Không gian nghệ thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ý thức nữ tính trong truyện ngắn võ thị hảo (Trang 76 - 79)

6. Cấu trúc luận văn

3.2.1. Không gian nghệ thuật

Không gian nghệ thuật là một hình tượng không gian được tạo nên trong tác phẩm nghệ thuật. Không gian trong tác phẩm nghệ thuật không hoàn toàn đồng nhất với không gian trong cuộc sống. Trong tác phẩm văn học, không gian chính là bối cảnh tự nhiên, môi trường hoạt động của nhân vật, là tầm nhìn, điểm nhìn của tác giả. Nó vừa là không gian của tự nhiên, vừa là sản phẩm của những ý đồ sáng tạo. Không gian nghệ thuật là một trong những yếu

tố quan trọng được nhà văn chú tâm lựa chọn để góp phần thể hiện thành công ý thức nữ tính trong các sáng tác truyện ngắn của mình.

Điều dễ nhận thấy là không gian nghệ thuật trong truyện ngắn của Võ Thị Hảo rất ít khi xuất hiện hình ảnh con đường, dòng sông. Không gian nghệ thuật trong truyện ngắn của chị thường là những không gian thu hẹp, không gian bị giới hạn tượng trưng cho những “thân phận bé mọn”, phần nhiều trong số họ phải sống cuộc sống cực nhọc, lam lũ. Đó là không gian của Ngần trong góc phố với “căn phòng ổ chuột bảy mét vuông rưỡi cho năm nhân mạng” (Ngày không mút tay); không gian của ả Tuynh nơi miền quê nghèo với những thửa ruộng “không bao giờ hết đỉa” và căn nhà có “những viên ngói vỡ rệu rã” (Dệt cỏ); không gian của người đàn bà giấu mặt và trở thành “ông ma” trong ngôi chùa hoang (Chuông vọng cuối chiều); không gian của bà Diễm, của những người đàn bà Mông hay của những người đàn bà nơi làng Đẽo… Tất cả đều hạn hẹp, chật chội, tù quẩn. Ở đó, cuộc sống của những người phụ nữ đã nghèo khổ lại càng chật vật hơn, và con người họ đã cam phận, lại càng thêm nhọc nhằn, lầm lụi.

Tuy nhiên, ám ảnh hơn cả vẫn là những khoảng không gian mà nhà văn Võ Thị Hảo khắc vẽ “nỗi cô đơn đặc quánh” trong tâm hồn. Đó là không gian hoang vắng của “kho quân nhu im lìm nép mình trong vòng tay ma quái của rừng sâu”, không gian của những “mùa mưa rầu rĩ” và “mùa khô bỏng rát” (Người sót lại của Rừng Cười). Hơn nữa, đó còn là không gian của chiến trường, là “chốn giáp ranh giữa địa ngục và trần gian”. Đây quả là một hoàn cảnh ngoài sức chịu đựng của con người. Đặc biệt hơn, nó lại xảy ra với những cô gái còn “trẻ măng”, lòng đang mang bao khát khao, ước vọng. Đúng là một “không gian thử thách” đầy ác nghiệt. Không gian ấy đã đông tụ thành “nỗi cô đơn đặc quánh” trong tâm hồn các cô gái ở Rừng Cười; và đó cũng chính là nơi họ bộc lộ những nỗi niềm thầm kín, phát lộ những vùng mờ của

tâm thức một cách tự nhiên, rõ nét nhất. Điều này đã làm cho sáng tác của Võ Thị Hảo đạt đến một chiều sâu mới của giá trị nhân văn, nhân bản.

Võ Thị Hảo cũng đã sử dụng nhiều khoảng không gian đậm nhạt, dồn nén, mở rộng khác nhau để tô đậm trạng thái cô đơn. Không gian cá nhân dồn nén đến mức ngột ngạt. Đó là không gian của Thảo trong căn phòng kí túc xá sinh viên với những giấc mơ, những lá thư tự viết cho mình và những trang nhật kí hằng đêm (Người sót lại của Rừng Cười). Đó còn là không gian của bóng đêm, không gian được chiếu bởi thứ ánh sáng “đỏ quạnh” của ngọn đèn dầu trên chiếc giường nhỏ. Vì Thảo không dám bật điện, sợ phiền đến giấc ngủ của mấy cô gái cùng phòng. Trong sự dồn nén ngột ngạt ấy, Thảo đã bị đẩy đến sự cô đơn tột cùng, Võ Thị Hảo đã để cho nhân vật tự bộc lộ mình một cách sâu sắc, tạo ấn tượng và xúc cảm mạnh mẽ trong lòng người đọc.

