Sự tham gia của người dân trong giao đất giao rừng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của giao đất giao rừng đến đời sống người dân ở huyện minh hóa tỉnh quảng bình (Trang 60 - 64)

3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN

3.3.3. Sự tham gia của người dân trong giao đất giao rừng

a) Trình tự giao đất tại huyện Minh Hóa

Trình tự, thủ tục giao rừng, thuê rừng và lập hồ sơ giao rừng, thuê rừng thực hiện theo quy định tại các Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Thông tư số 38/2007/TT-BNN ngày 25/4/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn và Thông tư Liên tịch số 07/2011/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 29/01/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài Nguyên - Môi trường về hướng dẫn một số nội dung về giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp. Dựa trên cơ sở pháp lý đó, UBND huyện Minh Hóa đã thống nhất lập kế hoạch giao đất giao rừng gồm các bước cụ thể và có sự tham gia của người dân. Nhằm đánh giá ưu và nhược điểm để có kế hoạch và định hướng cho giao đất giao rừng có hiệu quả trong thời gian tới, chúng tôi tìm hiểu các bước giao đất giao rừng ở huyện Minh Hóa và kết quả được trình bày ở sơ đồ 3.1:

Sơ đồ 3.1. Trình tự các bước giao đất giao rừng tại huyện Minh Hóa

(Nguồn: Phỏng vấn sâu năm 2014)

Kết quả ở sơ đồ 3.1 cho thấy, trình tự thủ tục giao đất giao rừng tại huyện Minh Hóa được thực hiện theo 7 bước sau: Bước 1: Thành lập Ban chỉ đạo giao đất lâm nghiệp của huyện và Hội đồng giao đất, tổ công tác thực thi của xã. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ: Tập huấn; hoàn chỉnh hồ sơ giao đất lâm nghiệp và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các hộ. Bước 2: Thu thập đầy

đủ các loại thông tin và lập kế hoạch giao đất. Bước 3: Dự kiến quy hoạch sử dụng

đất đai và phương án giao đất. Bước 4: Họp dân từng thôn. Tùy theo nhận thức của các cộng đồng thôn để quyết định số lần họp thôn nhằm quán triệt và làm rỏ về mục tiêu giao đất lâm nghiệp theo các quy định của nhà nước. Các hộ đăng ký nhận đất và phương án giao đất cho các hộ. Thành phần các cuộc họp gồm có đầy đủ các chủ hộ, trưởng thôn, lãnh đạo xã, cán bộ tổ công tác và một đại diện Ban chỉ đạo (nếu cần). Bước 5: Giao nhận đất và cắm mốc ngoài thực địa cho các chủ sử dụng. Bước

6: Hoàn thiện hồ sơ giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ

gia đình, cá nhân nhận đất. Bước 7: Xây dựng kế hoạch quản lý đất đai sau khi giao, kế hoạch trồng, quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

Kết quả phỏng vấn sâu cho thấy những ưu điểm và khuyết điểm của các bước giao đất giao rừng huyện Minh Hóa như sau:

Ưu điểm: Các bước giao đất đã tạo cho cá nhân, hộ gia đình thấy được việc

giao đất lâm nghiệp của Nhà nước cho các hộ gia đình cá nhân là công khai dân chủ, tạo ra được tâm lý phấn khởi để người dân tham gia sản xuất vì phần đất lâm nghiệp được giao đảm bảo tính pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân đối với diện tích được giao.

Tuỳ thuộc vào quỹ đất lâm nghiệp của từng xã và nhu cầu sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân tại địa phương, đủ điều kiện xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (không vượt quá hạn mức giao đất lâm nghiệp tại Điều 70 của Luật Đất đai năm 2003). Ban chỉ đạo của huyện có phương án giao đất được xét duyệt đảm bảo dân chủ, công khai và công bằng xã hội.

Sau khi giao đất cho các hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài trên địa bàn huyện thì người nông dân đã thực sự làm chủ trên mảnh đất được giao, họ yên tâm đầu tư lao động và vốn vào phát triển lâm nghiệp. Chủ trương phát triển lâm nghiệp được thực hiện có kết quả là nhờ giao đất giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân, các hộ đã hình thành các mô hình trồng rừng, kinh doanh lâm nghiệp tổng hợp đã hình thành và phát triển trên địa bàn huyện với quy mô ngày càng lớn và có hiệu quả.

Dưới tác động của chính sách cùng với cách làm và bước đi thích hợp nên phần lớn đất lâm nghiệp và rừng tự nhiên đã được giao ổn định, lâu dài cho hộ gia đình, cá nhân, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy sản xuất phát triển, khuyến khích các thành phần kinh tế đặc biệt là kinh tế hộ gia đình đa dạng hóa sản phẩm, tăng hiệu quả sử dụng đất đai và lao động. đưa lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống xã hội được cải thiện rõ rệt.

Nhược điểm: Do công tác tuyên truyền vận động chưa được chú trọng, mặt khác nhận thức của cộng đồng dân cư đối với công tác này vẫn chưa đầy đủ, còn chung chung, không có người chịu trách nhiệm cụ thể. Số người đồng bào được tham gia họp không nắm bắt kịp nội dung triển khai nên việc tham gia phối hợp giữa người dân với các bên liên quan trong thực thi đo đạc chưa hiệu quả.

