Sau khi trả nợ thay

Một phần của tài liệu Thế quyền sau khi thực hiện thay nghĩa vụ (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 30 - 33)

Trong thực tế có những tình huống thực hiện thay nghĩa vụ mà không thuộc các trường hợp như trên đã đề cập. Chẳng hạn, trường hợp một người đứng ra trả nợ thay cho người khác hoặc trả nợ thay để tiếp nhận bất động sản đang được thế chấp. Hiện nay, chưa có quy định cụ thể nào nói về việc thế quyền trong các tình huống như vậy nhưng thực tế đã có Tòa án vận dụng tư duy thế quyền để linh hoạt giải quyết. Có thể xem xét các vụ việc sau đây để thấy rõ hơn về vấn đề này.

(i) Trường hợp trả nợ thay

Tại Quyết định số 225/2013/DS-GĐT ngày 27/5/2013 về “V/v Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” của Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao:

Tòa xét thấy: “Từ các chứng cứ trên có cơ sở xác định chị Thảo có nhờ chị Trang vay hộ tiền Ngân hàng, nhưng do có quan hệ quen biết nên khi giao tiền không viết giấy biên nhận. Nay chị Trang đã trả tiền Ngân hàng nên chị Thảo phải có trách nhiệm trả chị Trang như Tòa án cấp sơ thẩm quyết định là có cơ sở, Tòa án cấp phúc thẩm bác yêu cầu của chị Trang là chưa đủ căn cứ”. Trong vụ án này, Tòa xác định chị Thảo đã nhờ chị Trang vay hộ tiền ngân hàng (thế chấp bằng quyền sử dụng đất của ba mẹ chị Thảo). Thực tế ở đây chị Thảo là người có nghĩa vụ thanh toán tiền vay ngân hàng, nhưng chị Trang đã đứng ra trả thay. Tòa án khẳng định chị Trang được quyền kiện đòi chị Thảo trả món nợ mà mình đã trả thay. Tuy nhiên, Tòa đã không viện dẫn căn cứ cho việc đưa ra quyết định nói trên. Có thể hiểu, sau khi chị Trang thực hiện cho ngân hàng thì quyền yêu cầu của ngân hàng được

chuyển giao cho chị Trang, quyền yêu cầu của chị Trang giống quyền yêu cầu của ngân hàng. Nói cách khác, lúc này chị Trang được thế vào vị trí của ngân hàng nên được quyền yêu cầu chị Thảo có nghĩa vụ thanh toán.

Trong Quyết định số 457/2010/DS-GĐT-TKT ngày 28/7/2010 của Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao, Tòa cho rằng: “ông Đức thừa nhận có vay của ông Kiếm 30.000.000đ, bà Thủy đã trả cho ông Kiếm thay ông Đức tổng cộng cả tiền gốc và lãi là 40.000.000đ. Cho nên, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm buộc ông Đức phải trả cho bà Thủy khoản tiền này là có căn cứ. Tòa án các cấp buộc ông Đức và vợ là bà Anh liên đới trả cho bà Thủy 404.112.000đ khi chưa xác minh làm rõ bà Anh có biết việc ông Đức vay mượn hay không. Nếu bà Anh biết thì phải làm rõ khoản tiền nào được sử dụng chung hay phục vụ trong sinh hoạt gia đình để từ đó xác định trách nhiệm trả nợ của mỗi người. Tòa án các cấp chưa làm rõ các vấn đề nêu trên mà lại nhận định ông bà Đức – Anh là quan hệ vợ chồng nên cùng có nghĩa vụ trả nợ theo Điều 25 Luật hôn nhân và gia đình và buộc bà Anh liên đới trả cho bà Thủy toàn bộ số tiền nêu trên là chưa đủ căn cứ vững chắc”27.

Với nội dung trên thì ông Đức và bà Anh có thể có trách nhiệm liên đới trả nợ nếu việc vay là để sử dụng chung hay phục vụ trong sinh hoạt gia đình. Trách nhiệm liên đới (nếu có) này của ông Đức và bà Anh là trách nhiệm liên đới với ông Kiếm nhưng Tòa dân sự đã theo hướng hai người này liên đới chịu trách nhiệm với bà Thủy (người trả nợ thay). Như vậy, có vẻ như Tòa án đã cho phép bà Thủy được thế quyền của ông Kiếm. Bởi vì bà Thủy cũng được yêu cầu ông Đức, bà Anh liên đới thanh toán giống như ông Kiếm được yêu cầu. Trường hợp thực tiễn xét xử này cho thấy đã có Tòa án theo hướng cho phép người thực hiện thay nghĩa vụ của người khác để đáp ứng yêu cầu của người có quyền thì được thế vào người có quyền để yêu cầu người có nghĩa vụ thanh toán.

Có thể tham khảo kinh nghiệm pháp luật nước ngoài về vấn đề trả nợ thay. BLDS Pháp trước năm 2016 quy định thế quyền diễn ra theo pháp luật “vì lợi ích chính đáng của người trả món nợ mà anh ta nợ cùng những người khác hoặc trả thay cho những người khác” (khoản 3 Điều 1251). Hiện nay, “Sắc lệnh loại bỏ danh sách đầy đủ của Điều 1251 trước đây và thay thế bằng một tiêu chí chung cho nó: thế quyền được thực hiện duy nhất theo luật “cho người có lợi ích chính đáng trong việc thế quyền khi người này tiến hành thanh toán giải phóng người có nghĩa vụ

