Cái tôi cá nhân bao dung và tận hiến

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ý thức nữ tính trong truyện ngắn võ thị hảo (Trang 44 - 52)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.2. Cái tôi cá nhân bao dung và tận hiến

Mối quan hệ đời tư - thế sự chính là một trong những bình diện quan trọng của con người đặt trong quan hệ văn hóa - xã hội. Trước hết là trong mối quan hệ gia đình. Đối với phụ nữ thì gia đình chính là “vũ trụ” của họ. Vì vậy, xây dựng hình tượng nhân vật nữ, trước hết Võ Thị Hảo đặc biệt chú ý đến quan hệ này. Họ là những con người dành tất cả tâm sức của mình vào việc chăm lo cho gia đình. Họ là những người vợ thủy chung, những người mẹ tần tảo, âm thầm lo toan, gánh vác mọi việc vì chồng vì con. Họ hầu như quán xuyến hết mọi công việc trong gia đình, từ việc kiếm tiền cho đến những tính toán, chi tiêu hàng ngày, nói chung là phải đảm đương duy trì sự tồn tại cho cái vũ trụ bé nhỏ ấy. Họ được ví như “chiếc ruột ốc èo uột phải cõng cả một tòa vỏ nặng lê đi, lê mãi không được ngừng nghỉ” [11, tr.110]. Trong quan niệm của Võ Thị Hảo, sự hi sinh của những người phụ nữ dành cho gia đình, chồng con là lớn lao, là vô cùng, vô tận. Không chỉ là lúc bình thường, khỏe mạnh mà ngay cả khi đã kiệt lực tàn hơi. Ngần trong Ngày không mút tay đã bán máu cho đến ngất xỉu, ả Tuynh trong Dệt cỏ thì cho đến lúc chết vẫn nuôi giữ giấc mơ có ngày được nhận món tiền trợ cấp thương tật của đứa con trai, để ả đi tìm nó về, chữa bệnh và cưới vợ cho nó. Ngay cả khi đã thành hồn ma, người phụ nữ cũng còn nặng gánh với gia đình, vẫn tiếp tục hy sinh cho những khao

khát, ước nguyện của chồng con. Trong truyện ngắn Bán cốt, người vợ ông họa sĩ Xuân Tư đã từ chối cõi niết bàn và chấp nhận bị đày xuống tầng thứ ba âm phủ chỉ vì chị muốn có một chiếc nhẫn vàng nạm kim cương cho chồng mua màu vẽ tranh. Người mẹ trong Đường về trần mặc dù đã được ở một nơi yên tĩnh của “thế giới bên kia”, nhưng lại luôn phải giật mình tỉnh dậy khi “đang ngủ say” vì những lời khấn khứa, cầu xin của các con bà. Có thể thấy rằng, đối với gia đình, với chồng con, nhân vật nữ trong truyện ngắn Võ Thị Hảo quả là những con người vô cùng vĩ đại.

Trong văn chương cũng như trong cuộc đời thực, nếu nói rằng gia đình là vũ trụ của người phụ nữ thì tình yêu lại là một thứ tôn giáo mà họ luôn tuân phục, thờ phụng với tất cả niềm thành kính, say mê. Vì vậy, xét trong quan hệ đời tư - thế sự thì tình yêu của người phụ nữ là một khía cạnh rất được Võ Thị Hảo quan tâm thể hiện.

Viết về phụ nữ với đề tài tình yêu là thế mạnh của các nhà văn nữ mà Võ Thị Hảo không phải là trường hợp ngoại lệ. Hơn thế, điều đó còn được chị chú tâm thể hiện rõ và sâu hơn ai hết. Bởi theo chị, “phụ nữ hay quan niệm tình yêu là tất cả cuộc đời” chứ không phải “chỉ là một phần của cuộc đời” như cách quan niệm của đàn ông. Vì vậy mà người phụ nữ thường bất hạnh hơn đàn ông bởi họ luôn đặt tất cả niềm tin, sự hi vọng vào tình yêu, luôn sẵn lòng dâng tặng tất thảy cho tình yêu.Thậm chí, họ còn xem tình yêu chính là sợi dây neo buộc cuộc đời mình với trần thế, là lí do để mình tồn tại trong cõi sống này. Nếu một ngày nào đó không có hoặc không còn sự níu giữ nào của tình yêu với họ nữa thì khi ấy cuộc đời họ xem như đã kết thúc, sự sống của họ xem như đã tàn lụi. Nhạy cảm với những nỗi đau nhân thế, nỗi đau của những con người phải chịu thiệt thòi ngay từ khi vừa mới cất tiếng khóc chào đời, Võ Thị Hảo đã vô cùng tinh ý và sâu sắc khi xây dựng hình tượng nhân vật nữ là những cô gái tật nguyền. Nỗi bất hạnh mà cả cuộc đời họ phải mang

theo là quá lớn, bởi tạo hóa đã “nặn ra họ trong cơn say”. Vì thế, hơn ai hết, họ là những người phụ nữ luôn mong mỏi và khát khao tình yêu, khát khao hạnh phúc.

