Luật tục trong quản lý rừng ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu trường hợp tại bản kè, xã lâm hoá, huyện tuyên hoá, tỉnh quảng bình (Trang 26 - 28)

1.2.2.1 Các nghiên cứu về luật tục

Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, mỗi dân tộc có những tín ngưỡng phong tục tập quán riêng, mang những nét văn hóa, luật tục hết sức độc đáo. Đa số người dân tộc thiểu số cư trú ở miền núi và cuộc sống của họ gắn liền với rừng, phụ thuộc vào rừng nên các nghiên cứu về luật tục trong quản lý tài nguyên rừng càng được quan tâm hơn. Vì vậy, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về luật tục của nhiều dân tộc liên quan đến công tác quản lý bảo về rừng ra đời. Chẳng hạn như công trình cuốn sách “Nghiên cứu luật tục, phong tục các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam” [17], xuất bản năm 2009 của tác giả Bùi Quang Thanh và các cộng sự. Ngoài việc tìm hiểu thực trạng vận hành luật tục của đồng bào các dân tộc thiểu số ở bốn nhóm dân tộc ít người, gồm: Cơ Tu, Giẻ Triêng, Xơ Đăng và dân tộc Co; Cuốn sách cũng đã đi sâu nghiên cứu tìm hiểu về Luật tục trong sử dụng, khai thác tài nguyên.

Tác giả Nguyễn Văn Mạnh có bài viết “Luật tục của người Tà Ôi về sở hữu đất đai ở vùng núi Quảng Trị và Thừa Thiên Huế” [12], nhằm giới thiệu hệ thống luật tục của người Tà Ôi, việc xác định quyền sở hữu đất đai là lĩnh vực quan trọng trong xã hội truyền thống. Giới thiệu “Sơ đồ quản lý và sử dụng đất trong phạm vi làng”. Qua đó có thể thấy luật tục về xác định quyền sở hữu với đất đai của người Tà Ôi có vai trò quan trọng trong chế độ tự quản ở cộng đồng.

Tác giả Bùi Quang Thanh với nghiên cứu “Luật tục, phong tục với việc sở hữu và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Quảng Nam” [16], đã tìm hiểu về vấn đề bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong luật tục của các dân tộc Cơ Tu, Giẻ Triêng, Co và dân tộc Xơ Đăng. Trong luật tục của các dân tộc có nhiều quy định liên quan đến việc xét xử các hành vi vi phạm khai thác và sử dụng tài nguyên rừng, đất, nước.

Như vậy, có thể thấy vấn đề luật tục được rất nhiều nhà nghiên cứu quan tâm và đóng vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống của các cộng đồng dân tộc thiểu số, đặc biệt là công tác quản lý rừng.

1.2.2.2 Luật tục của các dân tộc thiểu số trong quản lý rừng

Luật tục là sự quy định phép ứng xử của mọi người trong cộng đồng, là sự trừng phạt những tội phạm, là những quy ước về trách nhiệm đối với người đứng đầu và người già, là những điều cần phải làm, là bổn phận của mỗi người trong xã hội, là những quy tắc để bảo vệ đất đai, rừng núi, nguồn nước, gia súc… của cả cộng đồng.

Việt Nam với 54 dân tộc sinh sống với nhau, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 13% dân số cả nước nhưng lại cư trú trên 3/4 diện tích tập trung chủ yếu ở miền núi và cao nguyên. Hầu hết các dân tộc thiểu số đều có luật tục từ lâu đời, tuy nhiên, cho đến nay các nhà khoa học mới khai thác, ghi chép và hệ thống được luật tục của một số dân tộc: Êđê, người Chăm, người Cơ Tu…