Hòa vào dòng chảy của nền văn học hiện đại, Võ Thị Hảo cũng đi vào miêu tả các trạng thái tâm lý, tâm trạng của nhân vật, nhưng không quá sa đà vào lối phân tích chi li, cặn kẽ. Trong truyện ngắn của chị, các nhân vật nữ không triền miên trong những dòng độc thoại nội tâm dai dẳng như ta thường thấy ở một số truyện của nhà văn Nguyễn Minh Châu, Phạm Thị Hoài, Trần Thùy Mai… Tuy vậy, truyện ngắn Võ Thị Hảo cũng đã khắc họa kiểu không gian tâm lý, tâm tưởng một cách đặc sắc. Đó là không gian của “vườn yêu” trong tâm trạng của một cô gái lần đầu tiên “nhón chân bước vào” (Vườn yêu). Đó còn là không gian bao la của bầu trời đêm Giáng sinh trong nỗi niềm của nhân vật Tôi - một “giọt buồn” đang bay lên bằng “đôi cánh rách” (Giọt buồn Giáng sinh). Ở trong những hình thái không gian vô cùng đặc biệt ấy, nhân vật nữ của Võ Thị Hảo tha hồ bộc lộ mình với tất cả trạng thái tinh thần, cảm xúc, niềm trăn trở, chiêm nghiệm, ước mơ… Đặc biệt là những suy nghĩ, cảm nhận của họ về tình yêu, hạnh phúc, về nỗi đau khổ của người phụ nữ; cả những vấn đề về cuộc sống của con người và thời đại nói chung cũng được

phơi trải trong kiểu không gian thật tự do khoáng đạt của tâm hồn này.

Trong truyện ngắn Võ Thị Hảo, ngoài không gian thực còn có không gian ảo. Đó là không gian của ảo giác, giấc mơ hay không gian cổ tích, huyền thoại. Võ Thị Hảo đã sử dụng kiểu không gian này nhằm đi vào khám phá chiều sâu ý thức nữ tính. Bởi ảo giác hay giấc mơ chính là sự phát lộ của cõi tâm linh sâu thẳm trong tâm hồn mỗi con người. Đặt nhân vật nữ trong không gian của ảo giác, giấc mơ, nhà văn muốn thể hiện sự phong phú, sâu sắc cũng như sự mẫn cảm, bén nhạy trong đời sống tinh thần, tình cảm của nữ giới. Qua đó, chị cũng nhằm khẳng định tính hiện đại trong bút pháp, sự mới mẻ trong sáng tạo nghệ thuật của mình. Đêm bướm ma, Dệt cỏ, Đường về trần là những tác phẩm tiêu biểu và đầy hấp dẫn với kiểu không gian này. Đặc biệt, Võ Thị Hảo cũng sử dụng không gian cổ tích, huyền thoại để “huyền thoại, cổ tích hóa” ý thức nữ tính của các nhân vật nữ, đưa họ về với những vẻ đẹp siêu phàm, thánh thiện. Đặt nhân vật nữ của mình vào những không gian kỳ ảo mang tính ý niệm ấy, Võ Thị Hảo đã trở thành những “sứ giả” của nữ giới. Họ có thể đối chất với thực tại hay đối thoại cùng quá khứ, để qua đó lên tiếng bày tỏ quan điểm, thái độ của mình trước những vấn đề của con người và cuộc sống. Đó là không gian trong hầu hết các truyện được viết theo lối “giả cổ tích”: Tim vỡ, Hồn trinh nữ, Nàng tiên xanh xao, Nữ hoàng cô đơn, Khát của muôn đời.

Như vậy, với ngòi bút tài hoa và một tâm hồn nhiều ẩn trắc, Võ Thị Hảo đã thực sự biến không gian nghệ thuật trở thành yếu tố quan trọng, độc đáo mang đến những hiệu quả bất ngờ trong việc thể hiện ý thức nữ tính qua truyện ngắn của chị.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ý thức nữ tính trong truyện ngắn võ thị hảo (Trang 76 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)