Là một cô gái mù, Hằng trong Làn môi đồng trinh đã luôn mang niềm khao khát với cuộc sống bên ngoài, với sự bộc lộ những cảm xúc bình thường của con người. Hằng đã có những tâm sự hết sức chân thật, những ghen tị đến đáng thương “Ít ra mẹ còn có thể khóc ra nước mắt. Còn Hằng, nước mắt chỉ chui trở vào nghèn nghẹn trong ngực”. Càng đau đớn hơn khi trong cô chợt bừng lên niềm khao khát về một bóng hình người đàn ông của đời mình. Người mà Hằng mơ ước, đó là “người đàn ông thiên thần”, bởi vì người bình thường thì không thể chia sẻ hạnh phúc với một cô gái tàn tật được: “Nàng nghĩ mãi về người đàn ông đã đem tình yêu đến cho cô gái tàn tật. Nàng tin rằng, người đàn ông đó là thiên thần”. Những lời cầu khẩn của cô gái mù đã làm chúng ta nghẹn ngào xúc động: “Người đàn ông thiên thần ơi! Hãy mang em đi, ban cho em một lần hạnh phúc, rồi đừng quẳng em bên vệ đường mà hãy giết em, để em khỏi sống mù lòa cả đời và trở thành gánh nặng cho mẹ”. Những khát khao, mong ước đó càng làm tăng thêm nỗi đau, nỗi bất hạnh của cô gái tàn tật. Cho đến khi có người đàn ông đến, đặt lên môi nàng một nụ hôn theo ước vọng của nàng thì “Môi nàng nở một nụ cười sung sướng và siêu thoát”.

Cũng giống như Hằng, nhân vật Tâm trong Máu của lá đã neo giữ cuộc sống của mình bằng những lá thư do ba người đàn ông lần lượt thay nhau viết và gửi cho cô. Lúc đầu là anh trai của Tâm. Sau đó là hai chàng trai khác tiếp tục công việc viết thư như là một sứ mệnh được trao gửi từ những người bạn, người đồng chí thân yêu của mình. Những người đàn ông này đã xem việc viết thư cho Tâm như là một trách nhiệm không thể chối bỏ, nhằm duy trì trong cô một niềm tin, một tình yêu đối với cuộc đời. Là một cô gái tàn tật, Tâm đã

phải gửi khát vọng tình yêu của mình vào những lá thư huyễn hoặc ấy, dù có lúc cô đã nghi ngờ và sau đó nhận ra sự thật về những bức thư. Đồng thời, cô cũng nhồi nhét vào đầu óc của mình thật nhiều tiểu thuyết và sống với những giấc mơ về tình yêu của các nhân vật trong đó.

Bi kịch của người phụ nữ tàn tật được Võ Thị Hảo đề cập với cái nhìn nhân ái, đầy thương cảm. Chị đã rất hiểu những ước mơ, cả những tâm sự thầm kín bên trong của họ. Vì thế, những trang viết của chị tràn ngập cảm xúc yêu thương, đem đến cho người đọc niềm xúc động lớn lao, lòng cảm thương sâu sắc.

Trong tình yêu, nhân vật nữ của Võ Thị Hảo thường lí tưởng hóa những người đàn ông của mình. Họ ghét kị sự phàm tục, thô lỗ, ghê sợ những bon chen và tính toán thấp hèn. Thảo (Người sót lại của Rừng Cười) đã tô điểm cho người yêu của mình trở thành chàng hoàng tử hào hiệp thủy chung, không bao giờ thay lòng đổi dạ với một niềm tin gần như tuyệt đối: “Các chị khóc làm gì. Đằng nào em cũng đã có người yêu. Người yêu em chung thủy lắm nhá. Em thế này chứ giá như có bị trọc đầu thì anh ấy vẫn yêu cơ mà”. Hằng (Làn môi đồng trinh) thì luôn mơ về “người đàn ông thiên thần”, Tâm (Máu của lá) thì mơ thấy ngài Roochetxtơ trong tiểu thuyết “mở vạt áo choàng sẫm màu, dịu dàng nhốt em vào trong và đi ra ngoài trời trăng”, Thùy Trang (Bàn tay lạnh) lại có “những tầng bay” mà những người đàn ông bình thường không thể nào với tới… Đó là những người đàn ông khó tìm và rất hiếm gặp giữa cuộc đời thực trần tục đầy rẫy những điều bất nghĩa, phi nhân. Với họ, mẫu đàn ông lí tưởng chính là những con người ngay thẳng, có bản lĩnh, giàu tình cảm, có chiều sâu của đời sống nội tâm với những ẩn trắc riêng tư và phần nào đó mang tâm hồn nghệ sĩ, giống như Thụ (Tiếng vạc đêm), Đang (Góa phụ đen), ông Tần (Khăn choàng sương), Huân (Máu của lá)… Nhưng vì những hoàn cảnh riêng, nhân vật nữ của Võ Thị Hảo đã không thể có được

