Kết quả đánh giá chất lượng nhân và chất lượng nước uống của các dòng vô tính

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá đặc điểm nông sinh học của một số dòng vô tính cà phê chè trồng thử nghiệm tại đà lạt, lâm đồng (Trang 88 - 112)

tính cà phê chè trồng thử nghiệm tại Đà Lạt, Lâm Đồng

Trong quá trình sản xuất cà phê, bên cạnh việc tăng năng suất và sản lượng, chất lượng cà phê luôn được quan tâm vì chất lượng cà phê thể hiện giá trị của từng giống, thương hiệu cà phê của các vùng sinh thái. Chất lượng cà phê được đánh giá

thông qua chất lượng cà phê nhân sống và chất lượng cà phê thử nếm. Chất lượng cà phê nhân sống phụ thuộc vào các chỉ tiêu quan trọng như khối lượng 100 nhân, tỷ lệ hạt trên các cỡ sàng, tỷ lệ tươi/nhân, ... Tại Việt Nam, chương trình cải tiến giống cà phê chè khởi đầu từ chọn lọc cây đầu dòng từ những vườn sản xuất kinh doanh, vườn so sánh đời con nhằm thông qua nhân vô tính, tạo lập các vườn tập đoàn, vườn so sánh dòng vô tính, sau khi khu vực hóa dòng vô tính sẽ được xuất đi dưới dạng chồi ghép để ghép cải tạo cây giống xấu trên những vườn trồng từ hạt hoặc dưới dạng cây ghép. Các tiêu chuẩn chọn lọc về khối lượng 100 nhân ở độ ẩm 13% phải lớn hơn 16 gam, tỷ lệ hạt trên sàng 18 đạt trên 70%, tỷ lệ quả tươi trên nhân từ 5-8.

Kết quả đánh giá chất lượng cà phê nhân sống của các dòng cà phê chè trồng thử nghiệm tại Đà Lạt, Lâm Đồng trong năm 2014 thể hiện ở bảng 3.20 cho thấy:

+ Các dòng vô tính cà phê chè khác nhau có chất lượng cà phê sống khác nhau, khối lượng 100 nhân có thủy phần 13% khá cao và dao động từ 16,1 đến 20,4 gam. Dòng TN4 có khối lượng 100 nhân lớn nhất (20,4 gam) và dòng TH1 có khối lượng 100 nhân nhỏ nhất (16,1 gam). Như vậy các dòng này đều có khối lượng 100 nhân ở thủy phần 13% đều lớn hơn 16 gam, đạt chỉ tiêu chọn lọc.

+ Tỷ lệ hạt trên sàng 18 của các dòng dao động từ 15,1 đến 88,9%, các dòng TN1, TN3 và TH1 có tỷ lệ hạt trên sàng 18 khá thấp (<70%), chưa đáp ứng được tiêu chuẩn cà phê xuất khẩu và chỉ tiêu chọn lọc. Các dòng có tỷ lệ hạt trên sàng 18 70% là TN2, TN4 và Catimor. Trong đó dòng TN2 (88,9%) có tỷ lệ hạt trên sàng 18 cao nhất.

Bảng 3.20. Chất lượng nhân của các dòng vô tính cà phê chè trồng thử nghiệm tại Đà Lạt, Lâm Đồng trong năm 2014

DVT Khối lượng 100 nhân (gam) Tỷ lệ hạt trên sàng (%) Tỷ lệ Tươi/Nhân Sàng 18 Sàng 16 TN1 20,1 52,2 28,7 5,8 TN2 20,3 88,9 8,9 5,7 TN3 19,2 61,7 25,7 5,4 TN4 20,4 77,7 16,9 5,3 TH1 16,1 15,1 52,0 5,7 Catimor 19,7 78,0 16,9 5,5

Ghi chú: Đánh giá chất lượng cà phê nhân tại Phòng thí nghiệm Sinh hóa và Công Nghệ sinh học – Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên

+ Tỷ lệ tươi/nhân của các dòng vô tính cà phê chè trồng thử nghiệm tại Đà Lạt, Lâm Đồng dao động từ 5,3 đến 5,8, dòng có tỷ lệ tươi/nhân thấp nhất là dòng TN4, thấp hơn so với dòng Catimor. Tỷ lệ tươi/nhân thấp cho thấy dòng có năng suất cà phê nhân cao và ngược lại.

