6. Cấu trúc luận văn
3.1.1. Ngôn ngữ mang âm hưởng nữ tính
Bằng vốn sống, vốn ngôn ngữ phong phú của bản thân, Võ Thị Hảo đã sử dụng ngôn ngữ một cách đặc sắc nhằm thể hiển thành công âm hưởng phái tính và nữ quyền trong tác phẩm của mình. Nhà văn đi vào những chi tiết thật cụ thể với hàng loạt những từ ngữ đặc tả đầy ấn tượng để khắc họa về ngoại
hình tội nghiệp, đáng thương. Vẻ khắc khổ của người đàn bà Tây Nguyên chị quan sát và khắc chạm qua hình ảnh “bộ ngực để trần” “với đôi vú teo lại như quả chanh khô rung rẩy theo nhịp thánh ca” [11, tr.115]. Tả “người gánh nước thuê” xấu xí, lạc lõng giữa những người chủ giàu sang với những bộ mặt “trát bự son phấn”, chị lại viết: “Bà Diễm hệt như con gà trụi lông giữa đàn công sặc sỡ” [11, tr.60]. Hoặc nói về sự cực nhọc, khốn cùng của cuộc đời bà Diễm gắn với công việc “gánh nước thuê”, Võ Thị Hảo đã kết hợp khá nhuần nhị giữa sự quan sát và những cảm nhận thật sắc sảo, tinh vi: “Dáng người bà Diễm bé loắt choắt, bộ mặt nhăn nheo, gầy sạm chỉ còn hai con mắt. Bà vừa đi vừa lắc lư cái lưng còng. Chiếc đòn gánh không bao giờ rời khỏi đôi vai còm cõi của bà. Nó bám chặt lấy bà như một thứ nghiệp chướng. Chiếc đòn gánh của bà cũng thật đặc biệt. Nó được đẽo gọt từ một thân tre cong hằn dấu vết của những cơn gió táp và ra đời chỉ để đón đợi đôi vai còm cõi của bà Diễm mà thôi. Nó và chủ nhân của nó hợp thành một chỉnh thể của sự bất hạnh, hợp thành biểu tượng của một thân cây vừa mới ra đời đã bị gió mưa vùi dập. Cuối hai đầu đòn gánh là đôi thùng đầy nước lắc lư theo những bước chân không đều của bà Diễm và để lại những vệt nước rỏ ròng như suối nước mắt cạnh đường đi” [11, tr.59]. Quả đúng là một thứ ngôn ngữ đầy ám gợi, thể hiện một cách chân thực, đậm nét hình tượng nhân vật là những người phụ nữ bất hạnh, lầm than. Đối lập với vẻ khắc khổ, tội nghiệp của những người phụ nữ trong cảnh đời cực nhọc, vất vả ấy, Võ Thị Hảo lại say mê thả hồn mình vào những vẻ đẹp thánh thiện của người thiếu nữ với một ngôn ngữ trong sáng.
Có khi là thứ ngôn ngữ mang âm hưởng tính nữ được nhà văn gọt dũa, bóng bẩy, mang màu sắc sử thi, huyền thoại. Đó là nhan sắc tuyệt trần của cô gái vùng rừng núi Tây Nguyên được Võ Thị Hảo miêu tả với một ngôn ngữ đầy thi vị theo đúng cảm quan thẩm mĩ của người dân bản xứ: “Tóc nàng chảy dài đen như da rắn than. Nước da vàng óng như tia nắng mặt trời buổi sớm và
eo lưng như kiến vàng. Nàng đẹp đến nỗi gỗ đá cũng phải mềm lòng” [11, tr.118].
Nhiều lúc, đấy lại là thứ ngôn ngữ rất hiện đại và vô cùng sinh động. Chị tả vẻ đẹp của người thiếu nữ vùng cao nguyên bằng hàng loạt từ ngữ của kĩ thuật điện ảnh, giàu chất tạo hình, biến ảo linh hoạt mang đến những xúc cảm bất ngờ, lạ lẫm xen lẫn niềm thích thú, đắm say cho người đọc: “Thiếu nữ nâu hồng đang ngủ. Nàng nằm dưới tán cây cà phê xòa rộng, ngực trần và váy quấn dịu dàng đổ nghiêng trên tấm thảm bập bồng được dệt bởi những lá rụng đã khô cong và cuộn tròn thành vô số hình con cu li bé xíu ngộ nghĩnh.” [10, tr.24].
Rõ ràng, ngay cả người đọc cũng bị chinh phục bởi vẻ đẹp hoang hoài, thánh thiện, đầy hấp dẫn của cô gái qua ngôn ngữ miêu tả của nhà văn. Tiếp xúc với đội quân ngôn ngữ hùng hậu, giàu hình ảnh, đầy hương sắc, biến hóa linh hoạt dưới ngòi bút tinh tường và bén nhạy của Võ Thị Hảo, người đọc có thể hình dung chị như một nhà nhiếp ảnh hay người họa sĩ tài ba đã chớp được những khoảnh khắc thật quý giá, hiếm hoi về vẻ đẹp của người thiếu nữ giữa khu rừng mênh mông cà phê của vùng cao nguyên ấy.