tình yêu và hạnh phúc với những người đàn ông này như mình mong muốn. Nếu như nhân vật nữ của Phạm Thị Hoài nhập cuộc với gương mặt cau có, bực dọc; nhân vật của Phan Thị Vàng Anh hồn nhiên, đỏng đảnh; nhân vật của Nguyễn Thị Thu Huệ cay đắng, hằn học thì nhân vật của Võ Thị Hảo mang gương mặt u buồn trong tình yêu. Vì rào cản của định kiến xã hội, vì lời nguyền của người thân trong gia đình, vì những lầm lạc đớn đau hay vì những lí do khác nhau, nhiều người không thể bước qua để giành lấy hạnh phúc cho mình. Họ trốn chạy những cảm xúc, từ chối ước mơ của mình. Những khổ đau, trải nghiệm làm cho họ già dặn không dễ trộn lẫn. Đó là Hạnh trong

Tiếng vạc đêm, là Thùy Trang trong Bàn tay lạnh, Phượng trong Khăn choàng sương… Họ dường như có phần bi quan trên con đường đi tìm hạnh phúc lứa đôi cho mình, nhất là sau khi họ đã trải qua những tổn thương nghiêm trọng trong tình cảm. Vì những chấn thương tinh thần đó mà họ luôn bị ám ảnh, họ không còn niềm tin vào tình yêu của bất kì người đàn ông nào nữa. Viết về họ, chị dường như mang cả tâm hồn mình để nhập thân, cùng sống, cùng suy ngẫm, cùng khát khao và đau đớn. Đó là dạ khúc buồn có sức vang ngân da diết trong lòng người đọc.

Trong tình yêu, người phụ nữ trong các truyện ngắn của Võ Thị Hảo dường như luôn sẵn sàng nhận lãnh về mình những thiệt thòi. Họ tự nguyện và lặng thầm hi sinh vì người mình thương yêu. Vì thế, trong những tình huống đặc biệt nguy hiểm đe dọa đến tính mạng của người mình yêu, người phụ nữ ý thức rằng mình cần phải là “giây neo trần gian” để neo giữ cuộc đời của “anh ấy”, để “anh ấy” không bị tuột rơi mất khỏi cõi sống này. Và người con gái trong truyện ngắn Dây neo trần gian thật sự đã làm tất cả, kể cả những việc “điên rồ” để cứu “anh ấy” thoát khỏi tình trạng tuyệt vọng trong ý nghĩ đinh ninh rằng, mình sắp chết vì bị nhiễm chất độc màu da cam. Ở truyện Nàng tiên xanh xao, “nàng tiên” ấy cũng vì tình yêu, đã bất chấp cả mạng sống của

mình, tha thiết cầu xin thần núi bày cách cứu giúp chàng trai bằng mọi giá. Để rồi cuối cùng, nàng phải nhận lấy nỗi đau, trở thành một cô gái xanh xao và không thể có được hạnh phúc với chàng trai bằng cuộc sống của những con người trần thế.

Có thể thấy rằng, tâm hồn những nhân vật nữ trong truyện của Võ Thị Hảo luôn mang một tình yêu đẹp, chân thành, chung thủy và vô cùng vị tha. Thảo (Người sót lại của Rừng Cười) đã tự nguyện rút lui một cách âm thầm, cao thượng khi cô nhận ra trái tim Thành đã không còn những nhịp đập cho riêng mình, khi hai người mỗi lần gặp nhau như không còn chuyện gì để nói. Đặc biệt là sau một lần Thảo tình cờ bắt gặp sự bối rối hiện rõ trên gương mặt Thành trước sự xuất hiện của người con gái khác.. Tình yêu của những người phụ nữ bao giờ cũng thuần túy trong sạch, không hề vướng chút dục vọng bản năng. Nó không phải thiên về những mối tình trần trụi, vô luân, đậm sắc màu tính dục như ở một số truyện ngắn hay tiểu thuyết gần đây, mà là những mối tình lãng mạn, đẹp, đằm thắm như thuở ban đầu vậy. Đó là mối tình của Thuận - Đang trong Góa phụ đen, của Phương - Phong trong Phiên chợ người cùi,… Có khi, chỉ là sự thoảng qua, nhưng là những rung động chân thành, tha thiết, thể hiện sự trinh bạch, trong sáng của cảm xúc yêu đương. Ví như tình cảm của chàng trai người hàng xóm và cô gái tật nguyền tên Hằng trong Làn môi đồng trinh, của Thụ và Hạnh trong Tiếng vạc đêm, của nhân vật tôi và dì Lâm San trong Tình yêu mây trắng,…