Theo Hoàng Thanh Tiệm (1996) [15], từ khoảng 6 - 16 tuần sau nở hoa, quả tăng nhanh về thể tích và khối lượng khô, chủ yếu do sự tăng trưởng của vỏ ngoài quả. Trong suốt giai đoạn này tế bào tăng nhanh về thể tích và quả có hàm lượng nước cao (80 - 90%). Điều quan trọng nhất là: hai khoang quả về sau sẽ chứa hạt, phát triển tới kích thước hoàn chỉnh, vỏ trong quả (vỏ thóc) bao quanh khoang quả hóa gỗ, do đó trong giai đoạn tăng thể tích này thì thể tích tốt đa của hạt đã được quyết định. Khoang quả lớn ra tới kích thước nào tùy thuộc chủ yếu vào lượng nước của cây. Những quả tăng thể tích trong mùa mưa ẩm sẽ lớn hơn, khoang quả to hơn so với những quả tăng thể tích trong mùa khô nóng. Lượng mưa ở các giai đoạn khác ít có ảnh hưởng tới cỡ hạt, và cỡ hạt thì không bị ảnh hưởng nhiều của mức năng suất, rụng lá hoặc các biện pháp kỹ thuật canh tác trừ tưới nước. Một trong những nguyên nhân làm cho trọng lượng và kích thước hạt của giống cà phê chè tại Đà Lạt cao hơn hẳn so với nhiều vùng trồng cà phê chè trong nước và trên thế giới là do ở đây có sương mù quanh năm nên người dân thường không phải tưới nước cho vườn cà phê chè.

Trong nước uống cà phê gồm có hàng trăm chất khác nhau, một số chất đã chuyển dạng trong quá trình chế biến và pha chế, nên việc đánh giá chất lượng nước uống rất khó. Trong điều kiện Việt Nam những phân tích hóa học và đánh giá chất lượng nước uống còn nhiều hạn chế, chưa được chú ý trong các công trình nghiên cứu. Chất lượng nước uống được xem xét theo các nhóm như: Axit Chlorogenic có quan hệ tới độ chát gắt, đường và axit amin (các axit amon chứa S) liên quan tới mùi vị, trigvonelline quan hệ tới mùi thơm, hàm lượng và thành phần dầu, một số chất chưa biết rõ ảnh hưởng như thế nào tới chất lượng nước uống. Chất lượng là chỉ tiêu quan trọng đối với cà phê chè, chất lượng tốt có thể xây dựng một thương hiệu cà phê nổi tiếng. Các vùng trồng cà phê chè của Colombia cao 1.000 đến 2.000 m, ở Peru cao từ 800 đến 2.000m và ở Brazil cao từ 600 đến 800 m so với mực nước biển và các quốc gia này sử dụng giống chất lượng cao như Typica, Caturra, Catuai, … (Võ Văn Linh, 2000) [11] nên chất lượng sản phẩm cà phê khá cao, thơm ngon, thể chất tốt hơn ở Việt Nam. Riêng tại Đà Lạt, Lâm Đồng có độ cao phù hợp để có sản phẩm chất lượng cao nhưng phần lớn người dân chạy theo năng suất sử dụng chủ yếu là giống Catimor cho năng suất cao nhưng có hạn chế về chất lượng.

Kết quả đánh giá một số thành phần hóa học trong hạt của các dòng vô tính cà phê chè trồng thử nghiệm tại Đà Lạt, Lâm Đồng trong năm 2014 ở bảng 3.21:

Bảng 3.21. Thành phần hóa học trong hạt của các dòng vô tính cà phê chè trồng thử nghiệm tại Đà Lạt, Lâm Đồng

DVT Caffeine (%) Acid Chlorogenic (%) Trigonelline (%)

TN1 1,97 6,01 1,14 TN2 1,74 5,87 0,89 TN3 1,75 6,25 0,77 TN4 1,71 6,17 0,82 TH1 1,51 6,24 0,82 Catimor 1,85 5,95 0,84

Ghi chú: Phân tích thành phần hóa học của nhân cà phê tại Phòng thí nghiệm Sinh hóa và Công Nghệ sinh học – Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên theo TCVN 9723:2013 (ISO 20481: 2008)

+ Hàm lượng caffeine: Khi xét ảnh hưởng sinh lý đến con người thì hàm lượng caffeine cao ở cà phê chè (2-3% khối lượng khô) là mặt bất lợi cần nghiên cứu lựa chọn giống có hàm lượng caffeine thấp. Charrier và Berthaud (1975) [31] đã nghiên cứu sự biến thiên hàm lượng caffeine ở cà phê hoang dại và nhận thấy rằng hàm lượng caffeine ở các loài cà phê hoang dại biến động trong phạm vi từ 1,8 đến 3,5% khối lượng chất khô. Khoảng biến thiên rộng hơn xảy ra ở đời con khi bố mẹ có hàm lượng caffeine rất cao và rất thấp, đạt tới các cực trị là 1,0% và 5,5%.

Kết quả phân tích hàm lượng caffeine của các dòng cà phê chè trồng thử nghiệm tại Đà Lạt, Lâm Đồng trong năm 2014 cho thấy: hàm lượng caffeine ở các dòng vô tính cà phê dao động từ 1,51 đến 1,97 % khối lượng khô. Dòng có hàm lượng caffeine thấp nhất là TH1 (1,51% khối lượng khô) và dòng có hàm lượng caffeine cao nhất là TN1 (1,97% khối lượng khô). Các dòng có hàm lượng caffeine thấp hơn so với dòng Catimor là TN2, TN3, TN4 và TH1. Chỉ có dòng TN1 có hàm lượng caffeine cao hơn so với dòng Catimor. Hàm lượng caffeine trong cà phê chè thường thấp hơn so với hàm lượng caffeine trong cà phê vối, kết quả phân tích hàm lượng caffeine của các dòng vẫn cao hơn so với hàm lượng caffeine trung bình của các giống cà phê chè trên thế giới (1,0 - 1,2% khối lượng khô). Hiện nay, hàm lượng caffein thấp là chỉ tiêu chọn lọc quan trọng để kích thích người tiêu dùng và nâng giá thành sản phẩm.

+ Acid Chlorogenic là một axit không bay hơi và tạo vị chua trong nước uống của cà phê. Kết quả phân tích hàm lượng Acid Chlorogenic của các dòng cà phê chè trồng thử nghiệm tại Đà Lạt dao động từ 5,87 đến 6,25% khối lượng khô và ở mức chua nhẹ. Dòng có hàm lượng acid Chlorogenic cao nhất là dòng TN3 (6,24%) và hàm lượng acid Chlorogenic thấp nhất thể hiện ở dòng TN2 (5,87%). Các dòng có hàm lượng acid Chlorogenic cao hơn so với dòng Catimor là TN1, TN3, TN4 và TH1. Hàm lượng acid Chlorogenic của các dòng cà phê chè trồng thử nghiệm tại Đà Lạt, Lâm Đồng cũng cao hơn so với hàm lượng acid Chlorogenic trung bình của các giống cà phê chè trên thế giới (4,5%).

+ Trigonelline là một alkaloid tạo vị đắng trong nước uống cà phê, hàm lượng Trigonelline của các dòng cà phê chè trong thí nghiệm dao động từ 0,77 đến 1,14% khối lượng khô. Dòng TN1 có hàm lượng trigonelline cao nhất (1,14% khối lượng khô) nên có vị đắng hơn so với các dòng khác và cao hơn so với các giống cà phê chè trên thế giới. Các dòng có hàm lượng trigonelline thấp hơn so với dòng Catimor bao gồm TN3, TN4 và TH1.

