Sau khi bồi thường thiệt hại

Một phần của tài liệu Thế quyền sau khi thực hiện thay nghĩa vụ (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 25 - 30)

Trong trường hợp bồi thường thiệt hại do người khác (người của pháp nhân; người làm công, người học nghề) gây ra, luật cho phép pháp nhân sau khi bồi thường thiệt hại được quyền yêu cầu người có lỗi gây ra thiệt hại hoàn trả lại cho mình. Cụ thể, Điều 622 BLDS 1995 quy định: “nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại, thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả khoản tiền mà mình đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật”. Các Điều 618 BLDS 2005 hay Điều 597 BLDS 2015 có một điều chỉnh khi ghi nhận: “nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”. Tương tự, các quy định tại Điều 626 BLDS 1995 (Điều 622 BLDS 2005, Điều 600 BLDS 2015) về bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra cũng cho phép pháp nhân sau khi bồi thường thiệt hại có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây ra thiệt hại hoàn trả. Có thể thấy từ các quy định trên là luật đã yêu cầu

pháp nhân (người quản lý cá nhân gây thiệt hại) phải thực hiện bồi thường trước để đảm bảo quyền lợi người bị thiệt hại đồng thời cũng để thúc đẩy pháp nhân tăng cường trách nhiệm quản lý của mình hạn chế rủi ro thiệt hại xảy ra. Bên cạnh đó, luật cũng cho phép pháp nhân sau khi thực hiện bồi thường thiệt hại vốn do người khác gây ra thì được quyền yêu cầu người gây ra thiệt hại bồi hoàn cho mình. Về bản chất, người gây ra thiệt hại có trách nhiệm bồi thường với người bị thiệt hại (người nào gây thiệt hại thì người đó bồi thường17) nhưng với tinh thần của quy định nêu trên thì pháp nhân đứng ra thực hiện trước. Theo hướng này, sau khi thực hiện cho người bị thiệt hại (bên có quyền trong quan hệ bồi thường) thì người bồi thường được thế vào vị trí của người bị thiệt hại nên được quyền yêu cầu người gây ra thiệt hại bồi hoàn. Để thấy rõ hơn, có thể xem xét trường hợp thực tiễn sau đây.

Xét Bản án số 33/2012/DSST ngày 29/8/2012 của Tòa án nhân dân thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa18:

Theo nội dung bản án, ông Hiệu là lái xe của công ty xe khách Khánh Hòa đã tự ý giao xe cho ông Đường (có hợp đồng miệng làm phụ xe, không có bằng lái) lái và gây tai nạn. Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường là công ty Khánh Hòa với tư cách là chủ sở hữu xe gây ra tai nạn nhưng người tham gia vào việc gây tai nạn lại là ông Hiệu (gián tiếp) và ông Đường (trực tiếp). Tòa án xác định những người có lỗi trong việc gây ra thiệt hại là người của công ty Khánh Hòa và theo hướng những người gây ra thiệt hại phải liên đới bồi hoàn tiền bồi thường cho người bồi thường.

Căn cứ pháp lý mà Tòa án sử dụng là các Điều 608 BLDS 2005 (xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm) và Điều 623 BLDS 200519 (bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra) mà không đề cập trực tiếp Điều 622 BLDS 2005 (bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra) nhưng với hướng phán quyết như trên có thể hiểu Tòa cũng đã vận dụng tư duy quy định này. Bởi vì, để buộc người gây ra thiệt hại bồi hoàn cho công ty Khánh Hòa, Tòa án đã xác định người gây thiệt hại là của công ty Khánh Hòa và người này có lỗi trong việc gây ra

17Điều 604 Bộ luật dân sự 2005: “Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh

dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”.

18 Đỗ Văn Đại (2018), Luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng Việt Nam – Bản án và bình luận bản án -

Tập 2, Nxb. Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam, Hà Nội, tr.746-747.

19 Khoản 2 Điều 623 Bộ luật dân sự 2005: “Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do

nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác”.

thiệt hại. Cụ thể, theo Tòa án: “Ông Hiệu cho rằng việc ông Thi xuống xe, ông đã báo cáo cho phòng điều hành và được chỉ thị là khi mệt giao xe cho ông Đường lái, tuy nhiên phía Công ty Khánh Hòa phủ nhận ý kiến của ông Hiệu và ông Hiệu không xuất trình được chứng cứ chứng minh cho quan điểm của mình nên cần xác định lỗi hoàn toàn thuộc về ông Hiệu”. Lỗi ở đây là lỗi của ông Hiệu (người lao động) với Công ty Khánh Hòa (người sử dụng lao động) trong quan hệ lao động, vốn là một điều kiện để áp dụng Điều 622 BLDS 200520 nói trên.