Thế mới biết rằng, Võ Thị Hảo không chỉ quan tâm đến nỗi đau, đến bi kịch cuộc đời của những người phụ nữ “bé mọn”. Trong nhiều trang sách, chị đã say sưa ngợi ca vẻ đẹp hình thể cũng như nhan sắc người phụ nữ với một ngôn ngữ nhiều sức gợi, đầy cuốn hút. Qua đó, chị đồng thời thể hiện lối tư duy mềm mại, thiên tính nữ trong sáng tạo nghệ thuật của mình.
Cũng cần lưu ý thêm là, ngôn ngữ người kể chuyện luôn thể hiện tài năng của nhà văn cũng như quan hệ của nhà văn với nhân vật. Một mặt, nó thể hiện sự đồng cảm, hóa thân tối đa của tác giả vào nhân vật, mặt khác nó bộc lộ cái nhìn phân tích, phê phán hoặc chiêm nghiệm, suy ngẫm của nhà văn đối với con người, cuộc sống. Võ Thị Hảo không chỉ tạo ra những ấn tượng đặc
biệt về ngoại hình, hiện trạng, hay số phận của nhân vật mà còn khơi dậy trong người đọc những rung động chân thành, sâu sắc trước những biểu hiện của tính cách và thế giới nội tâm bên trong của các nhân vật ấy nữa, những “tấm gương soi” của chính mình.
Người đọc có thể nhận ra ở đó một thứ ngôn ngữ tinh xảo, lạnh lùng, ám ảnh, bộc lộ cái nhìn sắc sảo, tinh vi cũng như tài năng, bản lĩnh và cá tính của nhà văn trong việc phát hiện những vấn đề của hiện thực cuộc sống, đặc biệt là những vấn đề gắn liền với cuộc đời. Dấu ấn truyện ngắn của chị nhờ đó cũng đậm đà biết bao trong lòng người đọc.
Ngôn ngữ của truyện ngắn Võ Thị Hảo thể hiện sự phong phú, đa dạng, phức tạp của thế giới tâm hồn người phụ nữ. Đó nhiều khi là dạng ngôn ngữ tự vấn, tự bạch, là tiếng nói của nhân vật hướng vào mình, tự đặt ra câu hỏi và giãi bày với chính mình. Kiểu ngôn ngữ này tạo điều kiện cho nhà văn khai thác sâu những ám ảnh, dằn vặt nội tâm của nhân vật nữ. Nó đặt nhân vật đối mặt với những câu hỏi đeo bám, gặm nhấm cuộc đời mình. Bằng những câu hỏi kiểu này, Võ Thị Hảo đã khắc sâu hơn những nỗi đau trong lòng người phụ nữ. Đôi khi, đó là nỗi đau con cái: “Tôi đã cho chúng cuộc sống. Tôi đã cho chúng học hành. Bây giờ tôi ở một thế giới khác. Tôi đâu còn gì để cho?…” [9, tr.184]. Nhiều lúc, là nỗi đau trong tâm trạng người phụ nữ cứ loay hoay với sự chất vấn của cuộc đời: “Những đêm cuối thu với gió heo may thổi về thảng thốt khiến Hạnh khó ngủ… Hạnh nếm trải cảm giác của một con chim xa xứ, dù mùa đông chưa tới song hơi lạnh đã nhấm nhẳn da thịt. Và Hạnh thường nghĩ đến anh… Tại sao? Ta có đúng không? Tại sao ta nghĩ rằng anh sẽ đưa ta vào một mối tình tầm thường và nhàm chán? Ta quá ngạo mạn chăng? Đeo đẳng một quá khứ trĩu nặng, không dám sống cũng không dám chết…, co ro trong cơn rét của lòng kiêu ngạo. Ta đã được dạy dỗ để trở thành như thế và không có khả năng đón nhận hạnh phúc?” [9, tr.117].
Trước ánh mắt nồng nàn của người đàn ông, Hạnh đã không tránh được sự bối rối và những xúc cảm của lòng mình, nhưng nàng đã phải giấu nó vào trong bằng những lời độc thoại nội tâm ray rứt: “Sao ta lại bỏ trốn? Sao ta lại hèn nhát? Sao không vứt bộ mặt lạnh này đi. Sao không gục đầu vào ngực anh, nói rằng em mỏi mệt, rằng em muốn khóc, để nước mắt em làm ướt ngực anh… rằng… dù ngày mai có ra sao thì anh vẫn là người đàn ông mà em cần…” [9, tr.114].
