ĐVT: %
Luật tục trong khai thác mật ong và săn bắt thú mật ong và săn bắt thú mật ong và săn bắt thú Bình quân chung Nhóm tuổi trên 50 tuổi Nhóm tuổi 50 trở xuống
Khi làm bẫy kiêng chặt các loại cây sau làm cần bật: túng tến, cây cung, kềm tom, tơ cang và cà tăm
97,87 100 97,22
Không được lấy thú khi gặp
bẫy của người khác 97,87 100 97,22
Khi bắt được thú phải tiến
hành cúng ma rừng, ma nhà. 74,47 100 66,67 Nộp lại cho làng (già làng)
một phần sau khi khai thác 76,60 100 69,44 Chia đều phần thú săn được
giữa những người khai thác 97,87 100 97,22 Mật ong đầu mùa phải để già
làng cúng và ăn trước 85,11 100 80,56
Khi lấy mật ong không lấy
hết trong tổ, để lại một ít 85,11 100 80,56
(Nguồn: Phỏng vấn hộ, 2015)
Xét riêng cho từng nhóm tuổi, nhóm tuổi trên 50 tuổi hoàn toàn tuân thủ các luật tục trong khai thác lâm sản (100%). Còn nhóm người có độ tuổi từ 50 tuổi trở xuống có sự hiểu biết và tuân thủ khác nhau giữa các quy định. Tỷ lệ ý kiến tuân thủ
một số quy định (khi bắt được thú phải tiến hành cúng ma rừng, ma nhà 66,67%; Nộp lại cho làng một phần sau khi khai thác 69,44%) khá thấp so với tỷ lệ bình quân chung, điều đó cho thấy hiệu lực của các quy định trong khai thác lâm sản khá mờ nhạt đối với nhóm tuổi này. Với lý do được người dân đưa ra là tài nguyên khai thác ngày càng khan hiếm; không có sự hiểu biết về một số quy định nên không tuân thủ…
3.4.5 Luật tục trong chia sẻ lợi ích từ rừng
Về chia sẻ các các nguồn lợi tự rừng, người Mã Liềng cũng tuân theo một số quy tắc nhằm đảm bảo sự công bằng cho các cá nhân. Chẳng hạn, khi tổ chức đi săn thú theo tập thể (một nhóm người), luật tục của người Mã Liềng quy định cụ thể cả cách chia phần thú khi săn được. Nếu được thú thì vẫn chia phần cho cả làng, nhưng những người tham gia săn được nhiều hơn, phần chia cho làng ít hơn (ví dụ như 4 chân thì chia cho nhóm đi săn 3 chân còn làng thì được chia 1 chân11). Tất cả các thành viên tham gia săn đều được hưởng quyền lợi, được chia phần, số lượng ít hay nhiều tuỳ thuộc vào mức độ đóng góp và công sức săn của từng người. Người có trạc (dây cáp, dây phanh hoặc dây thừng) được cái lưng; người chặt và cắm cần bật được 1 vai hoặc một đùi; người đào hố đặt vòng được cái thủ. Phần còn lại được chia cho anh em, con cháu. Trường hợp chỉ được thú nhỏ thì không chia cho người không tham gia bẫy. Trong cộng đồng Mã liềng khi cá nhân săn được thú to phải về làng nhờ người đi khiêng thú. Những người khiêng giúp được chia một đùi, những người ruột thịt được chia một đùi, còn lại chủ nhà hưởng cả. Sản phẩm săn bắn tập thể là của chung, không một cá nhân nào được chiếm đoạt làm riêng, nếu bị phát hiện sẽ bị bản xử phạt.
Hiện nay, tại điểm nghiên cứu, các quy định về chia sẻ lợi ích trong cộng đồng không còn được người dân tự nguyện chấp hành như trước nữa. Tính tư hữu ngày càng cao đã làm thay đổi suy nghĩ, tư tưởng cũng như các mối quan hệ trong cộng đồng. Lợi ích chỉ chia sẻ cho những cá nhân nào tham gia, chứ không như trước đây chia đều cho cả làng. Những người trong dòng họ, có quan hệ thân thuộc nhất vẫn chia sẻ cho nhau, nhưng với người ngoài dòng họ trong bản thì người ta bán chứ không cho. Những thay đổi này có phần chịu ảnh hưởng của thị trường, bị đồng tiền chi phối, họ cần tiền để đổi lấy các giá trị thực dụng khác. Mặt khác cũng do tài nguyên ngày càng khan hiếm, việc khai thác ngày càng khó khăn hơn. Theo anh Cao Sơn – một người
dân ở bản Kè cho biết: “Trước đây tui làm bẫy mà được con lợn thì cả bản chia chắc. Nay ai cần thì phải mua, tui có được lợn thì tui cũng bán vì tui cũng cần bán lấy tiền đong gạo”.