Và như đã phân tích ở trên, người vốn phải chịu trách nhiệm chính là người gây thiệt hại còn công ty Khánh Hòa chỉ đứng ra thực hiện thay để đảm bảo quyền lợi cho người bị thiệt hại (người có quyền trong quan hệ bồi thường). Theo hướng này, sau khi thực hiện cho người bị thiệt hại, người bồi thường được thế vào vị trí của người bị thiệt hại nên có quyền yêu cầu người gây ra thiệt hại bồi hoàn cho mình.

Có thể thấy bóng dáng mối quan hệ bảo hiểm trong trường hợp bồi thường trên, khi cũng có một bên bồi thường cho bên bị thiệt hại sau đó đòi bồi hoàn từ bên có lỗi gây ra thiệt hại. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 577 BLDS 2005: “Trong trường hợp người thứ ba có lỗi mà gây thiệt hại cho bên được bảo hiểm và bên bảo hiểm đã trả tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm thì bên bảo hiểm có quyền yêu cầu người thứ ba hoàn trả khoản tiền mà mình đã trả”. Với mối quan hệ bồi thường thiệt hại gồm ba bên giống như trong quan hệ bảo hiểm, hoàn toàn có thể vận dụng tương tự quy định của pháp luật, qua đó cho phép pháp nhân sau khi bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại sẽ được thế vào vị trí của người bị thiệt hại để yêu cầu người gây thiệt hại bồi thường.

Tham khảo pháp luật nước ngoài liên quan vấn đề thế quyền trong bồi thường, theo một tác giả Nga thì người có quyền có thể “chuyển giao quyền của mình trong một quan hệ nghĩa vụ bồi thường cho bên thứ ba theo pháp luật trong ba trường hợp chung, đó là, thông qua sự thế quyền của một công ty bảo hiểm theo Điều 387 của Bộ luật dân sự, thông qua một hành động bồi thường theo Điều 1081 của Bộ luật dân sự và bằng cách kế thừa pháp lý theo Điều 387 của Bộ luật dân sự”21. Tại khoản 1 Điều 1081 BLDS Nga nêu trên ghi nhận “một người đã bồi

20Điều 622 Bộ luật dân sự 2005: “Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác phải bồi thường thiệt hại do người

làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.

21 Osakwe Ch., “Russian Civil Code. Parts 1-3: text and Analysis”, [http://books.google.lt/books?id=

thường thiệt hại do người khác (nhân viên thực hiện nhiệm vụ chính thức hay các nhiệm vụ lao động khác, người điều khiển phương tiện vận tải, v.v.) gây ra có quyền truy đòi người này số tiền bồi thường đã trả”. Có thể thấy, BLDS Nga đã ghi nhận cụ thể trường hợp thế quyền của người bồi thường sau khi đã bồi thường thiệt hại do người lao động hay người điều khiển phương tiện vận tải gây ra.

BLDS Pháp trước năm 2016, tại Điều 1251 đã liệt kê các trường hợp thế quyền theo pháp luật bao gồm bốn trường hợp đặc biệt và một trường hợp chung được nêu tại khoản 3, theo đó việc thế quyền diễn ra “vì lợi ích chính đáng của người trả món nợ mà anh ta nợ cùng những người khác hoặc trả thay cho những người khác”. Theo một tác giả Pháp: “Tòa giám đốc thẩm đã giải thích trường hợp chung này rất rộng, ví dụ như trong trường hợp công chứng viên do thiếu sót đã làm cho thân chủ của mình mất quyền lợi trong việc thế chấp. Công chứng viên đã được yêu cầu phải bồi thường thiệt hại mà khách hàng của mình phải gánh chịu do mất thế chấp. Tòa giám đốc thẩm thừa nhận rằng công chứng viên có thể được hưởng lợi từ việc thế quyền theo pháp luật để kiện ngược lại con nợ của khách hàng của mình, mặc dù công chứng viên không rõ ràng là bị ràng buộc “vì người khác” hay “với người khác”, nhưng đã trả một khoản nợ hoàn toàn mang tính cá nhân cho anh ta”22. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong tình huống trên thực chất là của con nợ của khách hàng bởi đó mới là người trực tiếp gây thiệt hại sau khi việc mất thế chấp xảy ra. Công chứng viên đã thực hiện trách nhiệm bồi thường này và do đó được thế vào khách hàng để kiện đòi con nợ của khách hàng (người gây thiệt hại). Theo hướng giải thích của Tòa án Pháp thì trường hợp chung quy định tại khoản 3 nói trên có thể vận dụng cho tình huống bồi thường thiệt hại đang đề cập.