Ở truyện ngắn của Võ Thị Hảo, người đọc ít gặp những người phụ nữ nhiều lời, bộc trực, bỗ bã như trong một số truyện của các nhà văn khác. Họ thường ít phơi trải cảm xúc, suy nghĩ của mình một cách ồn ào, lộ liễu. Họ sống thầm lặng, kín đáo nhưng rất chân thành, nhân hậu, bao dung. Có thể nói ngôn ngữ trong truyện Võ Thị Hảo đã diễn tả sâu sắc thế giới nội tâm phức tạp với bao ẩn ức, khát khao, dằn vặt, nghi ngại, hờn tủi, khổ đau của người phụ nữ. Những mâu thuẫn, những đấu tranh giằng xé như sóng cồn, gió nổi, những cơn “bão lòng” qua cách sử dụng ngôn ngữ của nhà văn hiện lên một cách thâm trầm, sâu sắc. Mặt khác, Võ Thị Hảo sử dụng ngôn ngữ chủ yếu là để miêu tả dòng kí ức, tâm trạng của nhân vật nữ với những lời lẽ nhẹ nhàng, trầm lắng, đầy cảm xúc. Vậy nên, những tình cảm suy nghĩ trong lòng người phụ nữ qua ngòi bút của chị cũng được bộc lộ thật cảm động, chân thành.
Võ Thị Hảo xây dựng ngôn ngữ đối thoại nhẹ nhàng, thiên về suy tư, như là sự giãi bày, là những lời bộc bạch tâm sự chân tình, thành thực. Nó như một phương tiện thể hiện nhu cầu giao tiếp của nhân vật trong các mỗi quan hệ, nhu cầu chia sẻ, nhu cầu được đòi hỏi hạnh phúc cho riêng mình. Từ đó, tính cách, tư tưởng, tình cảm của nhân vật càng hiện lên rõ nét. Bằng hình thức viết nhật kí hoặc viết thư, nhân vật có thể nói lên tâm sự, suy nghĩ của mình một cách tự nhiên, chân thành nhất. Thảo (Người sót lại của Rừng Cười) đã đối thoại với những người đồng đội cũ - những người đã khuất - hằng đêm
qua những dòng nhật kí nghẹn ngào: “ Thắm ơi! Em là người sót lại của Rừng Cười, nhưng hạnh phúc chẳng còn sót lại nơi em!
Thắm và các đồng đội của em! Cứ yên nghỉ ở Rừng Cười! Em không làm cho vong hồn con gái của các chị phải tủi hổ. Em cũng sẽ khiến cho Thành mãi mãi vẫn là chàng hoàng tử hào hiệp của chúng ta!” [11, tr.104]. Đó là cách để Thảo có thể vừa tự giãi bày suy nghĩ, vừa tìm kiếm sự đồng cảm, niềm an ủi cho mình. Thùy Châu (Vũ điệu địa ngục) bằng lá thư tuyệt mệnh để lại là để nói với mẹ về tất cả nỗi niềm tâm sự của đứa con gái bất hạnh. Điều mà thường ngày cô không thể nói ra. Với cô, đó là cách duy nhất để vừa giãi bày vừa thanh minh, vừa thú tội với người mẹ của mình, cũng là để mong muốn được mẹ hiểu và tha thứ. Nàng (Người đàn ông duy nhất) với lá thư để lại cho Rân đã bộc bạch chân thành tình cảm, suy nghĩ của mình với “người đàn ông duy nhất” mà nàng cảm phục, tôn kính. Nói chung, bằng cách đối thoại này, Võ Thị Hảo nhằm thể hiện nhu cầu được giãi bày cũng như niềm khao khát được sẻ chia, được thấu hiểu của người phụ nữ. Ngôn ngữ nhân vật vì thế cũng nhẹ nhàng, sâu lắng, chứa đựng cảm xúc tha thiết, chân thành. Bên cạnh đó, lời thoại trực tiếp trong truyện Võ Thị Hảo là ngôn ngữ của nỗi lòng, của sự suy ngẫm, chiêm nghiệm về nỗi đau, về tình yêu, hạnh phúc. Người đọc có thể thấy rõ điều đó trong những lời tâm sự của Thùy Trang với nhân vật Tôi (Bàn tay lạnh), hay trong lời thủ thỉ của người mẹ với đứa con (Chuông vọng cuối chiều). Nỗi lòng ấy cũng sẽ được người đọc nhận ra trong những lời khuyên nhủ, phân trần của bà cụ nhiều tuổi nhất làng Đẽo với cô con gái của người đàn bà điên (Trận gió màu xanh rêu).
Quả thực, Võ Thị Hảo qua việc sử dụng ngôn ngữ nhân vật đã dành cho nhân vật của chị niềm ưu ái rất riêng tư. Thêm vào đó, tài năng và sự nhập thân của chị làm cho các nhân vật càng trở nên gần gũi, quen thuộc với độc giả. Ngôn ngữ nhân vật vì thế cũng đã chạm đến những ẩn trắc trong lòng mọi người.