3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
1.3. Các công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài
Trong thời gian vừa qua, đã có nhiều công trình nghiên cứu đề cập đến thực trạng quản lý và sử dụng đất ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước.
- Huỳnh Văn Chương, Trương Văn Quyết (2012): “Nghiên cứu thực trạng
chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất và những giải pháp quản lý sử dụng đất bền vững thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam”, Tạp chí khoa học Đại học Huế, số 21. Bài báo
đã phản ánh việc chuyển đất đai trong quá trình đô thị hóa, đặc biệt là chuyển đổi đất nông nghiệp sanh phi nông nghiệp có nhiều tác động tích cực, tuy nhiên vẫn còn ảnh hưởng tiêu cực trên các mặt kinh tế, xã hội, môi trường. Từ đó tác giả đã đưa ra các giải pháp quản lý, sử dụng đất nhằm giải quyết việc làm cho người lao động mất đất sản xuất [2].
- Nguyễn Hữu Ngữ và Nguyễn Thành Quốc (2014): “Đánh giá thực trạng sử
dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn thành phố Huế”. Kết quả của bài báo đã
nêu bật lên những vấn đề sau: đất nghĩa trang, nghĩa địa phân bổ không tập trung và nằm rải rác trên địa bàn các phường của thành phố Huế. Quản lý Nhà nước về đất đai mặc dù đã được chú ý ở tất cả các cấp nhưng vẫn chưa toàn diện. Việc ban hành các tài liệu pháp lý liên quan đến đất nghĩa trang, nghĩa địa vẫn còn chưa đầy đủ và thiếu sự quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương. Quy hoạch sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa vẫn chưa có kế hoạch cụ thể cho từng khu vực, từng năm hoặc từng thời kỳ [26].
- Võ Thị Linh (2014): “Đánh giá ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa đến tình
hình quản lý, sử dụng đất nông nghiệp tại thị xã Hương Trà,tỉnh Thừa Thiên Huế”.
Luận văn cao học thạc sỹ khoa học nông nghiệp, chuyên ngành Quản lý đất đai, Trường Đại học Nông Lâm Huế. Kết quả của đề tài chỉ ra rằng quá trình đô thị hóa đã tác động rất lớn đến công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn các phường nói
riêng và toàn thị xã Hương Trà nói chung. Công tác quản lý đất đai đã có những cải thiện đáng kể trong nhiều mặt, ngày càng được đi vào nề nếp và chặt chẽ, Tuy nhiên, công tác quy hoạch sử dụng đất, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết tranh chấp đất đai... vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết [20].
- Phạm Văn Vân (2013): Ảnh hưởng của các dự án đầu tư đến tình hình quản lý
sử dụng đất nông nghiệp huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội, Luận án tiến sỹ nông
nghiệp, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Tác giả đã đánh giá thực trạng thu hồi đất để xây dựng các công trình, dự án, chỉ ra được tác động tích cực và tiêu cực của việc thu hồi đất. Đề xuất các quan điểm, phương hướng, giải pháp và các điều kiện giải quyết thu nhập, đời sống, việc làm của người có đất bị thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhu cầu công cộng và lợi ích quốc gia những năm tới [33].
Nhìn chung những công trình nghiên cứu trên đã đề cập đến thực trạng quản lý và sử dụng đất dưới ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngoài ra, còn có nhiều đề tài nghiên cứu, đánh giá tình hình quản lý và sử dụng đất đai, tuy nhiên, chủ yếu là đánh giá chung cho cả ba nhóm đất chính, hoặc tập trung vào đánh giá hiệu quả quản lý và sử dụng của nhóm đất sản xuất nông nghiệp. Trong tình hình thực tế hiện tại đối với các đô thị như thành phố Đà Nẵng nói chung và quận Ngũ Hành Sơn nói riêng, với tốc độ phát triển kinh tế xã hội nhanh chóng, cũng như tốc độ đô thị hóa cao thì vấn đề quan trọng đặt ra là cần đánh giá thực trạng công tác quản lý nhà nước đất phi nông nghiệp. Tuy nhiên, lại chưa có bất kỳ công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện về thực trạng quản lý quỹ đất, đặc biệt là đất phi nông nghiệp ở quận Ngũ Hành Sơn. Luận văn này kế thừa có chọn lọc các kết quả nghiên cứu trên, nhưng tập trung vào phân tích thực trạng quản lý đất phi nông nghiệp, loại đất chiếm diện tích lớn trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với quỹ đất phi nông nghiệp một cách chặt chẽ, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế của địa bàn nghiên cứu. Vì vậy, đây là đề tài nghiên cứu không trùng lặp với các công trình đã được công bố.
CHƯƠNG 2. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU