3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
3.5.3. Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trong quản lý đất đai của quận Ngũ Hành
Hành Sơn
- Sự đổi mới hoạt động quản lý Nhà nước không theo kịp tốc độ ĐTH mạnh gắn với sự gia tăng dân số đô thị: Dân số biến động nhanh gắn liền với CNH là động lực cơ bản của quá trình ĐTH, từ năm 1997 đến nay dân số của quận tăng nhiều lần, diện tích đất ở đô thị tăng. Quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa thúc đẩy tốc độ ĐTH gắn với dân số đô thị tăng nhanh làm phát sinh đòi hỏi tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước đối với đất đai - cụ thể là:
+ Phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đồ án quy hoạch đô thị, trong đó có nội dung quy hoạch sử dụng đất đô thị.
+ Khối lượng công việc thực hiện công tác đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng trong công tác thu hồi đất xây dựng đô thị tăng lên.
+ Khối lượng công việc của các cơ quan quản lý chuyên ngành bao gồm: Công tác lập hồ sơ từ đo đạc lập bản đồ địa chính; Chỉnh lý biến động đất đai, kê khai đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng thửa đất, từng chủ sử dụng tăng lên, đòi hỏi phải có đủ lực lượng; Bộ máy quản lý tại nhiều thời điểm không đủ sức hoàn thiện.
+ ĐTH nhanh trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường có những mặt tác động tiêu cực đến các quan hệ xã hội. Do cạnh tranh khốc liệt, vì mục tiêu lợi nhuận, số lượng các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất vi phạm pháp luật trong quản lý
sử dụng đất tăng lên. Công tác thanh, kiểm tra và xử lý không kịp thời làm gây thất thu ngân sách, lãng phí nguồn tài nguyên và các hậu quả xã hội khác. Như vậy tốc độ ĐTH nhanh và tình trạng dân số đô thị tăng mạnh trong những năm vừa qua là nguyên nhân khách quan làm phát sinh những khó khăn, phức tạp và để lại những hậu quả, những yếu kém về công tác quản lý Nhà nước đối với đất đai của quận và thành phố.
- Lập và quản lý hồ sơ địa chính còn nhiều hạn chế do lịch sử để lại: Tồn tại của công tác lập và lưu trữ, quản lí hồ sơ địa chính và hậu quả quản lý đất đai do lịch sử để lại gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý đất đai hiện nay. Các hồ sơ tài liệu địa chính lưu trữ từ những năm 1954 đến nay rất đa dạng, độ chính xác rất thấp, tính pháp lý yếu và số lượng không đầy đủ, ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả hoạt động quản lý của Nhà nước.
Thực tế từ năm 1993 đến nay hoạt động quản lý của Nhà nước về đất đai ở thành phố Đà Nẵng và quận đã có những chuyển biến cơ bản, nhưng do khối lượng công việc lớn, tập trung cao vào một giai đoạn, trong khi cả một thời kỳ dài hàng nửa thế kỷ đất đai bị buông lỏng quản lý: Hàng nghìn tổ chức sử dụng đất không có đầy đủ hồ sơ quản lý; Hàng nghìn tổ chức sử dụng đất vi phạm pháp luật trong quản lý sử dụng đất; Hàng nghìn cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất trái mục đích được giao, lấn, chiếm đất hoặc chuyển quyền sử dụng đất trái quy định của pháp luật... Vì vậy, chất lượng và hiệu quả của công tác quản lý giai đoạn vừa qua còn thấp, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của thực tế.
Bên cạnh đó, những năm đầu khi có luật đất đai 1987, 1993, công tác hồ sơ lưu trữ có độ tin cậy về mặt kỹ thuật và tính pháp lý yếu.
- Ảnh hưởng của việc ban hành cơ chế, chính sách chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn: Qua thực tế tại quận Ngũ Hành Sơn cho thấy, không chỉ các văn bản do thành phố Đà Nẵng ban hành mà ngay cả hệ thống văn bản của Nhà nước ban hành, cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng lộn xộn, phức tạp trong quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn quận. Nói đến chính sách đất đai là nói đến các văn bản pháp luật (từ luật đến các văn bản pháp quy của tất cả các cấp) điều chỉnh quan hệ xã hội về đất đai giữa Nhà nước với người sử dụng đất và giữa những người sử dụng đất với nhau. Nếu chính sách không phù hợp, cả đối tượng điều chỉnh và đối tượng quản lý đều lúng túng, bị động, người dân không thực hiện, ảnh hưởng đến sự ổn định nói chung của xã hội. Một nguyên nhân cơ bản khác đó là tác động của cơ chế kinh tế thị trường vào ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, một bộ phận những cán bộ quản lý (ở tất cả các cấp), suy thoái đạo đức, đặc biệt là mâu thuẫn giữa quyền lợi của Nhà nước, quyền lợi của cá nhân (bao gồm cả đối tượng quản lý và chủ thể quản lý). Do đó có nhiều văn bản ra đời là do tác động của một nhóm người có
quyền lợi, không phải vì mục tiêu quản lý chung của Nhà nước hoặc vì quyền lợi của đa số đối tượng quản lý.
- Năng lực quản lý điều hành của chính quyền các cấp và tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về đất đai yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn: Bộ máy quản lý, đội ngũ công chức và hoạt động công vụ là công cụ rất quan trọng của quản lý Nhà nước về đất đai. Bộ máy quản lý đất đai của các cấp ở thành phố và quận vẫn còn yếu kém về chuyên môn, quá đông về số lượng, cơ chế hoạt động rườm rà và không ổn định về hệ thống tổ chức. Do tính đặc thù của công tác quản lý đất đai, đây là một lĩnh vực phức tạp đòi hỏi người quản lý phải có kiến thức về pháp luật và hiểu biết về kỹ thuật. Tuy nhiên gần như đa số cán bộ Chủ tịch ủy ban nhân dân phường không có bằng cấp chuyên môn, lại thiếu hiểu biết về pháp luật. Tham mưu giúp việc chủ tịch cấp phường là cán bộ địa chính phường lại thường không phải là người sở tại, kinh nghiệm quản lý kém lại không nắm vững lịch sử quản lý đất đai của địa phương nhiều.