Bảng 3.22. Chất lượng nước uống của các dòng vô tính cà phê chè trồng thử nghiệm tại Đà Lạt, Lâm Đồng trong năm 2014

DVT Aroma (Mùi thơm) Body (Thể chất) Flavor (Mùi vị) Acidity (Độ acid) Cảm nhận tổng thể

TN1 Thơm ngon Tốt, đậm đà Cân đối, hài hòa Chua vừa Rất tốt

TN2 Thơm dịu Tốt, đậm đà Cân đối Chua vừa Tốt

TN3 Thơm dịu Tốt, đậm đà Cân đối Chua vừa Tốt

TN4 Thơm dịu Tốt, đậm đà Cân đối, hài hòa Chua vừa Tốt

TH1 Thơm ngon Tốt, đậm đà Cân đối Chua vừa Tốt

Catimor Thơm dịu Tốt, đậm đà Cân đối, hài hòa Chua vừa Tốt

Ghi chú: Đánh giá cảm quan tại Phòng thí nghiệm Sinh hóa và Công Nghệ sinh học – Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên theo phương pháp mô tả và cho điểm (SCAA 2013, Mỹ).

Đặc trưng cảm quan của nước pha cà phê chè là êm dịu, thơm, chua ngọt và thể chất nhẹ. Chất lượng nước pha cà phê chè phụ thuộc vào giống, kỹ thuật chăm sóc, đất đai, địa hình, khí hậu và cách pha cà phê.

Đánh giá chất lượng cà phê tách của các dòng cà phê chè trồng thử nghiệm tại Đà Lạt, Lâm Đồng cho thấy: chỉ tiêu về mùi vị đều thơm ngon và thơm dịu, thể chất tốt

và đậm đà, mùi vị cân đối và độ chua vừa phải, các dòng được đánh giá tổng thể là đều có chất lượng cà phê tách từ tốt đến rất tốt, đặc biệt là dòng TN1 có chất lượng rất tốt.

Như vậy, các dòng vô tính cà phê chè trồng thử nghiệm tại Đà Lạt, Lâm Đồng đều có chất lượng nước uống đạt tiêu chuẩn là tốt hơn so với kết quả đánh giá chất lượng nước uống của giống TN1 và TN2 trồng thử nghiệm tại Sơn La (Vũ Thị Trâm, 1996) [17], đây là một trong những cơ sở để xây dựng vùng chuyên canh cà phê chất lượng cao ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của Trần Anh Hùng (2003) [7] cho thấy chất lượng nước uống của dòng TN1 và TN2 trồng tại Buôn Ma Thuột chỉ đạt loại khá và không tốt như ở Đà Lạt, nguyên nhân vì điều kiện khí hậu vùng Buôn Ma Thuột không thực sự thích hợp đối với cây cà phê chè, do có một thời gian khô hạn kéo dài trùng với giai đoạn phát triển nhanh của quả nên hạt thường bé; nhiệt độ bình quân giữa các tháng khá cao, cường độ chiếu sáng nhiều, thời gian từ khi hoa nở đến lúc quả chín thường ngắn chỉ khoảng 8 – 9 tháng nên khả năng tích lũy chất dinh dưỡng trong hạt kém. Vì vậy chất lượng nước uống thường không cao.

KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ

KẾT LUẬN

1. Các dòng cà phê chè TN1, TN2, TN3 và TN4 có kiểu hình thấp cây, tán bé tương tự như dòng Catimor thuộc nhóm thấp cây. Dòng TH1 có kiểu hình cây cao, tán vừa phải thuộc nhóm cao cây

2. Sự sinh trưởng và phát triển của các dòng vô tính cà phê chè trồng tại Lâm Đồng rất tốt, đặc biệt là các dòng TN3 và TN4. Các dòng này sinh trưởng vượt trội hơn so với dòng Catimor đối chứng và các dòng khác trong thí nghiệm.

3. Mức độ nhiễm sâu bệnh hại chính của các dòng vô tính cà phê chè mới chọn lọc là rất thấp, không ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng, phát triển của các dòng.

