tin công khai cũng như hoạt động của người sử dụng mạng xã hội như thông tin về email đã đăng ký, tính thường xuyên trong việc cập nhật trạng thái, đăng bài viết, để lại bình luận đối với người dùng khác hoặc các hoạt động tương tự. “Từ những tài liệu, chứng cứ đó Tòa án có thể xem xét và xác định có đủ điều kiện chứng minh tài khoản mạng xã hội được đề cập có thực sự thuộc về chính người cần được cấp, tống đạt, thông báo VBTT hay không”91.
Kiến nghị: Từ những phân tích trên, tác giả đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về phương thức cấp, tống đạt, thông báo VBTT bằng phương tiện điện tử theo hướng như sau:
TAND tối cao kết hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cần ban hành văn bản liên tịch hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, các phương pháp được áp dụng để tiến hành việc định danh, xác thực người đăng ký thực hiện cấp, tống đạt, thông báo VBTT bằng phương tiện điện tử.
Sửa đổi, bổ sung Điều 176 BLTTDS theo hướng:
Việc cấp, tống đạt, thông báo bằng phương tiện điện tử được thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Cấp, tống đạt, thông báo bằng phương tiện điện tử có thể được thực hiện qua thư điện tử cá nhân hoặc mạng xã hội. Người được cấp, tống đạt, thông báo có trách nhiệm gửi thông báo đến Tòa án qua phương tiện điện tử về việc đã nhận được thông điệp dữ liệu điện tử.
Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Điều này.
2.4. Về thủ tục niêm yết công khai
Niêm yết công khai được thực hiện với mục đích mở rộng phạm vi thông báo, dán thông báo ở những nơi gần gũi, có liên quan nhất đến nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người nhận. Đây là phương thức cũng thường được sử dụng bởi không phải lúc nào người nhận cũng luôn có mặt, sinh sống tại nơi cư trú. Dù đã được pháp luật ghi nhận và quy định các địa điểm niêm yết nhưng trong thực tiễn xét xử, phương thức này vẫn còn bộc lộ một số bất cập.
Thứ nhất, BLTTDS hiện hành quy định điều kiện để thực hiện niêm yết công khai là khi “người được cấp, tống đạt, thông báo vắng mặt ở nơi cư trú mà
không rõ thời điểm trở về hoặc khi không rõ địa chỉ cư trú mới của họ”. Tuy nhiên,
hai điều kiện trên chưa thực sự rõ ràng và cụ thể. Mặt khác, một phương thức khác
91 Kristina Coleman (2017), “Beyond Baidoo v. Blood-Dzraku: Service of Process through Facebook and other Social Media Platforms through an Indiana Lens”, Indiana Law Review, Volume 50, Issue 2, tr. 670. other Social Media Platforms through an Indiana Lens”, Indiana Law Review, Volume 50, Issue 2, tr. 670.
là thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng lại được thực hiện dựa vào các điều kiện mà một trong số đó là sự hiệu quả của việc thực hiện niêm yết công khai dẫn đến vướng mắc khi lựa chọn áp dụng giữa hai phương thức.
