Dục tính biểu hiện sự nổi loạn bên trong

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ý thức nữ tính trong truyện ngắn võ thị hảo (Trang 52)

6. Cấu trúc luận văn

2.3.1. Dục tính biểu hiện sự nổi loạn bên trong

Nhân vật nữ của Võ Thị Hảo thường không bằng lòng với cuộc sống thực tại bình lặng, nhàm chán. Họ cô đơn, hẫng hụt trước cuộc sống thực tại nhưng lại không từ bỏ khát vọng sống. Họ cũng có những dự định, những mơ ước của riêng mình. Vậy nên, khi cuộc sống trở nên quá chật vật, mệt mỏi, sự đời trở nên quá ác nghiệt, bất công thì họ vẫn có những biểu hiện của sự nổi loạn bên trong. Họ nổi loạn để mong có thể thay đổi được số phận mình, để có thể thực hiện được ước mơ hay dự định của bản thân. Tuy nhiên, dưới ngòi bút

dạn dày kinh nghiệm của Võ Thị Hảo thì sự nổi loạn của họ thường có phần nông nổi, khờ dại. Và chủ yếu xảy ra ở những cô gái trẻ, có cá tính, nhiều hoài bão, ước mơ.

Nhân vật Sải (Con dại của đá) đã luôn mơ đên một chân trời mới lạ đầy những điều hấp dẫn trong lời thêu dệt ba hoa của Cáo Tờ Quẩy. Nàng tự thấy mình không giống như chú ngựa non ngoan hiền chỉ biết “nhẫn nhục liếm những hạt sương mằn mặn trên đá thay cho muối và tự thỏa mãn với điều đó”. Nàng giống như con ngựa tía “cứ khao khát mãi một miền ngái lạ”. Nghĩ đến cuộc hôn nhân sắp tới với Hùng De, nàng sợ cuộc đời mình cũng sẽ giống như những người đàn bà Mông “Suốt đời cúi mặt nhìn xuống bàn chân mình và chỉ ngẩng đầu lên khi tay sắp để tuột cái đuôi ngựa. Cái đuôi con ngựa cõng người chồng say mèm sau buổi chợ phiên”. Vì thế, Sải đã tin lời Cáo Tờ Quẩy, luôn mang khát vọng thoát khỏi cuộc sống đọa đày trâu ngựa của kiếp đàn bà trên miền quê trĩu nặng những thói tục cổ hủ của mình. Có thể xem khát vọng ấy là một sự nổi loạn, hay chính là một ý thức phản kháng. Sự tin tưởng và thỏa hiệp của Sải đối với Cáo Tờ Quẩy chính là biểu hiện của sự nổi loạn ấy. Và khi bị dồn đến thế cùng, cũng là lúc nhận ra sự giả trá của Cáo Tờ Quẩy, Sải đã quyết định trả thù hắn bằng lưỡi dao và bằng cả thái độ tỉnh táo khác thường. Đó lại là một sự nổi loạn khác, nổi loạn trong sự thức tỉnh mạnh mẽ, sự phản kháng quyết liệt đối với kẻ thù. Tuy nhiên, cái giá mà Sải phải trả cũng thật quá đắt.

Những cô gái trẻ trong truyện ngắn Võ Thị Hảo thường nổi loạn để chống lại số phận. Có khi chỉ là sự thay đổi một cái tên, giống như cô gái trong truyện Giọt buồn Giáng sinh. Cái tên ấy được đặt trong cơn buồn ngủ của người cha, đặt tên cho xong chuyện để đi ngủ, không cần nghĩ ngợi nhiều. Đáng buồn hơn là khi người mẹ chê tên xấu thì ông bố lại làu bàu: “Ôi dào! Con gái lớn rồi lấy chồng, đằng nào cũng mất tên. Đặt tên đẹp chi cho phí”. Võ Thị Hảo đã để cho nhân vật tự bộc bạch nỗi niềm: “Là Rớt. Nhưng cho đến

năm mười hai tuổi, tôi luôn sống trong niềm thù hận sâu xa cái tên đó. Năm mười ba, tôi nổi loạn, làm lại giấy khai sinh và xem sách, tự đặt cho mình một cái tên đẹp là Diễm Châu” [14, tr.69].

