Xung đột trong rừng do Nhà nước quản lý

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng và giải pháp quản lý rừng bền vững ở vùng núi huyện quảng ninh, tỉnh quảng bình (Trang 64 - 66)

3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn

3.3.2. Xung đột trong rừng do Nhà nước quản lý

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp do Ban quản lý rừng phòng hộ Long Đại, Ba Rền quản lý là 51.759,80 ha (chiếm 51,69% diện tích rừng và đất lâm nghiệp khu vực nghiên cứu); diện tích rừng do Lâm trường Trường Sơn quản lý là 34.687,55 ha (chiếm 34,64% diện tích rừng và đất lâm nghiệp khu vực nghiên cứu); Rừng và đất lâm nghiệp đang được UBND xã quản lý là 5.563,22 ha (chiếm 5,56%) đang được xúc tiến để giao cho cộng đồng và cá nhân quản lý trong một vài năm đến. Một phần nhỏ diện tích rừng và đất lâm nghiệp do hộ cá nhân và gia đình quản lý là 7.909,42 ha (chiếm 7,90% diện tích rừng và đất lâm nghiệp khu vực nghiên cứu).

Qua phỏng vấn các hộ gia đình, lãnh đạo khu vực nghiên cứu về các mâu thuẫn xung đột trong việc phát triển quản lý tài nguyên rừng và sinh kế của người dân, kết quả cho thấy một số vấn đề nổi cộm sau:

- Xung đột giữa cộng đồng địa phương và BQLRPH Long Đại. - Xung đột giữa cộng đồng địa phương và BQLRPH Ba Rền.

- Xung đột giữa cộng đồng địa phương và Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn. - Xung đột giữa chính quyền địa phương với các BQLRPH, Lâm trường. - Xung đột giữa cộng đồng địa phương với các cộng đồng bên ngoài.

Qua phân tích, ta thấy mức độ nhận thức về các xung đột của các nhóm trong cộng đồng có khác nhau, đặc biệt có sự chênh lệch khá rõ giữa nhóm lãnh đạo và người dân. Điều này có thể giải thích do vị trí địa vị, mối quan hệ, quyền lực khác nhau giữa các nhóm.

Chúng ta có thể nhận thấy việc bảo vệ nghiêm ngặt các khu rừng sẽ làm nảy sinh các xung đột gay gắt khi quyền tiếp cận với các nguồn tài nguyên của người dân bị hạn chế, mọi hoạt động của họ đều bị coi là trái phép. BQLRPH Long Đại là một điển hình rừng do Nhà nước quản lý, với một diện tích rộng lớn và trải dài trên 5 xã. Với mục đích phòng hộ sẽ làm giảm đi phần lớn nguồn vốn sinh kế của người dân ở đây, đặc biệt là đồng bào dân tộc, những người mà đời sống của họ gắn chặt với rừng và tài nguyên rừng.

Qua phỏng vấn cho thấy các mâu thuẫn giữa BQLRPH Long Đại và các cộng đồng dân cư sinh sống là gay gắt nhất (ý kiến đống ý từ 75% số hộ nông dân và 30% cán bộ lãnh đạo thôn/xã).

Mâu thuẫn trong BQLRPH rất gay gắt kể cả về quy mô cũng như tần suất xuất hiện và nó ảnh hưởng trên một phạm vi địa bàn rộng lớn; các mâu thuẫn đã xuất hiện do không rõ ràng trong phân định ranh giới các vùng, quyền được tiếp cận với nguồn tài nguyên phong phú của người dân bản địa, bất cập trong chính sách thực thi để vừa đảm bảo mục tiêu bảo vệ phát triển rừng đồng thời nâng cao sinh kế cho người dân.

Tài nguyên rừng từ lâu được xem là một nguồn vốn tự nhiên cơ bản trong sinh kế của dân tộc Bru Vân Kiều. Vì vậy, nếu không có cách ứng xử hợp lý, mọi yếu tố dẫn đến cản trở người dân tiếp cận đến tài nguyên rừng đều là nguyên nhân làm phát sinh xung đột. Phân tích sâu hơn các nguyên nhân dẫn đến xung đột trong quản lý tài nguyên rừng dựa trên khu sinh kế với các nguồn vốn sinh kế của người dân ở đây. Các nguyên nhân làm nảy sinh mâu thuẫn trong rừng do nhà nước quản lý thường là những bất cập giữa sinh kế của người dân và mục tiêu bảo vệ phát triển rừng. Việc khai thác lâm sản để phục vụ cuộc sống là hoạt động sinh kế rất phổ biến của những cộng đồng sống gần rừng.

