Thời gian nghệ thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ý thức nữ tính trong truyện ngắn võ thị hảo (Trang 79 - 83)

6. Cấu trúc luận văn

3.2.2. Thời gian nghệ thuật

Thời gian nghệ thuật là một hình tượng thời gian được sáng tạo nên trong tác phẩm nghệ thuật. “Khác với thời gian khách quan được đo bằng

đồng hồ và lịch, thời gian nghệ thuật có thể đảo ngược, quay về quá khứ và có thể bay lượn tới tương lai xa xôi; có thể dồn nén thời gian trong chốc lát, lại có thể kéo dài cái chốc lát ấy thành vô tận. Thời gian nghệ thuật được đo bằng nhiều thước đo khác nhau, bằng sự lặp lại đều đều của các hiện tượng đời sống: sự sống, cái chết, gặp gỡ, chia tay, mùa này, mùa khác,… tạo nên nhịp điệu trong tác phẩm. Như vậy, thời gian nghệ thuật gắn liền với tổ chức bên trong của hình tượng nghệ thuật. Khi nào ngòi bút nghệ sĩ chạy theo diễn biến sự kiện thì thời gian trôi nhanh, khi nào dừng lại miêu tả chi tiết thì thời gian chậm lại. Phạm trù thời gian nghệ thuật cung cấp một cơ sở để phân tích cấu trúc bên trong của hình tượng văn học, cũng như nghiên cứu loại hình các hình tượng trong lịch sử” [11, tr.272].

Sử dụng yếu tố thời gian như là một hình tượng nghệ thuật nhằm giúp cho việc thể hiện ý thức nữ tính trong truyện ngắn của mình đạt được những hiệu quả nhất định, Võ Thị Hảo đã rất khéo léo và linh hoạt trong vấn đề phối kết các kiểu thời gian theo ý đồ sáng tạo của mình. Trước hết, đó là kiểu thời gian trần thuật dịch chuyển nặng nề, chậm chạp trong tâm trạng cô đơn, chờ đợi hay trong cuộc sống tẻ nhạt, âm thầm: Thời gian “qua ba mùa mưa rầu rĩ và đang ở giữa mùa khô thứ tư bỏng rát” của năm cô gái ở Rừng Cười, thời gian ba năm trong trại tù của Phin, thời gian hai chín năm sống trong bóng tối của Hằng, thời gian mười bảy năm đợi chờ người lính trở về của người trinh nữ… Đó còn là kiểu thời gian kéo căng trong trạng thái phấp phỏng âu lo, hay trong những bi kịch và những sự kiện bất ngờ dồn đến: Thời gian Sải sắp phải về nhà chồng, sắp phải “trình con ma nhà Hùng De” trong khi mình đã bị thất tiết, rồi nỗi sợ hãi, sự bỏ trốn, tình huống bị dồn ép, bị Cáo Tờ Quẩy “ném cho lũ bạn bẩn thỉu”, sự trả thù, trạng thái hoảng loạn và cái chết (Con dại của đá), tất cả diễn ra dồn dập, liên tiếp trong sự trôi chảy vô tình, chóng vánh của thời gian. Cuộc đời và giấc mơ của người con gái đẹp nhất bản chỉ như một ánh

