Luật tục trong phân chia loại rừng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu trường hợp tại bản kè, xã lâm hoá, huyện tuyên hoá, tỉnh quảng bình (Trang 67 - 68)

Theo truyền thống, đồng bào người Mã Liềng phân ra các loại rừng như rừng ma, rừng thiêng của bản (khu vực khe Rẹeng Reẹng) để thờ cúng với quan niệm “ma” ở đây không phải là những linh hồn đi lang thang chuyên dọa người khác như ta thường quan niệm, mà “ma” chính là thần rừng - người cai quản toàn bộ nguồn rừng, đất, nước; do vậy rừng thiêng, rừng ma là những nơi ngự trị của thần linh. Đối với những khu rừng này, luật tục quy định: không được phát rẫy, không được chặt cây, không được đốt lửa, không được săn thú, không được chăn thả trâu bò,… vì nếu động đến những khu rừng này sẽ làm “ma rừng” nổi giận. Nếu ai vi phạm sẽ bị làng phạt, tuỳ vào mức độ vi phạm nặng nhẹ mà trưởng bản và già làng sẽ buộc người vi phạm nộp trâu, bò, heo, gà… để cúng tạ lỗi thần linh. Nếu vi phạm nặng sẽ bị đuổi ra khỏi

làng. Như vậy, việc “thiêng hóa” thiên nhiên, tôn sùng thần rừng một mặt nào đó đã có tác dụng ngăn chặn sự phá hoại, bảo vệ tài nguyên rừng và đất rừng.

Đối với khu vực rừng đầu nguồn nước, các thành viên trong bản chỉ được phép săn bắn, hái lượm. Cấm các hành vi khai thác gỗ và chỉ được phép khai thác với tư cách là tập thể và được sử dụng vào mục đích chung như làm nhà cộng đồng, công trình chung… Theo luật tục, các thành viên trong bản đều phải có nghĩa vụ thực hiện trách nhiệm bảo vệ những khu rừng này khi có dấu hiệu bị xâm phạm, khai thác gỗ hay xâm lấn rừng.

Đối với khu rừng sản xuất, người dân được phép khai thác lâm sản, săn bắt, hái lượm, tự do phát rẫy để canh tác theo ý muốn dưới sự quản lý của bản. Các cá nhân chỉ có quyền khai thác và chiếm hữu các sản phẩm khai thác được. Riêng đất nương rẫy mà cá nhân đã canh tác thì luật tục cho phép thừa kế, chuyển nhượng trong phạm vi dòng họ với nhau.

Hiện nay, các loại rừng theo cách phân chia như trên vẫn còn đang tồn tại đối với đồng bào người Mã Liềng. Điều này được thể hiện rõ khi tiến hành phỏng vấn người dân theo mẫu câu hỏi “Ông/bà cho biết loại rừng truyền thống nào còn đang tồn tại?” và kết quả thu được 100% câu trả lời là rừng thiêng, rừng ma và rừng đầu nguồn nước. Những quy định về các điều cấm kỵ đối với các khu rừng thiêng, rừng ma vẫn được người dân tuân thủ, song không còn được tự giác, nghiêm ngặt như trước. Nguyên nhân là do sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, sự ảnh hưởng bởi lối sống của nhóm người Kinh xung quanh khu vực đã đưa đến hiện tượng “giải thiêng”, giảm niềm tin của cộng đồng vào ma rừng, ma rú.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu trường hợp tại bản kè, xã lâm hoá, huyện tuyên hoá, tỉnh quảng bình (Trang 67 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)