3.4.6 Vai trò của Luật tục
Hệ niềm tin, luật tục, tín ngưỡng vẫn còn có giá trị và ý nghĩa sâu sắc trong sản xuất, cũng như đời sống vật chất lẫn tinh thần đối với người Mã Liềng. Luật tục đóng vai trò quan trọng trong đời sống mọi mặt của cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng người dân tộc thiểu số, là công cụ quản lý mang tính tự quản có hiệu quả, là cơ sở pháp lý để mọi thành viên dựa vào đó mà sống, mà hoạt động.
3.4.6.1 Góp phần quản lý, bảo vệ rừng và tài nguyên rừng
Luật tục chứa đựng các tri thức bản địa về cách thức quản lý và sử dụng các tài nguyên thiên nhiên thông qua việc “thiêng hóa” các tài nguyên. Đối với người Mã Liềng, đất, rừng, con ong,… đều có yếu tố thần linh, do các vị thần cai quản. Chính vì thế, người Mã Liềng đều tiến hành cầu khấn trước khi thực hiện bất cứ hoạt động khai thác nào, chính những yếu tố này đã tác động vào tiềm thức của mỗi cá nhân trong việc bảo vệ rừng. Ngoài ra với các luật tục như không được phép xâm phạm, khai thác, săn bắt…tại các khu rừng thiêng, rừng ma, thường những khu rừng này chứa đựng nhiều cây to, cây sống lâu năm và nhiều cây gỗ quý. Trường hợp đốt rẫy canh tác, phải theo quy định, đốt từ dưới lên, đặt đầu hướng gió để đốt, tránh cháy lan sang vùng khác dẫn đến cháy rừng. Như vậy, việc thực hiện luật tục của cộng đồng cũng chính là thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, bảo vệ rừng lâu dài.
Các luật tục trong khai thác lâm sản từ rừng cũng thể hiện được vai trò bảo vệ rừng của người Mã Liềng. Cụ thể: sau khi phát rẫy xong thì để cây khô, lá rụng mới chặt cành và dọn rẫy để khi đốt rẫy cây cháy nhanh và không lan sang khu vực rừng quanh rẫy. Đốt rẫy cũng theo quy định đốt từ dưới lên, đặt đầu hướng gió để đốt, rẫy dễ cháy hơn và tránh cháy lan sang vùng khác, qua đó thể hiện được vai trò bảo vệ rừng, cây cối của luật tục. Hay trong chọn gỗ làm nhà, luật tục quy định không được chọn gỗ cụt ngọn, qua đó người dân sẽ tránh chặt ngọn hoặc làm tổn hại các cây nhỏ, để chúng lớn lên bình thường thì mới có gỗ phù hợp để khai thác làm nhà; Tránh cây có dây leo khi chọn gỗ cũng mang ý nghĩa thực tiễn tốt để tạo động lực thúc đẩy người dân đầu tư công sức cho các hoạt động tu bổ rừng, phát quang cây bụi sau này.
3.4.6.2 Vai trò gắn kết, thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng
Luật tục của người Mã Liềng mang tính dân tộc, tính xã hội sâu sắc nên được tất cả các thành viên trong cộng đồng tuân thủ, nó đóng vai trò quan trọng trong việc củng
cố, gắn kết cộng đồng, tạo thành một khối thống nhất về mặt tư tưởng, gìn giữ những giá trị truyền thống của dân tộc mình, tính tương thân tương ái giữa các thành viên.
