Thiên tính nữ nhìn từ yếu tố vô thức

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ý thức nữ tính trong truyện ngắn võ thị hảo (Trang 35 - 38)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.2. Thiên tính nữ nhìn từ yếu tố vô thức

Sự hiện diện của văn học nữ tính và âm hưởng nữ quyền trong văn học Việt Nam có thể coi là một bước phát triển thực sự của văn học theo hướng dân chủ hóa. Ở Việt Nam, sau 1986, sự phát triển mạnh mẽ của văn học nữ tính với sự góp mặt của những cây bút: Phạm Thị Hoài, Lê Minh Khuê, Võ Thị Hảo, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ… đem đến cho văn đàn

những tiếng nói mới mẻ về quan niệm văn chương. Sự lớn dậy của các cây bút nữ, những người thai nghén và “tự ăn chính mình” đã viết theo phong cách cởi trói. Họ đối mặt với cuộc sống, nhận thức sâu sắc về sự tồn tại của mình. Họ ý thức về vai trò của mình và lên tiếng đòi hỏi nhu cầu chính đáng của phái mình. Văn học nữ tính xuất hiện như một nhu cầu tự thân. Họ vẽ chân dung và diễn đạt chi tiết từng ẩn ức của người đồng giới. Họ sẵn sàng hóa thân vào nhân vật, gửi gắm vào nhân vật chút nhẹ dạ, cả tin với ít nhiều miền nhạy cảm và đôi phần tinh tế để kể lại câu chuyện của chính đàn bà. Thông cảm trực tiếp với nỗi đau của từng thân phận, họ nhìn thấy đâu đó ở mỗi hành động những góc khuất tâm hồn. Với đặc tính đa cảm, chịu thương và chịu khó, mềm mỏng, nhân hậu và khoan dung, họ đưa tất cả cuộc đời và tâm trạng phụ nữ vào trang viết. Ý thức nữ tính và khí sắc nữ quyền, sự đằm thắm, tinh tế của ngôn ngữ đã góp phần tạo nên một nền văn học đa dạng.

Quả thực, người phụ nữ thời đại nào cũng là nguồn cảm hứng sáng tác cho văn học nghệ thuật. Viết về phụ nữ là viết về một thế giới đầy bí ẩn “đa sự đa đoan”. Nếu Y Ban từng tâm sự rằng: “Tôi hay kể chuyện ở ngôi thứ nhất, để tự đặt mình vào vị trí của những nhân vật một cách triệt để thì đối với Võ Thị Hảo - người đàn bà vốn thích được che chở (theo cách nói của chị) ví thân phận đàn bà như những loài dây leo vân vít cần lắm một cây đại thụ. Từ điểm nhìn trần thuật này chị đã thấu hiểu khát vọng nhân bản muôn đời của phụ nữ và phô diễn trên từng trang viết những nhân vật nữ không thể nào quên. Những thân phận nếu sống thì vẫn là thân phận bé mọn, vẫn ngơ ngác, lạc lõng, tật nguyền và cần rất nhiều thời gian để vực họ dậy. Trong trang viết của Võ Thị Hảo, họ là những người đàn bà nếm trải cay đắng nỗi cô đơn, niềm thương và vô vàn sự hối tiếc trong hành trình vượt qua muôn nỗi trầm luân của cuộc đời, dám sống, dám yêu và khi cần họ dám chết để bảo vệ tình yêu của mình. Và việc bảo vệ tình yêu, tự do, nhân cách, phẩm chất làm người mãi là nỗi khát

vọng sâu thẳm của mỗi kiếp nhân sinh. Những nhân vật nữ trong sáng tác của chị là những người phụ nữ đẹp nhưng thiếu vắng tình yêu. Lúc buồn đau cũng như lúc bị người đời ức hiếp dọa nạt đều không có người bên cạnh. Thế nhưng, tình cảm của họ như tình mẹ sưởi ấm cho con, người tình đánh thức một người tình. Những người phụ nữ trong sáng tác Võ Thị Hảo đều bải hoải than phiền “Ôi, cái bánh xe chạm đất khắc khoải này… ngươi đã được sinh ra, đã sống, đã vật lộn… Đời người quá dài là dài. Mỏi mệt. Cái khoảnh khắc này… để làm gì nhỉ?” [15, tr.432]. Họ là nạn nhân của điều luật, lễ giáo còn sót lại của xã hội cũ và đã chọn lấy cái chết vì không chờ đợi được chân lí, đó là Hương trong