Luật tục của dân tộc người Êđê: Là một văn bản thành văn gồm 236 điều, được sắp xếp thành 11 chương. Luật tục người Êđê đề cập hết hầu hết các lĩnh vực khác nhau của đời sống sản xuất, từ tổ chức xã hội và quan hệ cộng đồng, gia đình và quan hệ gia đình, quan hệ giữa con người với tài nguyên, quan hệ tín ngưỡng, lễ nghi,… Chẳng hạn, về quan hệ sở hữu đất đai, người Êđê cho rằng đất đai thuộc về sở hữu của cả cộng đồng, mà chủ đất là người đại diện “Đất đai, sông suối, rừng cây là của chúng tôi (chủ đất) (Điều 234). Kẻ nào xâm phạm đến đất đai thì hắn là kẻ có tội, phải đưa ra xét xử: “Đất đai hắn chiếm, sông suối hắn đoạt; đất đai của tù trưởng nhà giàu hắn giành lấy…Hắn là kẻ to gan lớn mật, dám vượt cả non cao. Như vậy, có việc phải đưa ra xét xử giữa người ta với hắn” (Điều 235) [19].

Các hành vi đốt, phá rừng cũng được Luật tục của người ÊĐê quy định rất cụ thể. Điều 80 của luật tục Ê Đê quy định: “Đàn ông thường đốt lửa bừa bãi, đàn bà thường đốt lửa bậy bạ, có những người đốt lửa mà làm như kẻ điên, kẻ dại. Cây le đang đâm chồi thế mà họ chặt mất ngọn, cây lồ ô đang đâm chồi thế mà họ chặt mất đọt. Nếu người ta bắt được họ đem về cho người tù trưởng nhà giàu thì chân họ tất bị trói lại ngay, tay họ tất bị xiềng lại ngay… Vì vậy có chuyện nghiêm trọng cần phải xét xử họ”. Điều 231 của luật tục Ê Đê cũng quy định: “Đất đai, sông suối, cây rừng là cái

nong, cái nia, cái lưng của ông bà. Ông bà là người giữ cái hang, trông coi rừng, trông coi cây K’tơng, cây Kdjar”, kẻ xâm lấn rừng và đất rừng của người khác nhất định phải bị đưa ra xét xử.

Tục ăn ước của người H’mông: trong lễ này, người ta xây dựng thêm hay nhắc lại các quy ước bảo vệ rừng, đồng thời quy định lại các hình thức xử phạt nếu có người vi phạm. Ai không tôn trọng quy ước bảo vệ rừng đều bị xử phạt giống như gia súc phá họai mùa màng, nghiêm cấm đốt nương làm rẫy. Ai tự tiện vào rừng cấm để chặt cây bị phạt một con lợn hoặc bị phạt từ 50.000 đến 100.000 đồng.

Luật tục của người Thái quy định: ai muốn phát rừng làm rẫy phải được Tạo bản cho phép; nếu tự ý làm, sẽ bị phạt từ 1 đến 3 nén bạc kèm theo rượu, thịt. Hàng năm cứ đến cuối tháng 5 (âm lịch) mới được vào rừng lấy măng, nhưng chỉ được hái lứa đầu và lứa thứ tư. Ai làm sai bị phạt 1 nén bạc kèm theo rượu, thịt. Cây gỗ, cây quế trong rừng dù lớn hay nhỏ, nhưng trên thân cây có dấu chữ thập (+) hoặc dấu nhân (x) là cây đã có chủ, không ai được chặt cây gỗ đó nữa.

Luật tục của người Tày quy định: cấm không để cháy rừng, ai lấy trộm cây rừng của người khác thì bị phạt gấp 3 lần số thiệt hại.

Luật tục của người Nùng (ở Hà Giang) quy định: các gia đình không được chặt rừng, đốt rẫy làm nương ở những nơi đầu nguồn nước. Không được bẻ măng hoặc cho trâu ăn măng rừng của người khác. Ai vi phạm sẽ bị phạt 5 cân thóc một cây măng.

Luật tục người Khơ Mú quy định: ai lấy cây ở khu rừng cấm sẽ bị phạt tiền hoặc tịch thu sung công quỹ, nếu vi phạm vào “ rừng ma” bị phạt gà, rượu, gạo, trước là cúng, sau là để dân bản đến ăn, uống nhắc nhở lần sau không được vi phạm [34].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu trường hợp tại bản kè, xã lâm hoá, huyện tuyên hoá, tỉnh quảng bình (Trang 26 - 28)