Với niềm tin vào các vị thần, người Mã Liềng đã có các lễ hội/nghi lễ như thờ thần tự nhiên, lễ cúng thần rừng, thần đất,… để cùng nhau bảo vệ đất, bảo vệ rừng với mong muốn được thiên nhiên che chở, không có thiên tai. Lễ thờ thần tự nhiên theo truyền thống được tổ chức 03 năm một lần, thời gian tổ chức do các già trong bản bàn bạc và quyết định. Mục đích của lễ thờ thần tự nhiên là báo cáo những việc đã làm được, những việc còn sai phạm trong 03 năm qua cho thần được biết và xin ngài tha thứ nếu xảy ra những chuyện chưa phải đạo thiên nhiên; Lễ cúng mở của rừng được tổ chức hàng năm với mục đích là cầu xin thần rừng phù hộ cho người dân đi rừng được may mắn. Khi nào bản chưa tiến hành được lễ cúng mở cừa rừng thì không ai được phép vào rừng khai thác…
Có thể thấy, thông qua các lễ hội này người dân có cơ hội ôn lại lịch sử truyền thống của cộng đồng mà ở đó các thế hệ trẻ có thể học tập và tự hào về các phong tục của dân tộc mình. Vì vậy, các lễ/hội truyền thống đã góp phần duy trì những nét đẹp văn hóa, góp phần không nhỏ trong việc hòa hợp, đoàn kết thống nhất cộng đồng, đem lại sự bền vững giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, con người với các tài nguyên đất, tài nguyên rừng.
3.4.6.3 Đảm bảo tính công bằng, dân chủ trong cộng đồng
Với quan niệm đất đai, rừng núi thuộc về sở hữu chung của cộng đồng, luật tục người Mã Liềng cho thấy mọi thành viên của bản làng được bình đẳng với nhau trong việc tiếp cận sử dụng đất đai, cũng như các sản phẩm lâm sản từ rừng. Thành quả được hưởng tùy thuộc vào khả năng của từng người, thành viên nào có công khai phá trước, sử dụng trước thì đất đai thuộc về sở hữu của họ.
Về chia sẻ các nguồn lợi tự rừng, người Mã Liềng cũng tuân theo một số quy tắc nhằm đảm bảo sự công bằng cho các cá nhân. Cụ thể, khi cá nhân khai thác được thú rừng thì tuân theo luật tục các sản phẩm khai thác được chia đều cho cả làng.
3.5. CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ THAY ĐỔI VÀ HIỆU LỰC CỦA LUẬT TỤC
3.5.1. Tác động của điều kiện kinh tế
- Sự thay đổi của hoạt động sinh kế:
Trước đây người Mã liềng sống khép kín sau các mảnh rừng với lối kinh tế tự cung, tự cấp; canh tác nương rẫy luân canh và đi rừng là nguồn thu nhập chính nuôi gia đình. Ngày nay cùng với việc di dời ra sống định cư tại các bản làng mới, người
dân đã tiếp cận được với các nguồn vốn và hình thành nên các hoạt động sinh kế mới như lúa nước thâm canh, chăn nuôi…khiến cuộc sống của họ không hoàn toàn phụ thuộc vào rừng. Do đó niềm tin tuyệt đối của người dân vào thần rừng không còn nguyên vẹn như trước. Bên cạnh đó, sự thay đổi hoạt động sinh kế cũng làm mất đi một số luật tục gắn liền với phương thức sinh kế truyền thống, chẳng hạn như hoạt động canh tác nương rẫy không còn tồn tại nữa kéo theo sự mất đi của các quy định, tri thức bản địa mang tính luật tục trong “phát, cốt, đốt, trỉa”.
- Tác động của kinh tế thị trường
Thứ nhất, nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm rừng ngày càng tăng làm tăng giá trị kinh tế của các sản phẩm này. Cuộc sống trước đây của người Mã Liềng hoàn toàn phụ thuộc vào rừng, chủ yếu là khai thác tài nguyên rừng, cuộc sống theo lối tự cung tự cấp, các sản phẩm khai thác chỉ dùng để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của đồng bào. Hoạt động khai thác của người dân chỉ là chặt những cây gỗ nhỏ về làm nhà, lấy cành khô về làm củi, tạo ra những loại bẫy đơn giản đơm thú, dùng tay mò cua bắt ốc, câu cá, lấy nước dùng để sinh hoạt và ăn uống, làm rẫy theo chu kỳ. Những hoạt động khai thác đó hoàn toàn không làm ảnh hưởng lớn đến sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên nên các luật tục được duy trì và có điều kiện phát triển tốt. Ngày nay, mối quan hệ của người Mã Liềng đã có sự mở rộng ra bên ngoài, sản phẩm khai thác được không chỉ đơn thuần là phục vụ cuộc sống hàng ngày mà còn làm hàng hóa trao đổi. Tài nguyên rừng càng khan hiếm thì giá trị của các sản phẩm từ rừng càng tăng lên, nhóm người ngoài (người Kinh ở Thanh Lạng) muốn khai thác tối đa nguồn lợi đã tìm mọi cách lợi dụng, cho tiền để đồng bào khai thác các sản phẩm từ rừng cung cấp cho họ. Chính vì thế luật tục chia sẻ trong cộng đồng càng giảm đi, một số luật tục như: cấm khai thác gỗ ở vùng rừng thiêng, rừng ma đã bị xâm phạm; mặc dù người dân Mã Liềng của bản không trực tiếp khai thác gỗ ở những khu vực rừng thiêng, rừng đầu nguồn nước nhưng đã chỉ chỗ cho người ngoài vào khai thác khi được người Kinh trả một khoản tiền.