4. Năng suất cà phê nhân của các dòng vô tính cà phê chè trồng thử nghiệm tại Đà Lạt có sự khác nhau, các dòng cho năng suất cao hơn dòng Catimor là TN3 và TN4 có thể đưa ra sản xuất để cải tạo các vườn cà phê có giống xấu hiện nay.

5. Phẩm cấp hạt của các dòng vô tính cà phê chè TN2, TN4 và Catimor khá cao thể hiện ở chỉ tiêu kích cỡ hạt trên sàng 18 đều đạt trên 70%. Trong đó dòng TN2 có tỷ lệ hạt trên sàng 18 cao hơn so với dòng Catimor

6. Chất lượng cà phê thử nếm của các dòng vô tính cà phê chè đều đạt từ tốt đến rất tốt, đặc biệt là dòng vô tính cà phê chè TN1 có chất lượng cà phê thử nếm rất tốt. Hàm lượng caffeine trong hạt của các dòng cà phê chè đều nhỏ hơn 2 % khối lượng khô và hàm lượng caffeine của dòng TN1 cao hơn so với dòng Catimor

7. Qua theo dõi đánh giá các chỉ tiêu về hình thái, sinh trưởng phát triển, năng suất, chất lượng và mức độ nhiễm sâu bệnh hại chính của các dòng cà phê chè trồng thử nghiệm tại Đà Lạt cho thấy dòng TN3 và TN4 có khả năng sinh trưởng, phát triển khỏe, chống chịu với sâu bệnh hại, cho năng suất cao hơn dòng Catimor và chất lượng nước uống đạt loại tốt.

ĐỀ NGHỊ

Từ kết quả nghiên cứu của đề tài “Đánh giá đặc điểm nông sinh học của một số dòng vô tính cà phê chè trồng thử nghiệm tại Đà Lạt, Lâm Đồng” chúng tôi xin đề nghị như sau:

1. Trong quy hoạch phát triển cà phê của tỉnh Lâm Đồng, ổn định diện tích và nâng cao năng suất nhằm giữ vững sản lượng thì cần phải đưa nhanh các dòng có tiềm năng cho năng suất cao, chất lượng tốt như dòng TN3 và TN4 ra sản xuất nhằm thay thế các giống cà phê cho năng suất thấp tại Lâm Đồng.

2. Do tương tác “kiểu gen và môi trường” luôn khá lớn nên cần phải đưa các dòng vô tính nghiên cứu trồng tại một số vùng sinh thái khác nữa để tiếp tục đánh giá tính thích nghi nhằm chọn ra các dòng cà phê chè sinh trưởng phát triển khỏe, cho năng suất cao và chất lượng tốt phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh Lâm Đồng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

A. TIẾNG VIỆT

1. Báo cáo “Đánh giá tình hình tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”

số 289/BC-SNN ngày 19 tháng 09 năm 2014 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng.

2. Báo cáo “Quy hoạch phát triển ngành cà phê đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” số 32/BC-SNN ngày 24 tháng 05 năm 2012 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng.

3. Cục Trồng Trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2010). “Tổng hợp quy hoạch phát triển ngành cà phê Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.

4. Cục Trồng Trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2013). Hiện trạng sản xuất, giải pháp phát triển và trồng tái canh cà phê trong thời gian tới. Trong "Hiện trạng tái canh cà phê và giải pháp triển khai thời gian tới". Ngày 25 tháng 07 năm 2013 tại Đắk Lắk, trang 36-42. Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT.

5. Cục thống kê tỉnh Lâm Đồng (2013). Niên giám thống kê Lâm Đồng 2013. 6. Nguyễn Hữu Hòa (1997). Kết quả khảo sát tập đoàn và bước đầu nghiên cứu chọn tạo giống bằng phương pháp lai hữu tính. Luận văn thạc sỹ khoa học nông

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá đặc điểm nông sinh học của một số dòng vô tính cà phê chè trồng thử nghiệm tại đà lạt, lâm đồng (Trang 88 - 112)