6. Cấu trúc luận văn
2.1.1. Thiên tính nữ
Khi một người phụ nữ biểu lộ sự đằm thắm, dịu dàng về phong thái; tinh tế, nhạy cảm, sâu sắc về tâm hồn; mềm mỏng, nhân hậu, khoan dung trong cư xử… thì chị ta sẽ được nhiều người quý mến; và con người chị sẽ được người khác nhìn nhận là rất nữ tính. Như vậy, nữ tính là những nét đặc tính riêng của người phụ nữ. Và thiên tính nữ trong văn chương là sự phóng chiếu, khúc xạ những đặc tính của nữ giới qua các phương diện như: sự lựa chọn đề tài, phát biểu chủ đề, xây dựng hình tượng, sự lựa chọn và kết hợp ngôn ngữ qua các mặt như: lòng tự tin, sự đồng cảm, sự sẻ chia, sự hoá thân, sự quan sát tinh tế, trí tưởng tượng v.v…
Văn đàn Việt Nam những năm gần đây được nhiều nhà phê bình quan tâm và đánh giá cao sự xuất hiện của các cây bút nữ, bởi họ đã đóng góp vào văn học những “khí sắc sôi nổi, tạo nên một nền văn học đa dạng, ít nhiều mới mẻ” [2, tr.22]. Theo nhà phê bình Bùi Việt Thắng thì “đã hình thành một tỉ lệ giữa phái yếu và phái mày râu là hai phần ba - một tỉ lệ đáng gờm bởi nhìn vào đó sẽ thấy truyện ngắn nữ hôm nay (và văn chương nói chung) mang gương - mặt - nữ. Là bởi văn chương cần đến sự đằm thắm, tinh tế và khoan dung” [40, tr.36]. Vâng, “sự đằm thắm, tinh tế và khoan dung” đang là điều cần thiết đối với văn chương nói chung và đối với nền văn học đương đại Việt Nam nói riêng. Hòa cùng dòng chảy văn học với những thành tựu đã được khẳng định của văn chương giới nữ hiện nay, Võ Thị Hảo quả thực có sự đóng góp vượt trội bởi tài năng cùng với khí chất thiên bẩm ấy. Hay nói cách khác, thiên tính nữ chính là đặc điểm nổi bật được thể hiện một cách hồn hậu, sâu
sắc trong sáng tác của nhà văn Võ Thị Hảo.
Chúng ta ai cũng đều thấy rõ rằng, Võ Thị Hảo đã rất thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật nữ, đặc biệt là việc thể hiện ý thức nữ tính. Như Flaubert từng nói rằng, phụ nữ không viết gì khác ngoài mình, họ tự “ăn chính mình”. Hay nhà phê bình Đặng Anh Đào cũng cho rằng “Phụ nữ thường mạnh ở chỗ đưa tất cả cuộc đời và tâm hồn họ vào trang sách”. Bùi Việt Thắng trong Bình luận truyện ngắn cũng khẳng định nhân vật nữ trong truyện của “các chị” chính là người “được nhận nhiều từ chính người viết”. Như vậy, ý thức nữ tính trong sáng tác của cá nhà văn nữ chính là sự hóa thân, hay chính là sự khúc xạ, phóng chiếu tâm hồn và cuộc đời tác giả vào trong tác phẩm. Nhà văn nữ Võ thị Hảo cũng vậy. Chị đã hóa thân khi miêu tả tâm hồn, tính cách và những khát vọng của các nhân vật thuộc phái mình. Những nhân vật nữ trong truyện của chị chính là sự bộc lộ cái Tôi nội cảm đầy nữ tính của chị. Nhạy cảm với nỗi đau của những cuộc tình duyên trắc trở, những ước vọng không thành, chị đã “đau cái đau của người cùng giới”. Các tác phẩm của chị cũng là nỗi đau của người phụ nữ với từng số phận riêng. Sáng tác của chị đã thể hiện khát vọng tình yêu và niềm mong mỏi hạnh phúc của người phụ nữ, bộc lộ cái nhìn trắc ẩn, niềm thương cảm với nỗi đau và thân phận đàn bà. Chị đã gọi người phụ nữ là những “thân phận bé mọn”, và chị cũng bộc bạch: “Những người mà tôi đã không quên họ, nếu họ sống thì cũng vẫn tiếp thân phận bé mọn, vẫn ngơ ngác, lạc lõng, hẳn phải có rất nhiều thời gian để vực dậy, đánh thức họ sang giấc mơ khác, cả với tôi cũng vậy. Có thể suốt đời chỉ mơ một giấc mơ mà thôi (…). Giấc mơ của tôi không rực rỡ mà lầm lụi, nhọc nhằn, thất thường như cuộc đời một người đàn bà, và trong đó, tôi vừa là người đàn bà, vừa là đứa trẻ tự ngắm mình và cái thế giới này từ xa” [11, tr.239]. Nhân vật nữ của chị đa số có cuộc sống thất thường, bất hạnh, nhiều âu lo, vướng mình vào nhiều hệ lụy cuộc đời, thường bị ám ảnh bởi nỗi đau do
những chấn thương tinh thần, tình cảm. Họ sống khiêm nhường, nhiều khi cô đơn, tha thủi đến tội nghiệp, đáng thương, nhưng trái tim họ thì luôn rung ngân những nhịp đập yêu thương, nhân ái; cũng như tấm lòng họ vị tha, bao dung và tình nghĩa đến vô cùng. Ý thức nữ tính trong truyện ngắn Võ Thị Hảo chính là thể hiện sự quan tâm sâu sắc, sự đồng cảm chân thành cũng như ước mơ cháy bỏng của tác giả về hạnh phúc con người, nhất là những người cùng giới.
Cùng với sự thể hiện ý thức nữ tính làm thổn thức trái tim và ám ảnh tâm hồn người đọc là lối văn phong vừa sắc sảo, tinh tế lại hồn hậu, chân thành của chị. Từ ngôn ngữ, giọng điệu cho đến hình thức câu văn, chị như trang trải nỗi lòng mình đến từng số phận, từng cuộc đời riêng để đồng cảm, hiểu thấu từng ngóc ngách của đời sống nội tâm. Chị cùng nhân vật nghiền ngẫm nỗi đau, cùng nhân vật tìm lối ra cho những khổ đau, bế tắc. Những lối thoát có vẻ như là sự rút lui, nhượng bộ, nhưng đó lại chính là sự khoan hòa, bao dung ẩn chứa sự hi sinh cao đẹp của tâm hồn con người, nhất là đối với tâm hồn những người phụ nữ như chị.
Quan tâm sâu sắc đến đời sống riêng của con người trong cảm hứng thế sự, Võ Thị Hảo đã lấy thân phận phái mình làm tâm điểm chú ý. Chị đã chú ý một cách toàn diện đến người phụ nữ với tấm lòng chân thành, độ lượng, thấu hiểu. Đây là điểm mạnh, đồng thời là lĩnh vực thể hiện sinh động thiên tính nữ trong sáng tác của chị.