cuối cùng một phần hay toàn bộ món nợ đối với người có quyền” (Điều 1346). Theo Chính phủ, tiêu chí mới này “đáp ứng các án lệ hiện hành, rất tự do trong việc giải thích các văn bản””28. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng việc trả thay không đương nhiên dẫn đến việc được thế quyền. Về vấn đề này, theo tác giả Pháp: “yêu cầu về lợi ích chính đáng trong việc thanh toán khoản nợ của người khác đã được thêm vào (điều luật) vào thời điểm cuối cùng nhằm xoa dịu sự lo ngại của giới chuyên môn vốn cho rằng các bên thứ ba có mục đích xấu có thể thu được các khoản nợ mà đối thủ cạnh tranh là con nợ và do đó can thiệp vào công việc của họ”29. Điều này cũng phù hợp với một án lệ phát triển trên cơ sở khoản 3 Điều 1251 trước đây, “án lệ luôn từ chối việc thế quyền theo pháp luật cho bên thứ ba, người trả khoản nợ mà anh ta hoàn toàn xa lạ”30. Có thể hiểu việc thế quyền sau khi thực hiện thay nghĩa vụ là có điều kiện và phải thỏa điều kiện thì mới được thế quyền. Nói cách khác, pháp luật Pháp cho phép trong một số trường hợp nhất định người đứng ra trả nợ thay được thế vào quyền của chủ nợ để đòi con nợ thanh toán.

(ii) Trường hợp trả nợ thay để tiếp nhận bất động sản đang được thế chấp

Xét Bản án số 33/2019/DSST ngày 07/8/2019 của Tòa án nhân dân huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk31:

Theo nội dung bản án, ông Dương và bà Lê trả nợ ngân hàng thay cho bà Ngô để nhận chuyển nhượng bất động sản đang được thế chấp. Trong trường hợp này, hợp đồng chuyển nhượng bị tuyên vô hiệu do tài sản bị kê biên để đảm bảo thi hành án. Tòa án yêu cầu các bên trả lại cho nhau những gì đã nhận, đồng thời dành ưu tiên cho người trả thay khi xử lý tài sản thế chấp. Cụ thể, Tòa cho rằng: “Khi nhận chuyển nhượng từ bà Ngô thì lô đất trên vẫn chưa bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Do đó trong trường hợp ông Dương, bà Lê không thanh toán xong khoản nợ Ngân hàng thay bà Ngô, thì tài sản thế chấp vẫn phải bảo đảm nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng, mới đến thứ tự ưu tiên thanh toán cho những người có đơn yêu cầu thi hành án. Do đó đề nghị Cơ quan Thi hành án khi thi hành án cần ưu tiên thanh toán trả trước cho ông Dương, bà Lê”. Như vậy, Tòa án đã dành quyền ưu tiên cho người trả nợ thay để nhận chuyển nhượng tài sản đang được thế chấp.

28Clément François, tlđd (6).

29 Lionel Andreu, Valerio Forti, Éric Savaux, “Chronique de régime général des obligations (Septembre 2015

– février 2016) (2e partie)”, [https://www.actu-juridique.fr/civil/obligations-contrats/chronique-de-regime- general-des-obligations-septembre-2015-fevrier-2016-2e-partie/] (truy cập ngày 02/6/2021).

30 Lionel Andreu, Valerio Forti, Éric Savaux, tlđd (29).

Quyền ưu tiên thanh toán này chỉ có thể lý giải được thông qua tư duy thế quyền sau khi thực hiện thay nghĩa vụ, theo đó quyền yêu cầu của ngân hàng đã được chuyển giao cho người trả nợ thay. Bởi vì tài sản thế chấp “vẫn phải bảo đảm nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng”.

Tham khảo pháp luật nước ngoài liên quan tình huống trả nợ thay để tiếp nhận tài sản thế chấp, đơn cử BLDS bang Louisiana (2019) quy định thế quyền theo pháp luật xảy ra khi “người mua một động sản hoặc bất động sản dùng số tiền mua để thực hiện nghĩa vụ đối với những người có bất cứ đặc quyền, cầm cố, thế chấp hoặc quyền lợi bảo đảm đối với tài sản đó” (khoản 2 Điều 1829). Như vậy, người mua một tài sản được thế chấp sử dụng tiền để trả cho người nhận thế chấp thay vì trả tiền cho người bán sẽ được thế quyền người nhận thế chấp. Cũng có thể tìm thấy quy định tương tự trong pháp luật dân sự Pháp, cụ thể tại khoản 2 Điều 1251 BLDS Pháp (trước năm 2016) cho phép thế quyền đương nhiên trong trường hợp: “Người mua bất động sản dùng số tiền mua bất động sản để thực hiện nghĩa vụ đối với những người có quyền thế chấp trên bất động sản đó”. BLDS Pháp sửa đổi năm 2016 ghi nhận “thế quyền được thực hiện theo luật cho người có lợi ích chính đáng trong việc thế quyền khi người này tiến hành thanh toán giải phóng người có nghĩa vụ cuối cùng một phần hay toàn bộ món nợ đối với người có quyền” (Điều 1346). Theo một tác giả Pháp, “trước đây cũng như ngày nay, người nhận chuyển nhượng một bất động sản đang được thế chấp chắc chắn có lợi ích và tất cả là chính đáng khi họ sử dụng tiền mua để thanh toán cho người có quyền nhận thế chấp. Do đó, họ đương nhiên được viện dẫn Điều 1346 mới của Bộ luật dân sự”32. Có thể thấy pháp luật dân sự Pháp trước đây cũng như ngày nay đều theo hướng cho phép một người dùng số tiền mua bất động sản đang bị thế chấp để thanh toán cho người có quyền (người nhận thế chấp) thay người có nghĩa vụ thì được thế vào người có quyền để yêu cầu người có nghĩa vụ.

Một phần của tài liệu Thế quyền sau khi thực hiện thay nghĩa vụ (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)