Có thể nói, nhân vật nữ trong truyện Võ Thị Hảo là “những con người lữ hành đi tìm tình yêu” [34, tr.62], nhưng họ thường không gặp may mắn trong tình yêu. Vì thế, những khao khát về tình yêu cứ luôn cháy bỏng trong tim họ. Quả thực, họ là những con người rất can đảm, dám yêu, dám sống hết mình cho tình yêu, và khi cần, có thể hi sinh cả mạng sống của mình vì tình yêu ấy.

Sự hi sinh, tận hiến của người phụ nữ cũng được nhà văn Võ Thị Hảo khắc họa và lí giải ở một bình diện quan hệ khác, đó là trong mối quan hệ cá nhân - cộng đồng. Đặt trong khía cạnh quan hệ này, chúng ta có thể thấy, người phụ nữ trong truyện ngắn Võ Thị Hảo là những con người của bổn phận và trách nhiệm. Họ sống hết mình với cuộc sống này, vì cuộc sống này, không chỉ cho riêng cái vũ trụ bé nhỏ của mình là gia đình, là chồng con, mà còn cho những người xung quanh, cho cả xã hội, cả những thế hệ trước đó và sau này nữa.

Sử dụng bút pháp nghệ thuật chứa đựng nhiều yếu tố huyền ảo, Võ Thị Hảo đã tạo ra những nhân vật nữ là đại diện của nhiều thời đại khác nhau. Họ có thể là những con người bước ra từ một quá khứ thẳm xa, từ thuở hồng hoang của loài người, trong một thế giới huyền hoặc, hư ảo: nàng Ly (Phút chối Chúa), nàng H’Điêu (Khát của muôn đời), “Nữ hoàng Pháp luật”, mẹ Đất (Nữ hoàng cô đơn), mẹ Dạ Dần, mẹ Âu Cơ (Hành trang người đàn bà Âu Lạc),… Họ cũng có thể là những người phụ nữ hiện hữu của cuộc sống đời thường hôm nay: Thảo và bốn cô gái ở Rừng Cười, những người đàn bà góa nơi làng Đẽo,… Song, dù là con người thực hay hư ảo thì hầu hết các nhân vật nữ đều có tính cách “rất người”. Hơn thế, họ là những con người đa mang, luôn sống với ý thức trách nhiệm lớn vì cuộc đời này. Đặt những người phụ nữ này trong cái nhìn văn hóa, ta có thể gọi họ là những người “nhập cuộc”, bởi mối quan hệ giữa cá nhân với cuộc sống chung của cộng đồng gắn bó, hòa tan đến mức chính họ cũng không còn nhận ra. Những triết lí, lễ giáo, những đòi hỏi, ràng buộc…, tất cả như ăn sâu trong máu huyết, ngấm chìm vào tâm thức, trở thành bản năng sống đối với người phụ nữ. Trong ý thức của mình, người phụ nữ không còn nhận biết được rằng mình là một cá nhân, một sinh thể độc lập, riêng biệt; mình có thể không tham dự vào những vấn đề chung của xã hội, có thể không tuân phục những đòi hỏi của cộng đồng, có thể

không gánh vác trách nhiệm với cuộc đời và những người xung quanh. Vì vậy, họ đã không làm thế. Họ biến công lao, sự hi sinh thành trách nhiệm, bổn phận của riêng mình. Sâu xa hơn, họ còn cho rằng, đó là thiên chức, là sinh mệnh chính bản thân họ. Giống như thiên chức - sinh mệnh của người đàn bà Âu Lạc là luôn đặt trên vai gánh hành trang trĩu nặng nào chồng, nào con, nào tam tòng tứ đức, nào lễ giáo, triết lí, cả những mĩ từ và thói kiêu hãnh. Cứ thế mà đi, đi mãi không ngừng nghỉ.

Trong truyện Hành trang người đàn bà Âu Lạc, Võ Thị Hảo đã khắc họa hình ảnh người phụ nữ hiện đại với bao nhiêu nỗi khổ, phải còng lưng gánh bao trọng trách nặng nề - gánh hành trang ngày càng trĩu nặng vai, nặng hơn của bà Dạ Dần, của mẹ Âu Cơ bởi vô vàn những triết lí, sự bình đẳng và những mĩ từ, lại còn đèo theo thói kiêu hãnh nữa… Và vì thế, nàng không

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ý thức nữ tính trong truyện ngắn võ thị hảo (Trang 44 - 52)