ngực, bầu vú thì biểu tượng “mái tóc” cũng được nhà văn Võ Thị Hảo khai thác một cách phong phú. Người xưa thường nói: “Cái răng cái tóc là góc con người”. Mái tóc không chỉ biểu hiện vẻ đẹp hình thức bên ngoài mà hơn thế, nó còn thể hiện phần nào phẩm cách, tâm hồn hay thậm chí có thể dự báo được số phận tương lai của người sở hữu nó… Thuở xa xưa, con người đã biết sử dụng hình ảnh này để ngợi ca vẻ đẹp mà tạo hóa ban tặng cho con người. Hình ảnh ấy vô tình đi vào trang viết của các tác giả văn học của Việt Nam nói riêng và văn học thế giới nói chung như một biểu tượng sống động, đầy sức gợi.

Trước đây, biểu tượng ấy chỉ chung cho cả đàn ông và phụ nữ và mỗi phái lại có những cách thể hiện mái tóc khác nhau. Tuy nhiên, từ khi luồng văn hóa phương Tây du nhập vào nước ta, nam giới cắt tóc ngắn, nữ giới để tóc dài thì mái tóc không còn là biểu tượng cho vẻ đẹp của người đàn ông nữa mà chỉ còn là nét đẹp riêng của người phụ nữ. Nó làm nên biểu tượng riêng cho phái đẹp. Nói đến người phụ nữ, biểu tượng đầu tiên cho vẻ đẹp duyên dáng, đầy nữ tính có lẽ là mái tóc:

“Một thương tóc bỏ đuôi gà

Hai thương ăn nói mặn mà có duyên…”

Nàng Ly trong truyện ngắn Phút chối Chúa dường như lung linh hơn với màu tóc thướt tha, buông dài của mình “tóc nàng chảy dài đen như da rắn than, nước da óng ánh như tia mặt trời buổi sớm và lưng eo như lưng kiến vàng. Nàng đẹp đến nỗi gỗ đá cũng phải mềm lòng” [11, tr.118-119].

Chính nhờ vẻ đẹp ấy, Thần sông Sê-san đã lắng nghe lời nguyện ước của nàng, hiện nguyên hình để ban cho nàng dòng nước trong vắt, mát lành với điều kiện dòng nước ấy chỉ dành cho nàng mà thôi. Thế nhưng, nàng không đành lòng khi nhìn thấy những người dân quằn quại trong cơn khát, nàng Ly đã tiết lộ nguồn nước để cứu buôn làng và đón nhận sự trừng phạt độc ác của Thần. Nàng hi sinh bản thân mình để đem lại sự sống cho cả cộng đồng và mái tóc của nàng đã trở thành dòng thác Y-a-ly ngày nay: “Nước sông Sê-san gào thét đổ theo mái tóc của nàng tung thành thác nước trắng xóa dưới chân núi” [11, tr.121]. Như vậy, mái tóc của một người con gái không chỉ làm nên nét đẹp duyên dáng của họ mà còn đi vào tâm thức huyền thoại của nhân dân Tây Nguyên về thác Y-a-ly.

Không phải ngẫu nhiên, bốn cô gái ở Rừng Cười trong truyện ngắn Võ Thị Hảo “mừng rỡ khi nhìn thấy mái tóc óng mượt dài chấm gót” của Thảo - cô sinh viên Văn khoa Hà Nội và cũng là cô gái thứ năm của đội. Thế nhưng,

thứ nước độc của rừng vẫn mạnh hơn, “bất chấp đủ loại lá thơm mà đồng đội đã mang về cho gội, tóc Thảo chỉ còn là một túm sợi mỏng mảnh xơ xác” [11, tr.87]. Như vậy, mái tóc - món quà bình dị mà tạo hóa ban tặng cho người con gái dường như cũng chịu chung số phận đau thương của dân tộc trong cuộc chiến gian khổ và ác liệt. Để rồi, những giọt nước mắt cay đắng của bốn cô gái Rừng Cười khi nhìn thấy sự tàn phá của mái tóc Thảo là ngọn lửa tố cáo tội ác man rợ của chiến tranh.

Một mái tóc dài, đen, óng ả của người phụ nữ chính là một vũ khí để họ chinh phục phái mạnh. Biết bao chàng trai như Đang đã từng ngây ngất và muốn chiếm hữu một mái tóc tuyệt vời như thế “mùi nước hoa đồng nội tỏa ra từ mái tóc của nàng khiến Đang ngây ngất” [9, tr.157]. Để rồi, khi nhìn thấy “mái tóc dài đen gợn sóng rũ như lụa trên vai anh” khiến con tim anh bối rối. Và rất mạnh mẽ nhưng anh biết mình đã bị người đàn bà ấy chinh phục. Anh lặng lẽ quỳ xuống dưới chân nàng như để tôn thờ, chiêm ngưỡng vẻ đẹp ấy của nàng.