Theo số liệu điều tra, 100% gia đình tại các điểm nghiên cứu đều có khai thác các sản phẩm rừng. Các loại lâm sản được khai thác từ rừng. Chủ yếu là mật ong, mây, lá non, củi, rau rừng, động vật rừng, gỗ... đối với người dân tộc Bru Vân Kiều, việc khai thác các sản phẩm rừng đã có từ lâu và chủ yếu phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt đời sống của họ và nó được hình thành như một nét văn hóa đặc trưng để phân biệt với cộng đồng người Kinh. Khi thị trường phát triển, các sản phẩm được khai thác chủ yếu để bán và trở thành nguồn thu nhập tiền mặt quan trọng của các gia đình.

Từ khi nhà nước có các chính sách nhằm bảo tồn và phát triển vốn rừng thông qua thành lập khu rừng phòng hộ... thì việc khai thác các loại lâm sản, đặc biệt là gỗ và động vật rừng được xem là những sản phẩm phi pháp điều này đã dẫn đến sự bất bình đối với đồng bào dân tộc. Nhiều hộ khi được phỏng vấn vẫn nghi ngờ sự cạn kiệt của rừng tự nhiên, theo họ tài nguyên rừng gần như vô tận và họ có quyền được khai thác vào sử dụng. Một bộ phận lớn người dân khác, tuy đã nhận thức được suy giảm tài nguyên rừng nhưng do đời sống khó khăn nên họ bất chấp tất cả miễn sao đảm bảo được nhu cầu cuộc sống cơ bản của mình. Tình trạng khai thác gỗ lậu, săn bắt động vật vẫn đang tiếp diễn.

Hiện nay, tại các xã của huyện Quảng Ninh gần như 100% các hộ tham gia khai thác gỗ và bắt động vật đều là những hộ nghèo đói trong thôn. Những hộ này thường là mới tách hộ, có sức lao động nhưng không có điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp do thiếu đất sản xuất, thiếu vốn đầu tư và thiếu kiến thức kỹ thuật. Mưu sinh cho gia đình, không có lựa chọn nào khác, họ phải khai thác gỗ lậu để bán, mặc dù vẫn biết đây là hoạt động phạm pháp, đã bị bắt và bị xử phạt nhiều lần.

Ngoài khai thác gỗ trái phép để bán, có rất nhiều hộ trong thôn đã lợi dụng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước khai thác gỗ trái phép để làm nhà. Lẽ ra các hộ khai thác gỗ để làm nhà phải báo cáo xã để xin ý kiến của UBND huyện, tỉnh. Nhưng họ cho rằng do thủ tục phức tạp nên họ không làm, hơn nữa họ cho rằng việc khai thác gỗ để làm nhà nếu như bị bắt cũng không bị xử phạt. Đây là cơ hội cho các hộ lạm dụng khai thác gỗ trái phép để bán. Đây cũng là vấn đề được bàn rất nhiều trong việc tìm ra các giải pháp quản lý rừng của các xã nghiên cứu. Tình trạng khai thác gỗ trái phép hầu như không xảy ra đối với các hộ người Kinh.

Khai thác động vật rừng hầu như đã được nghiêm cấm, nhưng vẫn còn xảy ra phổ biến trên toàn huyện. Các loài động vật người dân khai thác chủ yếu hiện nay là rắn, chim, hươu, nai, gấu, rùa... phương thức khai thác phổ biến là đặt bẫy. Người dân cho rằng, họ chỉ săn bắt những loài động vật không bị cấm, tuy nhiên trong khi đặt bẫy, những loài động vật quý, hiếm cấm khai thác mắc bẫy thì họ cũng bắt. Các loài động vật quý, hiếm có giá trị kinh tế rất cao đã khiến người dân bất chấp pháp luật. Các loại động vật bẫy được thường được bán cho các người buôn tại địa phương.

Qua điều tra, chỉ riêng xã Trường Sơn, xã Trường Xuân đã có 03 điểm thu mua động vật và việc buôn bán vận chuyển động vật trên địa bàn đều thông qua các đường dây từ xã đến huyện. Đây là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy hoạt động khai thác động vật rừng trái phép ở địa phương và tạo thành một sức ép lớn đối với Kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng cũng như chính quyền địa phương trong việc bảo vệ tài nguyên rừng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng và giải pháp quản lý rừng bền vững ở vùng núi huyện quảng ninh, tỉnh quảng bình (Trang 64 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)