3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN
3.1.3. Thực trạng môi trường
Thực trạng vệ sinh môi trường thành phố Đà Nẵng trong những năm qua đã được cải thiện đáng kể nhờ thường xuyên điều tra và đánh giá hiện trạng môi trường; Chú trọng phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; Ban hành các quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng, thi công các công trình, dự án, các Khu công nghiệp; Thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải dân dụng, công nghiệp, thu gom chất thải rắn và nước thải đưa về trạm xử lý tập trung. Đặc biệt với chiến lược bảo vệ môi trường, nhiều đề án, dự án thoát nước và vệ sinh môi trường được triển khai để xử lý triệt để tình trạng gây ô nhiễm môi trường nói chung, nhất là các cơ sở gây ô nhiễm môi trường cục bộ như: vật liệu xây dựng, sắt thép, giấy, chế biến thủy sản, góp phần cơ bản giải quyết tình trạng ngập úng và ô nhiễm môi trường thành phố.
Tuy nhiên do đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, nên mức độ ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, chất thải công nghiệp và sinh hoạt vẫn còn nhiều, các biện pháp kiềm chế ô nhiễm môi trường không theo kịp đà phát triển nên hiệu quả quản lý và bảo vệ môi trường chưa cao.
- Môi trường đất: Trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị, việc lấy đất đồi núi để đắp đất trủng với tốc độ cao đã làm cho môi trường đất một số nơi bị thay đổi, ảnh hưởng đến tính chất Lý Hóa của đất. Xử lý không triệt để các chất thải cũng làm cho môi trường đất bị ô nhiễm, chất lượng đất suy giảm đã xảy ra ở một số nơi như: Đất ở tại Khu vực gần bãi rác Khánh Sơn bị ô nhiễm do nước rỉ từ bãi rác; Một số đất nông nghiệp bị ô nhiễm tại phường Hòa Hiệp, Hòa Khánh do nước thải từ Khu công nghiệp Hòa Khánh; Đất ở Khu vực ven sân bay Đà Nẵng bị ô nhiễm do các chất độc hóa học và xăng dầu tồn lưu và rò rỉ từ thời chiến tranh còn lại đang được xử lý; Các cơ sở sản xuất kinh doanh bị ô nhiễm do xăng dầu như: kho xăng dầu, cửa hàng xăng dầu, trạm rửa xe, sửa chữa xe ô tô, xe máy, cán kéo sắt thép v.v.
- Môi trường nước: Chất lượng nước ở biển, sông, hồ nói chung là khá tốt, tuy nhiên vẫn có một số nơi còn bị ô nhiễm, bị xấu đi do tác động của nước thải công nghiệp, dịch vụ, sinh hoạt và của các hoạt động tàu thuyền trên sông, biển… Đặc biệt ô nhiễm môi trường nước tại cửa sông Phú Lộc, Âu thuyền Thọ Quang đã dẫn đến ô nhiễm môitrường không khí làm ảnh hưởng đến đời sống cư dân trong Khu vực.
- Môi trường không khí: Chất lượng không khí của thành phố là tương đối tốt, cục bộ một số nơi bị ô nhiễm do các hoạt động sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, các hoạt động giao thông vận tải, xây dựng cơ sở hạ tầng, Khu dân cư, nhiều xe vận chuyển đất đá và các thiết bị khác hoạt động liên tục với tần suất cao gây ra bụi và tiếng ồn, đã sản sinh ra các chất ô nhiễm như: CO2, SO2, CO, NO2, hơi xăng dầu, đặc biệt xử lý không triệt để môi trường nước tại cửa sông Phú Lộc, Âu thuyền Thọ Quang làm cho môi trường không khí tại các Khu vực nầy nặng mùi hôi.
- Thu gom và xử lý chất thải: công tác thu gom và xử lý chất thải rắn được thành phố đầu tư khá đồng bộ, tuy nhiên rác thải nhiều, trung bình có trên 800 m3/ngày, các phương tiện thu gom rác mới chỉ thu gom được 87% tổng lượng rác, các bãi rác còn nhỏ và xử lý không triệt để, dễ gây ô nhiễm nước ngầm và không khí, nhất là mùi hôi. Nước thải sinh hoạt được thu gom bằng hệ thống cống, mương thoát nước, tập trung về 4 trạm xử lý nước thải (Phú Lộc, Hòa Cường, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà) sau đó chảy theo đường ống xả ra sông Hàn, vịnh Đà Nẵng, biển Đông.