Ngậm cười, Sài trong Con dại của đá, dì cháu trong tình yêu mây trắng. Và họ là nạn nhân của xã hội mới với những đòi hỏi khắt khe về sự hoàn thiện, hoàn mĩ: Phượng trong Phiên chợ người cùi; Hằng trong Làn môi đồng trinh; Bích, Phượng và người đàn bà thứ hai trong Khăn choàng sương. Họ mong manh giữa bể dâu cuộc đời, gặp phải những lầm lạc dễ thương. Cuộc đời họ không bình ổn và nhiều bất hạnh. Hầu hết, cái chết và sự hóa thân của họ đa phần là vì không chờ đợi nổi công lí. Tận cùng bút mực, sự thông cảm, sự thông cảm và được chia sẻ cái đau của người đồng giới mãi là khát vọng bình đẳng, khát vọng giải phóng, khát vọng được sống với chính mình, bằng chính mình của người phụ nữ Võ Thị Hảo.

Bằng cái nhìn trắc ẩn, gắn mỗi thân phận đàn bà là một niềm thương cảm và xót xa, những thân phận bé mọn được Võ Thị Hảo trăn trở trong cảm xúc mang nặng ý thức nữ tính. Qua đó, nhà văn như muốn lên tiếng nhắc nhở mọi người hãy quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề nhân sinh, về trật tự và công bằng xã hội. Quả thật, sự khiêm nhường, thất thường và cô đơn vướng phải nhiều hệ lụy của cuộc đời; sự run rủi, đáng thương và tội nghiệp của phụ nữ cần lắm một lòng tay đàn ông đủ rộng để họ biết được yêu thương và che chở; để trái tim nhân ái và vị tha của người phụ nữ lùi xa những nỗi bất hạnh

vô cùng trong cuộc đời.

Lấy thân phận phái nữ làm cảm hứng, bằng cái nhìn áp sát hiện thực, đa dạng hóa các kiểu loại người, Võ Thị Hảo kêu gọi bình đẳng giới, triết thuyết con người cùng giải quyết những bất cập, chia sẻ thiệt thòi, áp lực đang đè nặng trên vai người phụ nữ. Người phụ nữ hiện lên trong trang viết chị bạo liệt hơn, hoài nghi hơn, dám sống hơn nhưng vẫn là người chịu thua thiệt trong tình yêu, gia đình và xã hội. Chị cho rằng, cái mà người phụ nữ hiện đại trả giá cho quyền bình đẳng, quyền hạnh phúc của mình là quá lớn. Bởi hầu hết trong số họ, trước khi được cảm nhận niềm hạnh phúc thì họ đã phải vắt kiệt sức mình cho cuộc sống này.

Một chút gàn và bản tính bạo dạn, ngay thẳng, liều sống liều chết với chính nghĩa, với lẽ phải; với lối văn phong sắc sảo, hồn hậu và tinh tế và kiểu phát ngôn quyết liệt thể hiện chính xác nhất những trải nghiệm cá nhân giới nữ trong nhiều mối quan hệ khác nhau; bằng cái nhìn riêng của cá nhân, Võ Thị Hảo đã công khai bày tỏ thái độ chống lại sự lệ thuộc vào thế giới đàn ông và xông vào các đề tài cấm kị một cách tự do, nhất là đề tài tình dục. Viết bằng thân thể, đàn bà, không phải lúc nào cũng chỉ là trò chơi và nô lệ tình dục cho đàn ông mà nhiều khi, tình dục với phụ nữ là một phương tiện thể hiện rõ nhất sự tụ do. Võ Thị Hảo trong chuyện này thường miêu tả những vấn đề gần gũi với bản thân, gắn với đời sống thường nhật, cảm xúc và nhịp sinh học của phái nữ. Tinh thần dân chủ, thái độ hưởng thụ mới trong văn học và ý thức nữ tính không chỉ thể hiện đậm đặc trong truyện ngắn mà còn thể hiện gấp gáp, mãnh liệt trong tiểu thuyết Giàn thiêu qua các nhân vật Nhuệ Anh, Ngạn La, Lê Thị Đoan như một minh chứng sống động.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ý thức nữ tính trong truyện ngắn võ thị hảo (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)