3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
3.6.4. Giải pháp về quản lý, sử dụng đất công ích hợp lý, hiệu quả
3.6.4.1. Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ công chức địa chính ở cơ sở, đặc biệt là cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn
Thường xuyên tập huấn công tác chuyên môn cho cán bộ ngành tài nguyên và môi trường, đặc biệt là quan tâm đến cán bộ địa chính; tập huấn chuyên sâu các vấn đề về tổ chức thi hành luật, các văn bản dưới luật. Nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng các loại bản đồ dạng số, để so sánh, đối chiếu với thực tế, kịp thời cập nhật biến động trong quá trình quản lý, sử dụng đất công ích.
Cán bộ địa chính phải nắm vững và tham mưu tốt quy trình tổ chức đấu thầu đất công ích; đảm bảo công bằng, khách quan và đúng đối tượng; tránh khiếu nại, khiếu kiện trong quá trình quản lý, cho thuê đất công ích.
3.6.4.2. Đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai
Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai là việc làm cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý đất đai. Cơ sở dữ liệu đất đai phải được xây dựng thống nhất từ trung ương tới địa phương và phải là hệ thống đa mục tiêu, dễ khai thác, sử dụng và được cập nhật thường xuyên phục vụ quản lý vĩ mô và giám soát họat động quản lý vi mô của mỗi ngành.
Tận dụng có hiệu quả các tài liệu, số liệu, bản đồ số, các phần mềm chuyên ngành của các cơ quan cấp trên để khai thác, truy xuất và sử dụng có hiệu quả vào công tác quản lý đất công ích. Có thể nói hiện nay việc ứng dụng công nghệ tin học để lập cơ sở dữ liệu đất đai dạng số đã được cơ bản ứng dụng ở cơ quan tài nguyên môi trường cấp tỉnh và cấp huyện.
3.6.4.3. Giải pháp về Nâng cao chất lượng lập và thực hiện quy hoạch sử dụng đất
Hiện nay phần lớn diện tích đất công ích nằm xen kẹt trong khu dân cư, rải rác trong vườn nhà của hộ gia đình, cá nhân; do vậy các phương án quy hoạch sử dụng đất cần phải lưu ý đến vấn đề đất công ích. Cụ thể có thể thực hiện dồn những diện tích đất công ích nhỏ, manh mún vào một thửa (nếu liền kề), giải pháp nửa là nên quy hoạch giao lại phần diện tích này cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng và yêu cầu họ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Trong dài hạn, Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ trên quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp trên phải cụ thể đến từng thửa đất để người sử dụng đất biết được trong tương lai 5-10-15 năm sắp tới, thửa đất của mình sẽ được sử dụng như thế nào và bằng phương thức nào để thay đổi mục đích sử dụng. Bảo đảm được sự đồng thuận của xã hội, trao đổi thảo luận rộng rãi và dân chủ trước khi quyết định. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra giám sát chặt chẽ và hiệu quả việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm theo đúng trình tự của pháp luật.
3.6.4.4. Quản lý tài chính thu được từ đất công ích
Phải có một cơ chế tài chính chung và thống nhất trên phạm vi cả nước, cần quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc quản lý sử dụng nguồn từ quỹ đất công ích, có chế tài xử lý các sai phạm liên quan đến sử dụng nguồn thu này; cơ chế, chính sách, phương thức đấu thầu, giao khoán làm lành mạnh hóa nguồn thu từ đất công ích, làm tăng niềm tin của người người nông dân đối với chính quyền cơ sở.
Các địa phương cấp xã phải thực hiện nghiêm túc chế độ tài chính khi sử dụng nguồn thu tiền thuê đất từ quỹ đất công ích; công khai, minh bạch tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Có biện pháp nuôi dưỡng nguồn thu, khuyến khích, giảm giá đối với các khu đất công ích có điều kiện khó khăn…
3.6.4.5. Áp dụng mô hình sản xuất chuyên canh đối với đất công ích
Thực tiễn sản xuất nông nghiệp cho thấy, phương thức sản xuất theo mô hình chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên để thực hiện các mô hình này, cần phải có diện tích đất công ích với quy mô tập trung nhất định, do vậy cần phải thực hện đồng bộ các giải pháp nêu trên mới có cơ sở thực hiện.
3.6.4.6. Xử lý một số trường hợp trong quản lý, sử dụng đất công ích
Đối với diện tích đất công ích, trước đây khi cân đối thực hiện Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ, diện tích đất công ích nằm chung trong thửa đất của hộ gia đình cá nhân, tuy nhiên đã sử dụng xây nhà, các công trình trên đó, việc này cần có cơ chế để xử lý dứt điểm, nhằm quản lý tốt hơn đồng thời tăng thu cho ngân sách nhà nước. Ủy ban nhân dân tỉnh cần chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, rà soát và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh để cho phép giao phần diện tích đất công ích nằm chung trong thửa đất của người dân hoặc có biện pháp hoán đổi cho phù hợp.
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