Vài nét về người Mã Liềng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu trường hợp tại bản kè, xã lâm hoá, huyện tuyên hoá, tỉnh quảng bình (Trang 28 - 29)

Người Mã Liềng là nhóm người nằm trong tộc người Chứt, trong gia đình ngôn ngữ Việt - Mường. Về mặt lịch sử, người Mã Liềng có nhiều nét tương đồng với các nhóm người: Sách, Mày, Rục, Arem trong tộc người Chứt. Tên gọi Mã Liềng được phiên âm từ chữ “MơLiềng” nghĩa là người, như MơLiềng Sách (người Sách), MơLiềng Mày (người Mày)… [27]. Đồng bào Mã Liềng giải thích, Mã Liềng là tên để chỉ cho người làm nương rẫy.

Người Mã Liềng trong thời Pháp thuộc, thường sống ở đầu nguồn Khe Rái (một nhánh sông Rào Cái) không quá 25 hộ. Năm 1958 xảy ra một trận dịch khủng khiếp làm chết gần hết dân nên họ đã dời về Khe Cộôc ở. Những năm 1964 - 1968 đế quốc Mĩ dùng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc ngăn chặn sự chi viện miền Bắc cho miền Nam. Vùng núi miền Tây Quảng Bình bị địch đánh phá ác liệt, người Mã Liềng phải tản ra sống nhiều nơi, có bản còn 2 đến 3 nóc nhà như: Mã Đao, Quạt, Bịn, Nang Rưng…Một bộ phận theo các triền núi ra cư trú ở xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh [13].

Người Mã Liềng chưa có chữ viết riêng để ghi chép nguồn gốc và quá trình phát triển của cộng đồng mình. Tuy nhiên, đồng bào còn lưu giữ nhiều câu chuyện cổ kể về nguồn gốc của họ. Chuyện “Những người anh em”, kể về những người anh em không cùng cha mẹ chung sống với nhau, sau một thời gian các thành viên có sự thay đổi về màu da, ngôn ngữ. Để nhận biết sự khác biệt này, người anh tự đặt tên cho mình là người Khùa, người em tự nhận mình là người Mã Liềng, và người em út tự đặt tên cho mình là người Kinh. Cũng từ đây ai dùng ngôn ngữ người đó. Chuyện “Ma thần” lý giải tại sao người Mã Liềng rất tôn thờ ma rừng [24]… Trong những câu truyện cổ người Mã Liềng, hình ảnh núi rừng hiện hữu rất rõ nét, bởi nó đã gắn chặt từ ngàn đời với cuộc sống đồng bào Mã Liềng. Chính những phát hiện của các nhà khảo cổ học, qua các di chỉ ở huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình - Địa bàn cư trú chủ yếu của tộc người Mã Liềng càng làm rõ hơn về nguồn gốc cộng đồng người này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu trường hợp tại bản kè, xã lâm hoá, huyện tuyên hoá, tỉnh quảng bình (Trang 28 - 29)