sao băng chợt sáng rực lên rồi lịm tắt. Đó cũng là kiểu thời gian đồng hiện với một cuộc sống hiện tại luôn xen lồng những hồi nhớ, những dòng kí ức về quá khứ hay những giấc mơ về tương lai. Nó thể hiện đời sống nội tâm phức tạp, đầy bất ổn với bao nỗi niềm trong lòng người phụ nữ (Dệt cỏ, Tiếng vạc đêm, Vườn yêu), thể hiện những xáo trộn trong cuộc sống, những bất ngờ chợt đến làm đau thắt những trái tim đàn bà (Khăn choàng sương). Tất cả tạo nên thế giới tinh thần phong phú, đa chiều và vô cùng thẳm sâu trong tâm hồn nhân vật. Thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn Võ Thị Hảo còn là kiểu thời gian mang tính phiếm chỉ - thời gian không xác định. Trong Chuông vọng cuối chiều, chị đã viết: “Cho đến bây giờ tôi cũng không xác định rõ tôi bắt đầu nghe thấy tiếng mõ lốc cốc khua trong chùa hoang tự bao giờ”. Sự có mặt của người đàn bà bất hạnh, cô đơn đã được nhận biết qua “tiếng mõ lốc cốc” ấy, nhưng lại không biết “tự bao giờ” - một đơn vị thời gian mịt mờ, vô định. Và dường như sự có mặt của người phụ nữ ấy trên cõi đời này cũng không cần được đo đếm bởi thời gian. Theo đó, nỗi bất hạnh, cô đơn của chị ta cũng không mấy ai quan tâm, biết đến. Thời gian phiếm chỉ cũng là kiểu thời gian nghệ thuật mang sắc màu cổ tích, dân gian. Câu chuyện có thể bắt đầu từ “Thuở ấy, nhà nọ từng có hai kiếp đàn bà, cả hai kiếp đến lượt mình đều chôn chân thờ chồng đi lính” (Hồn trinh nữ), đến “Người ta bảo rằng: cứ ba trăm sáu mươi năm, loài người lại làm được một điều kì diệu. Không biết đã qua mấy lần ba trăm sáu mươi năm, chỉ biết rằng, một trong những lần ba trăm sáu mươi năm ấy, có một người đàn ông nhặt được bên bến sông một khúc gỗ trôi dạt và đem về tạc thành tượng một thiếu nữ…” (Tim vỡ), hoặc “Một buổi sáng, xa xa vang tới tiếng trống ngũ liên, cô gái bước ra bờ dậu đẫm sương” (Hồn trinh nữ)… Kiểu thời gian cổ tích với tính chất phiếm chỉ và tuần hoàn của nó cũng mở ra nhiều ý nghĩa sâu sắc đối với việc thể hiện ý thức nữ tính trong truyện ngắn Võ Thị Hảo. Nhà văn thường sử dụng kiểu thời gian này để

nói về nguồn gốc xuất thân, về sự xuất hiện của người phụ nữ: họ vừa như có thật, đang hiện hữu giữa cuộc đời, lại vừa như đến từ một nơi nào đó thật xa xôi trong tiềm thức, trong một quá khứ đã bị vùi quên. Bằng cách đó, nhà văn như muốn nhắc nhủ, muốn khơi dậy nơi người đọc một sự bừng tỉnh, một sự “nhớ ra” và chứng thực rằng: trên đời này đã tồn tại những người phụ nữ như thế. Bằng cách ấy, tác giả cũng nhằm xoáy sâu vào nỗi bất hạnh của người phụ nữ, nói lên những dự cảm, nỗi lo lắng, day dứt về sự “quay trở lại” của nỗi đau đàn bà trong “ một trăm năm sau, một ngàn năm sau” hay “ba trăm sáu mươi năm sau” nữa.

Tóm lại, bằng lối tư duy độc đáo, sáng tạo, Võ Thị Hảo đã tỏ rõ là một cây bút đầy kinh nghiệm và tài năng trong việc sử dụng các phương thức nghệ thuật nhằm khắc họa thành công ý thức nữ tính trong truyện ngắn của chị. Các nhân vật nữ của chị hiện lên qua trang viết đầy bất ngờ mà rất gần gũi, luôn sống động mà thật sâu sắc. Họ là những người mà ta từng gặp, từng thấy, từng biết giữa bộn bề cuộc sống, có khi lại là gương mặt, nỗi lòng, số phận của những người bà, người mẹ, người chị, và của chính chúng ta. Viết về họ, nhà văn đã thực sự đem cả tâm sức và cả cuộc đời mình để trang trải, để thấu tận, giống như cảm nhận của nhiều nhà phê bình, chị thật sự đã “vắt kiệt mình” cho trang viết.

Quả thực, Võ Thị Hảo là người luôn có ý thức tìm tòi, khám phá trong sáng tạo nghệ thuật. Bằng tài năng văn chương và sự tinh nhạy, sắc sảo trong việc tiếp cận, nắm bắt những vấn đề của hiện thực cuộc sống, chị đã tìm cho mình những lối đi riêng với nhiều trải nghiệm và thể nghiệm. Những sáng tác của chị không ngừng mang đến cho người đọc sự trăn trở, suy tư về cuộc đời, về nhân thế. Và điều ám ảnh đặc biệt với chúng ta là ý thức nữ tính của những nhân vật nữ, nơi nhà văn đã gửi trọn cả nỗi niềm, tâm huyết, và cả “giấc mơ” của cuộc đời mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ý thức nữ tính trong truyện ngắn võ thị hảo (Trang 79 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)