Vai trò của biểu tượng trong nghệ thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ý thức nữ tính trong truyện ngắn võ thị hảo (Trang 83 - 85)

6. Cấu trúc luận văn

3.3.1. Vai trò của biểu tượng trong nghệ thuật

Võ Thị Hảo là gương mặt nhà văn nữ có nhiều đóng góp cho sự phát triển của văn học đương đại đặc biệt ở lĩnh vực truyện ngắn. Đây là nhà văn có ý thức sử dụng biểu tượng như những phương thức để làm nổi bật lên nội dung tư tưởng, vấn đề nhà văn muốn giãi bày. Nhận thức được tầm quan trọng của biểu tượng trong thế giới con người, chị đã có ý thức dùng biểu tượng để khám phá cuộc sống. Đây là một sự sáng tạo độc đáo và luôn được xem là một phương tiện tạo hình đa nghĩa của các hình tượng nghệ thuật. Một mặt, truyện ngắn dùng biểu tượng để kéo ngôn ngữ, hình ảnh về với hiện thực cuộc sống trần trụi vốn có và mặt khác, biểu tượng tăng cường tính triết luận, hàm ẩn trong cách viết. Đây không chỉ là phương tiện để tác giả thể hiện cảm quan thẩm mỹ, có giá trị gợi cảm tinh tế mà nó tạo ra được những khoảng trống suy tư cho độc giả. Thuộc thể loại tự sự, trong các truyện ngắn của mình, nhà văn Võ Thị Hảo đặc biệt coi trọng việc đưa các phương thức biểu hiện cá tính sáng tạo của người cầm bút. Những hình ảnh biểu tượng như một thủ pháp nghệ thuật làm tăng tính đa nghĩa, huyền bí của thế giới nhân vật. Nhờ sử dụng biểu tượng, nhà văn thâm nhập được sâu thế giới bên trong, soi chiếu những góc khuất tâm hồn con người để thấu hiểu và phân tích. Từ đó, nó làm cho thế giới nhân vật, cốt truyện mang màu sắc lãng mạn, tâm linh, huyền ảo… Không những vậy, nó còn tạo không gian đa chiều, lung linh trên từng trang viết. Biểu tượng không chỉ là cái hữu hình mà còn là cái vô hình, khó nắm bắt của những tư tưởng, tình cảm thẳm sâu trong tâm hồn con người. Từ đó, người viết chiêm nghiệm mang tính tổng kết sâu sắc về lẽ sống, về đạo đức, chân lý. Nó giúp gắn kết con người với thế giới xung quanh một cách toàn vẹn. Biểu tượng trong truyện ngắn Võ Thị Hảo vì thế đã trở thành một công cụ thẩm mĩ, một phương thức để tiếp cận và chiêm nghiệm thế giới.

So với các nhà văn cùng thời, việc khai thác thế giới biểu tượng của nhà văn Võ Thị Hảo là một sự đóng góp đáng kể cho văn đàn nói chung và truyện ngắn nói riêng. Bởi trong xu thế hiện nay, dường như tất cả các ngành khoa học đều khẳng định vai trò to lớn của biểu tượng. Giải mã biểu tượng văn học từ mã văn hóa hiện nay là một trong những hướng nghiên cứu của lí luận văn học hiện đại. Trong lĩnh vực truyện ngắn, đi từ cấp độ sâu xa nhất của hình tượng văn học là mẫu gốc trong tâm thức nhân loại đến biểu tượng văn hóa của từng dân tộc là một hướng phân tích toàn diện. Truyện ngắn không chỉ dừng lại ở việc ghi chép lại một khoảnh khắc bất chợt mà nhà văn thu lượm được một lát cắt của cuộc sống thường ngày mà hơn thế nữa, nó góp vào trang viết một kho tàng tri thức về văn hóa, xã hội, triết học, tôn giáo… Không phải dễ dàng tiếp cận truyện ngắn bằng bề nổi của nó. Như quan niệm “tảng băng trôi” của Hemingway, trong một tảng băng trôi trên mặt nước, có 7/8 chìm dưới nước, chỉ 1 phần nổi lên trên cho mọi người nhìn thấy. Như vậy, phần nổi là phần rất nhỏ so với phần quan trọng chìm dưới mặt nước. Hình ảnh ấy chẳng những minh họa cho phong cách Hemingway mà nó còn đưa ra một cách tóm tắt yêu cầu đối với một áng văn chương thật sự có giá trị. Đặc biệt đối với độc giả của thế kỉ XX, để thu hút sự quan tâm, nhà văn không trực tiếp phát ngôn ý tưởng của mình mà xây dựng hình tượng có nhiều sức gợi để cho người đọc cảm nhận theo nhiều hướng khác nhau. Trong đó, hướng chủ yếu là lối kể chuyện tự nhiên kết hợp với việc dùng các hình ảnh, biểu tượng để tạo ra những khoảng trống liên tưởng thú vị. Có lúc, đọc xong, tưởng đến phút nhập thần của người viết, ta không thể hiểu được ý đồ thực sự của tác giả khi dẫn dắt câu chuyện. Đọc lại lần 2 rồi lần 3, những con chữ vẫn cứ xoay vần, bí hiểm như khiêu khích trong tâm trí của ta. Nhưng rồi, chính điều ấy lại thúc dục ta phải đọc, phải khám phá đến cái tận cùng của nó. Và như thế, vô tình, tác giả đã tiếp thêm cho ta một ngọn lửa của sự đam mê, khám phá tác phẩm.

Tùy theo các cấp độ và vốn nhận thức khác nhau để người đọc khám phá được những tảng ngầm của “tảng băng trôi” ẩn chứa bên trong lớp biểu tượng độc đáo. Đây là nét cách tân và đóng góp đáng kể của chị trong quá trình làm mới thể loại.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ý thức nữ tính trong truyện ngắn võ thị hảo (Trang 83 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)