Thứ hai, là nhu cầu đời sống người dân tăng lên. Trước những năm 1990, khi người Mã Liềng còn ở sâu trong rừng, xa đường giao thông thì sản xuất và khai thác lâm sản của họ chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng hoặc để trao đổi một vài hàng hóa thiết yếu. Họ thường đổi mây, măng, gạo, sắn lấy một số đồ dùng cần thiết như vải, dầu, muối. Tuy nhiên, hiện nay khi thị trường phát triển, buôn bán hàng hóa xâm nhập vào bản làng của người Mã Liềng đã ảnh hưởng tới thói quen và nếp sống của cộng đồng. Nhu cầu đời sống của người dân ngày càng tăng lên, chẳng hạn như: thanh niên và nhiều người đàn ông trong làng phải hút thuốc bao chứ không hút thuốc lá quấn như trước đây nữa; chị em ở bản mua bánh rán để ăn sáng… Mặc dù không có tiền nhưng được những người ngoài cho dân bản mua chịu (mua nợ) làm cho người Mã Liềng không kiểm soát được nhu cầu đời sống của mình, tiền nợ cũng theo đó mà ngày càng
tăng lên. Khi bị đòi nợ, người Mã Liềng không có tiền trả nên phải đi khai thác các lâm sản từ rừng như: mật ong, lá nón, gỗ, săn bắt…để gán nợ. Vì vậy áp lực khai thác tài nguyên ngày càng tăng đến mức người dân bất chấp cả các qui định luật tục. Hậu quả là các luật tục trong chia sẻ sản phẩm khai thác từ rừng mất hiệu lực, người dân săn được thú không chia sẻ cho làng như trước nữa mà mang tất cả đi gán nợ…
3.5.2. Tác động của các yếu tố xã hội
- Sự thay đổi của cấu trúc/tổ chức xã hội
Đối với tổ chức xã hội truyền thống của người Mã Liềng, già làng, thầy cúng có vị trí, chức năng vô cùng quan trọng. Là người duy trì, phát huy các giá trị tinh thần của cộng đồng, luôn được mọi người trong bản tôn trọng. Già làng là người nắm uy quyền và được người dân coi như người thầy, người sinh ra trước, biết trước, người chỉ đường dẫn lối cho đồng bào. Thế nhưng, trong hệ thống tổ chức quản lý xã hội hiện nay vị thế của già làng đã không còn như trước, già làng không còn là người đứng đầu trong bộ máy quản lý nữa mà thay vào đó là trưởng bản. Già làng chỉ đóng vai trò đưa ra ý kiến hỗ trợ trưởng bản và truyền dạy chỉ bảo cho thế hệ con cháu. Già làng không còn có điều kiện để thể hiện vai trò của mình với cộng đồng, không còn là người quyết định đến việc chuyển bản, chọn đất lập làng như trước đây, v.v.
Sự thay đổi vai trò, vị thế của những người quan trọng trong bản đã làm mất đi các luật tục truyền thống. Khi già làng không có điều kiện để thể hiện được vai trò của mình đồng nghĩa với việc người dân trong bản suy giảm sự tín nhiệm đối với già làng, giảm niềm tin vào sự linh thiêng, kéo theo một số luật tục trong khai thác lâm sản như: khi khai thác được mật ong đầu mùa phải để già làng cúng và ăn trước; khi bắt được thú phải tiến hành cúng ma rừng, ma nhà và nộp lại cho làng (già làng) một phần sau khi khai thác…bị mất dần. Khi thầy cúng không có vị trí đứng trong bản, không giữ một vai trò quan trọng thì các cá nhân trong bản không mong muốn được trở thành thầy cúng như trước, dẫn đến việc không có người thực hiện các nghi lễ truyền thống cho đồng bào như các lễ hội hàng năm, lễ cúng thần đất, lễ cúng khi khai thác được thú rừng, và các nghi lễ thờ thần tự nhiên khác..., lâu dần sẽ làm cho các nghi lễ, tín ngưỡng biến mất như chưa từng tồn tại.