Hiện nay, Điều 1346 BLDS Pháp (sửa đổi năm 2016) mở rộng hơn khi quy định “thế quyền được thực hiện theo luật cho người có lợi ích chính đáng trong việc thế quyền khi người này tiến hành thanh toán giải phóng người có nghĩa vụ cuối cùng một phần hay toàn bộ món nợ đối với người có quyền”23. Theo một tác giả Pháp, “khái niệm về lợi ích chính đáng bao hàm tất cả các trường hợp thế quyền theo quy định của Điều 1251 Bộ luật dân sự trước đây. Mặt khác, khái niệm lợi ích chính đáng cũng có thể xem xét cho trường hợp một con nợ đã trả một món nợ mang tính cá nhân đối với anh ta, trong khi một con nợ thứ hai vì anh ta đã được

22 Clément François, tlđd (6).

hưởng lợi từ việc chấm dứt nghĩa vụ, phải đảm bảo khoản nợ cuối cùng”24. Có thể thấy, việc thanh toán cá nhân của người bồi thường thiệt hại đã giúp giải phóng người gây thiệt hại (người có nghĩa vụ) khỏi món nợ đối với người bị thiệt hại (người có quyền). Cho nên lợi ích của pháp nhân (người bồi thường) trong việc thế quyền ở đây là hoàn toàn chính đáng. Nói cách khác, pháp nhân đã thực hiện bồi thường cho người bị thiệt hại (người có quyền) được thế quyền theo pháp luật để thực hiện truy đòi người gây thiệt hại (người có nghĩa vụ).

Ngoài ra, để có cái nhìn rộng hơn, có thể tham khảo pháp luật Mỹ về bồi thường thiệt hại trong quan hệ lao động:

“Luật bồi thường cho người lao động yêu cầu người sử dụng lao động phải trả quyền lợi bồi thường của người lao động cho nhân viên bị thương trong phạm vi việc làm bất kể yếu tố lỗi. Nghĩa vụ này không bị ảnh hưởng bởi thực tế là thương tật yêu cầu người sử dụng lao động trả tiền trợ cấp thường do sơ suất của bên thứ ba không liên quan đến quan hệ lao động. Vì lý do này, hầu hết các Đạo luật bồi thường cho người lao động quy định cho người sử dụng lao động không có lỗi hoặc hãng bảo hiểm được thế quyền để đòi bồi hoàn từ bất kỳ bên thứ ba có trách nhiệm nào trong phạm vi quyền lợi trả cho người lao động bị thương. Phương thức bồi hoàn này ngăn sự bồi thường kép cho người lao động, cho phép người lao động bị thương tật bắt đầu nhận tiền bồi thường ngay sau khi bị thương”25.

Pháp luật một số tiểu bang Mỹ đã “yêu cầu người lao động bị thương lựa chọn theo đuổi một vụ kiện theo thông luật chống lại bên thứ ba hoặc nhận các quyền lợi theo Quy chế bồi thường cho người lao động hiện hành, trong trường hợp đó, việc nộp đơn kiện người sử dụng lao động về quyền lợi bồi thường cho người lao động sẽ cho phép người sử dụng lao động thế vào các quyền mà người lao động bị thương có được đối với bên thứ ba có lỗi”26. Có thể thấy pháp luật Mỹ đã có sự cho phép người sử dụng lao động hay công ty bảo hiểm bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động được thế vào quyền của người này để đòi bồi hoàn từ bên

24 Aurélien Bamdé, “Le régime juridique de la subrogation (légale et conventionnelle): notion, conditions,

effets”, [https://aurelienbamde.com/2018/01/28/le-regime-juridique-de-la-subrogation-legale-et-conventionnelle -notion-conditions-effets/] (truy cập ngày 21/3/2021).

25 Gregogy T. Talley, “The Employer's/Insurance Carrier's Right to Subrogation Under the Georgia Workers'

Compensation Act (O.C.G.A. Section 34-9-11.1): How Long Will It Last?”, Mercer Law Review, [https://

ursa.mercer.edu/handle/10898/8124] (truy cập ngày 11/3/2021).

thứ ba có lỗi. Đây cũng là tình huống một người đứng ra bồi thường thiệt hại do người khác gây ra, chỉ khác với những trường hợp trên là người khác này là người ở bên ngoài mối quan hệ lao động. Tuy nhiên, trong trường hợp này có mối quan hệ giữa người bồi thường thay (người sử dụng lao động) và người bị thiệt hại (người lao động). Và việc yêu cầu người sử dụng lao động bồi thường trước cho người lao động là để tạo điều kiện cho người lao động được nhận bồi thường kịp thời. Ở đây, việc thế quyền của người sử dụng lao động sau khi bồi thường cho người lao động để yêu cầu người gây ra thiệt hại bồi hoàn là hoàn toàn chính đáng. Có thể thấy cơ chế thế quyền khá linh hoạt và tiện lợi, không chỉ giúp ích cho người thực hiện thay nghĩa vụ trong việc thu hồi những gì đã bỏ ra mà còn tạo điều kiện cho bên bị thiệt hại sớm nhận được khoản bồi thường để khắc phục thiệt hại.

Một phần của tài liệu Thế quyền sau khi thực hiện thay nghĩa vụ (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 25 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)