Ngôn ngữ giàu chất thơ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ý thức nữ tính trong truyện ngắn võ thị hảo (Trang 73 - 76)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.2. Ngôn ngữ giàu chất thơ

Trước khi được mọi người biết đến với tư cách là một nhà báo - nhà văn nổi tiếng, Võ Thị Hảo đã từng là nhà thơ. Vậy nên, truyện ngắn của chị là những câu chuyện bàng bạc chất thơ. Thực ra, Võ Thị Hảo đã thi vị hóa cái đẹp vĩnh cửu của cuộc sống trên nền Chân - Thiện - Mỹ cùng ước mơ của con người về hạnh phúc, về tình yêu. Thẳm sâu trong ý thức của chị là đi tìm một giá trị nhân văn cao cả.

Trước hết, có thể nhận thấy chất thơ hiện diện rõ ngay trong cách đặt tên truyện, trong giọng điệu, ngôn ngữ, trong cách miêu tả, kết cấu, trong các hình tượng nghệ thuật. Những cái tên như Vầng trăng mồ côi, Vườn yêu, Khói mang màu nước biển, Giọt buồn Giáng sinh, Khăn choàng sương, Tim vỡ, Chuông vọng cuối chiều, Tình yêu mây trắng… đọc lên nghe như đầu đề của những bài thơ tình duyên dáng, lãng mạn, chất chứa bao nỗi niềm, xúc cảm của người đang yêu. Và kì thực, đó là những câu chuyện về tình yêu, về tình người được kể bằng sự chiêm nghiệm nghẹn ngào, đắng đót, bằng trái tim đa cảm, giàu yêu thương và trân trọng con người của chính nhà văn. Đặc biệt, trong các truyện ngắn của Võ Thị Hảo, người đọc thường bắt gặp những hình tượng nghệ thuật mang đậm chất thơ. Đó là hình tượng nụ hôn thánh thiện, thiêng liêng trên làn môi trinh nữ (Làn môi đồng trinh), là hình tượng đám mây đen chở đám mây xốp trắng bồng bềnh trốn khỏi những điều tục lụy, khổ đau (Tình yêu mây trắng), là hình tượng vườn yêu mê đắm, đầy hương hoa nhưng cũng lắm ưu phiền, ẩn trắc (Vườn yêu),… Tất cả vốn là những hình tượng biểu trưng cho tình yêu, thứ tình cảm thiêng liêng, đầy mộng tưởng đối với con người. Hơn nữa, đấy cũng là thánh đường của trái tim người nghệ sĩ. Với những hình tượng nghệ thuật này, Võ Thị Hảo như một nhà thơ, một nghệ sĩ tài hoa dẫn dắt người đọc cùng các nhân vật của mình bước vào thế giới tình yêu với bao điều mê hoặc và hấp dẫn. Đọc truyện ngắn Võ Thị Hảo, người

đọc thấy mình như lạc vào “vườn yêu” để cùng nhân vật của chị nhấm nhẳn vị đắng của trái cấm trong khu vườn này. Người đọc cũng có thể đến thiên đường tình yêu để cùng nhân vật được một lần nếm trải và tận hưởng điều kì diệu trong “cái hôn của Chúa ban cho loài người” trên “làn môi đồng trinh nhạt màu ấy” - một nụ hôn thánh thiện, thiêng liêng, khác xa với những cái hôn “đượm màu bợm bãi” trên môi những cô gái sành sỏi ăn chơi. Người đọc lại có thể trở về thuở xa xưa với những lần của khoảng cách thời gian là “ba trăm sáu mươi năm” để cùng nhân vật của chị đau nỗi đau “Tim vỡ

Bên cạnh những hình tượng nghệ thuật gắn với tình yêu, Võ Thị Hảo còn sáng tạo nên những hình tượng chở khát vọng hạnh phúc, khát vọng được tung mình bay bổng, chơi vơi trong không gian mênh mông và gặp gỡ những điều vô cùng thần diệu. Trạng thái này vẫn thường xảy đến với tâm hồn, xúc cảm của các nghệ sĩ, thi nhân. Và những hình tượng ấy đã được nhà văn lồng gửi vào trong Giọt buồn Giáng sinh, Tình yêu mây trắng,…

Vốn là một nhà thơ, Võ Thị Hảo không chỉ nhuộm chất thơ vào mỗi trang truyện của mình bằng thứ ngôn ngữ được chắt lọc, trau chuốt, bằng cách đặt tên truyện, cách gọi tên nhân vật hay cách sáng tạo các hình tượng nghệ thuật. Chị còn khéo “mượn” luôn cả những bài thơ của mình để đưa vào trang sách đầu tiên của mỗi tập truyện ngắn. Hẳn nhiên, đó là những dòng thơ đầy tâm trạng và ám ảnh, làm nền cho nội dung tư tưởng của cả tập sách. Chẳng hạn, ở bài thơ có nhan đề Vòng tay gái làng mở đầu cho tập truyện Hồn trinh nữ, chị đã viết:

“Xin ngừng hát Tóc tai rã rượi

Hộp đêm đã đượi ma trơi… Nhặt miếng ăn thị thành

Đất này chật lắm Hết ba xuân Về đâu em? Thôi thôi! Ngừng hát Hãy ngừng Rối ren miền bọt Rữa ánh trăng

Túi cao su

Váy hồng rách nát Miền bọt miền bọt Về đâu em ơi?”

Những câu thơ nghe như lời than trách, lại vừa như cầu xin, đầy xót xa, hờn tủi của những kiếp hồng nhan bạc bẽo, sa cơ giữa bể trầm luân oan nghiệt của cuộc đời. Thực ra, đằng sau những câu từ trau chuốt, những vần điệu rung ngân ấy là tâm sự day dứt khôn nguôi của nhà văn về số phận con người, về cuộc đời và về nhân tình thế thái. Vậy nên, khi đọc truyện của Võ Thị Hảo, ta thường có cảm giác buồn, một nỗi buồn mang dư vị ngọt lẫn với niềm xót xa, cay đắng.

Ngôn ngữ và trang sách là thơ nhưng cuộc đời là thực. Với Võ Thị Hảo, chất thơ đưa vào truyện không chỉ để câu chữ thêm đẹp, lời lẽ và hình ảnh thêm ý vị, lung linh mà còn để khơi thêm niềm đau, nỗi xót xa, sự ám ảnh cho con người, để trái tim con người cùng thổn thức, xốn xang với những kiếp đời đau thương, đen bạc. Làn môi đồng trinh, Máu cúa lá, Hồn trinh nữ, Biển cứu rỗi, Chuông vọng cuối chiều, Vườn yêu, Tim vỡ… là những câu chuyện như thế.

Chất thơ trong truyện Võ Thị Hảo càng đượm đà và lắng sâu hơn khi nó được chiết xuất từ một tâm hồn nhạy cảm, giàu yêu thương cùng thiên tính dịu dàng, nhân hậu, luôn biết sẻ chia và trang trải nỗi lòng của người phụ nữ. Vì vậy, đi cùng với chất thơ là những yếu tố thể hiện thiên tính nữ trong các tác phẩm truyện ngắn của nhà văn Võ Thị Hảo.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ý thức nữ tính trong truyện ngắn võ thị hảo (Trang 73 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)