Trong Dây neo trân gian, Võ Thị Hảo ngợi ca sức mạnh kì diệu của mái tóc. Khi một người đàn ông chỉ biết đau khổ đón chờ cái chết, không một ai đem đến cho anh niềm hi vọng sống tiếp trên cõi đời này thì chỉ có tóc của người đàn bà yêu quý nhất mới đủ sức mạnh để níu giữ một linh hồn: “Đó là tóc. Tóc đàn bà. Nói đến đàn bà là nói đến tóc. Nói mãi về tóc đàn bà mà vẫn không nhàm. Bởi vì chỉ có tóc đàn bà, chỉ tóc của đàn bà thôi nhé, có phép màu” [11, tr.74]. Và quả thật, nàng đã bền bỉ ngồi bện chín sợi một thành từng bím rồi nối chúng lại với nhau, quấn chung quanh tấm ảnh của anh rồi đặt lên bàn thờ khấn. Khi nhìn “những bím tóc long lánh, nhỏ li ti được nối với nhau kéo dài vô tận”, “những bím tóc xổ ra cuộn chảy trên tay anh như những sợi dây xích mát rượi” thì cũng là lúc phép nhiệm màu của “dây neo trần gian” xuất hiện. Anh đã được nàng níu giữ bằng chính mái tóc, biểu tượng của sức

mạnh, được kết tinh từ tình yêu thương và sự chân thành. Kết quả xét nghiệm âm tính là bằng chứng cho cố gắng cũng như phép thần diệu của mái tóc. Và như vậy, mái tóc không chỉ dừng lại ở ý nghĩa tầm thường của nó mà được thổi thêm một luồng sống mới, mang ý nghĩa tâm linh, siêu hình.

Bên cạnh đó, biểu tượng đôi mắt cũng được nhà văn Võ Thị Hảo chú ý khi thể hiện vẻ đẹp nữ tính của nữ giới. “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”, là nơi gửi gắm tình yêu thương, chất chứa bao tâm sự của người phụ nữ. Ông Tư bắt gặp được vẻ đẹp thánh thiện, phúc hậu của người vợ thân yêu của mình qua đôi mắt “có một vẻ thiên thần trong mái tóc xõa xuống, vầng trán mịn màng, thanh cao, trong sự dịu dàng và nhân hậu qua ánh mắt” [11, tr.184].

Trong thời đại hiện nay, cuộc sống với quá nhiều mệt mỏi khiến người phụ nữ phản kháng bằng sự trốn chạy, họ lao vào công việc, trò chơi, thế nhưng họ lại không dấu được chính mình. Đó là đôi mắt đầy truân chuyên của người đàn bà muốn tìm chốn bình yên ở nơi cửa Phật “đôi mắt hình hạnh nhân với đuôi mắt trĩu xuống che bớt những tia rực rỡ không ngừng chớp rạng dưới hàng mi biêng biếc tím” [9, tr.7]. Người con gái trong truyện ngắn Trận gió màu xanh rêu với “cặp mắt một mí mòng mọng dài hơi xếch, buồn tha phương” [7, tr.8] cũng không biết cuộc đời mình sẽ đi về đâu trong cõi đời mênh mang này. Cô sẽ chôn vùi tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình ở làng Góa, suốt ngày đẽo đá, làm bia, ở lại với mẹ hay sẽ trở về quê hương của mình hay tìm một mảnh đất nào đó, lấy chồng, sinh con… tất cả con đường cô đi cũng mờ mịt, dài ngoằng như đôi mắt của cô.

***

Quả thực, Võ Thị Hảo là người luôn có ý thức tìm tòi, khám phá trong sáng tạo nghệ thuật. Bằng tài năng văn chương và sự tinh nhạy, sắc sảo trong việc tiếp cận, nắm bắt những vấn đề của hiện thực cuộc sống, chị đã tìm cho mình những lối đi riêng với nhiều trải nghiệm và thể nghiệm. Những sáng

tác của chị không ngừng mang đến cho người đọc sự trăn trở, suy tư về cuộc đời, về nhân thế. Để chiếm lĩnh hiện thực cuộc sống phồn tạp, Võ Thị Hảo đã không ngừng vận dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật linh hoạt. Bằng việc thể hiện màu sắc ngôn ngữ mang âm hưởng nữ tính và giàu chất thơ, cách vận dụng không gian, thời gian nghệ thuật linh hoạt, sử dụng biểu tượng thể hiện sắc thái tính nữ, có khả năng làm người đọc nhận thức ra nhiều điều trong

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ý thức nữ tính trong truyện ngắn võ thị hảo (Trang 85 - 99)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)