Ở truyện Vũ điệu địa ngục, Võ Thị Hảo cũng để cho nhân vật Thùy Châu chua chát nói ra suy nghĩ của mình trong lá thư tuyệt mệnh rằng: “…thế hệ chúng con khác thế hệ e dè của mẹ. Chúng con đi đến tận cùng nên nhiều khi tàn nhẫn…”. Và Thùy Châu cũng đã nổi loạn bằng việc bán máu, rồi đánh đổi cả sự trinh trắng của người con gái để có được việc làm nơi công sở. Cô đã dám phạm vào những điều mà mẹ cô không thể nào chấp nhận được, để cô có thể “đi đến tận cùng” của ước muốn, để hi vọng có thể ngóc đầu lên mà thoát khỏi sự dìm chết của số phận nghèo hèn. Nhưng bán máu nhiều lần quá cô mắc bệnh suy tủy. Cô không muốn chết dần chết mòn tiều tụy trong sự tốn kém sẽ làm khổ mẹ mình nên đã cắt động mạch ở khuỷu tay tự hủy.

Xây dựng biểu hiện nổi loạn, phản kháng này, Võ Thị Hảo đã thể hiện sâu sắc ngòi bút nhân đạo của mình bằng cách cho nhân vật tự nói lên tiếng nói bảo vệ, đấu tranh cho chính mình, hoặc là chính tác giả đã thể hiện thái độ bênh vực, đòi quyền bình đẳng cho họ. Tuy nhiên, đối với khía cạnh này, chị có phần tỏ ra bi quan trong việc kiếm tìm hạnh phúc cho họ.

Trong tâm niệm của Võ Thị Hảo, “người đàn bà Âu Lạc” đã không ít lần muốn nổi loạn khi nàng “định đặt gánh hành trang xuống bên vệ đường để nghỉ ngơi” hoặc “định quẳng bớt đi vài thứ” cho đỡ nặng. Nhưng rồi, nàng không thể nào làm được điều đó. Những nhân vật nữ trong truyện của chị cũng vậy. Họ nổi loạn để hướng về những dự định, ước mơ, để mong thoát khỏi sự đọa đày của số kiếp. Thế nhưng, cuối cùng không ai có thể thoát ra được. Bởi vận may đối với họ thật quá hiếm hoi, và những hoàn cảnh trớ trêu, ác nghiệt của cuộc đời thì cứ luôn bám riết lấy họ, dồn đẩy họ đến bước đường cùng.