Đối với việc xác định phạm vi đo vẽ, lập bản đồ địa chính đất lâm nghiệp: Bản đồ quy hoạch 03 loại rừng không phù hợp với hiện trạng sử dụng đất; bản đồ đo vẽ trước đây đã bị biến động lớn nên dẫn đến việc xác định phạm vi đo vẽ bản đồ (thiết kế khu đo) có sự sai khác về vị trí và khối lượng so với thực tế thi công.

Đối với việc xác định ranh giới với chủ sử dụng đất: Sự phối hợp chưa chặt chẽ, không đầy đủ giữa người dân với đơn vị thi công và chính quyền địa phương

trong việc xác định ranh giới thửa đất, mặt khác ranh giới các thửa đất không rõ ràng, khu đo khá phức tạp nên dẫn đến sai khác về ranh giới thửa đất, tên chủ sử dụng trong quá trình đo đạc thành lập bản đồ.

Thủ tục về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn phức tạp, rườm rà, chưa có biện pháp nhằm hạn chế các thủ tục này. Cùng với việc trình độ nhận thức của người dân còn có nhiều hạn chế. Từ đó, đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Như vậy, trình tự thủ tục giao đất giao rừng đã được tiến hành bằng các bước cụ thể, công khai dân chủ, tạo ra được tâm lý phấn khởi để người dân tham gia sản xuất, tuy nhiên quá trình giao đất giao rừng đã bộc lộ một số hạn chế mà trong thời gian tới cần khắc phục.

b) Sự tham gia của người dân vào quá trình giao đất giao rừng

Việc giao đất giao rừng là một hoạt động mang tính xã hội sâu sắc, vai trò của người dân trong quá trình giao đất giao rừng là rất quan trọng. Vì vậy, giao đất cần tiến hành theo cách tiếp cận có sự tham gia trực tiếp của người dân, thôn bản trong suốt tiến trình từ chuẩn bị cho đến khi tổ chức giao trên thực địa. Giao đất giao rừng thu hút sự tham gia của người dân sẽ phát huy tốt các mặt tích cực của truyền thống và các kiến thức quản lý tài nguyên thiên nhiên của các cộng đồng dân cư, thôn bản. Thông qua nó nâng cao năng lực quản lý, tổ chức của cộng đồng, góp phần phát triển sinh kế và bảo vệ môi trường, lưu vực nơi cộng đồng sinh sống và được ổn định lâu dài. Sự tham gia của người dân vào quá trình giao đất giao rừng là hết sức quan trọng. Do vậy chúng tôi tìm hiểu các hoạt động này và kết quả được trình bày ở bảng 3.8:

Bảng 3.8. Tỷ lệ hộ tham gia vào các hoạt động trong giao đất giao rừng

n = 90 hộ

Hoạt động tham gia Số hộ tham gia Tỷ lệ %

Họp thôn, chuẩn bị cho công tác giao đất giao rừng 85 94,4%

Xác định ranh giới bản đồ 29 32,2%

Xác định ranh Giới thực địa 67 74,4%

Hiện trạng rừng 9 10%

Số liệu bảng 3.8 cho thấy, hầu hết người dân đã có quan tâm và biết đến việc giao đất giao rừng cho cộng đồng, có 94,4% số hộ gia đình có tham gia họp thôn (các cuộc họp liên quan đến việc giao rừng, xây dựng và thông qua quy ước bảo vệ rừng, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng 5 năm và hàng năm...). Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có khoảng 5,6% hộ gia đình không biết việc này (đây là các hộ mới tách hộ trong năm 2007, nên hầu như không được tham gia các cuộc họp trong các năm trước).

Hoạt động có nhiều hộ tham gia sau đó là việc xác định ranh giới ngoài thực địa, có 74,4% hộ tham gia, đây là hoạt động rất quan trọng trong công tác giao đất giao rừng để tránh sự tranh chấp sau này. Còn 25,6% hộ không tham gia, lý do của các hộ không tham gia là do hộ không có người đủ sức khỏe để đi rừng theo đoàn công tác. Thành phần đi thường là bí thư, trưởng thôn, những hộ được giao đất giao rừng có sức khỏe. Hoạt động xác định ranh giới bản đồ thì tỷ lệ hộ tham gia ít hơn vì chỉ có một số người tham gia có kinh nghiệm đi rừng, có khả năng nhận biết địa hình qua bản đồ mới tham gia.

Hoạt động xác định hiện trạng rừng chỉ có 10% hộ tham gia vì đây là việc xác minh lại trạng thái rừng để thống nhất, công việc này chỉ yêu cầu cán bộ kỹ thuật và tổ công tác giao đất giao rừng được tham gia. Do đó, sự tham gia chỉ là các bí thư, trưởng thôn, cộng đồng có nhận rừng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của giao đất giao rừng đến đời sống người dân ở huyện minh hóa tỉnh quảng bình (Trang 60 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)