Thủ tục pháp lý liên quan đến quản lý rừng cộng đồng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp quản lý rừng cộng đồng bền vững ở xã ba bích, huyện ba tơ, tỉnh quảng ngãi (Trang 81 - 84)

3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn

3.3.3. Thủ tục pháp lý liên quan đến quản lý rừng cộng đồng

3.3.3.1. Tính pháp lý của cộng đồng nhận rừng

Theo Luật Đất đai năm 2003 và Luật sửa đổi bổ sung đất đai năm 2010, cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp với tư cách là người sử dụng đất.

Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 có một mục riêng quy định về giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn; quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư thôn được giao rừng.

Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Thủ tướng Chính phủ về thi hành Luật Đất đai quy định cộng đồng dân cư thôn được giao đất rừng phòng hộ với các quyền chung như hộ gia đình và cá nhân được giao đất lâm nghiệp nhưng cộng đồng dân cư thôn không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử đụng đất.

Luật Dân sự năm 2005 thừa nhận khái niệm sở hữu chung của cộng đồng. Theo đó, cộng đồng dân cư thôn có quyền sở hữu đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên trong cộng đồng đóng góp và cùng quản lý, sử dụng theo thoả thuận vì lợi ích của cộng đồng.

Ba Luật này và các nghị định liên quan đã tạo một môi trường thuận lợi cho việc quản lý rừng thông qua cả giao rừng, khoán bảo vệ rừng. Việc giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân, và cho cộng đồng đã được đạt được thông qua một chương trình giao đất giao rừng toàn quốc hay "xã hội hóa" lâm nghiệp và đã hình thành cơ sở cho việc thử nghiệm QLRCĐ.

Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam (VFDS) 2006-2020 đã coi RCĐ thuộc 20 ưu tiên hàng đầu cho ngành lâm nghiệp, thiết lập mục tiêu QLRCĐ đạt 2,5 triệu ha vào năm 2010 và 4 triệu ha vào năm 2020. Việc giao rừng cho cộng đồng và việc công nhận cộng đồng là một chủ thể quản lý rừng đã đưa phương thức quản lý rừng cộng đồng ở nước ta lên tầm cao mới. Từ đó, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách để thực hiện công tác giao rừng gắn với giao đất cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn.

Qua đó, cộng đồng 02 thôn: Nước Đang và Đồng Vào đã được UBND huyện giao rừng gắn với giao đất và cấp giấy CNQSDĐ để QLBV và sử dụng lâu dài, ổn định. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có chính sách cụ thể quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư thôn được giao rừng.

3.3.3.2. Xây dựng Kế hoạch và Quy ước bảo vệ và phát triển rừng

Rừng tự nhiên của thôn Nước Đang và Đồng Vào, xã Ba Bích, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi là nguồn tài nguyên quý giá của các hộ dân trong cộng đồng thôn, có khả năng tái tạo và là bộ phận quan trọng của môi trường sinh thái trong khu vực, có giá trị to lớn đối với sự phát triển kinh tế và gắn liền chặt chẽ với đời sống của dân trong thôn. Xuất phát từ tầm quan trọng của nguồn tài nguyên này, toàn bộ nhân dân trong thôn Nước Đang và Đồng Vào nhận thức được rằng: “công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng” không riêng của ngành Kiểm lâm mà là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân trong cộng đồng dân cư thôn.

Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng đó, trên cơ sở Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, các văn bản có liên quan đến vấn đề lâm nghiệp của Nhà nước, Quyết định 106/2006/QĐ-BNN ngày 27/11/2006 của Bộ Nông nghiệp và PTNT “Hướng dẫn quản lý rừng cộng đồng dân cư thôn” và các hướng dẫn tổ chức thực hiện quản lý, bảo vệ rừng của các ngành chức năng. Để bảo vệ và phát triển được rừng, ngoài việc thực thi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, cần phải xây dựng kế hoạch và quy ước để mọi người dân trong thôn tự giác thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nói chung và thực hiện thành công mục tiêu của cộng đồng nói riêng.

Được sự hỗ trợ của Dự án, Ban Quản lý RCĐ 02 thôn đã xây dựng kế hoạch QLBVR giai đoạn 05 năm (2015-2019) và xác định rõ mục tiêu: quản lý, bảo vệ rừng và nuôi dưỡng làm giàu rừng. Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại, công đồng 02 thôn không xây dựng kế hoạch QLBVR hàng năm nhằm cụ thể hóa các mục tiêu và nhiệm vụ mà trong kế hoạch giai đoạn đã đề ra.

Thực hiện Thông tư số 70/2007/TT-BNN ngày 01/8/2007 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện quy ước Bảo vệ và Phát triển rừng trong cộng đồng dân cư thôn. Với sự hướng dẫn, hỗ trợ của dự án, Kiểm lâm địa bàn xã, các thôn Nước Đang và Đồng Vào đã xây dựng “Quy ước bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng”. Về cơ bản, Quy ước bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng của 02 thôn Nước Đang và Đồng Vào là tương đồng với nhau, gồm 04 chương, 12 điều với những quy định chung sau đây:

- Về phát, đốt thực bì làm rẫy. - Về phòng cháy, chữa cháy rừng.

- Về khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ và lâm sản. - Về việc chăn thả gia súc.

- Về săn bắt động vật.

- Nguyên tắc xây dựng quỹ bảo vệ phát triển rừng của cộng đồng. - Quy định về xử lý vi phạm quy ước.

- Khen thưởng.

- Trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi người dân trong thôn. - Trách nhiệm và nghĩa vụ của Ban Quản lý RCĐ thôn.

Hình 3.7. Họpthông qua Quy ước bảo vệ và phát triển rừng cộng đồngthôn Đồng Vào

Quy ước đã được thống nhất trong cộng đồng thôn, tuy nhiên việc Ban Quản lý RCĐ buông lỏng quản lý nên việc thực hiện quy ước trong cộng đồng không thống nhất và chưa đạt hiệu quả. Điển hình là, xử lý vi phạm quy ước (tục lệ làng) chỉ dừng lại nếu có người xâm phạm đến “rừng ma”, nhưng kết quả xử lý vi phạm (cúng xóa) không đồng nhất mà còn phụ thuộc rất nhiều vào người có quyền lực khác đó chính là già làng. Vì già làng là người lớn tuổi, có uy tín nên được tham gia giải quyết các vấn đề xảy ra trong cộng đồng. Còn nếu có vi phạm trên diện tích rừng giao cho cộng đồng được nhà nước công nhận thì xử lý theo quy định của pháp luật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp quản lý rừng cộng đồng bền vững ở xã ba bích, huyện ba tơ, tỉnh quảng ngãi (Trang 81 - 84)