Một điều nữa chúng ta nhận thấy rằng, những nhân vật nữ nổi loạn trong truyện ngắn của Võ Thị Hảo hầu hết là những cô gái trẻ. Họ giàu ước mơ, nhiều khát khao về hạnh phúc và những điều tốt đẹp của cuộc đời. Thế nhưng hành động của họ lại nông nổi và họ rất dễ bị lầm lạc. Số phận bi khịch của họ một phần cũng do chính những hành vi lầm lạc ấy tạo nên. Nhân vật Thùy Châu (Vũ điệu địa ngục) vì lầm lạc mà đã hủy hoại cả bản thân mình. Cô phải cắt mạch máu tự vẫn vì những điều mà cô tưởng có thể đánh đổi được lại không hề đơn giản xảy đến, trong khi những gì mà cô mang ra đánh đổi lại quá lớn với cô, đó là máu trong huyết quản của cô và sự trinh trắng của người con gái. Nhân vật Sải (Con dại của đá) vì lầm lạc mà đánh đổi cả cuộc hôn nhân hạnh phúc với người mình yêu cho những ước vọng mông lung, dại khờ về một miền xa ngái, khác với cuộc sống nghèo nàn, lạc hậu nơi miền quê bé nhỏ của cô, để rồi phải nhận lấy một kết cục bi thương, đau đớn. Cũng vì lầm lạc mà “nàng” (Người đàn ông duy nhất) đã đem nhan sắc của mình ra đánh cược với bốn lần lấy chồng, toàn “ những thằng chồng không mảy may bén gót”, để rồi luôn phải chịu sự ghen tuông và bị đánh đập tàn nhẫn. Theo quan niệm của Võ Thị Hảo, người phụ nữ thường dễ bị lầm lạc. Chị cho rằng căn nguyên của nó chính là sự nhẹ dạ, yếu đuối: “Đàn bà muôn đời vẫn vậy, vẫn không thoát khỏi dây xích của sự nhẹ dạ”. [16, tr.51]. Theo chị, người phụ nữ dễ bị lầm lạc nhất là trong tình yêu. Bởi họ ít có cơ hội để lựa chọn và tuyệt nhiên không mảy may suy tính hay đòi hỏi bất cứ điều gì ở người mà họ đã trót yêu. Chị gọi đó là những lầm lạc “dễ thương và đau đớn” của kiếp người. Đau đớn vì lầm lạc đến mức phải lỡ một kiếp hoặc nhiều kiếp. Và dễ thương là vì nếu không được cảnh tỉnh, phàm là con người thì rất dễ lặp lại sự lầm lạc. Võ Thị Hảo từng bộc bạch suy nghĩ của mình: “…phụ nữ hay quan niệm tình yêu là tất cả cuộc đời. Còn đàn ông thì không. Họ quan niệm tình yêu như nó vốn có: chỉ là một phần của cuộc đời. Vì thế, phụ nữ dại khờ và bất hạnh

hơn.” [10, tr.214]. Rồi chị lại như nghiệm ra rằng: “Có lẽ phụ nữ nên nhìn tình yêu như nó vốn có, và học cách nhìn của đàn ông trong việc này và cả việc học cách yêu mình một chút - một chút thôi…” [12, tr.214].

Võ Thị Hảo thật tinh tế khi để cho nhân vật tự nhận ra số kiếp của mình: Sải vốn là một cô gái xinh đẹp nhất bản, là bông hoa thuốc phiện đầu nương làm ngây ngất bao chàng trai người Mông. Sải lại sắp được về làm vợ Hùng De, người con trai mà tất cả các cô gái bản đều mơ ước. Lẽ ra nàng phải được hưởng một cuộc sống hạnh phúc mà nhiều người đang khao khát. Thế nhưng, chỉ một phút lầm lỡ, nàng đã mất tất cả. Phụ nữ vốn cả tin và nhẹ dạ. “Khi đã nằm dưới hắn một lần rồi thì nàng đâm lệ thuộc hắn. Đàn bà là thế. Đã trót thất thân với một người đàn ông rồi thì sẽ theo hắn, dù muốn hay không, dù trên thân xác hay trong tâm tưởng, như một con chó theo chủ” [15, tr.191].

Đó cũng là sự lầm lạc “dễ thương và đau đớn” của “nàng tiên” (Nàng tiên xanh xao), của Thùy Trang (Bàn tay lạnh), của nhân vật Tôi (Vườn yêu)…