Khi có căn cứ xác định niêm yết công khai không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người nhận thì sẽ thực hiện thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Như vậy, các căn cứ nào đủ điều kiện để xác định niêm yết công khai là không hiệu quả thì BLTTDS vẫn chưa có quy định. Điều này phần nào gây khó khăn trong thực tiễn xét xử khi một trường hợp có nhiều quan điểm khác nhau: thực hiện niêm yết công khai, thực hiện thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng hay thực hiện niêm yết công khai rồi sau đó mới thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, từ đó dẫn đến nhiều hướng xử lý khác nhau. Khi đến nơi cư trú của đương sự để thực hiện tống đạt, trước khi thực hiện niêm yết công khai, người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo đều phải lập biên bản xác minh tình hình cư trú của đương sự. Cơ quan có thẩm quyền tại địa phương sẽ xác nhận đương sự hiện có mặt tại nơi cư trú hay không, nếu vắng mặt thì đã vắng mặt trong bao lâu, có rõ thời gian trở về hay không, v.v. Nội dung xác minh tình hình cư trú của đương sự sẽ là căn cứ xác định tính hiệu quả của niêm yết công khai, từ đó người thực hiện cấp, tống đạt, thông báo sẽ lựa chọn thực hiện phương thức phù hợp. Tác giả cho rằng cần dựa vào nội dung xác minh cư trú của đương sự để cụ thể hóa các điều kiện hiện tại của niêm yết công khai, từ đó có sự phân biệt rạch ròi giữa hai phương thức là niêm yết công khai và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
Về điều kiện người được cấp, tống đạt, thông báo vắng mặt ở nơi cư trú mà
không rõ thời điểm trở về, nhận thấy cần dựa vào số lần đương sự vắng mặt trong
một khoảng thời gian nhất định hay khoảng thời gian đã vắng mặt khỏi nơi cư trú tính đến thời điểm được cấp, tống đạt, thông báo VBTT để phân biệt các trường hợp có hay không căn cứ xác định niêm yết công khai không đảm bảo quyền và lợi ích của người nhận. Cụ thể, luật quy định thời hạn niêm yết công khai VBTT là 15 ngày, kể từ ngày niêm yết. Ngày cuối cùng của thời hạn niêm yết được xác định là ngày người nhận coi như đã tiếp cận được với nguồn thông tin, đã nắm được các thông tin cần thiết, từ đó làm cơ sở tiếp tục giải quyết vụ việc. Như vậy, nếu người nhận vắng mặt ở nơi cư trú, không rõ thời điểm trở về mà thời gian vắng mặt quá 15 ngày (người nhận đi lao động xa một năm về nơi cư trú khoảng 1, 2 lần, đi công tác trong nhiều tháng, v.v.) thì gần như không có khả năng tiếp cận được với VBTT
được niêm yết tại nơi cư trú cũng như địa phương hoặc nếu có nắm được thông tin thì khi muốn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình cũng không đảm bảo được vấn đề về thời hạn. Khi việc thực hiện thông báo ở địa phương không đảm bảo hiệu quả thì cần thiết phải mở rộng phạm vi thông báo bằng phương thức thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
Trong thực tiễn xét xử đã xuất hiện trường hợp này và Tòa án có nhiều luồng quan điểm chưa thống nhất về việc áp dụng phương thức cấp, tống đạt, thông báo. Cụ thể là vụ án ly hôn giữa nguyên đơn – chị Ng và bị đơn – anh T do TAND huyện L thụ lý giải quyết92. Chị Ng yêu cầu được ly hôn với anh T và trực tiếp nuôi con chung. Ngày 05/5/2017, TAND huyện L thụ lý vụ án và sau đó đã triệu tập anh T đến Tòa án lấy lời khai nhưng anh T vắng mặt không lý do. Ngày 13/6/2017, Tòa án tiến hành xác minh tại địa chỉ cư trú của anh T. Theo kết quả xác minh địa phương cung cấp: “Anh T đã đi làm ăn xa, không có mặt tại địa phương, hàng năm anh T
chỉ về nhà khoảng 1-2 lần, sau đó anh T lại đi…” Anh T đều không có mặt tại địa
chỉ cư trú trong suốt quá trình giải quyết vụ án và Tòa án đã thực hiện việc niêm yết công khai các VBTT. Đối với vấn đề lựa chọn phương thức cấp, tống đạt, thông báo, quan điểm thứ nhất cho rằng việc niêm yết công khai đã được thực hiện đúng quy định nên Tòa án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt đối với anh T là có cơ sở. Quan điểm thứ hai cho rằng “vì anh T không có mặt tại địa chỉ cư trú trong suốt quá trình giải quyết vụ án và không biết hiện đang ở đâu, do đó có căn cứ để cho rằng, nếu chỉ thực hiện thủ tục niêm yết công khai mà không thực hiện thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng thì anh T không thể nhận được thông tin về các văn
bản tố tụng”93. Tác giả đồng ý một phần với quan điểm thứ hai. Tại biên bản xác
minh cư trú của đương sự đã nêu rõ đương sự làm việc ở xa và mỗi năm chỉ về nhà khoảng 1-2 lần. Như vậy, đối chiếu với thời hạn niêm yết công khai là 15 ngày thì việc niêm yết công khai trong trường hợp này là không đảm bảo quyền lợi của đương sự, cần thiết phải thực hiện thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, niêm yết công khai trong trường hợp này đã có căn cứ xác định không mang lại hiệu quả, nếu có niêm yết thì đương sự cũng không tiếp cận được với văn bản nên không cần thiết phải thực hiện mà tiến hành luôn việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để rút gọn quy trình tố tụng.