Sau những lầm lạc, Võ Thị Hảo đã để cho những nhân vật nữ của mình tự bộc bạch, sám hối. Ví như sự sám hối của “Nàng” trong Người đàn ông duy nhất. Nàng là người đàn bà xinh đẹp, “thùa hưởng” của mẹ nàng tiếng cười “nghiệp chướng”, “lả lơi như một gái lầu xanh”. “Thừa hưởng sản nghiệp kha khá của mẹ nàng - một gái làng chơi có hạng đã chết trẻ, nàng thừa hưởng luôn cả sự nhẹ dạ”. Trong năm năm, bốn lần lấy chồng - toàn những thằng vũ phu và “không mảy may bén gót nàng”. Cuối cùng, nàng đã cố bứt ra khỏi cạm bẫy cuộc đời, cố giằng mình ra khỏi “nghiệp chướng” của số mệnh với những dòng tâm sự để lại cho người đàn ông tật nguyền từng yêu và ngưỡng vọng mình: “…Một điều Rân có thể yên tâm là tôi bây giờ không cười như trước nữa. Tôi ra đi không phải để lấy chồng, mà để trốn chạy một lầu xanh.

Điều đó cũng đáng gái phải không Rân?!…”. Đó là những sám hối nhẹ nhàng, nhưng sâu sắc, khẳng định bản lĩnh, nhân cách con người. Ở một truyện ngắn khác, cũng với hình thức một bức thư, nhân vật nữ của Võ Thị Hảo đã tự viết ra những dòng sám hối chân thành, đầy xúc động. Đó là sự sám hối thật xót xa trong lá thư tuyệt mệnh của Thùy Châu (Vũ điệu địa ngục). Sám hối mà như để thanh minh, để giãi bày với người mẹ đáng thương về những nỗi niềm, những uẩn khúc của một đứa con đang lâm vào tình thế vô cùng khổ đau, bất hạnh. Nếu như nhân vật trong văn học nói chung thường sám hối bởi đã trót làm điều bất nhân, đã trót dối gạt, hãm hại người khác vì tư lợi cá nhân hay chỉ vì những đố kị nhỏ nhen, ích kỉ, thì nhân vật nữ của Võ Thị Hảo lại sám hối vì những nông nổi và lầm lạc của chính bản thân mình. Họ sám hối là để nhận lỗi, để cầu xin sự thấu hiểu và tha thứ của những người thực sự yêu thương, gần gũi với mình nhất. Lời sám hối của họ vừa giãi bày tâm sự, vừa là những suy nghiệm cay đắng về cuộc đời.

Tóm lại, nhìn từ phương diện ý thức tính nữ, người phụ nữ trong truyện ngắn Võ Thị Hảo trước hết là những con người có ước mơ, tự tin, bản lĩnh, có tâm hồn trong sáng, giàu lòng tự tôn, tự trọng. Vì hoàn cảnh, vì những ràng buộc khách quan nên họ phải sống thu mình lặng lẽ trong vất vả, nghèo túng. Cũng có nhiều lúc họ muốn vượt thoát, muốn nổi loạn chống lại số phận, nhưng vì nông nổi, dại dột nên sa vào lầm lỡ và nhận lãnh thương đau, bi kịch cho riêng mình. Dù sao, họ cũng là những con người nhân hậu, giàu đức hi sinh và rất đáng được trân trọng.

2.3.2. Dục tính - nhu cầu cân bằng sinh lí

Nghệ thuật với thiên chức thẩm mĩ hóa những phạm trù tâm lí đã là nơi con người khúc xạ và chuyển hóa tính dục từ bản năng sang thẩm mĩ. Văn học phản ánh, nghiền ngẫm hiện thực và nhào nặn cuộc sống theo quy luật của cái đẹp. Văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung luôn biểu hiện những vấn đề

của hiện thực và phi hiện thực theo một lăng kính mĩ cảm. Mọi phạm trù thẩm mĩ đều bắt nguồn từ hiện thực tâm trạng và đời sống. Thân xác là lẽ đẹp tự nhiên tạo hóa ban tặng. Thân xác là hiện thực đầu tiên trong kinh nghiệm làm người. Loài người vốn dĩ đam mê ân ái. Hành vi ân ái giúp con người được khoái cảm, không chỉ vậy mà còn giúp loài người tiến gần lại nhau hơn; phạm trù này thường trực ám ảnh đời sống sinh lí thông qua những biểu hiện của ngôn ngữ tình yêu.

Con người là loài động vật ưa giãi bày nhất, lắm lời nhất trong các loài. Vì họ là chủ thể có nhận thức thông qua ngôn ngữ. Văn chương chính là một trong những phương tiện để con người bày tỏ lòng mình. Trên thực tế, không có gì thuộc về con người lại xa lạ với văn chương. Đề cập đến năng lực tình dục như thế nào là có văn hóa để tránh sự sống sượng và thô tục, dơ dáy? Điều này đã được Võ Thị Hảo diễn đạt đến tận cùng cá tính của mình và hoàn thành được sứ mệnh cao cả của nhà văn là vì con người, khi chị lột trần được vỏ bọc bên ngoài lâu nay che đậy con người, với bao ẩn ức, ham muốn bản năng. Nhân vật bản năng trong văn chương Võ Thị Hảo hiện ra trần trụi, thực thụ bằng da, bằng thịt vốn có. Họ là những con người của cuộc sống đời thường, con người cần lắm những nỗi riêng tư để trăn trở, để thể hiện khát vọng bản năng, nhu cầu tình dục. Tình dục trong sáng tác của Võ Thị Hảo được hiện minh một cách mạnh bạo, công khai ở nhiều góc cạnh, nhiều mặt cuộc sống. Lúc thì như cứu cánh của tình yêu, lúc thì như quỹ dữ làm thui chột một nhân cách. Hầu hết, nhân vật trong sáng tác của Võ Thị Hảo từ góc nhìn tính dục, họ luôn quẫy đạp, chiến đấu với ham muốn, với vô thức để nổi loạn. Những cơ chế bột phát ấy từ mỗi nhân vật là tự nhiên và chân thực, điều ấy thể hiện được chiều sâu, chiều cao và chiều rộng của tâm hồn con người.

Như những ẩn ức nghệ thuật, miêu tả ý thức tính nữ ở góc nhìn bản năng này, Võ Thị Hảo tập trung đi vào bi kịch của con người trong đời sống

hiện đại dưới cái nhìn bản năng. Thế giới bản năng này khép kín và đầy bí ẩn nhưng cũng rất thiêng liêng. Đấy trước hết là bản năng làm mẹ - sức mạnh của dạng tình yêu hữu tính để người phụ nữ chiều chuộng bản thân mình suốt cuộc đời. Đó là hình ảnh Người đàn bà Âu Lạc gánh gồng con trên vai mà cứ ngỡ đó là hành trang chứ không biết đó là gánh nặng. Đó là Ngần trong Ngày không mút tay đã sống bằng cảm giác đói khát, mặc cảm, như chiếc ruột ốc èo uột phải cõng cả tòa vỏ nặng lê đi, lê mãi không được ngừng nghỉ. Trách nhiệm gia đình, với chồng, với con đã không cho phép người phụ nữ sống khác, ngoài việc để sau chín mươi ngày được ăn một lần thịt, Ngần đã đi bán máu. Đặc tính chịu thương, chịu khó đó chính là bản năng chăm lo, bảo vệ cuộc sống của con người. Chức phận làm vợ và thiên chức làm mẹ đã cố hữu trong tư tưởng con người phương Đông. Những hành động chịu thương, chịu khó của họ như hình thức phản xạ bẩm sinh trong cuộc sống. Sự nhẫn nại phi thường đã giúp người phụ nữ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ và việc làm tròn bổn phận với gia đình, với chồng, với con, đối với họ như một niềm kiêu hãnh.

Như vậy, có thể thấy tồn tại ham muốn của những người phụ nữ nêu trên là tình yêu của người mẹ trong nhân loại dường như đã đạt độ hi sinh cao cả mà ta khó tìm thấy ở muôn loài khác. Tình yêu ấy đã làm người phụ nữ hi sinh tính ích kỉ của mình và đánh mất cá tính của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ý thức nữ tính trong truyện ngắn võ thị hảo (Trang 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)